lundi 9 mai 2011

30 Tháng Tư 2011

...........Tháng Tư năm nay có vẻ như mọi người chẳng muốn nói nhiều về cái chuyện “hòa giải, hòa hợp” cũ mèm. Sự trăn trở, suy tư nhiều là hiện tình đất nước sau 36 năm, những được, mất, hậu quả của ngày 30 tháng Tư, việc nhìn lại bài học thống nhất đất nước v.v…Và theo thời gian, khi cái nhìn về quá khứ trở nên rõ ràng, khách quan hơn thì nỗi buồn đau đối với những người Việt Nam còn có lòng với đất nước, dù đang sống ở đâu, đang đứng ở vị trí nào, lại càng trở nên nặng nể, ray rứt hơn.
Theo thời gian, cùng với những sử liệu được công bố từ Mỹ và cả từ phía Liên Xô, Trung Quốc, nhiều người VN, trước đây chỉ được nghe thông tin một chiều từ phía đảng và nhà nước cộng sản, mới hiểu ra vai trò của các nước lớn trong cuộc chiến tranh VN, những âm mưu, toan tính của từng nước trên lưng dân tộc Việt, ý nghĩa thật sự của cuộc chiến, của các khái niệm “thắng” và “thua”…
Vì sự thiển cận, thiếu hiểu biết, thiếu vắng một tư duy chính trị sâu rộng, và cả vì sự lệ thuộc nặng nề vào viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc, các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản VN khi đó đã để cho các ông anh Liên Xô, Trung Quốc giật dây. Về phía Liên Xô là ý đồ muốn VN là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á, còn ý đồ của Trung Quốc là “đánh Mỹ bằng người VN”-vừa để làm suy yếu Mỹ vừa nhằm tạo ra một vùng đệm, không có Mỹ ngay sát cạnh Trung Quốc, mở đường cho âm mưu bành trướng lâu dài ở khu vực biển Đông mà bây giờ chúng ta đã thấy. Chính vì những toan tính đó mà Liên Xô và Trung Quốc đã không bỏ rơi miền Bắc VN, ngược lại, đã chi viện đến cùng trong khi Mỹ, vốn là một nước dân chủ, do áp lực của truyền thông quốc tế và của chính nhân dân họ, đã phải rời bỏ VN.
Nếu biết nhìn xa trông rộng, và trước hết là có trách nhiệm, có lương tri với chính dân tộc mình, những người lãnh đạo đảng cộng sản VN đã không chọn con đường thống nhất đất nước bằng mọi giá. Ngay cả khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, Mỹ chấp nhận rút khỏi VN, lẽ ra họ đã có thể dừng lại, và hai miền vẫn tiếp tục con đường phát triển riêng của mình theo như Hiệp định, nhưng họ đã không làm như vậy.
Nhắc lại tất cả những chuyện cũ chỉ để một lần cho những ai còn chưa hiểu rõ về ý nghĩa thật sự của cuộc chiến, khái niệm “thắng”, “thua”.
Có rất nhiều người VN, nhất là nếu hoàn toàn sống ở miền Bắc, hay các thế hệ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, không chỉ đã hiểu sai rất nhiều về cuộc chiến, mà cả về chế độ VNCH, về những năm tháng của người miền Nam sau tháng Tư năm 1975 dẫn đến việc vì sao có hàng triệu người phải bỏ nước ra đi. Và cái sự hiểu sai ấy còn kéo dài đến tận bây giờ, trong cái nhìn nghi kỵ, thiếu thiện cảm đối với cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Tôi là người gốc Huế nhưng sống chủ yếu tại Sài Gòn. Dù khi chiến tranh kế thúc, tôi chỉ là một đứa trẻ con nhưng gia đình, họ hàng bao đời sống ở miền Nam. Và vì là một người làm văn hóa nghệ thuật, tôi phải tìm hiểu ít nhiều về tình hình văn hóa, văn nghệ của cả hai miền. Chỉ so sánh về kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật cho đến hoạt động báo chí, xuất bản…vào thời điểm 1975, phải nói thật, miền Nam hơn hẳn miền Bắc trong các lĩnh vực này. Việc tìm hiểu điều này đúng hay sai thì cũng không có gì là quá khó, tư liệu, hình ảnh, sách vở, tác phẩm…vẫn còn khá nhiều. Thậm chí 36 năm sau, nhiều mặt của xã hội VN bây giờ như giáo dục hay luật pháp, tình trạng tự do báo chí, tự do ngôn luận, xuất bản cho đến đạo đức xã hội…vẫn tệ hơn.
Về mô hình thể chế chính trị, miền Nam trước đây có mô hình thể chế chính trị giống với Mỹ và phần lớn các nước phát triển khác trên thế giới: dân chủ pháp trị, đa đảng, tam quyền phân lập. Cho đến hiện nay trên toàn thế giới, đây vẫn là mô hình hợp lý nhất, giúp cho một quốc gia phát triển tốt nhất. Bằng chứng là hàng loạt các quốc gia giàu mạnh, tiến bộ đã và đang lựa chọn con đường này. Kể từ năm 1986, đảng và nhà nước cộng sản VN chỉ mới “lặng lẽ” thừa nhận sự sai lầm trong con đường phát triển về kinh tế, họ đã buộc phải “đổi mới hay là chết” và sự đổi mới đó, thực chất là đi theo con đường phát triển kinh tế thị trường, tư bản chủ nghĩa của miền Nam trước đây và của các nước tư bản trên thế giới. Nhưng đó chỉ mới là kinh tế.

