jeudi 26 mai 2011

Công lý ở Việt Nam và người láng giềng “4 tốt”


Con đường Công Lý còn xa… 
Gần đây, có hai sự kiện mà không biết khi đọc/nghe được, người Việt đang sống ở trong nước có những suy nghĩ gì không. Một là chuyện sinh viên người Việt tên Hồ Quang Phương vào ngày 9 tháng 5, được chính quyền thành phố San Jose, Mỹ bồi thường số tiền $90,000 USD vì đã bị cảnh sát ở đây đánh vào năm 2009. Hồ Quang Phương 22 tuổi, đang theo học khoa toán ở đại học San Jose. Bốn nhân viên cảnh sát liên quan vụ này đã bị đình chỉ công tác. Hai là vụ ông Tổng Giám Ðốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn bị bắt ngày 14 tháng 5 tại New York vì cáo buộc “tấn công tình dục”. Hiện nay, ông Dominique Strauss-Kahn đã được tại ngoại sau khi phải nộp tiền thế chân 1 triệu đô la Mỹ, thêm 5 triệu tiền bảo hiểm. Ông còn bị giữ trong nhà, có người bảo vệ và theo dõi bằng máy móc điện tử, giấy tờ tùy thân phải nộp hết cho nhà chức trách… Nếu bị buộc tội, ông có thể đối mặt với bản án cao nhất là 25 năm tù! Và trước mắt, toàn bộ sự nghiệp chính trị, danh vọng, cuộc sống đẹp như mơ của ông xem như đi tong! Hai sự kiện tưởng như chẳng liên quan gì đến nhau nhưng một lần nữa, lại chứng tỏ một điều: Trong một quốc gia dân chủ pháp trị như Mỹ, nếu vi phạm pháp luật, anh không thể thoát khỏi sự trừng phạt, bất kể anh là ai! Hồ Quang Phương chỉ là một sinh viên nước ngoài đến du học tại Mỹ. Còn nạn nhân của ông Dominique Strauss-Kahn chỉ là một cô hầu phòng đến từ một trong các xứ nghèo nhất thế giới là Guinea của Phi Châu. Trong khi ông tổng giám đốc IMF là một con người tài ba, từng có công lớn đưa thế giới thoát khỏi nạn khủng hoảng kinh tế vừa qua. Thế nhưng luật pháp Mỹ đã đứng về phía các nạn nhân, theo đúng tinh thần luật pháp là để bảo vệ người dân. Chứ không phải để bảo vệ những kẻ có chức có quyền hay bảo vệ chế độ. Trong khi đó, ở Việt Nam – nơi nhà nước luôn luôn tự hào có nền dân chủ ngàn lần hơn, con đường đi tìm sự công bằng, công lý của người dân sao mà mệt mỏi, tuyệt vọng! Từ những vụ việc “nhỏ như con thỏ” như vụ võ sư Lê Minh Khương bị an ninh hàng không hành hung. Lẽ ra chỉ cần một lời xin lỗi chính thức, đàng hoàng từ phía Vietnam Airlines, vụ việc có lẽ đã không đi xa như vậy. Bởi hai cái sai trước hết là từ phía ngành hành không: Làm mất cuống vé của ông Khương-nguyên nhân dẫn đến sự cãi vã; hành xử thiếu tôn trọng khách hàng, thậm chí kém văn hóa từ tiếp viên cho đến an ninh hàng không. Thế nhưng, Vietnam Airline đã không làm như vậy. Vụ việc được đưa lên Cục Hàng Không. Và sau nhiều ngày làm việc, bất chấp lời khai của các nhân chứng, Cục Hàng Không vẫn kết luận: Huấn luyện viên Lê Minh Khương là người gây rối, làm thiệt hại cho ngành hàng không và hoàn toàn không có chuyện an ninh đánh người! Một kết luận khiến cho người trong cuộc, những người làm chứng và dư luận đều ngỡ ngàng! Thậm chí Cục Hàng Không còn “thách thức”: “Sau khi có kết luận, võ sư Khương có thể kiện tới các cấp có thẩm quyền. Cục Hàng Không Việt NAM sẵn sàng hầu kiện.” (Phụ nữ Today ngày 20 tháng 5) Báo Thanh Niên ngày 19 tháng 5, 2011 có bài: “Tắc trách gây chết người sao không khởi tố?” Bài báo viết: “Thời gian gần đây, có nhiều vụ chết người thương tâm do sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị quản lý, thi công công trình công cộng ở TP. HCM. Song đến nay vẫn chưa có vụ nào được khởi tố, gây bức xúc trong dư luận.” Bài báo đưa ra những trường hợp chết thương tâm như bị trượt chân ngã xuống hố sâu trên đường không có rào chắn. Bị dây cáp điện thoại thòng xuống đường cuốn vào bánh xe làm té ngã. Bị dây điện trung thế rớt xuống trúng xe hay bị trụ đèn chiếu sáng công cộng rò rỉ gây điện giật, v.v. Những ví dụ như vậy không phải là hiếm, nhưng khi xảy ra chuyện, bên điện lực thì đổ lỗi cho cầu đường, bên cầu đường thì đổ lỗi cho đơn vị thi công, v.v. Cuối cùng là “không thể xử lý hình sự”. Các nạn nhân cứ thế mà chết oan để lại nỗi đau khôn cùng cho người thân. Người dân Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn, bây giờ mỗi lần đi ngoài đường là lại nơm nớp lo bao nhiêu tai họa từ đâu ập xuống. Chưa kể tai nạn giao thông hàng năm giết chết hơn 10,000 mạng người! Nhưng kiện cáo thì có mà mút mùa! Nhân nói đến chuyện tai nạn giao thông, dư luận vẫn còn nhớ vụ tay tài xế “xe điên” gây ra cái chết oan ức cho em thiếu niên 17 tuổi. Ngày 20 tháng 