mercredi 30 mars 2011

Thiếu Tướng Lê Văn Hưng

3/30/2011

Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, Vị anh hùng tuẫn tiết ngày Quốc Hận 30/4


"Tướng mà không giữ được nước, không bảo vệ được thành, thì phải chết theo thành, theo nước, chớ không thể bỏ dân, bỏ nước, trốn chạy, cầu an. Tôi chết rồi, các anh hãy về với gia đình, vợ con. Nhớ rõ lời tôi căn dặn: Ðừng bao giờ để bị Cộng Sản tập trung các anh, dù tập trung dưới bất cứ hình thức nào. Tôi có lời chào vĩnh biệt các anh" (Cố Thiếu tướng Lê Văn Hưng).
(Biên soạn dựa theo tài liệu của Khối Quân sử/Phòng 5/Bộ TTM/QL.VNCH, bài viết của nhóm phóng viên chiến trường được phổ biến năm 1972, & Lời kể của phu nhân cố Thiếu tướng Lê Văn Hưng).

Lược ghi về đời binh nghiệp của Tướng Lê Văn Hưng
Tướng Lê Văn Hưng: Từ Sư Ðoàn 21 Ðến Sư Ðoàn 5BB
Tướng Lê Văn Hưng xuất thân khóa 5 Sĩ quan Trừ bị Thủ Ðức, mãn khóa vào tháng 1/1955. Sau ngày ra trường, ông đã có một thời gian dài chiến đấu tại chiến trường Miền Tây qua các chức vụ các chức vụ chỉ huy từ cấp đại đội, tiểu đoàn, Trung đoàn thuộc Sư đoàn 21 Bộ binh (BB). Năm 1966, ở cấp Thiếu tá, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2/Trung đoàn 31 BB. Cũng trong năm 1966, ông được các phóng viên chiến trường vinh danh là một trong năm ngũ hổ U Minh Thượng (ngoài Tiểu đoàn trưởng Lê Văn Hưng, 4 sĩ quan khác là: Thiếu tá Lưu Trọng Kiệt, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 42 BÐQ; Thiếu tá Nguyễn Văn Huy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 44 BÐQ, Ðại úy Vương Văn Trổ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3/33BB; Ðại úy Hồ Ngọc Cẩn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/33BB).

Năm 1968, ở cấp bậc Trung tá, Sĩ quan Lê Văn Hưng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 BB. Ông đã chỉ huy Trung đoàn 31 BB lập nhiều chiến tích tại chiến trường Hậu Giang. Cũng trong thời gian chỉ huy trung đoàn 31BB, ông đã được thăng cấp đại tá. Giữa tháng 6/1971, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 5 BB khi còn mang cấp đại tá, hơn 9 tháng sau, ông được thăng cấp chuẩn tướng, tiếp tục giữ chức Tư lệnh Sư đoàn này đến ngày 3 tháng 9/1972, sau đó được cử giữ chức tư lệnh phó Quân khu 3. Một năm sau, Tướng Hưng được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 21 BB, cuối tháng 10/1974, ông đảm nhận chức vụ Tư lệnh phó Quân đoàn 4 và đã tự sát vào tối ngày 30 tháng 4/1975 tại Cần Thơ.

Tướng Lê Văn Hưng và Sư đoàn 5 BB tại Bình Long hè 1972:
Trong suốt 20 năm chiến đấu trên chiến trường miền Ðông Nam phần, Sư đoàn 5 BB đã tham dự nhiều cuộc hành quân quy mô, và đã lập nhiều chiến công lớn. Riêng trong cuộc chiến mùa Hè 1972, Sư đoàn 5 BB dưới quyền chỉ huy của Tướng Lê Văn Hưng, đã cùng với các đơn vị Nhảy Dù, Biệt động quân, Biệt cách Nhảy Dù và các đơn vị tăng viện giữ vững An Lộc.

Trận chiến tại Bình Long đã bắt đầu vào ngày 4/4/1972 khi 1 trung đoàn CSBV tấn công một chi đội chiến xa tăng phái cho Trung đoàn 9 BB từ biên giới rút về tăng cường cho lực lượng phòng thủ Lộc Ninh. Ngày 5/4/1972, Cộng quân (CQ) bắt đầu tấn công vào bộ chỉ huy Chi khu Lộc Ninh và hậu cứ Trung đoàn 9 BB đặt trong quận lỵ. Ðịch đã mở đầu trận tấn công bằng trận địa pháo và sau đó tung bộ binh, thiết giáp tấn công cường tập. Lực lượng trú phòng đã chống trả quyết liệt. Vào trưa cùng ngày, CQ bị đẩy lùi khi cố đánh chiếm phi đạo. Ngày 6 tháng 4/1972, CQ mở đợt tấn công mới với sự yểm trợ của 1 tiểu đoàn chiến xa T54 với khoảng 30 chiếc. Pháo binh VNCH tại Lộc Ninh đã phải hạ nòng bắn trực xạ vào các chiến xa CSBV đang tiến tới, nhưng do áp lực quá nặng của CQ, thị trấn Lộc Ninh bị tràn ngập, một thành phần của đơn vị phòng đã vượt thoát khỏi vòng vây của địch và về đến An Lộc. Sau khi trận tấn công của CQ vào Lộc Ninh diễn ra, Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Quân đoàn 3, đã khởi động kế hoạch bảo vệ An Lộc.

Theo kế hoạch của Tướng Minh, bộ Tư lệnh Hành quân của Sư đoàn 5 BB cho Tướng Lê Văn Hưng chỉ huy và 2 tiểu đoàn của Liên đoàn 3 BÐQ được trực thăng vận vào An Lộc. Cuộc chuyển quân hoàn tất vào ngày 5 tháng 4/1972. Ngày 7 tháng 4/1972, bộ Tổng tham mưu đã điều động Lữ đoàn 1 Nhảy Dù tăng viện cho Sư đoàn 5 BB. Sáng ngày 16 tháng 4/1972, Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù được lệnh tiếp ứng cho mặt trận Bình Long. Về các đơn vị thuộc Sư đoàn 5 BB, ngày 11 và 12 tháng 4/1972, Trung đoàn 8 BB được trực thăng vận vào An Lộc. Trước đó, Sư đoàn 5 BB được bộ Tổng tham mưu tăng viện Trung đoàn 52 của Sư đoàn 18 BB. Trung đoàn này đóng ở khu vực cầu Cần Lê, sau cuộc tấn công của CQ vào các ngày 6 và 7 tháng 4/1972 đã bị thiệt hại nặng. Trung đoàn 7 BB và Trung đoàn 9 BB bị tổn thất trong các cuộc tấn công vào thượng tuần tháng 4/1972, đã được bổ sung quân số để cùng với các đơn vị bạn phối trí phòng thủ bảo vệ An Lộc. Sau hơn hai tháng tử chiến với CSBV, dưới quyền tổng chỉ huy của Tướng Lê Văn Hưng, Lực lượng VNCH đã giữ vững được An Lộc và sau đó đã khởi động các cuộc phản công giải tỏa áp lực địch ở các khu vực phụ cận thị xã tỉnh lỵ.

Câu chuyện về Tướng Lê Văn Hưng tại mặt trận An Lộc:
Trong hơn 2 tháng tổng chỉ huy lực lượng VNCH tại mặt trận An Lộc, Tướng Lê Văn Hưng đã cùng với quân sĩ các cấp giữ vững phòng tuyến tỉnh lỵ Bình Long. Trong những giờ phút căng thẳng nhất của cuộc chiến, ông đã nêu gương sáng cho các sĩ quan thuộc quyền về phong cách chỉ huy. Giữa tháng 6/1972, một nhóm phóng viên từ Sài Gòn đã đến bộ tư lệnh Hành quân của Tướng Hưng. Qua tiếp xúc với vị Tư lệnh chiến trường An Lộc, một phóng viên VTVN đã viết về tướng Hưng như sau.

Bước vào lối đi nhỏ hẹp, đó là con đường dẫn xuống trung tâm hành quân của Tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh mặt trận Bình Long. Căn hầm tù mù, 1 ngọn đèn duy nhất chừng 45 nến chỉ mang lại một chút ánh sáng vàng vọt, không đọc được bức thư. Sau này, chúng tôi (phóng viên) được biết Tướng Hưng chuẩn bị cho những ngày phong tỏa kéo dài, ông có ba máy phát điện riêng nhưng nhất quyết chỉ sử dụng một máy mà công suất chỉ đủ dùng cho hệ thống siêu tần số và các máy liên lạc, còn thừa lại là ánh điện mờ trong hầm chỉ huy.

Tướng Hưng tự hạn chế mọi tiện nghi riêng cho sự sống còn của Bình Long. Nếu không còn mạch điện cung cấp cho hệ thống liên lạc thì An Lộc sẽ thất thủ tức khắc. Ngoài căn hầm trung tâm hành quân, Tướng Hưng còn lại một căn hầm nhỏ dành riêng cho ông và nơi này chỉ được thắp sáng khi cần, bằng pin với bóng đèn xe đạp. Tướng Hưng chỉ sử dụng 1 máy phát điện, hai máy còn lại phải phòng hờ cho trường hợp máy đang phát bị trúng đạn pháo kích. Hơn nữa mức dự trữ nhiên liệu chỉ đủ cho thời gian 1 tuần lễ.

Theo lời yêu cầu của Tướng Hưng, bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 có thả dù các phuy xăng nhưng trong 10 thùng khi chạm đất thì đã phát nổ đến 9 thùng. Có những ngày Tướng Hưng phải ra lệnh đi mót xăng từ các xe cộ nằm rải rác trong thành phố. Nhiều người đã chết trong công tác tầm thường này, nhưng chính là sự hy sinh đầy ý nghĩa cho sự đứng vững của An Lộc, trong hơn hai tháng trời khói lửa.

Trong trung tâm Hành quân tù mù, Ðại úy Quí, sĩ quan báo chí Sư đoàn 5 BB, trình diện Tướng Hưng và giới thiệu từng người trong nhóm phóng viên. Tướng Hưng mặc áo thun xanh và có nụ cười hiền từ, ông bắt tay mọi người và khất hẹn đến sau phiên họp hành quân sẽ để phóng viên phỏng vấn. Căn hầm Tướng Hưng rất hẹp so với số người chen chúc làm việc, kích thước chỉ chừng 4 x 10 mét, tất cả bộ tham mưu của ông làm việc dưới này và không một ai có quân phục đàng hoàng, không mặc áo thun thì cũng mình trần.

Vào buổi chiều, Tướng Hưng ra khỏi hầm để nhóm phóng viên thực hiện 1 “show” dã chiến, anh em nhận rõ khuôn mặt gầy gò rất có nét của ông. Ðiểm đặc biệt là làn da ông trắng xanh sau hơn hai tháng trời làm việc dưới hầm, tránh các trận pháo kích kinh hoàng mà có lúc đã lên tới 7,500 trái mỗi ngày. Trong cuộc phỏng vấn, Tướng Hưng thay vì nói về mình đã chỉ đặc biệt đề cao tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ thuộc mọi quân binh chủng đã giữ vững An Lộc và tình cảnh bi đát của mấy chục ngàn đồng bào kẹt giữa vùng lửa đạn Bình Long.

Tướng Hưng trở lại chiến trường miền Tây:
Ðầu tháng 9/1972, Tướng Hưng được cử giữ chức Tư lệnh phó Quân khu 3, đặc trách chỉ huy lực lượng đặc nhiệm phản ứng cấp thời. Một năm sau, ông trở lại Sư đoàn 21 BB với chức vụ Tư lệnh Sư đoàn. Trong năm 1974, Tướng Hưng đã điều động các đơn vị trực thuộc mở những cuộc hành quân đánh bật CSBV tại chiến trường Hậu giang. Cuối tháng 10/1974, Tướng Hưng bàn giao chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 21 BB cho Ðại tá Mạch Văn Trường, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8 BB tại chiến trường An Lộc Hè 1972, để về Cần Thơ giữ chức Tư lệnh phó Quân đoàn 4. Tướng Hưng đã tự sát vào tối ngày 30/4/1975 tại văn phòng riêng ở bộ chỉ huy phụ của Quân đoàn 4 (đồng thời là nơi gia đình Tướng Hưng tạm cư trú), sau khi nói lời từ giã với gia đình và bắt tay từ biệt tất cả quân sĩ bảo vệ bộ chỉ huy. Sau đó, ông đã quay vào văn phòng, khóa chặt cửa và tự sát bằng súng lục vào lúc 8 giờ 45 phút tối 30/4/1975.
----------------------------------------------------------------------------------
Thiếu Tướng Lê Văn Hưng
Người Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân
 
Lời kể của phu nhân cố Thiếu tướng Lê Văn Hưng

Ngày 21/4/1975, khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, trao quyền lại cho cụ Trần Văn Hương, tôi còn nhớ rõ lời ông Thiệu nói: "Mất một Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, quân đội còn Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kế bên anh em chiến sĩ." Lời tuyên bố của ông Thiệu đã gây cho tôi sự xúc động. Thế rồi lời tuyên bố ấy cũng đã bay theo gió, khi số lớn cấp chỉ huy trực tiếp điều hành guồng máy quốc gia đã vỗ cánh chim bay sang ngoại quốc, tìm nơi ẩn trốn an lành, bỏ mặc quê nhà, dân tộc và quân đội đang chết đuối trong cuồng phong súng đạn tơi bời, Thiếu Tướng Nam, Hưng, Hai, Vỹ, Phú. Nhắc đến đây tôi không ngăn nổi tiếng nấc nghẹn ngào.

Ôi tiếng súng nổ rền vang trên khắp lãnh thổ. Mùa hè năm 1972, nhà văn Phan Nhật Nam đã mệnh danh là mùa hè đỏ lửa. Mùa hè máu. Mùa hè cuối đày yêu đương. Mùa hè tận cùng vực thẳm. Còn mùa hè 30/4/1975 bi thương thê thảm ngần nào? Chúng ta còn đủ ngôn từ để diễn tả tận cùng nỗi thương tâm kinh hoàng của sinh ly, từ biệt, cuống cuồng ấy không? Tin thất trận từ các Vùng 1,2,3 bay về dồn dập. Có những nơi chưa đánh đã bỏ cho địch tràn vào. Cũng có nơi quyết liều tử chiến. Thảm thương thay, cuộc rút quân hỗn loạn bi đát chưa từng có trong lịch sử và quân sử.

