samedi 14 mai 2011

Báo trong nước: Nạn đói Thanh Hóa do chính quyền siết đòi tiền


Việt Cộng: THANH HÓA (NNVN) -Tại sao một phần tư triệu người dân Thanh Hóa đói triền miên? Một tờ báo trong nước khẳng định lý do là vì chính quyền ép dân đóng thuế rất nặng “với nhiều khoản đóng góp vô lý.”
“Dân đói đến mức như thế nhưng chính quyền một số nơi trong tỉnh Thanh Hóa vẫn thu của dân nghèo nhiều khoản đóng góp vô lý,” báo Nông Nghiệp Việt Nam, thuộc của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, tiết lộ trong một bài phóng sự ngày 13 tháng 5.
Tình trạng này, theo bài báo trên của tác giả Văn Hùng, là “nguyên nhân của cái nghèo, cái đói của người dân nơi đây.”
Trước đây, báo NNVN đã báo động “xứ Thanh đói trên diện rộng,” với “241,558 nhân khẩu của 93,283 hộ dân đang rơi vào diện đói gay gắt” ở tỉnh Thanh Hóa. Cái đói không phải chỉ xảy ra ở các huyện miền núi vì bị hạn hán mà cả những huyện dọc theo biển vì cả hạn hán và ruộng nhiễm mặn.
Trong bài viết ngày 13 tháng 5, 2011, tác giả Văn Hùng kể ra một số trường hợp điển hình cho thấy nhà cầm quyền các địa phương, dù mất mùa vì thiên tai hay nhân tai (hạn hán, lũ lụt, nhiễm mặn, ô nhiễm v.v...) “Theo phản ánh của người dân xã Quảng Châu, cứ sau vụ thu hoạch thì chính quyền xã sẽ đến thu các khoản đóng góp của dân mà không bỏ sót một đối tượng nào trong xã, kể cả cụ già đến trẻ nhỏ, hay người không làm ruộng, bệnh tật, ốm đau, nghèo đói hay lũ lụt, mất mùa...”
NNVN kể ra trường hợp gia đình ông Nguyễn Hữu La, “vợ tâm thần hơn chục năm nay rồi mà xã vẫn thu biết bao nhiêu khoản đóng góp vô lý. Phải nói rằng, gia cảnh anh La nghèo đến mức kiệt quệ, tài sản trong nhà không có một thứ gì đáng giá. Vợ thì bị bệnh nặng, không có tiền thuốc thang, không đủ gạo ăn, con cái bỏ học đi làm cửu vạn, số tiền nợ 26 triệu đồng của ngân hàng và các cá nhân cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con suốt mấy năm nay mà không thể trả được.”
Dù vậy, ông La vẫn phải nộp một lượt (thuế) cho cả xã và thôn.
NNVN kể: “Khi tiếp xúc với chúng tôi, một cán bộ thành thực nói rằng: Kể cả mất mùa thì dân cũng phải đóng góp đủ các khoản do xã và thôn đề ra. Cho nên nhiều gia đình vừa kết thúc vụ thu hoạch cũng là lúc bắt đầu đi đong nợ gạo để ăn. Ngay như nhà anh La, bắt đầu ăn gạo đong từ tháng 9 năm ngoái. Không chỉ có ăn gạo đong, hiện nhà anh còn nợ các khoản đóng góp của xã và thôn với số thóc tương đương 2.7 triệu đồng.”
Còn ông La thì tâm sự: “Nhà nghèo quá, hết gạo ăn từ tháng 9, 2010 nên nhiều hôm đứt bữa. Ðến dịp Tết vừa rồi, gia đình được trợ cấp 45kg gạo. Sau Tết đến nay, bữa rau, bữa cháo nhưng vẫn không thể thoát ra được cảnh dứt bữa. Vợ thì bị tâm thần chục năm nay rồi. Hai đứa con lớn đã bỏ học đi làm cửu vạn nhưng chúng cũng không nuôi đủ mình. Ðứa con út đang học lớp 8 nhưng cũng đang muốn bỏ vì số tiền đóng nộp cho nhà trường đến nay còn thiếu 600,000đ nữa, cô giáo cứ hỏi hoài nên ngại không muốn đi học...”
Sở Xã Hội tỉnh Thanh Hóa đã làm tờ trình xin trợ cấp 3,759 tấn gạo chống đói giáp hạt nhưng chưa thấy tin tức gì được loan báo.
Theo liệt kê trên báo NNVN, bất kể người dân có đủ ăn hay không, ở cấp xã, họ đều phải gồng mình nộp đủ mọi loại “phí,” thật ra là thuế như thủy lợi phí, dịch vụ thủy nông, phí bảo vệ thực vật, quĩ văn hóa xã hội, quĩ y tế dân nuôi, quĩ tình nghĩa, quĩ quốc phòng, quĩ bảo hiểm chăn nuôi. Song song ở cấp thôn cũng bị thu “thủy lợi phí, bảo vệ nội đồng, công cán bộ, quĩ văn hóa xã hội, quĩ hành chính đoàn thể, quĩ phục vụ hội nghị của thôn, quĩ môi trường, quĩ thắp sáng công cộng...”
Năm ngoái, nhà cầm quyền Hà Nội hồ hởi khoe rằng Việt Nam đã trở thành một nước có “thu nhập trung bình” với lợi tức đầu người $1,160 USD trong khi ngoài tỉnh Thanh Hóa, nhiều tỉnh khác cũng còn phải cứu đói “giáp hạt.”
Ngày 12 tháng 5, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố quyết định hỗ trợ 4,995 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 5 địa phương để cứu đói, nhưng trong đó không có Thanh Hóa. Website chinhphu.vn liệt kê các tỉnh được nhận gạo gồm tỉnh Kon Tum được hỗ trợ 1,450 tấn; Hà Giang 1,345 tấn; Lào Cai 500 tấn; Yên Bái 1,500 tấn và Gia Lai 200 tấn.