Một hạn chế nữa về mặt quan điểm, nhận thức chính trị thường gặp là có nhiều người, dù không bằng lòng với chế độ hiện nay ở VN nhưng chỉ muốn góp ý để đảng và nhà nước sửa sai hầu tốt đẹp hơn chứ không muốn thay đổi thể chế chính trị. Nhưng vấn đề là ở chỗ chính cái mô hình thể chế chính trị đó là sai lầm. Ba cái sai lầm lớn nhất đã được vạch ra từ lâu:
1. Chọn chủ nghĩa Mác Lê Nin làm “nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và nhân dân” là một sai lầm khi chính cái đất nước đẻ ra ông Lênin cũng như bao nhiêu quốc gia khác đã vứt cái chủ nghĩa này vào sọt rác. 2. Để đảng cộng sản điều hành, lãnh đạo đất nước là một sai lầm. Có bao nhiêu quốc gia dưới sự lãnh đạo của một đảng cộng sản đã phải thất bại và tự chuyển đổi? Còn lại bao nhiêu quốc gia vẫn đang nằm dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, vả thực trạng của các quốc gia đó ra sao, trừ Trung Quốc là một trường hợp có được sự thành công lớn vể kinh tế nhưng các mặt khác, nếu cần, lại phải có bài phân tích riêng. Các câu hỏi này cũng không có gì khó trả lời. 3. Một mô hình độc đảng lãnh đạo với một nhà nước “tam quyền nhất lập” là sai lầm. Toàn bộ mọi bất công, tồi tệ trong xã hội là từ đây mà ra.
Hiểu như thế rồi thì việc chỉ sửa đổi mà không thay đổi toàn bộ thể chế chính trị là điều ngây thơ. Thực trạng xã hội VN hiện nay không phải chỉ là một vài vấn đề như nạn tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo hay lạm phát. Mà là toàn bộ các mặt từ kinh tế, luật pháp, giáo dục, văn hóa, đạo đức xã hội…đều nát như tương. Cũng không còn là vấn đề của một vài hiện tượng, cá nhân. Ví dụ như nạn tham nhũng, không còn là vấn đề của một vài ông A ông B, một vài công ty, tổ chức mà là từ trên xuống dưới, cả xã hội đều đang phải sống chung với nạn tham nhũng và những biến tướng của nó. Từ thói quen hối lộ, nạn “bao bì”, mua quan bán chức, gian lận trong thi cử, bằng cấp, gạ tình lấy điểm…tất cả đểu là những “diện mạo” khác nhau của nạn tham nhũng. Trong một xã hội như vậy một cá nhân muốn sống trong sạch cũng rất khó.
Sự trông chờ, hy vọng vào sự thay đổi của đảng và nhà nước VN là điều ngây thơ khác. Tại sao họ lại phải thay đổi, phải chịu mất mát khi đang ở thế độc quyền lãnh đạo đất nước, có tất cả mọi thứ trong tay, muốn làm gì thì làm, muốn đối xử với nhân dân ra sao cũng được? Vả lại, cứ giả sử rằng có một vị minh quân nào đó cùng với một số cá nhân muốn sửa đổi thì với cả một thể chế, guồng máy như hiện nay, họ cũng đành bất lực. Bởi, như nhiều người hay nói, đã là “lỗi hệ thống” thì phải thay đổi cái hệ thống đó, không còn cách nào khác. Có thay một ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng này bằng một ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng khác cũng vô ích.
Một nhầm lẫn cuối cùng, cũng từ sự hạn chế trong nhận thức, cộng thêm bao nhiêu năm bị đảng và nhà nước tuyên truyền một chiều, nên một số người có cái nhìn nghi kỵ, chia rẽ với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, cứ như sợ mai này đất nước thay đổi họ sẽ về chia phần miếng bánh quyền lực vậy. Một số khác, tuy cũng chỉ trích những đường lối, chính sách của nhà nước nhưng lại tỏ ra “dị ứng” với khái niệm dân chủ và tất tần tật “bọn dân chủ”-tức những người lên tiếng hoặc đấu tranh đòi tự do, dân chủ.

