mardi 3 mai 2011

Công an ngày càng lộng hành, phi pháp

Thanh Quang, phóng viên RFA

2011-04-14
Công an Việt Nam xem chừng ngày càng hành động tuỳ tiện, phi lý, phi pháp… Công an có nhiệm vụ cao quý là bảo vệ dân, nhưng phải chăng “cứ vào tay công an là từ chết tới bị thương"?
courtesy damlambao.com
Ông Tùng bị công an đánh gãy cổ, chết

Công an đánh người

Những nạn nhân gần đây của công an VN có thể kể đến trường hợp hai nhà bất đồng chính kiến là BS Phạm Hồng Sơn và LS Lê Quốc Quân, như chị Vũ Thuý Hà, vợ BS Phạm Hồng Sơn, từ Hà Nội lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do:

"Rõ ràng là 2 anh Phạm Hồng Sơn và Lê Quốc Quân trước hết là bị đánh, đánh 1 cách dã man giữa thanh thiên bạch nhật, sau đó còn bị giam cầm 1 cách tuỳ tiện"
Gần đây, nhà bất đồng chính kiến Tạ Phong Tần ở Saigòn cũng báo động về việc công an hành động nặng tay:

"Tôi đâu có phạm tội gì đâu. Tôi nói rõ với nó là nó muốn bắt tôi thì cứ việc đem lệnh đến đọc tại nhà mà bắt, lập biên bản bắt đàng hoàng. Họ tống tôi vô trong tù, tôi kháng cự lại thì bọn nó ba bốn thằng đè, rồi nó kêu cả những thằng văn phòng nữa xúm vào đánh tôi,… lấy tay chém vào cổ tôi,… lôi kéo rồi đạp vô chân tôi,…đánh vào ngực tôi.
Rồi cả cái xâu tràng hạt màu đen tôi hay đeo trên cổ có cái thánh giá trên đó có ảnh Chúa chịu nạn và cái tượng Đức Mẹ Maria - Đức Mẹ La Vang tôi đang đeo trên cổ thì… nó giựt nó ném xuống đất”
Hiện trường nơi CA bắn vào đầu bé trai 12 tuổi
Hiện trường nơi CA bắn vào đầu bé trai 12 tuổi
. Sau cái chết tức tưởi đau thương của ông Trịnh Xuân Tùng do trung tá CA Nguyễn Văn Ninh gây ra ở khu vực phường Thịnh Liệt, Hà Nội hôm mùng 2 tháng Ba vừa rồi, thì gần đây nhất, hồi cuối tháng rồi, 1 nạn nhân khác, ông Trần Văn Dữ, đã bị công an thị trấn Sóc Trăng gây tử vong.
Báo VNExpress đã phải mô tả việc này là “Công an lại giết người ở Ngã Năm, Sóc Trăng”

Từ Bắc vô Nam...