Ðài VOA và BBC tuyên bố những tin thất bại nặng nề về phía QLVNCH khiến lòng dân càng thêm khiếp đảm. Những đoàn quân thất trận, tả tơi manh giáp, không người chỉ huy, cuống quýt chạy như đàn vịt bị săn đuổi. Tinh thần binh sĩ rối loạn hoang mang tột độ. Họ thì thào bảo nhau: "Tổng Thống Thiệu, Thủ Tướng Khiêm, Ðại Tướng Viên đã cao bay xa chạy, còn đánh đấm gì nữa. Ông Tướng này, ông Tỉnh nọ, đã trốn đi ngoại quốc, chúng ta còn đánh làm gì." Họ còn hỏi nhau: "Bao nhiêu năm chúng ta chiến đấu cho tổ quốc, hay chiến đấu cho tập đoàn tham nhũng? Hay cho cá nhân của ai đây?" Mất người chỉ huy, những quân nhân như rắn không đầu, rối rít, tan rã. Lại có những câu hỏi: "Quân không Tướng chỉ huy thì sao?" Có những kẻ chủ tâm dè bỉu, thường chỉ trích chê bai: "Có những ông Tướng mà biết đánh giặc cái gì! Chỉ có lính đánh để các ông Tướng hưởng."

Lời phê bình của những kẻ bất mãn hay những kẻ có tâm địa hạn hẹp, thật chẳng khác nào ếch ngồi đáy giếng. Cho dù có những vị Tướng bê bối, làm cho quân đội bị nhục, thì cũng có những vị Tướng trong sạch đức độ, lỗi lạc, tài ba, đáng cho dân quân khâm phục. Những phần tử bất mãn ấy đã vô tình hay cố ý không thấy việc tối quan hệ của sự hỗ tương, hỗ trợ, giữa các Tướng Lãnh, Sĩ Quan, và Binh Sĩ thật cần thiết cho quân đội và quốc gia như thế nào. Ðối với những vị cao minh, hiểu biết giá trị hy sinh của những người tuẫn tiết, tôi trang trọng cúi đầu cảm tạ, tri ân.

Có nhiều người đã nêu lên câu hỏi với tôi: "Tại sao Tướng Nam, Tướng Hưng chết làm chi cho uổng? Tại sao các ông Tướng ấy không tiếp tục chiến đấu? Tại sao các ông không trốn sang ngoại quốc?" Lại có người nghiêm khắc trách tôi: "Bà thật dở. Nếu là tôi, tôi quyết liệt can ngăn không để cho các ông ấy chết. Vợ con như thế này, ông Hưng chết đành bỏ vợ con lại sao?" Ngay cả vài vị phu nhân của các Tướng Lãnh, hoặc còn ở trong tù, hoặc đã an nhàn nơi xứ người, cũng thốt ra những lời chỉ trích tôi. Nghe những lời phê bình ấy, tim tôi đau nhói. Tôi tôn trọng sự nhận xét "theo tầm hiểu biết của họ". Tôi ngán ngẩm không trả lời, chỉ mỉm cười lắc đầu. Nhưng hôm nay tôi phải lên tiếng. Lên tiếng để tạ ân những người đang âm thầm chiến đấu ở Việt Nam, để tạ ân những người hùng can đảm đã, đang, và sẽ tiếp tục đánh đuổi Cộng Sản cứu quê hương, để trả lời những người đã nêu lên nhiều câu hỏi đó. Tôi trân trọng xin những vị nào đã có những lời chỉ trích nên bình tâm suy nghĩ lại, trước khi phán đoán vì...những vị Tướng Lãnh bách chiến bách thắng lại lẽ nào chịu xuôi tay nhục nhã trước nghịch cảnh, trước kẻ thù? Những vị Tướng đã từng xông pha trong mưa đạn, bao lần thử thách với tử thần, với nhiều chiến công từ cấp bậc nhỏ lên tới hàng Tướng Lãnh, đã từng khắc phục gian nguy, xoay ngược thế cờ, chuyển bại thành thắng trên khắp mặt trận, lẽ nào những vị Tướng ấy chỉ nghe hai tiếng "buông súng" rồi giản dị xuôi tay tự sát hay sao?

Viết đến đây tôi mạn phép nêu lên câu hỏi: "Thưa toàn thể quý vị sĩ quan QLVNCH. Ngày quý vị nhận lãnh chiếc mũ sĩ quan của trường Võ Bị, quý vị còn nhớ sáu chữ gì trên chiếc mũ ấy không? Sáu chữ mà quý vị trịnh trọng đội lên đầu là: "Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm." Ngày mãn khóa sĩ quan với những lời tuyên thệ, quý vị hẳn nhớ? Cũng như những điều tâm niệm ai lại chẳng thuộc lòng? Những vị bỏ nước ra đi trước binh biến, những vị ở lại bị sắp hàng vào trại tù Cộng Sản, tôi xin tạ lỗi, vì thật tình tôi không dám có lời phê phán nào. Tôi chỉ muốn nói lên tất cả sự thật về cái chết của hai vị Tướng Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn Hưng. Hai vị Tướng này đã ba lần từ chối lời mời di tản sang ngoại quốc của viên cố vấn Mỹ, cương quyết ở lại tử chiến, bảo vệ mảnh đất Vùng 4. Viên cố vấn Mỹ hối thúc, đợi chờ không được, sau cùng chán nản và buồn bã bỏ đi.

Trước đó, vào ngày 29/4/1975, lời tuyên bố của Vũ Văn Mẫu và Dương Văn Minh trên đài phát thanh Sài Còn ra lệnh tất cả người Mỹ phải rời Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, thì chính lúc "kế hoạch hành quân mật của hai Tướng Nam Hưng đã hoàn tất."

Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, người thay thế Tướng Vĩnh Lộc vào những ngày giờ cuối tới tấp điện thoại về Cần Thơ. Ông Hạnh đã dùng tình cảm chiến hữu, dùng nghĩa đàn anh thân thuộc, khẩn khoản yêu cầu Tướng Hưng về hợp tác với Dương Văn Minh và Nguyễn Hữu Hạnh. Thâm tâm có lẽ ông Hạnh lúc đó muốn đò xét thái độ của hai Tướng Vùng 4 như thế nào. Nhiều lần, qua cuộc điện đàm với Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tướng Hưng đã luôn khẳng định: "Không hợp tác với Dương Văn Minh. Không đầu hàng Cộng Sản. Tử chiến đến cùng."

Khi Tổng Thống Thiệu từ chức, trao quyền lại cho cụ Trần Văn Hương, và rồi vì hoàn cảnh đắm chìm của vận mệnh đất nước, trước nhiều áp lực nên cụ Hương đã trao quyền lại cho Dương Văn Minh, để rồi "ông Tướng hai lần làm đổ nát quê hương, ố hoen lịch sử này, hạ mình ký tên đâng nước Việt Nam cho Cộng Sản." Vị Tướng Lãnh trấn thủ một vùng, tùy hoàn cảnh đất nước, và tình hình chiến sự địa phương, trọn quyền quyết định, xoay chuyển thế cờ, không cần phải tuân lệnh một cách máy móc theo cấp chỉ huy đầu não đã trốn hết, thì còn chờ lịnh ai? Phải tuân lịnh ai? Tóm lại, lúc đó lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh và lời kêu gọi của Nguyễn Hữu Hạnh đã không được Tướng Nam và Tướng Hưng đáp ứng.

Viết đến đây, tôi xúc động lạ thường. Tôi nghẹn ngào rơi lệ khi nhớ đến một số sĩ quan binh sĩ đã bật oà khóc lên khi nghe lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh. Anh em đã ôm lá cờ tổ quốc, ôm khẩu súng vào lòng nức nở. Có những chi khu trưởng và những đồn trưởng nhất định đã không chịu đầu hàng. Họ đã tử thủ đến viên đạn chót. Và viên đạn chót dành để kết liễu đời mình. Cấp bậc của những anh em ấy không cao, chỉ chỉ huy khu nhỏ, hay một đồn lẻ loi, nhưng tinh thần tranh đấu của anh em cao cả và hùng thế đấy.

Trong khi Sài Gòn bỏ ngỏ đầu hàng thì Cần Thơ vẫn an ninh tuyệt đối. Kế hoạch hành quân đã thảo xong. Vũ khí lương thực đạn dược sẵn sàng. Tất cả đều chuẩn bị cho các cánh quân di chuyển, sẽ đưa về các tuyến chiến đấu. Kế hoạch di quân, phản công, và bắt tay nằm trong lịnh mật quân hành đó. Vùng 4 có nhiều địa thế chiến lược, có thể kéo dài cuộc chiến thêm một thời gian. Bởi lúc đó, cho đến ngày 29 tháng 4 năm 1975, chưa có một đồn nào, dù ở quận lỵ xa xôi hẻo lánh ở Vùng 4 đã lọt vào tay giặc Cộng.

Nhưng, Cần Thơ, sáng ngày 30/4/1974, dân chúng nhốn nháo hoang mang. Ðã có một số binh sĩ bỏ ngũ. Tại thị xã, cảnh náo loạn đáng buồn chưa từng có đã xảy ra. Từng nhóm đông đảo bọn ác ôn và thừa nước đục thả câu đã ra tay cướp giật tài sản ở các cơ sở Mỹ, và ở những nhà tư nhân nào đã bỏ trống, bất chấp tiếng súng nổ can thiệp của cảnh sát duy trì an ninh trật tự công cộng. Chúng cướp giật, đập phá, hò hét như lũ điên. Chắc chắn trong số này có bọn Cộng Sản nằm vùng có ý đồ gây rối loạn áp đảo tinh thần binh sĩ.

Lúc ấy Tướng Nam và Tướng Hưng vẫn còn liên lạc với các cánh quân chạm địch. Nhiều cánh quân nồng cốt được đưa về thị xã Cần Thơ để bảo vệ Bộ Chỉ Huy Quân Ðoàn, nằm chung quanh vòng đai Alpha. Từ 2 giờ đến 4 giờ chiều ngày 30 tháng 4, giờ đã điểm. Ðúng theo kế hoạch lệnh hành quân bắt đầu. Nhưng hỡi ôi, khi liên lạc đến các cấp chỉ huy của các đơn vị thì mới hay họ chưa biết tý gì về kế hoạch, chưa rục rịch chi hết, ngoài việc thay đổi các cuộc bố trí từ sáng đến giờ phút này.

Tìm kiếm Ðại Tá anh ninh, người mà đã lãnh nhiệm vụ phân phối phóng đồ và lệnh hành quân mật đến các đơn vị, thì mới vỡ lẽ ra vị sĩ quan này đã đưa vợ con tìm đường tẩu thoát sau khi ném tất cả mật lệnh vào tay vị Ðại Úy dưới quyền. Ông này cũng đã cuốn gói trốn theo ông Ðại Tá đàn anh, cho có thầy, có trò. Các phóng đồ và lệnh hành quân mật cũng đã biến mất. Thiếu Tướng Nam và Thiếu Tướng Hưng tức uất không sao tả nổi. Tôi không ngăn nổi tiếng nấc nghẹn ngào khi hồi tưởng lại vẻ bối rối của Thiếu Tướng và sự đau khổ thất vọng của Hưng. Những đường gân trán nổi vòng lên, răng cắn chặt, biểu lộ sự đau đớn và chịu đựng kinh hồn. Người đập tay đánh ầm xuống bàn khi thấy kế hoạch sắp xếp thật tinh vi bị kẻ phản bội hèn nhát làm gãy đổ bất ngờ. Hưng ngước mắt nhìn tôi như muốn hỏi : "Có đồng ý đem con lánh nạn không?" Tôi cương quyết từ chối. Tôi không cầu an ích kỷ, tìm sống riêng, bỏ mặc người trong cảnh dầu sôi lửa đỏ. Tôi nhất định ở lại, cùng chịu hoạn nạn, cùng liều chết. Hưng hỏi tôi: "Thành công là điều chúng ta mong ước, nhưng rủi thất bại, em định liệu lẽ nào?" Tôi đáp: "Thì cùng chết! Các con cũng sẽ thế. Em không muốn một ai trong chúng ta lọt vào tay Cộng Sản."

Và để khỏi phải sa vào tay giặc Cộng, tôi bình tĩnh thu xếp cho cái chết sắp tới cho mẹ con tôi, đường giải thóat cuối cùng của chúng tôi. Bốn giờ 45 chiều ngày 30/4/75, Tướng Hưng rời bỏ văn phòng ở Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 4, về bộ chỉ huy phụ, nơi chúng tôi tạm trú. Hưng không muốn chứng kiến cảnh bàn giao ơ nhục sắp tới giữa Thiếu Tướng Nam và tên Thiếu Tá Việt Cộng Hoàng Văn Thạch. Năm giờ rưỡi chiều ngày 30 tháng 4, khi Hoàng Văn Thạch tiến vào Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn là lúc Hưng gọi máy liên lạc với Tướng Mạch Văn Trường, ra lệnh đưa hai chi đội thiết giáp tới án ngữ ở dinh Tỉnh Trưởng để bảo vệ Bộ Chỉ Huy Sư Ðoàn 21 mới về đóng nơi đây. Sau đó Hưng tiếp tục liên lạc với các đơn vị đang tiếp tục chạm súng ở các tiểu khu. Ðồng thời Hưng mời Tướng Mạch Văn Trường cùng các đơn vị trưởng ở chung quanh vòng đai thị xã Cần Thơ về họp.

