dimanche 1 mai 2011

Một sinh viên VN yêu cầu được truy tố

Mặc Lâm, biên tập viên RFA


2011-05-01
Bản án TS luật Cù Huy Hà Vũ tiếp tục được hâm nóng khi sinh viên Nguyễn Anh Tuấn gửi tới Viện Kiểm Sát nhân dân Hà Nội bức thư yêu cầu bắt anh vì đã tàng trữ những tài liệu của TS Cù Huy Hà Vũ.

Photo courtesy of anhhaisg.blogspot.com
Sinh viên Nguyễn Anh Tuấn
Tòa án đã kết tội ông Vũ căn cứ trên những tài liệu này và vì vậy sinh viên Nguyễn Anh Tuấn cho rằng việc anh cất giữ chúng là hành vi phạm pháp. Mặc Lâm ghi nhận sự việc này như sau.

Lá đơn gởi Viện Kiểm Sát


nguyen-anh-tuans-don-220.jpg
Lá đơn gởi Viện Kiềm Sát của sinh viên Nguyễn Anh Tuấn. Photo courtesy of anhhaisg.blogspot.com.
 
Ngày 26 tháng 4 vừa qua công dân mạng đã xôn xao trước hành động của một sinh viên chưa tốt nghiệp từ mái trường Học Viện Hành Chính Hà Nội. Sinh viên này công khai tên tuổi của mình là Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1990 gửi tới Viện Kiểm Sát Hà Nội lá đơn mang nội dung yêu cầu truy tố chính mình vì đã tàng trữ tài liệu của TS Cù Huy Hà Vũ.
Lá đơn nhấn mạnh nếu VKS không truy tố anh vì tội tàng trữ tài liệu chống nhà nước, thì mặc nhiên phải trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ vì những hành vi đó “không phải là tội phạm”.
Lá đơn này ngay lập tức được truyền đi khắp thế giới. Tuấn đã giải thích việc làm của mình trong một bức thư ngắn gọn nhưng nói hết những điều cốt lõi mà anh muốn mọi người biết, anh viết:
Tôi xin có vài lời, tạm như là giải thích cho hành động của tôi, nếu ai đó thắc mắc.
-Thứ nhất, tôi làm điều này để bảo vệ nền pháp quyền non trẻ của đất nước tôi.
-Thứ hai, tôi chẳng thể tìm thêm được gì để mà tiếp tục thỏa hiệp với nỗi sợ hãi và sự hèn nhát của bản thân mình.
-Thứ ba, biết đến nhiều tấm gương dấn thân trong lịch sử và đọc nhiều về tư tưởng của họ, sẽ rất là hổ thẹn nếu tôi im lặng, bàng quan trước những bất công đang rõ ràng hiện hữu.
Ngoài 3 lý do trên, tôi không có động cơ nào khác.
Tôi cũng xin được nhắn gửi đôi điều:
Thứ ba, biết đến nhiều tấm gương dấn thân trong lịch sử và đọc nhiều về tư tưởng của họ, sẽ rất là hổ thẹn nếu tôi im lặng, bàng quan trước những bất công đang rõ ràng hiện hữu.
Nguyễn Anh Tuấn
-Đối với nhà chức trách: Tôi làm việc này xuất phát từ ý thức cá nhân tôi, không bàn bạc, hỏi han ý kiến của bất kỳ ai. Bởi thế, tôi mong rằng mọi hoạt động điều tra, xét hỏi của cơ quan an ninh chỉ tập trung vào bản thân tôi.Ngoài ra, các chứng cứ chống lại tôi đã được tôi trực tiếp cung cấp, do vậy, tôi mong rằng nhà chức trách, với sự đường hoàng cần có, sẽ không cần tốn công nghĩ ra những câu chuyện ly kỳ nhắm vào tôi.
-Đối với gia đình, người thân, bạn bè, thầy cô: Tôi thành thật xin lỗi tất cả nếu hành động của tôi có thể dẫn đến những liên lụy ngoài ý muốn cho mọi người. Nhưng tôi tin rằng, tất cả cũng là vì, một Việt Nam tốt đẹp hơn.
Lá đơn ngắn ngủi nhưng hết sức cô đọng nêu lên những luận cứ mà bất cứ ai có quan tâm đến vụ án TS Cù Huy Hà Vũ đều thấy có sức thuyết phục cao. Lá đơn ghi dấu một chuyển biến mới trong giới trí thức trẻ Việt Nam và chuyển biến này lại phát xuất từ một sinh viên đang ngồi học dưới một mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa.
Nguyễn Anh Tuấn được giảng dạy rất kỹ tư tưởng, lý thuyết chính trị cũng như các chính sách khác mà nhà nước đã và đang theo đuổi. Tuy nhiên được tiếp cận với công cụ truyền thông hiện đại, Tuấn và bạn bè cùng lứa với anh đã thoát ra hẳn vòng kềm tỏa thông tin của nhà nước để tiếp cận với làn sóng dân chủ bên ngoài và từ đó tư duy về chính trị đã hướng dẫn anh đến nhận thức về con đường dân chủ đích thực.