Tự do dân chủ là những giá trị mang tính phổ quát của toàn nhân loại, là khát vọng chung và lớn nhất của mọi con người bất kể màu da, quốc tịch, ngôn ngữ…Chỉ có những quốc gia độc tài mới xem những khái niệm tự do dân chủ như là những chủ đề “nhạy cảm”, mới xem khát vọng đó của người dân như là một đòi hỏi không thể chấp nhận, và bằng mọi cách phải dập tắt. Về phía người dân cũng thế, khi phải sống quá lâu trong một thể chế độc tài, người ta không còn nhận ra là mình đã bị tước đi những quyền lợi gì, và do vậy, cũng đâm ra “nhạy cảm” với những khái niệm này.
Thật ra, nếu cứ sống mãi trong một môi trường chính trị xã hội kiểu như ở VN suốt mấy chục năm qua, con người rất dễ bị “ô nhiễm” về mặt tinh thần và bị ảnh hưởng trong quan điểm, nhận thức về mọi việc mà không tự ý thức được. Cái di hại của một thể chế chính trị độc tài gây ra cho người dân về mặt tinh thần, nhân cách thật nặng nề mà tôi đã từng viết một phần nào trong bài “Những căn bệnh đang hủy hoại xã hội VN” trước đây.
Và đó chính là cái tội lớn nhất của đảng cộng sản VN đối với đất nước, dân tộc sau 66 năm cầm quyền ở miền Bắc và 36 năm độc quyền lãnh đạo trên toàn lãnh thổ VN. Không phải chỉ là sự tụt hậu về kinh tế, lạc hậu về kỹ thuật, công nghiệp…so với các nước khác, mà là sự tàn hại về mặt văn hóa, con người, tinh thần của cả một dân tộc. Thêm vào đó là nguy cơ lệ thuộc nặng nề thậm chí mất nước, do sự hèn nhát của các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng, của một nhóm lợi ích lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc.
Không ai khác, chính nhân dân VN, và là những người đang sống trong nước sẽ phải thực hiện sự thay đổi để cứu lấy vận mệnh đất nước, mà trước hết là cứu mình, con cháu mình, là quyền lợi của chính mình.
Bao giờ thì sẽ có một ngày chúng ta không phải viết mãi về những điều đã cũ mèm này?

Song Chi.