jeudi 26 mai 2011

VN hoàn tất bầu cử: Quốc Hội trong tay đảng


HÀ NỘI - Sau nhiều tháng tuyên truyền và ‘vận động’, cuộc bầu cử Quốc Hội và hội đồng nhân dân các cấp tại Việt Nam vừa kết thúc hôm Chủ Nhật, 22 tháng 5.


Thông Tấn Xã Việt Nam cho hay, tỷ lệ cử tri đi bầu ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội 98% và Sài Gòn là 99%. Ở các tỉnh thành khác, tỷ lệ này còn cao hơn như Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn con số lên đến 99.99%.

Hơn 62 triệu cử tri trong cả nước với gần 91,000 điểm bỏ phiếu bầu chọn ra 500 đại biểu Quốc Hội trong số 827 ứng cử viên.


Những chiếc loa phóng thanh phát hết công suất trong ngày 22 tháng 5, 

kêu gọi và ‘lùa’ người dân đi bầu cử. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)

‘Ðảng cử dân bầu’

Cách thức tổ chức, lựa chọn ứng cử viên cuộc bầu cử lần này không khác mấy so với các lần bầu cử trước, với đa số các ứng cử viên là đảng viên và do đảng cộng sản giới thiệu. Chỉ có 15% số ứng cử viên là những người không phải đảng viên, trong đó có 15 người tự ứng cử.


Từ cuộc bầu cử lần này, một Quốc Hội mới được lập ra và trong kỳ họp đầu tiên dự trù vào đầu tháng 7, sẽ bầu chọn các chức vụ cao nhất của bộ máy nhà nước bao gồm Chủ tịch Quốc Hội, chủ tịch nước, thủ tướng... mà các vị trí này đã được sắp xếp trước đó từ sau đại hội đảng cộng sản lần thứ 11.

Một người bầu thay cho nhiều người

Phóng viên của AFP tường thuật từ Hà Nội cho biết, “Dân chúng nhiều nơi đã thấy sắp hàng vào lúc sáng sớm, ngay trước khi các phòng phiếu mở cửa lúc 7 giờ sáng.”


AFP dẫn lời một nhân viên ngân hàng tên Phạm Thanh Thủy, 32 tuổi, cho hay bà đi bầu vì đây là điều bắt buộc.

“Thật sự là tôi chẳng quan tâm đến việc ai sẽ đắc cử... điều này chẳng thay đổi gì đối với tôi.”

Theo AFP, dù rằng trên thực tế là điều không hợp pháp, nhiều người như bà Ðỗ Thị Dung, 47 tuổi, đi bỏ phiếu cho cả gia đình.

“Tôi chẳng biết là mình bỏ phiếu cho ai,” bà nói. “Tôi chỉ muốn làm cho xong điều này để còn làm những việc khác.”

Việc bầu thay cho nhiều người được các trang mạng xã hội cho biết là khá phổ biến. Tại một số nơi, một người cầm tới 8 phiếu cử tri đi bầu cho cả gia đình.

Trên diễn đàn của đài BBC, một độc giả kể rằng, nhiều người bị ‘lùa’ đi bầu cử, nhiều điểm bỏ phiếu còn phát tiền cho cử tri với mức trung bình từ 5 đến 10 ngàn đồng cho mỗi người.

Các loa phóng thanh của phường xã ra rả suốt ngày giục người dân đi bầu cử mà bà Nguyễn Thị Nụ, một người dân ở Hà Nội than thở với báo Người Việt rằng, “mong ngày bầu cử qua nhanh để ‘loa phóng thanh không làm phiền cái lỗ tai!’”

Quốc Hội nằm trong tay đảng


Tuy Quốc Hội được coi là cơ quan đại diện cao nhất của người dân, quyền lực thật sự nằm trong tay Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng với gần 200 ủy viên, được bầu lên trong đại hội 11 hồi tháng 1 vừa qua.


Các phân tích gia cho hay Bộ Chính Trị đã phân chia các vị trí quyền lực trong các ủy viên. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng được coi như sẽ tiếp tục giữ chức vụ này sau khi đẩy lui sự tấn công của phía ủng hộ ông Trương Tấn Sang, người có thể được đưa lên giữ chức chủ tịch nước.

Tuy hiến pháp Việt Nam nói rằng, “Quốc Hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam...” nhưng trên thực tế Quốc Hội Việt Nam chỉ là ‘bù nhìn’ trong tay đảng cộng sản.

Trước ngày bầu cử Quốc Hội, một bài viết trên tờ Quân Ðội Nhân Dân thẳng thắn thừa nhận điều này rằng, “Quốc Hội nước ta là Quốc Hội của đảng và đồng thời cũng là Quốc Hội của dân.” (K.N.)