Hành động can đảm


000_Hkg4765495-250.jpg
TS luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 4-4-2011. AFP PHOTO.
 
Nhận xét về hành động hiếm có trong giới sinh viên này được GSTS Nguyễn Thế Hùng một trong ba người xây dựng mạng bauxite.vn chia sẻ:
“Thế hệ trẻ hiện nay mà tôi biết thì các em có quan tâm như thế nhưng rất ít em dám nói lên vấn đề mình quan tâm. Một số âm thầm quan tâm và tự biết trong lòng. Ở một xã hội mà mọi cái đều không rõ ràng, một số người sẽ bàng quan.
Trước hết vì người ta không thụ hưởng một nền giáo dục như các nước văn minh cho nên người ta không biết cái gì đúng cái gì sai. Những tờ báo của nhà nước đưa tin mà không có một thông tin nào để đối chứng và mình đọc mình không biết thế nào đúng thế nào sai.
Rồi kèm theo trình độ của sinh viên hiện nay. Hiểu biết căn bản về khoa học xã hội của họ không đầy đủ được như các nước tiên tiến. Khi anh muốn nói điều gì đúng hay sai thì anh phải có những lý luận vững chắc, có nguồn thông tin chính xác thì mới nói được, mà hai cái đó thì sinh viên chúng ta đều thiếu hết cả.”
Xét về khía cạnh pháp lý, liệu hành động này có được Viện kiểm sát tiến hành truy tố anh hay không, Luật Sư Huỳnh Văn Đông cho chúng tôi biết:
“Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì những hành vi tự thú, đầu thú thì cơ quan có trách nhiệm phải giải quyết vấn đề đó. Xét ở một khía cạnh khác thì tôi thấy hành động của anh Tuấn nó không nhằm mục đích đó mà nó nhằm mục đích cao cả hơn đó là yêu cầu nhà nước phải thực hiện cái được gọi là pháp chế xã hội chủ nghĩa theo như quy định của pháp luật
Trường hợp Viện Kiểm Sát và cơ quan chức năng khác không đá động gì đến đơn từ của anh Tuấn thì có nghĩa rằng họ tự phơi bày ra cho mọi người Việt Nam biết luật pháp của Việt Nam không như quy định mà quốc hội đã ban hành có nghĩa là luật pháp Việt Nam chỉ có mặt trên giấy tờ mà nó không được thực thi.”
Lớp trẻ Việt Nam thường thì rất là thờ ơ trước những trách nhiệm công dân và phản ứng trước những bất công xã hội. Tôi nghĩ rằng đây là một hiện tượng hiếm hoi và thể hiện như thế thì rất đáng mừng.
Nhà văn Võ Thị Hảo
Nhà văn Võ Thị Hảo, người có nhiều ý kiến về vụ án Cù Huy Hà Vũ cho biết nhận xét của bà như sau:
“Lớp trẻ Việt Nam thường thì rất là thờ ơ trước những trách nhiệm công dân và phản ứng trước những bất công xã hội. Tôi nghĩ rằng đây là một hiện tượng hiếm hoi và thể hiện như thế thì rất đáng mừng. Hiện nay Tuấn có thể đơn độc nhưng cách làm của Tuấn không chỉ là một người có suy nghĩ như Tuấn mà có thể có một số người đã bắt đầu ý thức hơn về cái quyền và bổn phận công dân về những bất công xã hội.
Tôi nghĩ đây là một thái độ mang tính xây dựng đối với xã hội hiện nay. Một người như thế cần được ủng hộ và tôn vinh.”

Ba lý do mà sinh viên Nguyễn Anh Tuấn đưa ra khi thực hiện hành động của mình tuy nhẹ nhàng nhưng có tiếng vang rất lớn. Anh nói lên một sự thật là từ trước tới nay trí thức trẻ Việt Nam có quá nhiều lo toan lẫn sợ hãi mà quên đi ý thức chính trị của một kẻ sĩ.
Anh đã dõng dạc tuyên bố với nhà chức trách rằng, nếu muốn bắt anh hãy sử dụng những phương tiện mà một nhà nước pháp quyền hiện có để bắt giữ và đừng hành hạ những những người không có liên can gì đến việc làm của anh.