Sáu giờ 30 chiều ngày 30 tháng 4, khi các vị sĩ quan vừa ra đến cổng, có một toán thân hào nhân sĩ quen biết tại Cần Thơ đang chực sẵn. Họ gồm khoảng 10 người. Họ xin gặp Tướng Hưng, với tư cách đại diện dân chúng thị xã, yêu cầu: "Chúng tôi biết Thiếu Tướng không bao giờ chịu khuất phục. Nhưng xin Thiếu Tướng đừng phản công. Chỉ một tiếng lệnh của Thiếu Tướng phản công, Việt Cộng sẽ pháo kích mạnh mẽ vào thị xã. Cần Thơ sẽ nát tan, thành bình địa như An Lộc. Dù sao, vận nước đã như thế này rồi, xin Thiếu Tướng hãy vì dân chúng, bảo toàn mạng sống của dân, dẹp bỏ tánh khí khái, can cường..." Nghe họ nói, tôi cảm thấy đau lòng lẫn khó chịu. Tôi cũng không ngạc nhiên về lời yêu cầu đó. Bởi mới tuần lễ trước, Việt Cộng đã pháo kích nặng nề vào khu Cầu Ðôi, cách Bộ Tư Lệnh không xa, gây thiệt hại cao về nhân mạng và tài sản của đồng bào. Dân chúng Cần Thơ còn khiếp đảm. Hưng như đứng chết lặng trước lời yêu cầu ấy. Một lát sau, Hưng cố gượng nở nụ cười trả lời: "Xin các ông yên lòng. Tôi sẽ cố gắng hết sức để tránh gây thiệt hại cho dân chúng." Toán người ấy ra về. Hưng quay sang hỏi tôi: "Em còn nhớ tấm gương cụ Phan Thanh Giản? Bị mất ba tỉnh miền đông, rồi cũng vì dân chúng mà cụ Phan Ðã nhún mình nhường thêm ba tỉnh miền tây cho quân Pháp. Cụ Phan không nỡ thấy dân chúng điêu linh và cũng không để mất tiết tháo, không thể bó tay làm nhục quốc sĩ. Cụ Phan Thanh Giản đã nhịn ăn rồi uống thuốc độc quyên sinh." Trầm ngâm vài giây, Hưng tiếp: "Thà chết chứ đâu thể bó tay trơ mắt nhìn Việt Cộng tràn vào."

Sáu giờ 45 chiều ngày 30 tháng 4, Tướng Nam điện thoại cho Hưng, hỏi tình hình các nơi. Hưng báo với Tướng Nam về việc đại diện dân chúng thị xã đến yêu cầu thẳng với Hưng. Hưng cũng cho Tướng Nam biết đặc lệnh truyền tin mới nhất sẽ giao cho người tín cẩn phân phối. Tướng Nam cho Hưng hay là ông đã cho thu băng lời lêu gọi dân chúng và lời yêu cầu này sẽ cho đài Cần thơ phát thanh. Nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Thêm một lần nữa, sự gây đổ đau lòng. Ðài Cần Thơ bị nội ứng trước đó, khoảng một giờ, viên giám đốc đài bị uy hiếp, thay vì phát thanh cuốn băng của Thiếu Tướng Nam trước, chúng thay cuốn băng có lời kêu gọi của Thiếu Tá Cộng Sản Hoàng Văn Thạch. Khoảng mười phút sau, đài mới phát thanh cuốn băng của Tướng Nam. Muộn màng rồi. Không còn níu kéo được sự tin tưởng nơi dân chúng và binh sĩ được nữa. Hàng ngũ các đơn vị đã thưa thớt lại càng thêm thưa thớt.

Bây giờ 7 giờ 30 tối ngày 30 tháng 4, Hưng gọi tôi lên văn phòng làm việc. Ðây là giờ phút nghiêm trọng nhất, không có ai hiện diện hết. Sau khi kể cho tôi nghe hết sự đổ vỡ từ trưa đến giờ phút đó, Hưng nhấn mạnh: "Hoàng, em đã hiểu sự thất bại do các nguyên nhân sau đây: Vị Ðại Tá không tuân lệnh, nên giờ chót không điều động quân về các vị trí chiến lược, trù liệu theo kế hoạch. Việc níu kéo sự tin tưởng của dân chúng và binh sĩ không thành. Lời kêu gọi trễ tràng của Tướng Nam không có tiếng vang. Cũng như lời yêu cầu của dân chúng thị xã Cần Thơ. Quắc đôi mắt sáng, Hưng nhìn tôi dằn giọng: "Em phải sống ở lại nuôi con." Tôi hoảng hốt: "Kìa mình, sao mình đổi ý?" "Con chúng ta vô tội, anh không nỡ giết con." "Nhưng không thể để con sống với Cộng Sản. Em sẽ thay mình làm chuyện đó. Chỉ cần chích thuốc ngủ cực mạnh cho con. Chờ em một chút, chúng ta cùng chết một lúc." "Không thể được. Cha mẹ không thể giết con. Anh van mình. Chịu nhục, cố sống. Ở lại thay anh, nuôi con trở thành người công chính. Phú quý vinh hoa địa vị hãy đề phòng, những thứ đó dễ làm mờ ám lương tri. Nhớ, giang san tổ quốc là trọng đại hơn hết. Gắng chịu cúi lòn, nhục nhã để nuôi con và cũng nuôi luôn ý chí để có ngày còn phục hận cho đất nước chúng ta." "Nếu vì con, mình thương con, sao mình không đi ngoại quốc?" Hưng đanh mặt lại, nghiêm khắc nhìn tôi trách móc: "Em là vợ anh. Em có thể nói được câu ấy sao?" Biết mình vụng về, lỡ lời xúc phạm đến người, tôi vội vàng tạ lỗi: "Xin mình tha thứ. Chẳng qua vì quá thương mình nên em mới nói thế."

Giọng Hưng thật nghiêm trang mà cũng thật trầm tĩnh: "Nghe anh nói đây. Người ta trốn chạy được. Chớ anh không bao giờ trốn chạy. Mấy ngàn binh sĩ dưới tay, hồi nào sinh tử có nhau, giờ bỏ mặc họ tìm sống riêng mình sao? Anh cũng không đầu hàng. Bây giờ thì rút cũng không kịp nữa, vì vào mật khu mà không có nguồn tiếp liệu vũ khí, đạn dược, lương thực thì không cầm cự được lâu. Ðã muộn rồi. Việt Cộng đang kéo vào đừng để anh không dằn được nổ súng vào đầu chúng, thì gây thiệt hại cho dân chúng và anh em binh sĩ. Anh không muốn thấy bóng dáng một tên Việt Cộng nào." Tôi phát run lên hỏi: "Nhưng mình ơi, còn em? em phải làm gì trong lúc này?" Nắm chặt tay tôi, Hưng nói: "Vợ chồng tình nghĩa bao nhiêu lâu, anh hiểu em và em hiểu anh. Em tuy chỉ là con cá nhỏ nhưng biết mang ý chí kình ngư. Gắng chịu nhục. Dù phải chịu trăm ngàn sự nhục nhã để nuôi con, để phục hận cho quê hương. Cải trang, cải dạng, len lỏi mà sống. Anh tin em. Vì anh, vì con, vì nợ nước, tình nhà, em có thể chịu đựng nổi! Nghe lời anh đi. Anh van mình, anh van mình."

Tôi không sao từ chối được trước ánh mắt van nài, trước những lời tha thiết ấy: "Vâng, em xin nghe lời mình." Hưng sợ tôi đổi ý, tiếp lời thúc giục: "Em hứa với anh đi. Hứa một lời đi." "Em xin hứa. Em xin hứa mình ơi. Nhưng xin cho em hai điều kiện. Nếu Cộng Sản bắt em phải sống xa con, nếu giặc Cộng làm nhục em, lúc ấy em có quyền tự sát theo mình chứ?" Hưng suy nghĩ giây lâu, gật đầu đồng ý, và ra lệnh cho tôi: "Em mời má và đem các con lên lầu gặp anh."

Tôi quay đi. Ánh mắt bỗng chợt đập vào lá cờ vẫn dựng ở góc phòng. Tôi vội vàng đem cờ đến bên người. Tôi nói: "Bao nhiêu năm chiến đấu để bảo vệ tổ quốc. Bây giờ mình hãy giữ nó." Chúng tôi nhìn nhau cảm thông. Hưng ôm lá cờ, áp vào mặt, đôi mắt Hưng chợt ướt. Sau cùng Hưng cũng rán đứng lên hối tôi: "Mau mời má và mấy đứa nhỏ lên." Khi mẹ tôi và các con lên văn phòng, Hưng nói rõ cho mẹ tôi hiểu vì sao người phải chết và tôi phải sống.

Vâng lệnh Hưng, tôi mời tất cả sĩ quan binh sĩ còn tụ họp dưới nhà lên văn phòng. Mọi người đứng xếp hàng nghiêm trang và vô cùng cảm động. Giờ phút từ biệt sanh ly giữa những người từng bao ngày sống chết bên nhau. Hưng dõng dạc nói: "Tôi không bỏ các anh và đưa vợ con trốn sang ngoại quốc. Như các anh đã biết, cuộc hành quân chưa chi đã bị gẫy đổ nửa chừng. Tôi không phản công vào phút chót là vì dân chúng. Tôi không muốn Việt Cộng pháo kích bừa bãi, biến Cần Thơ thành An Lộc thứ hai. Tôi cũng không chịu nhục đầu hàng. Các anh đã từng cộng tác với tôi, những lúc các anh lầm lỗi, tôi rầy la. Rầy la không có nghĩa là ghét bỏ. Rầy la để mến thương nhau, để xây dựng nhau. Mặc dầu đất nước ta bị bán đứng, bị dâng cho Cộng Sản, nhưng các anh không trực tiếp chịu tội với quốc dân. Chính những người trực tiếp nắm vận mệnh các anh, mới chính là những kẻ trọng tội. Xin các anh tha thứ cho tôi những lỗi lầm, nếu có. Tôi bằng lòng chọn cái chết. Tướng mà không giữ được nước, không bảo vệ được thành, thì phải chết theo thành, theo nước, chớ không thể bỏ dân, bỏ nước, trốn chạy, cầu an. Tôi chết rồi, các anh hãy về với gia đình, vợ con. Nhớ rõ lời tôi căn dặn: Ðừng bao giờ để bị Cộng Sản tập trung các anh, dù tập trung dưới bất cứ hình thức nào. Tôi có lời chào vĩnh biệt các anh."

Tướng Hưng đưa tay chào và bắt tay từng người một. Mọi người đều khóc. Ðến bên Thiếu Tá Phương, Trung Úy Nghĩa, Hưng gởi gấm: "Xin giúp đỡ giùm vợ con tôi. Vĩnh biệt tất cả." Mọi người đều đứng yên không ai nói lên được lời nào. Mẹ tôi nhào lại ôm chầm lấy người, xin được chết theo. Hưng an ủi mẹ tôi. Yêu cầu mẹ tôi cố gắng chăm lo cho cháu ngoại. Hưng ra lệnh cho tất cả mọi người phải ra ngoài.

Không ai chịu đi. Hưng phải sô từng người ra cửa. Tôi van xin: "Mình cho em ở lại chứng kiến mình chết." Người từ chối. Nghĩa hoảng sợ bỏ chạy. Hưng quay vào văn phòng đóng chật cửa lại. Tôi gọi giật Nghĩa: "Nghĩa trở lại với tôi." Tôi bảo Giêng tìm dao nạy cửa. Giêng bỏ chạy như bay. Nghĩa trở lên, đứng trước cửa chờ đợi. Có tiếng súng nổ. Tiếng nổ nghe chát chúa. Tôi đưa tay xem đồng hồ: 8 giờ 45 phút tối ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày kết liễu cuộc đời của chúng tôi. Lê Văn Hưng, anh đã chết. Giêng run run lấy dao nạy cửa. Cửa bật ra. Nghĩa lách mình nhường tôi chạy vào phòng trước. Hưng ngả người nằm trên, nửa người nằm dưới, hai cánh tay dang ra, cong lên và giật mạnh, toàn thân run rảy từng cơn. Ðôi mắt Hưng mở to căm hờn. Miệng Hưng há ra, đôi môi mấp máy. Tôi ôm chầm lấy Hưng hỏi: "Mình, mình ơi! Mình còn lời gì dặn dò em nữa không?" Hưng không còn trả lời được tiếng nào. Nghĩa gào lên nức nở: "Thiếu Tướng! Trời ơi, Thiếu Tướng!" Giêng chạy vào phụ Nghĩa đỡ lưng và chân, tôi đỡ đầu Hưng, đặt nằm ngay ngắn trên giường. Máu tim nhuộm thắm áo trận, ướt đỏ cả tấm drap trắng. Tôi đưa tay vuốt mắt cho người. Nghĩa vẫn gào khóc: "Thiếu Tướng! Thiếu Tướng ơi!"

Tôi bảo Giêng: "Nói Hòa đưa Hải, Hà, Quốc lên nhìn xác ba lần cuối. Dặn Phương cho Khiết, Hoàng giữ ở cầu thang, bất cứ giá nào chũng phải ngăn chận Việt Cộng." Tôi đi tìm đầu đạn và đuôi đạn. Còn khẩu súng, lạ lùng thay không biết khẩu súng ở đâu. Ðến lúc tắm rửa người, thay drap dấy máu, tôi mới hiểu. Trước khi hồn lià xác, với ý chí cuối cùng, người còn bình tĩnh nhét khẩu súng, dấu dưới nệm. Có lẽ người sợ tôi quá xúc dộng, quên lời hứa, tự sát theo. Bé Hải lúc ấy năm tuổi, ôm hai chân ba, khóc than, kể lể thảm thiết. Bé Hà hai tuổi, thơ ngây ôm chai sữa, lên nằm trên bụng ba, bé mở tròn đôi mắt to, ngạc nhiên không thấy ba đưa tay bế bé như mọi khi.

Nghĩa điện thoại khắp nơi tìm Thiếu Tướng Nam, không thấy trả lời. Tôi vội vã mở đặc lịnh truyền tin, lên máy gọi liên lạc với Thiếu Tướng. Lúc ra máy, chỉnh tần số, tôi chỉ nghe những giọng nói rặc mùi Cộng Sản trên các tần số thuộc đơn vị của chúng ta. Lũ Việt cộng, ngày 30 tháng 4, tràn vào nhà. Phương cương quyết chận chúng ở cầu thang. Chín giờ rưỡi, 30 tháng 4, chuông điện thoại reo vang: "Alô, Alô, ai đây?" "Dạ thưa chị đó à? Hồ Ngọc Cẩn đây." Tôi bàng hoàng: "Anh Cẩn! Có chuyện chi cần không?" Tôi cố gắng giữ giọng nói cho bình thường, để Cẩn không nhận biết sự việc xảy ra. Trong điện thoại, về phía Cẩn, tôi có nghe tiếng súng lớn nhỏ thi nhau nổ ầm ầm. Cẩn hỏi: "Thiếu Tướng đâu chị? Cho tôi gặp ông một chút." Tôi lúng túng vài giây: "Ông đang điều động quân ngoài kia." "Chị chạy ra trình Thiếu Tướng, tôi cần gặp. Trung Úy Nghĩa đâu chị?" "Nghĩa đang ở bên cạnh Thiếu Tướng. Cẩn chờ một chút nhé." Tôi áp chặt ống điện thoại vào ngực. Mím môi, nhìn xác Hưng rồi nhìn sang Nghĩa tôi hỏi: "Ðại Tá Cẩn đòi gặp Thiếu Tướng, làm sao bây giờ Nghĩa?" Nghĩa lúng túng: "Cô nói Thiếu Tướng chết rồi." "Không thể nói như vậy được. Ðại Tá Cẩn đang cự chiến với Việt Cộng."