Nói đến việc công an gây thương vong cho người dân, có lẽ công luận vẫn còn đậm nét những vụ ra tay tắc trách, phi pháp và vô cảm trong thời gian qua của giới được mệnh danh bảo vệ dân chúng.
Chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra bao nhiêu vụ như vậy:
- Thiếu tá CA Bùi Minh Thắng, Phó trưởng phòng CSGT Hậu Giang đánh công dân Đỗ Quốc Thái bằng dây thắt lưng phải nhập viện, công an Cửa Lò, Nghệ An đánh hội đồng anh Nguyễn Văn Hướng tét đầu.
- Công an Thuỳ Nguyên, Hải Phòng đánh gãy tay chị Ngô Thị Thu, công an phường Mỹ Bình, Long Xuyên đánh chết anh Đặng Văn Đen.
- Công an Phú Bình, Thái Nguyên, bóp cổ và đánh trọng thương anh Dương Đình Hiếu, công an Trảng Bom, Đồng Nai đánh chết công dân Trần Ngọc Đường.
- Công an huyện Châu Thành A, Hậu Giang đánh chết công dân Trần Duy Hải, anh Nguyễn Văn Khương chết về tay công an Tân Yên, Bắc Giang.
- Công an Thái Nguyên đánh chết anh Vũ Văn Hiền, công an Điện Bàn, Quảng Nam gây tử vong anh Võ Văn Khánh, công an Đà Nẵng đánh chết anh Võ Thành Năm.
- Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đánh chết công dân Nguyễn Quốc Bảo, và cái chết oan ức đau thương gần nhất là ông Trần Văn Dữ. Đó là chưa kể những trường hợp người dân bị công an bắn thủng tay, thủng đùi...
Những tình cảnh đó khiến bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hồi thứ Sáu tuần rồi, 04/08/11, công bố bản phúc trình về nhân quyền thế giới, bao gồm tình hình ở VN, qua đó, lưu ý rằng lực lượng công an cảnh sát VN, nói chung, ngược đãi những nghi can khi họ bắt giam các nạn nhân này, nhốt trong điều kiện lao xá thường khắc nghiệt.
Theo bản Phúc trình thì hành động sai trái của công an thường không bị trừng phạt trong khi tệ nạn tham nhũng trong ngành này tiếp tục là vấn nạn đáng kể. Nhiều cá nhân bị giam giữ độc đoán, kéo dài, vì hoạt động chính trị và không được xét xử công bằng giữa lúc hệ thống tư pháp VN bị ảnh hưởng đáng ngại vì yếu tố chính trị, tệ nạn tham nhũng và tình trạng kém hiệu năng.
Bản phúc trình không quên đề cập đến nhiều trường hợp cụ thể liên quan tới việc công an VN gây tử vong cho người dân, kể cả việc công an sử dụng xã hội đen và dân phòng để hành hung, sách nhiễu, làm nhục dân chúng, nhất là những nhà bất đồng chính kiến.
Họ quá đầy đủ, quá sung sướng đi, nên bảo vệ chế độ đến cùng.
Nhạc sĩ Tô Hải
Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do hồi tháng 2, nhạc sĩ Tô Hải từ trong nước nhận xét: "Ở nước ta, bất cứ chuyện gì cũng có thể trở thành tội phạm, cho nên việc đàn áp thì nhậy bén lắm. Bây giờ giới cầm quyền không ngại gì cả. Quân đội và công an, tôi xin nói, đó là những con người được chiều chuộng số một, được chiều chuộng về lương bổng, về các thứ. Do đó bộ phận này là bộ phận tuyệt đối trung thành với Đảng, vì không có đảng là họ mất hết. Họ quá đầy đủ, quá sung sướng đi rồi nên họ bảo vệ chế độ đến cùng."
Nói đến việc CA “bảo vệ chế độ đến cùng” khiến người ta nhớ tới khẩu hiệu “Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng, còn mình” từng được treo ngay tại mặt tiền trụ sở bộ Công an số 44, Yết Kiêu, Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập đảng CSVN.
Trong khi nhiều tờ báo do nhà nước kiểm soát, từ báo điện tử Đảng CSVN, Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân cho tới Vietnamnet, cùng giới lãnh đạo Hà Nội, cũng thường nhấn mạnh đến khẩu hiệu “Chỉ biết còn Đảng còn mình” dành cho công an.

Đạo đức cách mạng?