Tiếng chuông thức tỉnh


000_Del404722-200.jpg
Giáo sư Ngô Bảo Châu. AFP photo
Nhà văn Phạm Toàn chia sẻ những điều mà ông cho là một tuyên ngôn của sinh viên Nguyễn Anh Tuấn:
“Việc làm của cậu Tuấn cho thấy một điều là xưa nay người ta vẫn nghĩ là thanh niên nó phớt lờ chính trị, nó không để ý gì những việc xảy ra chung quanh cả. Sự thật bây giờ cho thấy họ có quan tâm.
Bây giờ nhìn lại những phản ứng của thanh niên lâu nay một cách khác, tôi lấy thí dụ thế này, thanh niên lái xe đi phá phách phóng trên đường làm gì mà trong một đêm bị bắt tới 700 chiếc xe? Ta phải hiểu đấy là một sự thách thức. Thanh niên lâu nay phản ứng của nó khác nhau. Khác nhau là vì không có tổ chức, không có tính chất tổ chức cho nên phản ứng của nó lúc thì một cách vô chính phủ, lúc thì phản ứng một cách như tuyệt vọng, lúc thì phản ứng như không có gì cả.
Trường hợp của Tuấn là một tuyên ngôn. Thanh niên chúng tôi có chú ý đến những việc mà các vị muốn chúng tôi không chú ý.”

Nguyễn Anh Tuấn không phải là một sinh viên trẻ xốc nổi, mặc dù ở tuổi 21 nhưng anh đã có những sinh hoạt phản ánh các biểu cảm chính trị rất sáng tạo, nhà văn Phạm Toàn kể những điều ông biết được về sinh viên này:
“Cậu ấy đã tổ chức Quốc hội giả định như luyện tập có một quốc hội của mình. Cậu này đứng phát biểu dưới tư cách một bộ trưởng giả định. Nghĩa là cậu ấy đã chú ý đến cái việc điều hành đất nước từ lâu rồi mà mình không để ý thôi.
Hiện nay thanh niên họ đã bắt đầu  lên tiếng. Họ lên tiếng khéo lắm, có lúc lên tiếng kiểu anh Ngô Bảo Châu. Có lúc lên tiếng kiểu phóng xe đi đêm bất cần luật lệ.
Nhà văn Phạm Toàn
Hiện nay thanh niên họ đã bắt đầu lên tiếng. Họ lên tiếng khéo lắm, có lúc lên tiếng kiểu anh Ngô Bảo Châu. Có lúc lên tiếng kiểu phóng xe đi đêm bất cần luật lệ. Có lúc lên tiếng bằng cách vi phạm kỷ luật, và có lúc lên tiếng bằng những hoạt động của thanh niên, thí dụ như những hội nghị giả định, quốc hội giả định, bộ trưởng giả định, trong những cuộc họp giả định và lần này anh Tuấn ảnh giả định cái vụ ảnh bị bắt. Tự anh ấy trói tay đi nộp thân! Thông minh lắm!
Những người nào nguyên nhân cái việc làm cho người ta sợ làm cho người ta ghét thì cần phải suy nghĩ chứ không có lý gì mà một đàng cứ sân sân là họ yêu tôi, còn một đằng dân người ta nói: “thấy mặt tắt ti vi!””
Nguyễn Anh Tuấn đưa ra quyết định đầy bất ngờ trong hoàn cảnh chính trị hiện nay không những làm cho bạn trẻ đồng lứa tuổi giật mình về lòng can đảm của anh, mà còn giúp họ thấy được sự thật phía sau một bản án thiếu dân chủ trầm trọng được tuyên cho TS luật Cù Huy Hà Vũ bởi tòa án Nhân Dân thành phố Hà Nội vào ngày 4 tháng 4 vừa qua.
Lời tuyên bố đầy khí phách của sinh viên Nguyễn Anh Tuấn giống như một tiếng chuông cảnh báo cho những ai còn nghĩ rằng quyền lực của nhà cầm quyền là vĩnh cửu. Tiếng chuông Nguyễn Anh Tuấn thông báo những thời khắc im lặng đã qua và lúc này chính là lúc những tiếng nói từ trí thức trẻ đã bắt đầu xuất hiện.