Trí óc tôi chợt lóe sáng phi thường. Tôi muốn Cẩn chiến đấu anh hùng. Sống anh hùng. Chết anh hùng. Tôi đưa máy lên giọng quyết liệt: "Thiếu Tướng không thể vào được. Cẩn cần gì cứ nói. Tình hình ở Chương Thiện ra sao? Anh còn đủ sức chiến đấu không? Tinh thần binh sĩ thế nào? Ðịch ra sao?" "Tụi nó dần tụi tui quá. Tinh thần anh em vẫn cao. Chị hỏi Thiếu Tướng còn giữ y lịnh không?" "Cẩn vui lòng chờ chút." Tôi lại áp chặt ống điện thoại vào ngực. Cắn chặt môi suy nghĩ. Tôi hiểu lời Cẩn hỏi. Trong tích tắc tôi biết khó cứu vãn tình thế. Nhưng tôi muốn Hồ Ngọc Cẩn phải luôn hiên ngang hào hùng. Tôi quyết định: "Alô. Cẩn nghe đây: Lịnh Thiếu Tướng. Ông hỏi Cẩn có sẵn sàng tử chiến?" Cẩn đáp thật nhanh; "Lúc nào cũng sẵn sang, chớ chị!" "Tốt lắm, vậy thì y lịnh." "Dạ, cám ơn chị." Tôi buông máy gục xuống bên xác Hưng. Nước mắt trào ra, tôi kêu nho nhỏ: "Vĩnh biệt Cẩn. Vĩnh biệt Cẩn!"

"Anh Cẩn ơi, hồn linh anh có phảng phất đâu đay, khi tôi ngồi viết lại những dòng này, nước mắt rơi trên giấy, Anh có biết cho rằng trả lời điện thoại với anh rồi, tôi đau khổ tột cùng không? Tha thứ cho tôi!" Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, anh đã hiên ngang hào hùng đến giờ phút chót của cuộc đời. Hiểu rõ Hưng, hiểu rõ tôi, bên kia thế giới không thù hận, chắc anh hiểu rõ tâm trạng của tôi lúc bấy giờ, hẳn anh tha thứ cho tôi?" Kính thưa toàn thể quý vị thuộc thân bằng quyến thuộc của Ðại Tá Cẩn. Kính thưa quý vị đã đọc những giòng chữ này. Xin quý vị chớ trách tôi sao dám quyết định. Ngộ biến tùng quyền. Tướng Hưng đã chết. Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam chưa liên lạc được. Vợ người lính nghĩa quân trưởng đồn, khi Việt Cộng tấn công, chồng chị bị tử thương, chị đã thay chồng phản công ác liệt. Tôi không thể để một người như Hồ Ngọc Cẩn đưa tay đầu hàng, hạ mình trước Việt Cộng vào dinh tỉnh trưởng Chương Thiện.

Mười một giờ đêm ngày 30 tháng 4, 1975. Ðiện thoại lại reo. Lần này, chính giọng của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam: "Alô, chị Hưng!" Tôi vừa khóc, vừa đáp lời Thiếu Tướng: "Thưa Thiếu Tướng..." Giọng Tướng Nam buồn bã u uất: "Tôi biết rồi, chị Hưng. tôi chia buồn với chị, nghe chị Hưng." tôi vẫn nức nở: "Thiếu Tướng nghĩ sao về kế hoạch đã gãy đổ?" "Hưng đã nói với chị nghe hết rồi hả? Ðành vậy thôi. Không phải lỗi chúng ta hèn nhát hay bỏ cuộc. Sự sụp đổ không cứu vãn được vì lệnh hành quân không được Ðại Tá...thi hành, phóng đồ và lệnh không tới tay các đơn vị trưởng, lời yêu cầu của dân chúng, lời kêu gọi của tôi quá muộn màng, không hiệu quả, khó cứu vãn nổi tình hình." Nói đến đây, Thiếu Tướng Nam hỏi tôi: "Chị biết vụ đài phát thanh bị nội ứng chứ?" "Thưa biết. Hưng cũng bảo tôi như Thiếu Tướng đã vậy. Bây giờ Thiếu Tướng định liệu lẽ nào, có định phản công không?" "Chị quên còn dân chúng sao? Cộng Sản coi rẻ mạng dân, còn mình thì...Ðàng chị thế nào?" "Thưa Thiếu Tướng, chúng nó đã tràn đầy dưới nhà. Có vài tên định nhào lên, nhưng bị Giêng cương quyết đuổi xuống. Hiện chúng đang thu dọn tài sản. "Còn mấy chú đâu hết?" "Chỉ có Nghĩa và vài ba người lính ở lại. Còn tất cả đã bỏ đi hết. Hưng đã chết rồi, tôi không màng đến tài sản. Miễn là chúng đừng đụng đến xác Hưng." "Chị tẩm liệm Hưng chưa?" "Thưa chưa. Vừa tắm rửa, thay quần áo xong thì Thiếu Tướng gọi tới." "Chị nên tẩm liệm Hưng ngay đi. Tôi sợ không còn kịp. chúng nó sẽ không để yên."

"Thiếu Tướng còn dạy thêm điều gì không? Chẳng lẽ Thiếu Tướng chịu đầu hàng thật sao?" Người thở dài trong máy. Người nói những lời mà đến chết tôi cũng sẽ không quên: "Số phận Việt Nam khốn nạn thế đó, chị Hưng ơi! Tôi và Hưng đã sắp đặt tỉ mỉ, hoàn tất kế hoạch xong xuôi, còn bị phản bội giờ chót." Người chép miệng thở dài: "Thôi chị Hưng ơi." Bỗng giọng người trầm xuống, ngậm ngùi: "Hưng chết rồi, chắc tôi cũng chết! Chúng tôi làm Tướng mà không giữ được nước thì phải chết theo nước." Giọng người bình tĩnh và rắn rỏi: "Cố gắng can đảm lên nhé chị Hưng. chị phải sống vì mấy đứa nhỏ. Ðêm nay có gì nguy cấp, nhớ gọi tôi. Nếu gọi không được, dặn Nghĩa gọi Thụy, lấy mật mã mới." "Dạ, cám ơn Thiếu Tướng."

Nói chuyện với Thiếu Tướng xong, tôi bước ra lan can nhìn xuống. Ở dưới sân, sĩ quan và lính tráng đã đi hết. Trừ có Nghĩa còn ở lại. Cổng rào bỏ ngỏ. Gío thổi đong đưa cánh cửa rít lên những tiếng kẽo kẹt bi ai. Mảnh trăng cuối tuần 19 tháng 3 âm lịch chênh chếch soi, vẻ ảm đạm thê lương như xót thương cho số phận Việt Nam Cộng Hòa, cho trò đời bể dâu hưng phế. Viết đến đây, tôi nhớ lại từng lời của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, của Ðại Tá Tỉnh Trưởng tỉnh Chương thiện Hồ Ngọc Cẩn. Trọn đời tôi, làm sao tôi có thể quên giọng nói gấp rút của anh Cẩn, giọng trầm buồn của Tướng Nam.

Bảy giờ sáng ngày 1 tháng 5, năm 1975. Vừa tụng dứt đoạn kinh Sám Tỉnh Thế trong nghi thức cầu siêu cho Hưng, tôi nghe có tiếng nấc sau lưng. Quay lại, chính là Trung Tá Tùng, bác sĩ trưởng Quân Y Viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Ông đến thăm Hưng lần cuối. Ông cho biết phải trở lại Quân Y Viện ngay vì Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã tự sát, xác còn nằm tại Quân Y Viện. Tướng Nam đã bắn vào thái dương, lúc 6 giờ sáng ngày 1 tháng 5, 1975. cho đến chết, mắt Tướng Nam vẫn mở trừng trừng, uất hận, miệng người há hốc, đớn đau. Sau cuộc điện đàm với người, tôi đã linh cảm, biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng khi nghe bác sĩ Tùng báo tin, tôi xúc động vô cùng, tôi quỳ xuống, hướng về Quân Y Viện, nơi Tướng Nam còn nằm đó, cầu nguyện: Xin Thiếu Tướng tha thứ. Tôi không dám bỏ xác Hưng để đến vuốt mắt Thiếu Tướng và lo việc tẩm liệm cho Thiếu Tướng. Bây giờ linh hồn của Thiếu Tướng đã gặp Hưng, xin linh thiêng phò hộ cho mẹ con tôi thoát khỏi tay Cộng Sản. Xin thương xót cho quê hương, cho dân tộc chúng ta. Xin thương xót cho toàn thể anh em binh sĩ.

Trung Úy Nghĩa thay tôi đến viếng xác người. Trung Úy Thành, vị ân nhân can đảm đặc biệt, đến với tôi trong giờ phút nguy nan đó. Thành đã mời được Trung Tá Bia đến tẩm liệm cho Hưng. Những vị ân nhân trong cơn biến loạn ấy, trọn đời tôi xin ghi khắc ơn sâu. Tám giờ sáng ngày 1 tháng 5, 1975, các sĩ quan quân đoàn, mặc thường phục, đến viếng xác Hưng. Mầu nhiệm thay, khi gặp lại những cộng sự viên cũ, trong thoáng chốc, mắt Hưng hé mở, nhìn lên. Và từ trong đôi mắt người chết, có hai giòng lệ chảy. Mặt người chợt đỏ bừng lên.

Người khóc cho quê hương đất nước bắt đầu đắm chìm trong điêu linh. Người khóc cho đám tàn quân khốn khổ. Cho lúc đến chết, hai Tướng Nam và Hưng chỉ phân tách nguyên nhân thất bại, làm hỏng kế hoạch của hai người. Chớ không ai lên tiếng nặng lời trách móc vị Ðại Tá kia. Xin quý vị hiểu rõ giùm tôi. Tôi tôn trọng danh dự của hai ông, vợ con và gia đình hai ông. Trong hoàn cảnh căng thẳng của đất nước, khi lòng người mất niềm tin, hai ông cũng như nhiều người khác, thật sự đáng thương hơn đáng trách. Không hiểu hai ông có đi thoát, hay bị bắt ở lại.

Vận nước ngàn cân treo sợi tóc, một vài người dù đánh đổi cả vận mệnh cũng không nâng đỡ nổi tòa nhà Việt Nam đang sụp đổ tang thương. Nhưng, một ngày chúng ta còn mang trong người dòng máu của dân tộc Lạc Hồng, còn hít thở được khí trời, là một ngày chúng ta còn nợ nần quê hương. Ðó là món nợ thiêng liêng và cao quý mà ngôn từ loài người chưa thể diễn tả được sát nghĩa, và thật đúng ý. Sao chúng ta không noi gương oanh liệt của tổ tiên, của cha ông, nối tiếp ý chí bất khuất của tiền nhân, để trang trải món nợ ân tình đó? Sao chúng ta cứ lo chê bai, công kích, hãm hại, đạp chà nhau, để rồi vô tình làm lợi cho bọn cướp nươc Cộng Sản?

Ðọc những gì tôi kể ở đoạn trên, những vị từng hỏi hay mỉa mai tôi, đã hiểu tất cả sự thật vì sao Tướng Nam và Tướng Hưng đã phải tự sát để bảo tồn tiết tháo. Không ai đem việc thành bại luận anh hùng. Cũng chớ bao giờ lấy tâm địa tiểu nhân để đo lòng người quân tử. Chúng ta, những người còn sống, những người Việt Nam ở trong nước hay lưu vong khắp bốn phương trời, chúng ta phải tự nêu lên câu hỏi: "Chúng ta đã làm được gì cho đừng hổ thẹn với những người đã nằm xuống? Họ đã nằm xuống không phải là vì họ hèn nhát! Họ đã nằm xuống là vì muốn bảo toàn sâu chữ mà họ từng mang trên đầu: Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm. Nếu chưa làm được gì cho quê hương, xin hãy thận trọng lời phê phán vô ý thức. Ðừng vô tình thành tàn nhẫn sỉ nhục những người dám chết cho tổ quốc.

Bà Lê Văn Hưng
(Nhũ danh Phạm Thị Kim Hoàng)
knguyen@emr.ca

mardi 29 mars 2011

Giáo dân xã Kỳ Lợi bắt giữ 5 công an


2011-03-27
Sáng ngày 21 tháng 3 vừa qua, giáo dân xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã bắt giữ 5 công an và giam họ tại nhà văn hóa xã.

Ảnh Phong Cầm/vietlandnews.net

Những gia đình ở xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh-Hà Tĩnh) phá cả nhà cửa nhường đất cho dự án của Formosa, dựng lán ở tạm tại khu tái định cư.
Lý do vì trong khi người dân tranh chấp với tập đoàn Formosa, không cho tập đoàn này đem tàu tới nạo vét cảng Vũng Áng thuộc vùng nước sâu Sơn Dương thì 5 công an này có thái độ hăm dọa và quay phim chụp cảnh người dân đang tranh chấp.
Mặc Lâm phỏng vấn ông Trần Ngọc Quý, chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ Đông Yên để tìm hiểu thêm diễn tiến của vụ này, trước tiên ông Quý cho biết:

Phản đối công ty Đài Loan

du-an-formosa-250.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khởi công dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu của Formosa, tháng 7/2008.nguồn "Báo Công Thương Điện Tử". 
 