Theo GS Nguyễn Hưng Quốc, khẩu hiệu này không phải do “ngẫu hứng" mà là 1 nguyên tắc lớn trong điều gọi là “đạo đức cách mạng” của ngành công an VN.
GS Nguyễn Hưng Quốc nhận thấy “nguyên tắc lớn” đó sai ở 2 điểm"Thứ nhất, nó trái hẳn với bản chất của công an vốn ở đâu cũng được hình thành, trước hết, để bảo vệ luật pháp, bảo vệ trật tự xã hội và bảo vệ dân chúng.
Để bảo vệ luật pháp, công việc chính của công an là phòng và chống tội phạm các loại… Để bảo vệ trật tự xã hội, công việc chính của công an là giúp cuộc sống được điều hòa một cách tốt đẹp, từ chuyện giao thông đến việc tụ tập của đám đông ngoài đường phố, v.v…
Nó trái hẳn bản chất của dân chủ vốn được xây dựng trên tính chất độc lập của truyền thông, tư pháp, quân đội và công an.
GS Nguyễn Hưng Quốc
Cuối cùng, nhiệm vụ của công an là bảo vệ sự an toàn của dân chúng, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp. Có lẽ không có ở đâu (trừ các nước độc tài, dĩ nhiên!) công an lại tự đồng nhất với đảng cầm quyền và tuyên bố thẳng thừng là “chỉ biết còn Đảng còn mình” như vậy.
Thứ hai, nó trái hẳn bản chất của dân chủ vốn được xây dựng trên tính chất độc lập của truyền thông, tư pháp, quân đội và công an...
Khi nêu cao nguyên tắc “chỉ biết còn Đảng, còn mình” như vậy, công an Việt Nam, một mặt, tự phủ định lý do tồn tại chính của mình; mặt khác, tự tố giác tính chất phi dân chủ của Việt Nam. … Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi gần đây công an càng ngày càng lộng hành. Những vụ đánh người và giết người của công an diễn ra khắp nơi.

Giáo dân Thái Nguyên tranh chấp với công an
Giáo dân Thái Nguyên tranh chấp với công an

Nhà dân chủ Nguyễn Khắc Toàn ở Hà Nội bày tỏ quan ngại rằng số nạn nhân của công an VN sẽ gia tăng, mà theo ông, nguyên nhân chính là do thể chế độc tài toàn trị hiện giờ:
" Trong 1-2 năm gần đây, tình trạng công an trong nước tuỳ tiện bắt giam, đánh đập, thậm chí bắn giết những người dân vô tội, đưa con số nạn nhân lên tới phải nói trên dưới 20 người. Tôi nghĩ tất cả nạn dân do những vụ bạo hành của công an như tôi trình bài sơ bộ chưa phải là con số cuối cùng, và sẽ còn tiếp tục tăng".
Sở dĩ người dân trong nước chịu đựng như vậy, khi công an tuỳ tiện hành xử bạo lực, nặng tay với người dân, gây những cái chết rất đau thương, tức tưởi cho dân, chính là vì thể chế chính trị trong nước hiện vẫn là thể chế độc tài toàn trị.
Công an là công cụ riêng của đảng. Họ được dung dưỡng, dung túng và thậm chí được nhiều ân sủng của nhà nước.
Bộ máy công an trong nước không những là công cụ riêng bảo vệ chế độ mà họ còn tuỳ tiện sử dụng những gì mà bộ máy công quyền trao cho. Rồi khi họ phạm tội, không có những biện pháp chế tài trừng phạt nghiêm khắc. Vì thế con số nạn nhân một ngày một gia tăng.
Thêm vào đó, báo chí trong nước cũng bị “trói tay”, không được tự do lên tiếng để tranh đấu, ngăn ngừa tình trạng bạo hành và tội ác của công an. Nếu như ở quốc gia tôn trọng tự do dân chủ, nhân quyền, các quyền căn bản của người dân thì báo chí sẽ góp phần đẩy lùi tội ác do chính nhà cầm quyền, chính công an gây ra cho nhân dân.
Qua bài tựa đề “Khen các anh rất khó”, blogger Mẹ Nấm cũng lưu ý rằng: “Lực lượng công an nhân dân, được ví như thanh kiếm và lá chắn của xã hội. Nói một cách khác, các anh là công cụ bảo vệ. Số lượng con người trong ngành của các anh không lớn lắm – xuất thân của các anh là từ dân. Nếu thử làm phép “bổ đầu chia xôi” thì người ta sẽ thấy tỉ lệ vi phạm pháp luật của những người thừa hành luật pháp khá cao so với các ngành khác. Hay nói không ngoa cho lắm,… các anh phạm tội ác hơi nhiều”.