Như một điều hiển nhiên, con người ta luôn hướng tới những gì thực sự mang lại lợi ích cho mình. Vì thế những gì đi ngược lại hoặc không phục vụ cho lợi ích của con người sẽ bị người ta chối bỏ. Và nếu họ bị buộc phải đối diện, sống chung với nó thì những thứ ấy cũng chỉ như một bóng ma lạnh lẽo, thỉnh thoảng làm người ta rùng mình, mà không có một ảnh hưởng chi phối đời sống thực tế. Những cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam được tổ chức mỗi năm năm cũng rơi vào trường hợp tượng tự như thế.
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã trao cho Quốc hội cái quyền lực tối thượng, để rồi sau đó lại đặt nó vào một cái cơ chế có khả năng vô hiệu hóa các chức năng và quyền hạn của định chế chính trị quan trọng này.
Thật khôi hài khi tưởng tượng một anh khổng lồ được sinh ra vốn to lớn, khỏe mạnh và quyền uy hơn người, được trao cho một thanh kiếm báu, án ngữ tòa lâu đài chế độ, để rồi sau đó bị đặt vào chiếc ghế với xích sắt khóa cả tay chân. Cứ mỗi khi đọc lại giáo trình luật Hiến pháp tôi lại không thể nhịn được cười : “Quốc Hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”; và có cái cảm tưởng như chính mình vừa buông ra lời dối trá gạt ngườikhác.
Việt Nam là một trong những xứ sở của điều nghịch lý. Cái nền chính trị thối nát điều khiển cả xã hội để cuối cùng đưa cả xã hội tiến đến trạng thái vô lý, ngược đời. Đây là cái xã hội mà những kẻ tồi tệ nhất lại thăng tiến nhanh nhất và đạt được địa vị cao nhất. Tương tự như thế, ở đây bất cứ cái gì “có tiếng” thì không “có miếng”. Quốc hội là minh chứng sống động nhất. Được trao cho quyền lực tối cao theo Hiến định, Quốc hội được thành lập từ những cuộc bầu cử đại biểu rầm rộ, với số lượng cử tri đi bầu gây choáng ngợp: luôn là trên 90%. So với số lượng cử tri đi bầu trong các cuộc bầu cử ở các quốc gia dân chủ, thí dụ như cuộc bầu cử giữa kỳ ở Hoa Kỳ để bầu lại toàn bộ Hạ viện và một phần ba Thượng viện, thì con số 90% là quá sức tưởng tượng. Thế nhưng, cái Quốc hội Việt Nam lại là chỗ hội họp của những ông nghị chỉ biết gật gù vâng dạ. Thỉnh thoảng có một cá nhân dũng cảm đứng lên cất tiếng nói bênh vực lẽ phải, thì cuối cùng sự việc cũng “chìm xuồng”. Điều này cũng là điểm đặc trưng của các chế độ độc tài, đặc biệt là độc tài cộng sản.
Trong bất cứ quốc gia nào, việc chỉ có một phần dân số quan tâm đến chính trị, đến hiện tình quốc gia luôn là một thực tế không cần bàn cãi. Nhưng vấn đề ở đây không phải là những con số về sự hào nhoáng ngoại biểu của những cuộc bầu cử, mà là chất lượng của nó. Chất lượng ở đây chính là mức độ quan tâm đến các chính sách phát triển quốc gia, mức độ hiểu biết về các quyền chính trị của cử tri và cuối cùng là sự hiệu quả của các hoạt động dân cử.
Ở các nước dân chủ tự do, người ta không quan tâm thì họ không đi bầu, nhưng khi đã quan tâm thì họ tìm hiểu rất kỹ và tỏ ra rất có trách nhiệm với lá phiếu mình cầm trong tay. Vì người ta hiểu rõ rằng, quyết định của mình sẽ góp phần thay đổi diện mạo của quốc gia và cũng ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống thường nhật của họ. Ở Việt Nam thì khác, đi bầu cử là một chuyện không thể không làm, dù có muốn hay không. Nó không là việc quan trọng gì, hoàn toàn không thay đổi được bất cứ vấn đề lớn nhỏ nào liên quan đến quốc gia ở tầm vĩ mô, hay liên quan đến đời sống của từng cộng đồng dân cư cụ thể nào; thế nhưng khi một cử tri không đi bầu, thì một việc chẳng ý nghĩa gì như thế trở thành một vấn đề. Không đi bỏ phiếu bầu cử là đối mặt với sự ngược đãi của chính quyền địa phương: Ai sẽ chứng giấy tờ khai sinh, hộ khẩu, giấy tờ nhà đất, giấy tờ để đi học, đi làm? Mọi công việc thiết thực và quan trọng trong cuộc sống của người dân vì thế sẽ bị gây trở ngại.
