jeudi 26 mai 2011

BƯỚC XUỐNG ĐỂ TIẾN LÊN

Ngô Minh Trí


Ông Lý Quang Diệu đã bước xuống để đất nước có thể tiến lên

Ngày 14.05.2011, bộ trưởng cố vấn Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) và bộ trưởng cao cấp Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong) của Singapore bất ngờ tuyên bố rút khỏi nội các của Singapore, đang do thủ tướng Lý Hiển Long, con trai ông Lý Quang Diệu, lãnh đạo.

Từ năm 1959 đến nay, ông Lý Quang Diệu luôn là một lãnh đạo chủ chốt với 31 năm đảm nhiệm chức vụ thủ tướng, 14 năm trong cương vị bộ trưởng cao cấp trong chính phủ của thủ tướng Ngô Tác Đống và là bộ trưởng cố vấn từ năm 2004 đến nay. Trong suốt quá trình đó, Singapore đã phát triển từ vị trí của một cảng biển kém phát triển, một đất nước thuộc thế giới thứ ba không có cơ sở kinh tế nào đáng kể, thiếu thốn tài nguyên nhưng đã phát triển mạnh mẽ để trở thành một quốc gia phát triển của thế giới thứ nhất với thu nhập đầu người khoảng 48.000 đô la Mỹ vào năm 2010. Cho nên, quyết định trên của ông Lý Quang Diệu và ông Ngô Tác Đống là một dấu ấn quan trọng không chỉ đối với chính trường Singapore mà còn quan trọng đối với cả đảo quốc sư tử.

Cũng vì thế, trước quyết định trên của ông Lý Quang Diệu, một số ý kiến tỏ ra hối tiếc và mong muốn ông Lý Quang Diệu tiếp tục hiện diện trong nội các chính phủ. Goh Yook Kim, một công dân Singapore 70 tuổi đã nghỉ hưu, nói rằng đó là một “điều đáng tiếc”, cho rằng: “Điều đó giống như có một kho báu và chúng ta ném kho báu ấy đi”. Goh Yook Kim là một trong trong số 120 người dân được nhật báo Straits Times (Singapore) thăm dò ý kiến về việc từ chức của hai bộ trưởng. Hầu hết những người được hỏi chỉ ra rằng việc bộ trưởng cố vấn Lý và bộ trưởng cao cấp Ngô tiếp tục tại chức là cần thiết hơn để đưa Singapore tiến lên.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ như thế. Trong cuộc phỏng vấn của Straits Times, nhà kinh doanh Chung Peng Hock, 48 tuổi, nói rằng: “Với sự thiếu vắng bộ trưởng cố vấn Lý trong bức tranh (nội các), các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ trẻ sẽ có cơ hội để chứng minh rằng họ có khả năng lãnh đạo đất nước của mình mà không phải dựa vào ông ấy”. Còn Cham Mooi Kiong, 58 tuổi và là chủ một cửa hàng tiện lợi, cho rằng thủ tướng Lý Hiển Long đã sẵn sàng tự lãnh đạo nội các của mình từ lâu khi nhận xét rằng: “Thủ tướng Lý (Hiển Long) đã sẵn sàng xây dựng đội ngũ của riêng ông ấy trong năm năm qua. Thật là không công bằng nếu nói rằng ông ta có thể lãnh đạo kể từ bây giờ khi bộ trưởng cố vấn và bộ trưởng cao cấp từ chức”.

Không những thế, có cả ý kiến thẳng thắn cho rằng sự ở lại của hai bộ trưởng là không cần thiết. Nhân viên ngân hàng Crystal Chan, 28 tuổi, trả lời phỏng vấn của Straits Times là: “Tôi nghĩ rằng cuộc bầu cử vừa qua đã cho thấy một điều khá rõ ràng là cả bộ trưởng cố vấn lẫn bộ trưởng cao cấp đều đã đánh mất sự tiếp xúc với thế hệ trẻ, và nếu họ ở lại trong nội các thì họ chỉ đóng vai trò như cái bóng trong các chính sách của thủ tướng mà thôi”.

Một số chuyên gia cũng có nhận định là lẽ ra bộ trưởng cố vấn Lý và bộ trưởng cao cấp Ngô nên từ chức sớm hơn. Bridget Welsh, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quản lý Lý Quang Diệu, phát biểu với hãng thông tấn AFP là: “Việc nghỉ hưu của ông Lý Quang Diệu đã dài quá hạn, vì ông ấy đã mất kết nối với thế hệ Singapore hiện tại”. Reuters trích dẫn Eugene Tan, trợ lý giáo sư tại Đại học Quản lý Lý Quang Diệu, nhận xét việc xem ông Lý Quang Diệu như một lãnh đạo toàn năng là “lỗi thời” và “thậm chí là độc tài”.

Kết quả của cuộc bầu cử vừa qua cho thấy những nhận xét của các chuyên gia là xác đáng. Trong cuộc bầu cử vừa qua, mặc dù đảng Nhân dân hành động (PAP) của ông Lý Quang Diệu vẫn chiếm áp đảo 81 ghế trong số 87 ghế tại quốc hội nhưng đã có một sự giảm sút đáng kể trong tín nhiệm của người dân khi tỷ lệ bầu cho PAP chỉ còn 60,1%, mức thấp kỷ lục kể từ khi PAP được thành lập. Tỷ lệ ủng hộ dành cho PAP đã giảm nhanh trong mười năm qua khi tỷ lệ bỏ phiếu dành cho PAP vào năm 2001 là 75% và năm 2006 là 67%. Vị thế của lực lượng đối lập cũng tăng lên khi các đảng đối lập chỉ dám tranh cử 47 ghế trong 84 ghế tại cuộc bầu cử năm 2006 thì nay họ đã dám tranh cử 82 trong 87 ghế trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua.
Khi PAP đang mất dần sự ủng hộ của dân chúng thì quyết định của ông Lý Quang Diệu là để chứng tỏ với người dân rằng PAP đang thay đổi, nhằm lấy lại sự ủng hộ của người dân. Mặc dù có thể quyết định trên không tạo ra sự thay đổi chính sách của PAP như Eugene Tan nhận xét, nhưng dù sao đi nữa thì quyết định thoái lui của ông Lý Quang Diệu có thể xem là một quyết định phù hợp với những chuyển biến của ý chí người dân, như những nhận xét trên.

Như thế, một lần nữa, Lý Quang Diệu cho thế giới thêm một bài học về cầm quyền. Bài học đó là dù người lãnh đạo có đóng góp nhiều như thế nào cho đất nước thì vẫn phải tuân theo ý chí của người dân chứ không phải mãi là người dẫn đường dân chúng, người lãnh đạo phải sẵn sàng bước xuống để đất nước tiến lên.

Nguồn: Blog Ngô Minh Trí