Ô. Trần Ngọc Quý: Tôi là Trần Ngọc Quý, chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ Đông Yên. Công việc xảy ra sau khi khu kinh tế Vũng Áng được hình thành tức là chính phủ có ý xây dựng khu kinh tế này thì trong đó có cảng nước sâu Sơn Dương do Formosa của Đài Loan đứng ra làm chủ dự án xây dựng cảng Sơn Dương.
Cảng này bà con nhân dân ở vùng Đông Yên bao đời nay hằng trăm năm rồi họ sinh sống chính trên mặt biển và trong khu vực đảo Sơn Dương một thời gian khá dài. Bắt đầu từ khi tàu xây dựng thi công đến cảng thì dân chúng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Họ mong chờ sự trả lời của chính phủ để xem thử cách trả lời về cuộc sống của người dân sau này ra sao.
Mãi đến một thời gian quá dài thì người dân không thể chờ đợi được. Cho đến khi tàu nạo vét về vào ngày mùng 1 tháng 3, mãi cho đến ngày 10 nhà nước cũng không có ý định gì đối với dân chúng.
Sau khi con tàu nạo vét cảng làm việc thì đời sống người dân trên mặt biển không còn, vì nạo vét lớn làm chất thải ra môi trường, môi sinh.
Ô. Trần Ngọc Quý
Sau khi con tàu nạo vét cảng làm việc thì đời sống người dân trên mặt biển không còn, vì nạo vét lớn làm chất thải ra môi trường, môi sinh. Đặc biệt ngư trường trở nên khó khăn vì thế toàn thể nhân dân họp lại làm một kiến nghị gửi lên mọi cấp kể cả khu kinh tế Vũng Áng.
Mặc Lâm: Xin ông cho biết sau đó thì chính quyền các cấp có phản ứng gì trước các kiến nghị của người dân?
Ô. Trần Ngọc Quý: Sau đó 10 ngày chờ mãi cũng không thấy phản hồi mà con tàu nạo vét vẫn tiếp tục thực hiện thì ngư dân dùng thuyền, ghe kéo đến bao vây tàu này không cho làm. Ở đất liền thì các bà các chị không cho xe cộ hoạt động nói chung trên tuyến đường của địa bàn làng đó, không cho người và xe qua lại.
Đặc biệt người dân cấm luôn Ủy ban nhân dân xã ở đó không cho hoạt động lý do là đòi miếng cơm manh áo vì mặt biển đó là nơi nuôi sống gia đình họ.

Hăm dọa, quay phim người dân

Mặc Lâm: Chúng tôi được tin là trong lúc người dân tại đây tranh đấu như vậy thì họ đã bắt giữ 5 công an và giam giữ tại Nhà văn hóa Xã, xin ông cho biết nguồn tin này có đúng hay không?
Ô. Trần Ngọc Quý: Trong thời gian đó thì có những tình báo rồi thì theo dõi, ghi chép rồi chụp ảnh quay phim mà chúng tôi đã bắt những đối tượng đó. Tịch thu những phương tiện như máy quay phim, máy chụp ảnh, điện thoại, sổ ghi chép tài liệu.
Những việc làm này do người dân không tán thành hành động của họ vì ở đây không phải là một việc làm chính trị hoặc tôn giáo hay một tổ chức nào khác mà vì miếng cơm manh áo của người dân mà thôi.
Mặc Lâm: Trước việc bắt người này thì chính quyền đã phản ứng ra sao thưa ông?
Trong thời gian đó thì có những tình báo rồi thì theo dõi, ghi chép rồi chụp ảnh quay phim mà chúng tôi đã bắt những đối tượng đó.
Ô. Trần Ngọc Quý
Ô. Trần Ngọc Quý: Sau khi các bà các chị không cho họ về thì có một xe công an đến nhưng dân vẫn giữ 5 công này một đêm. Sau khi yêu cầu ở trên mạnh quá thì dân cũng giải quyết cho họ đi. Trong việc này đối với người dân thì không có hành động gì mà chỉ giữ công an lại tại đó mà thôi. Sở dĩ họ được thả ra về do Tòa Giám Mục ra lệnh thả họ; ra sau này Tòa Giám Mục sẽ can thiệp chuyện đó cho giáo dân.
Chúng tôi cũng đã vâng lời cho họ về tuy nhiên cũng cả một vấn đề rất dày công thì 5 công an này mới thoát ra được khỏi làng nhờ sự cộng tác đắc lực của cha xứ mới thoát ra được. Trong khi người dân giữ họ lại thì nhân dân không có hành động gì cả chỉ giữ người thôi. Từ đó đến hôm nay cũng đã 7-8 ngày rồi nói chung không ai lọt vào được trong làng này. Mãi đến hôm nay thì không khí đã tạm ổn phần nào đã mở cửa cho đi lại còn Ủy ban Nhân dân xã thì đã được cho phép mở cửa hai ngày rồi.

Chính quyền xin lỗi dân

nhot-pho-chu-tich-250.jpg
Người dân vây quanh và nhốt ông Vương Văn Bút tại trụ sở UBND xã Minh Phú hôm 19/11/2010. Photo courtesy of bee.net.vn. 
 
Mặc Lâm: Trong khi người dân đóng cửa làng không cho ai ra vào thì chính quyền làm cách nào để tíêp xúc với giáo xứ nhằm tìm phương án giải tỏa sự bức xúc này thưa ông?
Ô. Trần Ngọc Quý: Nói chung kể từ ngày dân ở đó cấm vận thì không một ai về được mà họ chỉ nhờ vào nhân dân để dàn xếp thôi. Chính quyền nhờ vào lực lực lượng của giáo xứ cũng như các ban ngành, đặc biệt là linh mục chánh xứ còn ngoài ra không có ai kể cả cấp tỉnh, cấp huyện hay xã không ai về được cái làng này cả.
Dàn xếp thì hôm nay có chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và các ban ngành liên quan yêu cầu được đến đây nhưng người dân chỉ cho phép có 6 người thôi. Cuối cùng sau khi họ xin mãi thì cũng chỉ quyết định cho 6 người mà thôi.
Mặc Lâm: Kết quả cuộc họp thế nào? có khả quan hay không thưa ông?
Ô. Trần Ngọc Quý: Trước tiên thì chính quyền xin lỗi bà con vì họ đã thiếu sót, không lo liệu cho dân. Về phía người dân thì người ta bức xúc hỏi rằng tại sao có kế hoạch xây dựng cảng Sơn Dương này đã trên hai năm rồi mà mãi hôm nay mới về nói chuyện với dân? Lẽ ra khi bước vào xây dựng thì phải thông báo và tính đến đời sống cho người dân.
Về phía người dân thì người ta bức xúc hỏi rằng tại sao có kế hoạch xây dựng cảng Sơn Dương này đã trên hai năm rồi mà mãi hôm nay mới về nói chuyện với dân?
Ô. Trần Ngọc Quý
Sau hơn ba tiếng đồng hồ người dân phản hồi chuyện đó thì tỉnh đã quyết định sẽ cấp cho mỗi khẩu là 10 kí lô gạo trong vòng một tháng cho đến khi nào có kế hoạch tái định cư. Tuy nhiên người dân chưa đồng tình với quyết định đó bởi vì xét thấy với 10 ký gạo trong một tháng thì được ăn thôi chứ chưa thể sinh sống và những nhu cầu thường ngày.
Giữa dân và tỉnh do đó chưa đạt được thỏa đáng. Tỉnh hứa sẽ về bàn bạc lại và cho người dân ở đây biết sau. Người dân cho biết nếu nguyện vọng họ chưa đạt được thì họ không cho phép thi công khu vực cảng.
Mặc Lâm: Trước những phản ứng phải gọi là rất gay gắt chưa từng có như vậy thì quan điểm của chính quyền ra sao thưa ông?
Ô. Trần Ngọc Quý: Đối với những việc làm này luôn luôn họ nói rằng người dân làm là đúng chưa có phản hồi nào cho rằng dân chống đối gì hết. Nói chung họ công nhận họ không sáng suốt và không quan tâm và họ đã xin lỗi trước người dân.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn ông.
Quý vị vừa theo dõi cuộc tranh chấp giữa người dân Đông Yên và chính quyền trong vụ nạo vét cảng Sơn Dương mà nghiêm trọng nhất là 5 công an đã bị người dân bắt giữ tại nhà văn hóa xã. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến câu chuyện để gửi đến những thông tin mới nhất xin quý vị nhớ đón nghe.


Cơ hội định mệnh cho Việt Nam nhân ngày 4/4


Quyết tâm vận động vì vụ án Cù Huy Hà Vũ
Vụ án của Cù Huy Hà Vũ đã được dời sang ngày 4/4/2011. Thế là sau khi nhận được những tín hiệu dân oan, giáo dân dự định tụ tập trước tòa vào ngày 24/3, công an Việt Nam đã phải dời ngày nhằm phân tán lực lượng quần chúng. Rõ ràng công an đã bị đẩy đến nước lùi một cách ngoạn mục giống như tình huống một con cọp dữ bị thất thần trước bản năng kháng cự quyết liệt khiến vị trí dữ dằn lúc rượt đuổi của nó đã mất đi sự hung hãn ban đầu.
Hiện nay, tinh thần đối đầu với thế lực công an đang tự động hình thành, thu hút động lực và trở thành nguồn thông tin áp đảo trên mạng lưới internet. Tâm lý liên kết kháng cự dần dần mang tính tổ chức dẫn đến sự hoàn thiện sức mạnh hợp quần một ngày không xa.
Công an đang từ thân phận chỉ làm dụng cụ chân tay cho thế lực cầm quyền chỉ huy nay bị tách dần thành thực thể riêng biệt làm đối tượng cho lòng oán hận ngút trời của nhân dân.
Ngay cả những người ở vị trí bảo vệ thể chế hiện nay hoặc vì một lý do chủ quan nào đó do lịch sử để lại cũng phải lắc đầu ngao ngán trước nạn kiêu binh lộng hành, coi thường tính mạng người dân như cỏ rác qua vụ giết chết dã man anh Trịnh Xuân Tùng “vì mũ bảo hiểm” ngay giữa ban ngày, giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Độc ác hơn, để ngăn chặn những lời than khóc của nhà anh Trịnh Xuân Tùng có nguy cơ biến thành những lời kêu gọi cho công lý toàn dân, công an đã bịt các nẽo đường đưa tang, khủng bố luôn cả những người theo tiễn nạn nhân về nơi mộ địa.
Điều trớ trêu là lúc công an chìm đã trà trộn vào đám ma lại ngang nhiên đi xe ôm chốt ở các nút giao thông mà không cần đội mũ bảo hiểm. Nhân dân Việt chỉ còn biết lắc đầu than thở trên đời này sao lại có thế lực ác đảng lộng hành, khinh trời miệt đất như thế?
Công an lo sợ những tiếng kêu đứt ruột trong ngày đám tang anh Trịnh Xuân Tùng hôm 23/3trở thành những cơn òa vỡ thét gào của “tình trời nghĩa đất” biến phiên tòa Cù Huy Hà Vũ hôm sau đó vào ngày 24/3 (trùng với hôm Hà Nội bị động đất) trở thành phiên tòa lịch sử mà chánh án và bồi thẩm, đại diện cho nền bạo chính này bị lật ngược tư thế trước mặt nhân dân.
Việc dời ngày sang 4/4 chẳng qua là một chiến lược câu giờ để bộ công an tìm cách đối phó với quần chúng.

Định mệnh lại rơi vào ngày 4/4

Phan Châu Trinh (1872-1926)

Nhưng do quyết định trong lúc thất thần cho nên bộ công an đã quên mất việc dời sang ngày (4/4) chính là ngày trùng với vận hội lịch sử vô cùng quan trọng.
Đúng là đại sự trời sắp, thời điểm này của 85 về trước, nhà cách mạng Phan Châu Trinh đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 24/3/1926. Và đúng vào ngày 4/4/1926, lễ quốc tang nhà chí sĩ Phan Châu Trinh được tuyên bố hình thành, biến tang lễ trở thành cuộc vận động xuống đường vĩ đại với 60,000 – 100,000 người dân Sài Gòn tham dự.
Uỷ ban tổ chức tang lễ tuyên bố: “Nhà cách mạng Phan Châu Trinh suốt đời tranh đấu cho chính nghĩa quốc gia, cho áp bức của dân tộc, nay người tạ thế, thì toàn dân Việt nam phải có bổn phận làm tang lễ linh đình để mọi người công dân tham dự, đền đáp một phần công ơn của người đối với quốc gia dân tộc”. Trích website Quê Hương Gò Công.
Với điều kiện thông tin in ấn hạn chế của đầu thế kỷ 20, thế mà nhân dân Sài Gòn đã vận động một cuộc xuống đường long trời lở đất tạo tiền đề cho những cuộc vận động đình công bãi khóa đối đầu với chế độ thực dân Pháp sau này.
Vậy là kể từ lúc cụ Phan Châu Trinh tạ thế đến lúc lễ quốc tang do nhân dân Nam Kỳ phát khởi vừa đúng ngay thời điểm di dời phiên tòa Cù Huy Hà Vũ (24/3 – 4/4). Thật đúng là điềm “Song Tứ Vi Bát, Tiền Hung Hậu Cát”.
Với sự cổ vũ nhiệt tình cho tinh thần Cù Huy Hà Vũ của thời nay, nhân dân ta khắp mọi miền sẽ biến ngày 4/4/2011 thành một dàn đồng ca hợp xướng Nam Bắc kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy trả lại tự do và nhân phẩm không những cho Cù Huy Hà Vũ mà còn những người Việt Nam vì có chính kiến khác biệt mà lâm vào chốn lao tù.
Vận hội “Thố Mao Long Khẩu” – da thỏ miệng rồng
Ngày 4/4/2011 theo âm lịch là ngày mồng 2 tháng 3 của năm Tân Mão. Theo lịch số dân gian Đông Á thì đây chính là ngày trước tiết Thanh Minh, 三月初二﹐清明前夕 (Tam Nguyệt Sơ Nhị, Thanh Minh Tiền Tịch), ngày sửa sang hương án bàn thờ, dâng hoa cho vong vị tổ tiên, đốt nhang đèn cho lễ tảo mộ: “Thanh Minh trong tiết tháng ba”.
Về phương diện duy linh hiện nay mà lý luận, đây là ngày hội tụ của những linh hồn về nhà thăm lại gia đường.
Cách đây vừa đúng 36 năm, năm1975, lại vào thời điểm này, nhân dân Việt Nam gặp thời chiến loạn. Nhiều người chết không có nấm mồ vì trận tổng tấn công miền Nam và dẫn đến những thảm cảnh thuyền nhân sau này. (Tuy chiêm tinh không phải là khoa học, nhưng những biến cố mang tính tình cờ liên tiếp xảy ra không thể mà người không suy nghĩ.)
Nhà tử vi Thiên Đức ở Califonia còn dự đoán 36 năm sau (ba con giáp), đây là cơ hội định mệnh khởi đầu cho một cuộc cách mạng “nắm tay mà trả lại” quyền tự quyết cho nhân dân – ít ra cũng được như thời thực dân phong kiến, thời của cụ Phan Châu Trinh của 85 năm về trước.
Thực sự, ngày Hai tháng Ba (tức tháng Thìn, rồng) của năm Tân Mẹo (mèo hoặc thỏ) theo khoa chiêm tinh nhâm độn là thuộc về “Thố Mao Long Khẩu” (da thỏ miệng rồng). Căn cứ theo ý chỉ diễn giải là nhân dân nhìn hiền hòa mềm yếu như thỏ nhưng khi mở miệng lên là tiếng gầm của rồng tạo nên muôn vạn âm hưởng vọng theo như thiên binh vạn mã làm thế lực tàn ác phải buông tay quay đầu.
Ngày 4/4 là ngày Dương lịch là ngày Song Tứ (雙四), theo phép đồng âm trong chữ Hán là trùng âm với chữ Tử, ngày Trùng Tử (có lẽ dành cho lực lượng công an ngoan cố, nợ máu với nhân dân, các chú công an hôm đấy mà nặng tay đánh đập thế nào cũng bị quả báo cho mà xem).
Nếu nhân dân và các giới sĩ phu không chịu mở miệng thì coi là con thỏ đã chết rồi trước hang hùm miệng sói. Cùng nhau mở miệng thì lại thành miệng rồng, Song Tứ Vi Bát, hai con số bốn thì thành số tám (tiền hung hậu cát). Lại đem phép chiết tự chữ Hán ra mà đối chiếu chữ Tứ (四) chính là chữ Bát(八) nằm trong chữ Khẩu(口). Thật là vi diệu không sao nói hết. Nếu như nhà tử vi Thiên Đức đọc trúng một sách, luận cùng một kiểu thì những nhận định về mặt duy linh theo mô hình rõ ràng và trong sáng này không có gì là không hợp lý.