Không ai dại gì mà để một chuyện bầu cử chẳng đâu vào đâu lại ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của mình. Vì thế, dù biết chính mình như một con bù nhìn, đi bầu cho những con bù nhìn khác trở thành đại biểu cho một cái Quốc hội cực kỳ bù nhìn, thì các cử tri vẫn đi bỏ phiếu đầy đủ.
Mọi cuộc Bầu cử Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam đều kết thúc “thành công tốt đẹp” là vì lẽ đó. Báo chí trong nước còn tuyên truyền rằng, báo chí thế giới đánh giá cao các cuộc bầu cử ở Việt Nam, rằng con số cử tri đông đảo chứng minh mức độ quan tâm và hi vọng của người dân vào các cuộc bầu bán của Nhà cầm quyền. Người ta có thể tìm thấy vô số những bài báo như vậy sau mỗi lần màn trình diễn trò hề bầu cử khép lại. Và cứ đến hẹn lại lên, bài bản của cái trò hề đó lại được mang ra trình diễn lại.
*****
Xin kể ra đây một câu chuyện xảy ra cách đây năm năm để quý vị có thể hiểu phần nào cái tình cảnh của những người dân “thấp cổ bé miệng” ở Việt Nam , đặc biệt là những người đã quyết định mang bản thân và gia đình vào “con đường hẹp” đối lập với Nhà cầm quyền cộng sản, nếu từ chối thực hiện cái quyền Hiến định của mình thì cũng không thể sống yên thân.
Năm 2007, mấy cha con tôi đã không đi bỏ phiếu bầu cử. Vậy là chính quyền địa phương, công an và Ban tổ chức bầu cử đã “tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình” bằng cách mang cả thùng phiếu tới nhà tôi, buộc ba tôi phải bỏ phiếu, làm cả xóm nhà tôi hoang mang lo lắng ra đường không dám chào ba tôi.
Nhưng cuối cùng họ cũng không thể làm gì được khi ba tôi kiên quyết không bỏ phiếu, không thực hiện cái hành động đơn giản nhưng mang ý nghĩa chính trị phức tạp- công nhận sự chính danh của chế độ, của những “đại biểu” mà Đảng cử ra. Tất nhiện điều này không thay đổi được gì nhiều, nhưng nó mang một ý nghĩa biểu trưng: cổ võ cho tinh thần bất hợp tác và không sợ hãi đối với Nhà cầm quyền độc tài, một sự chối bỏ sự nghịch lý một cách thằng thừng. Thiết nghĩ nó cũng đã có ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý và nhận thức của những người chứng kiến sự việc.
Sự an phận do sợ hãi và thiếu hiểu biết khiến người ta im lặng chấp nhận nghịch lý trong bất cứ lĩnh vực nào cũng là biểu hiện bệnh hoạn, huống chi là trong những vấn đề quốc gia. Còn nhớ, trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007, Linh mục Nguyễn Văn Lý đã kêu gọi cử tri Việt Nam tỏ thái độ bất hợp tác với chế độ bằng cách không đi bầu. Nhưng cuối cùng thì điều này càng làm người dân sợ hãi và họ đã đi bầu cử đông đủ hơn, để khỏi bị chụp mũ “phản động”. Không có con đường bằng phẳng và an toàn nào dẫn tới sự tiến bộ cả. Người ta đã thay đổi cuộc đời họ hoặc thay đổi thế giới chính bằng sự lựa chọn mạo hiểm. Tôi không muốn nói đến sự dấn thân liều lĩnh, mà muốn lưu ý đến sự chấp nhận rủi ro một cách tương đối.
Là những thanh niên mang trong mình lý tưởng vượt qua trở ngại để chinh phục, để đạt đến sự canh tân trong cuộc sống cá nhân và cho đất nước, chúng ta phải làm gì đó để tỏ thái độ bất hợp tác với sự cai trị phi lý của Nhà cầm quyền. Im lặng trước nghịch lý là thiếu trách nhiệm với bản thân mình, chủ động hay bị động hợp tác với cái cơ chế phản tiến bộ là một gánh nặng tội lỗi. Chúng ta phải tránh cho chính mình khỏi trở thành một phần của trò hề ấy.
Tam Kỳ ngày 13 tháng 4 năm 2011