vendredi 27 mai 2011

LUẬN một chút về LÝ của hai chữ TUYÊN TRUYỀN


Nhân việc blogger Xuồng Tam Bản bị buộc phải đóng blog vì phía an ninh (Pa25 – Công an TpHCM) và những người có trách nhiệm quản lý sinh viên trường Đại học Hoa Sen cho rằng, việc viết blog thể hiện quan điểm cá nhân về các vấn đề chính trị – xã hội, vấn nạn tham nhũng…. và chia sẻ quan điểm của mình ở dạng nhật ký mở, là một hình thức tuyên truyền sẽ “gây hậu quả nghiêm trọng” với người viết, ta hãy thử lướt qua một số định nghĩa về hành vi “tuyên truyền” xem sao:
1. Tuyên truyền là hành động truyền bá thông tin với mục đích đưa đẩy thái độ, suy nghĩ, tâm lý và ý kiến của quần chúng theo chiều hướng có lợi cho một phong trào hay tập đoàn, thường lồng sau mục tiêu chính trị. (1)
2. Tuyên truyền là một hoạt động nhằm thuyết phục quần chúng thông qua các phương tiện thông tin để hướng dẫn quần chúng hành động theo mục tiêu đặt ra nhằm đạt một mục đích nhất định nào đó. (2)
3. Tuyên truyền là một trong những hoạt động quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng, là động lực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của Đảng nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới cán bộ, đảng viên, và quần chúng nhân dân, tạo nên sự thống nhất và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, cỗ vũ quần chúng thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế – xã hội của Đảng đã đề ra. (3)
Tuyên truyền được hiểu nôm na rằng: Người ta “chế tác ra nội dung thông tin”, dùng các phương tiện “làm giá” thông tin, đẩy nội dung đến nơi mà chủ của thông tin cần. Làm cho nội dung thông tin trước tiên trở nên “hữu ích” đối với chủ nhân của nội dung thông tin đó.
Xét theo 3 định nghĩa được trích dẫn cho từng lĩnh vực như trên trên người ta có thể thấy rõ rằng tuyên truyền có vị trí như thế nào, có tác dụng ra làm sao đối với toàn xã hội.
Với đảng Cộng sản, công tác tuyên truyền chiếm vị trí cực kỳ quan trọng nếu không muốn nói là “quyết định sự sống còn”. Bên cạnh đó, song song với các biện pháp tuyên truyền thì tại Việt Nam lại có thêm sự tồn tại của một “hội đồng lý luận” và cả một “ban tuyên giáo lẫy lừng” chuyên sử dụng biện pháp che đậy tồn tại song song với những liệu pháp tuyên truyền. Có thể nói rằng, nếu tuyên truyền là sở trường của đảng Cộng sản, thì che đậy(hiện nay) lại là sở đoản. (hồi thời chưa có internet thì là sở trường)
Họ, đảng Cộng sản thấy sự bất lợi của “mạng cộng đồng” đối với họ. Cái “giá” thông tin này đang phát huy tác dụng theo nhiều chiều, nhiều tầng lớp xã hội. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của Internet thì sức mạnh tuyên truyền của những công cụ như báo chí, truyền thanh, truyền hình do đảng Cộng sản lãnh đạo cũng bị suy thoái dần. Người Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin để mở hơn, họ có sự lựa chọn khi đọc, để có thể phân tích và quyết định xem nên đặt niềm tin của mình ở đâu cho đúng chỗ. Blog xuất hiện, blogger thành các nhà dân báo. Họ thể hiện quan điểm, độ nhanh nhạy và xác thực của thông tin không theo những định hướng tuyên truyền của đảng Cộng sản, điều này thu hút một số lượng người đọc và có nhu cầu tìm kiếm thông tin thật sự về hiện trạng xã hội mà mình đang sống. Lại thấy nguy cơ bị yếu dần do sức mạnh của dân trí tác động nên đảng Cộng sản ra sức che giấu, “chặn khung”, “đặt tường” mà ta hiểu nôm na nhưng rộng rãi, đó là bưng bít thông tin.
Bằng chứng, họ đã bắt và bỏ tù những người có tư tưởng đối lập với những nguyên nhân “lãng xẹt”.
Bằng chứng sống nhất, dễ nhận thấy nhất là họ muốn có sự độc quyền để kiểm soát thông tin trên các trang mạng xã hội, và cả trong tư tưởng của con người.
Online cũng như offline.(4)
Thật là không tưởng!
Trong một xã hội văn minh với sự bùng nổ thông tin đến mức như chúng ta nhận thấy. Nếu đảng Cộng sản vẫn giữ vững và kiên định theo đuổi một “sở trường” và sở đoản như đã nói trên thì quả thật là họ đang cố chứng minh rằng: “Nếu muốn kéo tụt thế giới, giật lùi nhân loại không thể kiếm ra một biện pháp nào hơn là biện pháp tuyên truyền và bưng bít của đảng”…
Hãi chưa? Sợ chưa?
Cụm từ “tự do ngôn luận” hiện nay ở Việt Nam đang lơ lửng trên đầu một lưỡi đại đao “tuyên truyền” và sợi dây thòng lọng “bưng bít”.
Chủ nhân của vũ khí đó, hẳn ai cũng rõ.
Cuối cùng, “LUẬN” mãi cũng ra cái “LÝ” của đảng, “đỉnh cao trí tuệ” cũng chỉ có hai từ ĐỘC ĐOÁN.
Mẹ Nấm

blogger:
Tuyên truyền có hiệu quả phải được hổ trợ bởi bưng bít và  kỷ thuật nhồi sọ. Trước khi có truyền hình thì dùng loa ngoài ngỏ, bây giờ vẩn còn. Một chuyện bịa đặt nhưng nghe năm nầy qua năm khác sẻ nhiểm vào óc và trở thành sự thật không chối cải. Tuyên truyền còn chú trọng đến óc trẻ thơ, chưa biết suy xét, để tiêm nhiểm nhửng bịa đặt. Đến khi lớn lên đứa trẻ nhứt quyết đó là sự thật và rất khó lòng vứt bỏ.