Tinh Thần Phan Châu Trinh

Lễ quốc tang nhà cách mạng Phan Châu Trinh ngày 4/4/1926 tại Sài Gòn
Lễ quốc táng Phan Châu Trinh có nhiều chi tiết về nghi thức mô phỏng theo quốc táng nhà cách mạng Tôn Dật Tiên, Trung Hoa. Sinh viên, học sinh nghỉ học. Công chức nghỉ trọn một ngày đưa tang. Các tiệm buôn, hàng quán đều đóng cửa tạm nghỉ. (Trích website Quê Hương Gò Công).
Tôn Dật Tiên, người đã làm nên cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 (kỷ niệm ngày Song Thập 10/10) mà năm nay đúng 100 năm chu niên. Cho nên này ngày 4/4 này là chính là linh hồn cuộc “Cách Mạng Song Tứ” 4/4/2011 của Việt Nam đã được thai nghén cách đây 85 năm cũng không có gì là cường điệu.
Định mệnh đã đến trong tầm tay, ngày 4/4 nhân dân miền Nam xuống đường coi như là tưởng niệm 85 năm tang lễ cụ Phan Chu Trinh. Nhân dân miền Bắc hãy vì Cù Huy Hà Vũ. Nhân dân cả nước đồng lòng biến ngày 4/4 trở thành ngày toàn quốc mở miệng đòi nợ công lý cho những người con nước Việt bị nền bạo chính chôn vùi một cách bất nhân phi nghĩa.
Nhân dân Việt Nam chọn ngày 4/4 tức là ngày mồng 2 tháng 3 Tân Mẹo quyết tâm không chịu làm thỏ (Mão), làm mèo để bị bạo lực chà đạp mà mở miệng thành rồng để giành lại bầu trời.
Những vị thân bằng quý quyến của những bạn Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương… và bao nhiêu người khác như hãy đồng tâm “đánh trống kêu oan” vào ngày 4/4/2011. Ngay trước cổng tòa trước đây kết tội con, em, cha, chồng của mình, quý quyến hãy coi đây như là sự khởi đầu cho động lực đòi nợ công lý với lòng quyết tâm cao độ, quyết không chấp nhận một sự thỏa hiệp nào với công an cho đến khi người thân của mình được thả vô điều kiện.
Đây chính là một “trận chiến vô hình” giữa hai bên “lề trái lề phải” như nhà báo Đoan Trang đã viết trên facebook đang tới thời kỳ ác liệt đấu tranh cho một mặt trận pháp lý.
Theo nhận định chung thì báo “lề phải” đang mất hẳn ưu thế áp đảo vì chính nghĩa đã mất.
Nếu coi đây là một trận “Long tranh Hổ đấu” trong cuộc vận động vì “tình trời nghĩa đất” thì con cọp dữ kia đã bị thất thần hồn, khí thế đã mất chỉ chờ nhân dân rượt đuổi.
Chỉ cần một tiếng hò reo, hai tiếng đồng thanh, ba bước xuống đường thì nhân dân ta như rồng thiêng cuồn cuộn lấy lại cả bầu trời ngay trong những ngày xuân Tân Mão.
Nguồn: Trần Đông Đức Blog
——————————————————-

Nghĩ về chuyện của Sầm Hiệu trưởng



gfgdx
Kami
Theo: Kami blog’s RFA
-
Hôm nay xin viết về nhân vật chính của vụ án Hà giang đó là ông Hiệu trưởng trường PTTH THPT Việt Vinh huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang . Theo cách gọi tên nhân vật của người Trung quốc thì họ gọi ông ta là Sầm Hiệu trưởng, vì ở Trung quốc khi gọi ai đó người ta thường gọi họ thay cho tên và đằng sau nó là chức vụ của người đó, ví dụ như Mao Chủ tịch, Lâm Chính ủy, Lý thủ trưởng, Bành Chủ nhiệm….Ở Việt nam có lẽ cũng vì các đồng chí làm tuyên huấn của ta chủ yếu là học ở Tầu về, do vậy du nhập về không chú ý cứ bê nguyên xi, đó chính là lý do vì sao người ta gọi ông Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hồ Chủ tịch. Chỉ một sơ xuất nhỏ như vậy vô tình nó cũng lộ ra cái đuôi thân Tầu của đảng  CSVN từ xưa đến nay tạo cơ sở cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Do vậy nếu gọi theo đúng thông lệ tuyên giáo lâu nay thì ta phải gọi là Sầm Hiệu trưởng cho đúng chủ trương của đảng hơn nữa vì ông Hiệu trưởng họ Sầm tên Xương này đã làm những việc ô nhục làm ảnh hưởng đến phẩm chất đạo đức của người thầy giáo, vì vậy không muốn gọi ông ta là Hiệu trưởng cho nó thêm phần nhục nhã.
Hôm qua và hôm nay (26-27/03/2011) trên báo Người Lao động lại làm dư luận nóng lên với hai bài báo ” Nguyên hiệu trưởng Sầm Đức Xương quyết kháng án” và “Sầm Đức Xương không cần luật sư bào chữa”. Nói đúng hơn là dư luận lại một lần nữa xôn xao vì khi biết tin bà Nguyễn Thị Toán, vợ ông Sầm Đức Xương, cho biết bà vừa vào Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Giang thăm chồng, bà cũng đã xác minh sự thực thông tin này qua cán bộ trại tạm giam rằng “Chồng tôi sức khỏe vẫn tốt nhưng một mực cho rằng bản án mà TAND tỉnh Hà Giang dành cho mình không công bằng. Ông ấy nói với tôi là kiểu gì cũng kháng án tới cùng Nhiều người cùng phạm tội đó (hành vi mua dâm người chưa thành niên – PV) sao lại chỉ có một mình ông ấy phải chịu tội? Ông ấy đã hoàn chỉnh đơn và nộp cho lãnh đạo trại tạm giam, đóng dấu để chuyển tới TAND tỉnh Hà Giang theo đúng thẩm quyền”. Chưa hết bà Nguyễn Thị Toán còn cho biết thêm rằng “Ông ấy bảo tôi về nhà chăm sóc hai con, không phải lo lắng, suy nghĩ gì cả. Cũng không phải lo tiền để thuê luật sư bào chữa cho ông ấy nữa, ông ấy sẽ tự bào chữa tại tòa hoặc để tòa chỉ định luật sư bào chữa trong phiên xử phúc thẩm tới”
gfg
LS Trần Đình Triển cho rằng, HĐXX vụ “mua dâm người chưa thành niên và môi giới mại dâm” này không đưa ra được lý do “xử kín”. Và xử kín mà không tuyên án công khai, là vi phạm tố tụng.

Tóm lại là Sầm Hiệu trưởng và phu nhân đã phẫn uất vì trong hang chục bị can của vụ án môi giới, mua dâm người chưa thành niên xảy ra trên địa bàn thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Nhưng ngày 10-3, khi TAND tỉnh Hà Giang mở phiên tòa xét xử vụ án trong một  phiên xử kín, kết thúc tòa chỉ tuyên phạt án tù duy nhất đối với bị cáo Sầm Đức Xương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm 9 năm tù giam và phạt tiền 5 triệu đồng về tội mua dâm người chưa thành niên. Trong khi trên báo chí từ lâu đã công bố có bằng chứng “” cho thấy còn có rất nhiều người có chức có quyền trong bộ máy chính quyền và các doanh nhân ở tỉnh Hà giang cùng phạm hành vi mua dâm người chưa thành niên lại bị bỏ qua không bị truy tố xét xử.  Và Sầm đồng chí cho rằng Tòa án không công bằng trong việc xét xử nên đã quyết định  làm đơn kháng cáo đến cùng, đặc biệt là tiết lộ sẽ tự bào chữa cho mình tại phiên xử tới.
Chuyện về vụ án môi giới, mua dâm người chưa thành niên xảy ra trên địa bàn thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang thì báo chí đã viết nhiều và chi tiết. Nhưng thời gian của vụ án càng kéo dài, đặc biệt là còn có sự bao che ngay từ khâu điều tra và đặc biệt là sự không nghiêm minh và công bằng trong phán quyết của các cơ quan tố tụng tỉnh Hà giang nhiều tình tiết buồn cười, khó hiểu. Với bằng chứng là kết quả của phiên toà đầu tiên đã bị “Hủy án sơ thẩm” và yêu cầu điều tra lại để làm rõ, tiếp theo là phải hoãn phiên xử sáng ngày 20-1-2010 với lý do để hoãn xử là do 3 nạn nhân của vụ án đều có đơn kháng cáo nhưng lại vắng mặt (!?). Theo các luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi của các bị cáo cho rằng quyết định của Hội đồng xét xử (HĐXX) đã vi phạm luật tố tụng. Đáng chú ý là những phiên toà sau này đều “ xử kín” với lý do các bị cáo Thúy, Hằng đang ở độ tuổi vị thành niên, không cho phép báo giới tham gia theo dõi. Nhưng vào thời điểm tháng 1-2011, mẹ của bị cáo Thúy đã làm đầy đủ các thủ tục gửi TAND tỉnh Hà Giang để mời tôi làm luật sư bào chữa nhưng bị TAND tỉnh Hà Giang từ chối với lý do bị cáo đã trên 18 tuổi”, luật sư Triển bày tỏ và đặt câu hỏi: “Vậy thì hôm nay TAND tỉnh Hà Giang xét xử bị cáo Thúy và Hằng phạm tội “Môi giới mại dâm” khi dưới hay trên 18 tuổi?”.Và một chi tiết nữa không kém buồn cười là khi Sầm Hiệu trưởng khai trước toà là “Tôi không còn khả năng… quan hệ tình dục” , vậy mà khi không hề có kết quả giám định nhưngTAND Tỉnh Hà giang vẫn tuyên án 9 năm tù giam, giảm 1 năm 6 tháng so với 10 năm 6 tháng tù giam của lần xử trước vì số lần mua dâm của Sầm Hiệu trưởng thực tế ít hơn cáo trạng của VKS (!?).
Cách làm mang tính chất đối phó, lúng túng, tuỳ tiện thiếu công bằng của TAND Tỉnh Hà giang với ý đồ bao che, bỏ lọt tội phạm không chỉ làm dư luận xã hội bức xúc, bất bình đối với một vụ án vốn đã  thu hút sự chú ý không nhỏ của đông đảo người dân, mà nó còn làm gia đình các bị cáo công phẫn cũng là điều dễ hiểu. Đừng quên rằng xét xử một vụ án có nhiều cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, vì lẽ đó vụ án này sẽ do các cấp cao hơn quyết định, TAND Tỉnh Hà giang không thể tuỳ tiện làm theo ý đồ của mình. Hơn nữa, lời tuyên bố tự bào chữa của Sầm Hiệu trưởng là một lời cảnh báo cho các cơ quan tố tụng ở Hà giang và 16 đồng chí chưa bị lộ biết trước rằng Sầm Hiệu trưởng sẽ rút gươm khỏi vỏ để chiến đấu trận cuối cùng với suy nghĩ không ăn được thì đạp đổ, mọi sự thật sẽ được phơi bầy.
Liệu khi ấy điều gì sẽ xảy ra?
Thực ra vấn nạn môi giới, mua bán dâm, kể cả mua dâm với trẻ vị thành niên ở Việt nam hiện nay là chuyện thường tình như cơm bữa, đâu đâu cũng có, kẻ mua, người bán cũng đủ thành phần, đủ đối tượng, đủ lứa tuổi. Nhưng bình thường lỡ có bị bắt rồi thì người ta chạy chọt, đút ít tiền là lại được thả, cùng lắm là cho vào trại phục hồi nhân phẩm một thời gian ngắn. Đó là một thực tế không thể chối cãi, nhưng vụ án Hà giang của Sầm hiệu trưởng thì nó vô phúc vì dính đến việc quan chức tỉnh Hà giang “chơi” nhau nên Sầm Hiệu trưởng và mấy cô nữ sịnh bị “cháy thành vạ lây”. Một người là thầy giáo, với hơn 30 năm tuổi nghề và giữ tới chức Hiệu trưởng như Sầm đồng chí mà làm nghề môi giới mại dâm thì là điều khó tin, thực chất chẳng qua vì nể tình anh em bạn bè, hay cũng vì chót thích thể hiện với các quan chức mà Sầm Hiệu trưởng đã “thiết kế” cho họ mua dâm các học sinh của mình. Chứ không nhẽ  ông ta dại dột tới mức vừa mua dâm học trò của mình vừa môi giới để học trò bán dâm, đó là điều không thể tin nổi.
Ở đây có một chuyện hơi lạ của những người đảng viên cộng sản thời nay, không chỉi là chuyện đảng viên môi giới cho một loạt đồng chí của mình mua dâm trẻ em vị thành niên, hay chuyện ông Hiệu trưởng họ Sầm đã cho rằng tòa án đã không công bằng cũng là chuyện dễ hiểu đối với hệ thống tư pháp Việt nam hiện nay. Mà là chuyện một cựu đảng viên đảng CSVN vừa bị khai trừ, ông Sầm Hiệu trưởng đã bị đảng và các đồng chí của mình hôm qua đã bỏ rơi và bị biến thành một vật tế thần. Và đáng ngạc nhiêmn hơn là một người cựu đảng viên cộng sản lại kháng cáo để muốn các đồng chí cũ của mình cũng phải chịu hình phạt án tù như mình. Còn đâu hình ảnh những người cộng sản năm xưa bất chấp nhục hình của kẻ địch dù có chết cũng không hé miệng , kiên quyết bảo vệ đảng, bảo vệ đồng chí của mình. Thử hỏi rằng Đảng CSVN, lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội bây giờ tha hoá, biến chất như thế có còn xứng đáng với cái quyền độc tôn tự phong (điều 4 HP) của mình hay không?
Nhân dân thường tự an ủi nhau nhằm đánh tiếng tới đảng CSVN biết rằng “Đừng khai trừ đảng viên cộng sản ra khỏi đảng, để giữ gìn sự trong sạch của quần chúng” . Vụ án Hà giang với nhân vật chính là Sầm Hiệu trưởng chỉ là một trong muôn vàn các tích trò nhố nhăng, gai mắt đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ của  lực lượng phường tuồng đang lãnh đạo nhà nước và xã hội ở Việt nam hiện nay. Đồng thời nó cũng là bài học cảnh tỉnh cho những ai còn đang đứng trong hàng ngũ của đảng CSVN hãy coi chừng một ngày nào đó khi bị loại khỏi đảng CSVN lập tức sẽ được đảng đối xử như Sầm Hiệu trưởng hôm nay.
Xin nhớ rằng ở đâu có áp bức, bất công thì ở đó sẽ có đấu tranh, bởi bất công và vô luật pháp là mầm mống của sự bất ổn và tạo phản. Đồng thời “Hổ dữ không ăn thịt con” chỉ là bản năng của loài cầm thú, một tổ chức chính trị không thể học thói của loài thú dữ để bao che cho đảng viên của mình làm bậy mà không bị xử lý theo luật pháp. Đảng CSVN luôn kêu gọi phòng và chống Diễn biến hoà bình, mà họ quên rằng tự họ cứ để sự bất công, vô lý tồn tại và phát triển như hiện nay thì nên phòng và chống biểu hiện coi thường pháp luật và quần chúng nhân dân của chính họ thì tốt hơn. Chớ để tình trạng này kéo dài kiểu góp gió thành bão thi khi bão nổi lên rồi thì khi ấy lấy gì mà chống đỡ?