5, TAND quận Hoàn Kiếm đã tuyên phạt bị cáo 2 năm tù giam! Một bản án phải nói là quá nhẹ so với hành vi của bị cáo: Vượt đèn đỏ tông vào xe nạn nhân, khi nạn nhân ngã không dừng lại đưa đi cấp cứu mà lại rồ ga bỏ chạy, chèn qua người bị nạn đang nằm dưới đường! Chẳng khác nào cố tình giết người. Gia đình nạn nhân đã kháng cáo. Lại bắt đầu một hành trình mệt mỏi đi tìm công lý! Còn những vụ công an đánh chết người mà báo chí đã đăng tải bao lâu nay thì càng không thấy ánh sáng công lý nằm ở đâu! Gần đây nhất, khi cái chết của anh Nguyễn Công Nhựt, bảo vệ kho công ty Kumho (khu công nghiệp Mỹ Phước III, huyện Bến Cát) đã rành rành oan ức như vậy, công an tỉnh Bình Dương vẫn khăng khăng nạn nhân tự tử chết. Tay Thiếu Tá Nguyễn Thành Phú, một trong những kẻ trực tiếp hỏi cung anh Nhựt mà dư luận cho rằng có thể liên quan đến cái chết của anh, đồng thời đã “gạ tình” vợ nạn nhân, chỉ bị giáng chức một bậc thành đại úy! Sự bất công đầy rẫy trong mọi mặt của xã hội. Nhưng người dân Việt Nam nhìn chung có sức chịu đựng vô bờ bến! Khi chuyện chưa xảy ra với chính bản thân, gia đình mình thì người ta vẫn cứ xem như không liên quan. Thậm chí, người dân cũng chẳng thực sự biết được mình đã bị cái nhà nước này đánh cắp mất những quyền gì. Và cái xã hội mà mình đang sống nó “không giống với bất cứ cái xã hội dân chủ, tiến bộ nào trên thế giới” ra sao! Chỉ hy vọng, đôi khi, những thông tin kiểu như vụ sinh viên Hồ Quang Phương hay ông tổng giám đốc IMF quyền uy ngất trời cũng không thoát khỏi lưới pháp luật, liệu có làm người Việt Nam tỉnh ra được chút nào chăng? Sống cạnh Trung Quốc không dễ Liên tiếp trong những ngày gần đây, báo chí đưa tin về việc Trung Quốc lại ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Ðông. Người Việt Nam còn nhớ cũng thời gian này năm ngoái, Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trong khu vực này. Nhiều tàu Việt Nam ra khơi đánh cá đã bị tàu Trung Quốc đánh chìm, cướp hết tài sản, ngư dân thì bị bắt giữ. Nhiều người đã phải trả tiền chuộc để được thả về. Nay trước nỗi sợ bị tàu Trung Quốc tấn công nhưng ngư dân vẫn phải ra khơi vì nỗi sợ đói còn lớn hơn. Nhà nước Việt Nam một mặt thì vẫn thúc ngư dân ra khơi, một mặt vẫn lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá vô lý của Trung Quốc. Nhưng xem ra những lời phản đối này chả có ký lô gam nào với nhà cầm quyền Trung Quốc! Số phận của ngư dân Việt Nam vẫn đành phó thác cho… trời. Lại thêm thông tin về tàu ngư dân ở Quảng Ngãi bị “tàu lạ” tấn công vào ngày 15 tháng 5. Sau khi bắn như vãi đạn làm hai ngư dân bị thương, “tàu lạ” cướp hết nhiên liệu, toàn bộ hải sản, trang thiết bị, ước khoảng 350 triệu đồng. Một tài sản khá lớn đối với những ngư dân nghèo! Chuyện ngư dân Việt Nam bị “bắt nạt” ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam từ lâu nay không còn là chuyện lạ nữa. Theo báo VietNamNet: “Hơn 85 tàu cùng hơn 1062 ngư dân của các làng chài huyện đảo Lý Sơn đã bị Trung Quốc bắt giữ, cướp tài sản, đánh đập khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam từ năm 2002 đến nay…” Người dân chỉ khẩn cầu “các cấp chính quyền hãy can thiệp và có biện pháp bảo vệ ngư dân đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam… Và “Cho ngư dân vay vốn đóng tàu lớn, hình thành những đội tàu đánh bắt cá hùng mạnh như các nước trong khu vực.” (Bài “Lời khẩn cầu của những ngư dân đảo Lý Sơn”) Những lời khẩn cầu tha thiết này liệu có thấu đến tai những người đang lãnh đạo đất nước này? Giành trọn quyền lãnh đạo để làm gì khi không thể bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, bảo vệ được người dân cũng không thể đem lại cuộc sống bình yên, no đủ cho họ? Kinh nghiệm xương máu bao nhiêu đời của dân Việt đã cho thấy sống bên cạnh Trung Quốc là điều không dễ dàng gì. Ðâu cứ phải càng nhu nhược, càng cố tỏ ra tận tụy trung thành là Trung Quốc sẽ để yên cho. Biển Ðông đối với Trung Quốc đã là “lợi ích cốt lõi”, không sớm thì muộn họ cũng sẽ giành lấy hết về phần mình mà thôi. Ðọc bài viết “Vì sao Trung Quốc chưa dùng vũ lực với Việt Nam?” của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy dịch từ tin tham khảo nội bộ đăng trên trang mạng chính thức của Trung Quốc thì rõ tâm địa thực của “người anh em” này. Câu hỏi vì sao Trung Quốc có thể dễ dàng bắt nạt Việt Nam hơn những nước khác ở vùng Ðông Nam Á này, cũng không phải là khó trả lời.