Hà nội ngày 28/03/2011
—————–












  

dimanche 27 mars 2011

CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN TẠI VIỆT NAM




Chuyến Đi Thăm Việt Nam Khiến Lại Phải Ghét Chủ Nghĩa Cộng Sản


/ PBD dịch
Thứ Bảy, 19 Tháng 3 Năm 2011 09:45
Nhìn thấy Miền Bắc Cộng Sản khiến phải nổi giận trước những cái chết vô nghĩa và những lời dối trá lịch sử.

Thật khó mà kềm nổi các xúc động của tôi — nhất là không tránh được phải nổi giận — trong chuyến viếng thăm Viêt Nam của tôi hồi tuần trước. Tôi càng ngưỡng mộ người dân Việt bao nhiêu — thông minh, yêu đời, tự trọng, và chăm chỉ — thì tôi lại càng tức giận lũ Cộng Sản đã gây đau khổ quá nhiều cho người dân nước này (và dĩ nhiên cả người Mỹ chúng ta) trong nửa thế kỷ sau của thế kỷ 20.
Điều không may là lũ Cộng Sản vẫn cai trị nước này. Mà Việt Nam ngày nay đã đón nhận cách duy nhất, chủ nghĩa tư bản và thị trường tự do, để thoát khỏi cảnh nghèo đói, chứ khoan nói đến chuyện thịnh vượng. Vậy thì 2 triệu người Việt phải bỏ mạng trong Chiến Tranh Việt Nam để làm gì? Tôi muốn hỏi một trong những tên lãnh đạo Cộng Sản đang cai trị Việt Nam câu hỏi đó. Tôi muốn hỏi: “Này đồng chí, đồng chí đã bỏ hết tất cả những gì mà đảng Cộng Sản của đồng chí đã tranh đấu cho kỳ được: nào là cộng sản, nông nghiệp tập thể, hoạch định trung ương, và quân phiệt, ngoài những lý tưởng khác nữa. Vậy thì hãy nhìn lại xem Hồ Chí Minh yêu kính của đồng chí và đảng của đồng chí đã hy sinh hàng triệu đồng bào người Việt của đồng chí thì đúng ra là để được cái gì?”
Không có câu trả lời nào là câu trả lời hay. Chỉ có một lời nói dối và một lời nói thật, và lời nói thật thì thật là thê lương.
Lời nói dối chính là câu trả lời của Cộng Sản Việt Nam, cũng như hầu hết mọi lời nói dối của Cộng Sản, và đã được khối Thiên Tả không Cộng Sản trên Thế Giới lặp lại. Lời nói dối này đã (và vẫn tiếp tục đang) được dạy tại hầu hết các viện đại học ở phương Tây, và đã (và vẫn tiếp tục đang) được hầu hết mọi phương tiện truyền thông trên địa cầu truyền tải: Lời nói dối đó là Cộng Sản Việt Nam (tức là Bắc Việt), và Việt Cộng chỉ tranh đấu giành độc lập cho nước họ khỏi tay ngoại bang. Trước hết là tranh đấu chống Pháp, sau đó là Nhật, rồi đến Mỹ. Những người Mỹ sinh vào thời hậu chiến (sau thế chiến 2) sẽ nhớ là họ cứ được nhắc nhở mãi Hồ Chí Minh là George Washington của Việt Nam, và ông ta yêu mến Hiến Pháp Hoa Kỳ và đã dùng bản hiến pháp này làm nền tảng mô phỏng hiến pháp của ông ta, và chỉ muốn giành độc lập cho Việt Nam.
Sau đây mới là sự thật: Tất cả những tên độc tài Cộng Sản trên thế giới đều là những tên côn đồ ngông cuồng, thần thánh hóa cá nhân, tham quyền, khát máu. Hồ Chí Minh cũng thế. Hắn thủ tiêu các đối thủ, tra tấn biết bao nhiêu người Việt vô tội mà chỉ có trời mới biết chính xác được bao nhiêu người, và đe dọa hàng triệu người để họ phải cầm súng ra trận cho hắn — phải, cho hắn và cho đảng Cộng Sản Việt Nam đẫm máu, và được một tên sát nhân “vĩ đại” muôn năm khác yểm trợ: Mao Trạch Đông. Nhưng những kẻ ngu dốt đạo lý tại Hoa Kỳ lại cứ hô to “Ho, Ho, Ho Chi Minh” trong các cuộc biểu tình chống chiến tranh và gọi Hoa Kỳ là những kẻ giết người — “Hey, Hey, LBJ, hôm nay ngươi giết được bao nhiêu trẻ con?”
Đảng Cộng Sản Việt Nam không đánh Mỹ để giành độc lập cho Việt Nam. Mỹ không bao giờ muốn kiểm soát người dân Việt, và có một trường hợp tương tự để chứng minh điều đó: Chiến Tranh Triều Tiên. Mỹ có đánh Cộng Sản Triều Tiên để kiểm soát Triều Tiên hay không? Hay là 37,000 người Mỹ bỏ mạng tại Triều Tiên để người dân Triều Tiên được hưởng tự do? Ai đã (và vẫn là) người có tự do hơn — một người Triều Tiên sống dưới chế độ Cộng Sản Triều Tiên ở Bắc Triều Tiên hay một người Triều Tiên sống tại nơi mà Hoa Kỳ đã đánh bại Cộng Sản Triều Tiên?
Và ai đã là người có tự do hơn ở Việt Nam — những người sống ở miền Nam Việt Nam không Cộng Sản (dù là với tất cả các khuyết điểm của chế độ đó) hay những người sống dưới chế độ Cộng Sản của Ho, Ho, Ho Chi Minh ở Bắc Việt Nam?
Hoa Kỳ tranh đấu để giải phóng các nước, không phải để cai trọ họ. Sự thật là, chính đảng Cộng Sản Việt Nam chứ không phải Hoa Kỳ, mới là những kẻ muốn kiểm soát người dân Việt. Nhưng lời dối trá lại được tuyên truyền lan rộng khắp nơi và hiệu nghiệm đến mức đa số mọi người trên thế giới — trừ những người Mỹ hậu thuẫn cho cuộc chiến đó và thuyền nhân người Việt và những người Việt khác khao khát tự do — cứ tin rằng Hoa Kỳ nhập trận là để lấy kẽm, tungsten, và để thành lập cả một “đế quốc Mỹ” giả tưởng trong khi Cộng Sản Việt Nam thì tranh đấu cho tự do của người Việt.
Tôi ghé đến “Bảo Tàng Viện Chứng Tích Chiến Tranh Việt Nam” — tòa nhà triển lãm các hình ảnh chống Mỹ cao ba tầng của đảng Cộng Sản. Chẳng có gì để tôi phải ngạc nhiên — tôi chẳng ngạc nhiên vì không có đến một chữ chỉ trích Cộng Sản Bắc Việt hoặc Việt Cộng, không có đến một chữ về việc đe dọa mạng sống của mọi người khắp nơi nếu họ không chiến đấu cho Cộng Sản, không có đến một chữ về những người liều mạng để vượt thoát bằng thuyền, thà chịu nguy hiểm bỏ mạng ngoài biển cả, vào bụng cá mập, hoặc bị hải tặc tra tấn hoặc hãm hiếp tập thể, còn hơn sống dưới chế độ Cộng Sản đã “giải phóng” Nam Việt Nam.
Điều cũng không có gì đáng ngạc nhiên là không thấy có khác biệt gì mấy giữa lịch sử Chiến Tranh Việt Nam do đảng Cộng Sản Việt Nam kể lại với lịch sử cuộc chiến đó mà hầu như sinh viên nào cũng sẽ được nghe kể lại từ hầu như bất cứ giáo sư nào tại bất cứ trường đại học nào ở Mỹ Châu, Âu Châu, Á Châu, hoặc Châu Mỹ La Tinh.
Tôi sẽ kết thúc bằng đề tài tôi đã bắt đầu— người Việt. Đã đến thăm Việt Nam thì không thể không mang ấn tượng tốt đẹp về người dân nước này. Tôi hy vọng tôi còn sống để thấy ngày người dân Việt Nam, được giải phóng khỏi những lời dối trá của Cộng Sản hiện vẫn lan tràn trong đời sống hàng ngày của họ, hiểu rằng mỗi mạng người Việt hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ đều bị phí phạm vô nghĩa, là thêm một mạng người nữa trong số 140 triệu sinh mạng bị đem ra hy sinh trước bệ thờ tên giả thần khát máu nhất trong lịch sử: Chủ Nghĩa Cộng Sản.
Dennis Prager hiện có một chương trình truyền thanh thính giả đàm thoại (Talk Show) hàng ngày trên đài KRLA tần số 870AM bao gồm vùng Los Angeles và Orange County.  KRLA liện hợp với 140 đài khác trên toàn quốc Hoa Kỳ.  Ông viết xã luận hàng tuần, là tác giả của bốn cuốn sách và là sáng lập viên của Đại Học Prager trên mạng (www.prageru.com).
Quí vị có thể liên lạc với Dennis Prager trên trang mạng www.dennisprager.com.



Trip to Vietnam Revives Hatred of Communism


Written by Dennis Prager   
Saturday, 19 March 2011 17:21
2/15/2011 - It was difficult to control my emotions -- specifically, my anger -- during my visit to Vietnam last week.

The more I came to admire the Vietnamese people -- their intelligence, love of life, dignity and hard work -- the more rage I felt for the communists who brought them (and, of course, us Americans) so much suffering in the second half of the 20th century.


Unfortunately, communists still rule the country. Yet, Vietnam today has embraced the only way that exists to escape poverty, let alone to produce prosperity: capitalism and the free market. So what exactly did the 2 million Vietnamese who died in the Vietnam War die for? I would like to ask one of the communist bosses who run Vietnam that question. "Comrade, you have disowned everything your Communist party stood for: communal property, collectivized agriculture, central planning and militarism, among other things. Looking back, then, for what precisely did your beloved Ho Chi Minh and your party sacrifice millions of your fellow Vietnamese?"
There is no good answer. There are only a lie and a truth, and the truth is not good. The lie is the response offered by the Vietnamese communists and which was repeated, like virtually all communist lies, by the world's non-communist left. It was (and continues to be) taught in virtually every Western university and was and continues to be spread by virtually every news medium on the planet: The Vietnam communists, i.e., the North Vietnamese and the Viet Cong, were merely fighting for national independence against foreign control of their country.
First, they fought the French, then the Japanese and then the Americans. American baby boomers will remember being told over and over that Ho Chi Minh was Vietnam's George Washington, that he loved the American Constitution, after which he modeled his own, and wanted nothing more than Vietnamese independence.
Here is the truth: Every communist dictator in the world has been a megalomaniacal, cult of personality, power hungry, bloodthirsty thug. Ho Chi Minh was no different. He murdered his opponents, tortured only God knows how many innocent Vietnamese, threatened millions into fighting for him -- yes, for him and his blood soaked Vietnamese Communist Party, backed by the greatest murderer of all time, Mao Zedong. But the moral idiots in America chanted "Ho, ho, Ho Chi Minh" at antiwar rallies, and they depicted America as the real murderers of Vietnamese -- "Hey, hey, LBJ, how many kids did you kill today?"
The Vietnamese communists were not fighting America for Vietnamese independence. America was never interested in controlling the Vietnamese people, and there is a perfect parallel to prove this: the Korean War. Did America fight the Korean communists in order to control Korea? Or did 37,000 Americans die in Korea so that Koreans could be free? Who was (and remains) a freer human being -- a Korean living under Korean communist rule in North Korea or a Korean living in that part of Korea where America defeated the Korean communists?
And who was a freer human being in Vietnam -- those who lived in non-communist South Vietnam (with all its flaws) or those who lived under Ho, ho, Ho Chi Minh's communists in North Vietnam?
America fights to liberate countries, not to rule over them. It was the Vietnamese Communist Party, not America, that was interested in controlling the Vietnamese people. But the lie was spread so widely and so effectively that most of the world -- except American supporters of the war and the Vietnamese boat people and other Vietnamese who yearned for liberty -- believed that America was fighting for tin, tungsten and the wholly fictitious "American empire" while the Vietnamese communists were fighting for Vietnamese freedom.
I went to the "Vietnam War Remnants Museum" -- the Communist Party's three-floor exhibit of anti-American photos. Nothing surprised me -- not the absence of a single word critical of the communist North Vietnamese or of the Viet Cong; not a word about the widespread threats on the lives of anyone who did not fight for the communists; not a word about those who risked their lives to escape by boat, preferring to risk dying by drowning, being eaten by sharks or being tortured or gang-raped by pirates, rather than to live under the communists who "liberated" South Vietnam.
Equally unsurprising is that there is little difference between the history of the Vietnam War as told by the Communist Party of Vietnam and what just about any college student will be told in just about any college by just about any professor in America, Europe, Asia or Latin America.
I will end with the subject with which I began -- the Vietnamese. It is impossible to visit Vietnam and not be impressed by the people. I hope I live to see the day when the people of Vietnam, freed from the communist lies that still permeate their daily lives, understand that every Vietnamese death in the war against America was a wasted life, one more of the 140 million human sacrifices on the altar of the most bloodthirsty false god in history: communism.
Dennis Prager has a daily radio talk show heard across America on 140 radio stations. He is writes a weekly column, is the author of four books including  Happiness Is a Serious Problem: A Human Nature Repair Manual, and founder of Prager University on the Internet (www.prageru.com). He can be contacted through his website www.dennisprager.com

TOWNHALL DAILY: Be the first to read Dennis Prager's column. Sign up today and receive Townhall.com daily lineup delivered each morning to your inbox.
Courtesy:  http://www.dennisprager.com/columns.aspx?g=fd198c1f-a631-48dd-aefb-b9d0b8d53c28&url=trip_to_vietnam_revives_hatred_of_communism 



Công an tiếp tục trấn áp Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy

3/27/2011

  (Updates 26-3-2011)



Vào lúc 9 giờ sáng (26/03/2011) , Đại diện CA Tỉnh An Giang mời ông Trần Nguyên Hưởn, chủ nhân địa điểm hành lễ 25/2 âl Tân Mão (2011) đến cơ quan CA xã và truyền lịnh rằng: Nếu ông Trần Nguyên Hưởn muốn tổ chức lễ 25/2 âl Tân Mão thì phải xin phép, khi được chánh quyền chấp thuận thì mới được tổ chức, bằng không sẽ bị bắt trước.

Ông Hưởn cười ngất và trả lời: Các ông là CA có biết luật của đảng CSVN của các ông là như thế nào không? Điều 70 của Hiến Pháp Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN đã quy định rành rành trên giấy trắng mực đen:

-Công dân có quyền tự do tín ngưỡng.

-Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.

Tại sao Phật Giáo tổ chức kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn,,, Thiên Chúa Giáo tổ chức ngày Đức Chúa Giê Su thăng thiên, cả đến các chùa, miểu, am cốc ở trên toàn đất nước VN đều được tổ chức những ngày lễ thường kỳ, v.v. . . không phải xin phép, còn PGHH tổ chức kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ lại phải xin phép? Như vậy đảng CSVN viết Hiến Pháp phải chăng là để lừa bịp công luận và dối gạt nhân dân VN ? ? ? và ông Hưởn khẳng định : Chúng tôi đã tuyên bố tổ chức ngày lễ này thì chúng tôi vẫn tổ chức, dầu phải xương rơi, máu đổ . . . còn mấy ông muốn bắt tôi thì bắt lúc nào cũng được, tôi đã mua 2 cái hòm, một cái là để cho tôi người tổ chức ngày Lễ và một cái dành cho Đại Tá Quyền, người cầm đầu chiến dịch khủng bố ngày lễ 25/2 âl này . . . Nói xong ông Hưởn đứng dậy ra về trong lúc CA yêu cầu ở lại ký biên bản, ông Hưởn mĩm cười và đi luôn.

B-Vào lúc 9 giờ sáng, Chị Nguyễn Ngọc Hà, người công bố Tuyệt Mạng Thư đang ở tại nhà ông Trần Nguyên Hưởn.Chị Hà bị bịnh nhờ anh Nguyễn Thanh Tùng chở đi bác sĩ, nhưng khi ra khỏi nhà ông Hưởn khoảng 100m thì có khoảng 100 CA bu lại cản trở không cho chị Hà đi với một thái độ hung hãn như côn đồ. Ngoài ra, CA còn ra lịnh từ rày ông Tùng không được ra vào nhà ông Hưởn . . . Rõ thật CA của CSVN có khác.

C-10 giờ sáng, anh Hà Văn Duy Hồ, Tổng Đoàn Trưởng Đoàn Thanh Niên PGHH Yêu Nước vừa ra khỏi nhà chưa đầy 100m thì có hằng trăm CA (đã đóng chốt sẵn chung quanh nhà anh Hồ) bu lại chận đường không cho anh Hồ đi và áp nhau nắm tay nắm áo đẩy anh Hồ trở vào nhà . Anh Hồ phản đối quyết liệt và hỏi CA: chiếu theo Điều 68 trong Hiến Pháp của đảng CSVN có ghi: “Công dân có quyền tự do đi lại” tại sao mấy anh cản trở tôi một cách không lý do như thế này . . . thì một tên CA cười lớn và trả lời : Đồ ngu, Hiến Pháp là Hiến Pháp, còn quyền của CA là quyền của CA . . . Anh Hồ tức quá la lên: CA gì mà bạo ngược còn hơn tụi thổ phỉ? . . . Tức thời hằng chục CA ào tới lôi kéo anh Hồ xô vào nhà. Lúc ấy vợ anh Hồ đang cầm chiếc điện thoại di động có chụp ảnh liền chụp lấy cái cảnh hung tàn tức thì 6,7 tên CA xông tới giựt lấy cái máy điện thoại rồi cưới ngất nhảy lên xe Honda vọt đi nhanh như một toán cướp đường . . . để lại vợ chồng anh Hồ quá phẫn uất, 2 dòng nước mắt ràn rụa, đứng ngẫn người nhìn theo toán người hung bạo vừa húng hiếp mình lại vừa giựt một chiếc điện thoại giá hằng mấy triệu bạc của mình.

Ôi! Hình ảnh của đảng CSVN quang vinh đã được phơi bày quá tỏ rõ giữa thanh thiên bạch nhật. Đúng là “quang vinh” của CS vô thần.

D-Lúc 10 giờ, anh Bùi Văn Heo, Trị Sự Viên PGHH Thuần Túy tỉnh An Giang, ngụ tại Thị Trấn Phú Hòa (An Giang) cùng với phái đoàn khoảng 20 người đi về địa điểm dự lễ, vừa ra khỏi nhà thì một toán CA thuộc huyện Thoại Sơn khoảng 30 người súng ống tua tủa chận đường đuổi phái đoàn trở lại. Cuộc cải vả sôi nổi nhưng cuối cùng tay không không thể chống lại dùi cui, roi điện của kẻ bạo tàn, phái đoàn đành trở về.

E-Vào khoảng 16 giờ, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, Hội Trưởng PGHH Thuần Túy tỉnh Cần Thơ cùng chồng là Nguyễn Văn Hòa và 1 phái đoàn nhân sĩ PGHH khoảng vài chục người trên đường đi đến địa điểm hành lễ, khi đến xã Hòa Bình thì có một toán CA có cả CS Giao Thông thuộc huyện Chợ Mới (An Giang) đón đường kiếm chuyện xét xe rồi giữ vợ chồng Nguyễn Thị Ngọc Lan tại cơ quan CA. Cái điều quái dị, tàn nhẫn và bạo ngược nhất là một việc vi phạm giao thông mà CA lại tuột cả áo quần chị Lan để khám xét? Tất nhiên chị Lan kháng cự quyết liệt và bị 4,5 CA nam có, nữ có bẻ tay, bẻ chân chị Lan bị thương khá nặng, rồi mãi đến 3 giờ sáng sau khi hành hạ vợ chồng chị Lan, nhất là chị Lan suốt 11 tiếng đồng hồ rồi CA đem xe cứu thương chở trả chị Lan về nhà và trước khi chở đi, CA còn hăm dọa: “Tụi tao sẽ chở mày lên Campuchia cho tụi “con mên” nó chơi cho mày còn có gan dám kháng cự với CA nữa không” Trời ơi! Một câu nói xuất phát từ cửa miệng của CA đảng CSVN, sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh nó vừa thối tha, vừa đốn mạt, tồi bại hơn những lời nói của lũ côn đồ, giựt dọc, móc túi, đá cá lăn dưa, rút cầu, đóng cửa (!) không biết ông Đại Tướng Lê Hồng Anh khi nghe được những lời nói thối tha, mất dạy này ông sẽ suy nghĩ như thế nào?

Tóm lại, chiến dịch trấn áp ngày lễ 25/2 âl Tân Mão (2011) có thể nói là vô cùng tàn nhẫn, vô cùng khắc nghiệt. Tính đến ngày 26/3/2011 thì:

a- Toàn thể cán bộ nồng cốt của PGHH Thuần Túy đều bị CA bao vây, không một người nào đi ra được khỏi cửa.

b-Trên các bến phà, trên các trục lộ dẫn đến địa điểm hành lễ đều có CA “đóng chốt” chặt chẻ, những người nào mà CA nghi ngờ là đi dự lễ bị xua đuổi một cách hung bạo, thô bỉ, không được đến nhà ông Trần Nguyên Hưởn.

c-Đến 18 giờ ngày 26-3-2011, chỉ có khoảng 10 người đi đến được nhà ông Trần Nguyên Hưởn. Cánh đồng phía sau nhà ông Hưởn cũng có CA canh gát, một số không ít vượt cánh đồng để đi vào nhà ông Hưởn đã bị CA đuổi trở lại.

d-Theo như tin đã loan là với tinh thần quyết tử ông Hưởn định mua 2 cái hòm để sẵn trước cửa nhà, một dành cho Trần Nguyên Hưởn là người tổ chức ngày Đại Lễ 25/2 âl Tân Mão và 1 dành cho Đại Tá Nguyễn Văn Quyền thuộc Ban CA tỉnh An Giang là người cầm đầu chiến dịch đàn áp cuộc lễ.

Nhưng CA đã ra lịnh toàn Huyện Chợ Mới chỉ bán hòm cho những người có giấy khai tử cho nên ông Hưởn phải cho người đi đến tận biên giớiVN-Campuchia để mua.

Vào lúc 3 giờ sáng ngày 27-3-2011, 2 chiếc hòm được chở trên một chiếc thuyền máy chạy trên sông Tiền Giang từ biên giới về địa điểm hành lễ, khi đến ngang chợ Hòa Hảo thì đã có 3 chiếc thuyền máy chở đầy CA chờ sẵn xông đến bao vây chiếc thuyền . . . Rồi 6,7 CA tràn qua chiếc thuyền chở hòm khiêng 2 cái hòm liệng xuống sông rồi bắt anh Nguyễn Văn An, 28 tuổi đem đi. Hiện giờ không biết số phận anh An ra sao, hay cũng bị liệng như 2 cái hòm và đang nàm dưới đáy sông.

e-Những toán CA trong chiến dịch đàn áp cuộc lễ 25/2 âl Tân Mão mang một bản chất hung bạo, thô bỉ như những toán côn đồ, điển hình qua việc ngăn chận Nguyễn Ngọc Hà, ngăn chận anh Hà Văn Duy Hồ, bắt giữ chị Nguyễn Thị Ngọc Lan như đã kể ở đoạn đầu.

f-Mỗi lần bị CA ngăn chận thì những phái đoàn đi dự lễ đều bị CA mặc thường phục giả côn đồ cướp đoạt máy chụp ảnh một cách thô bạo hơn cả bọn cướp đường và thường là đánh đập nạn nhân một cách dã man mà nạn nhân không thể đương cự lại vì lúc nào chúng cũng quá đông, do đó đã xảy ra rất nhiều vụ ngăn đường đón ngõ mà không lấy được hình ảnh gì cả. Đó là cái ngón sở trường của CA, ngăn chận không để ai có thể lấy được những hình ảnh bạo ngược thô bỉ của CA hầu đưa ra nước ngoài.

g-Theo tin tức thì hiện giờ cô Lê Thị Mỹ Hạnh đang bị CA truy bức một cách gắt gao, không biết có vượt qua nguy hiểm không? Nếu Lê Thị Mỹ Hạnh mất tích là chính CA của CS thủ tiêu.

VN, ngày 27-3-2011.

TM. Giáo Hội Trung Ương PGHH Thuần Túy

Tổng Vụ Truyền Thông

TRƯƠNG THÀNH LONG
http://danbao1.wordpress.com