mardi 17 mai 2011

Nợ VINASHIN



Vinashin đã đầu tư vào nhiều khu vực không liên quan tới ngành đóng tàu.

Giới chủ nợ ngày càng thất vọng về việc Vinashin không trả được nợ đáo hạn vào năm ngoái trong bối cảnh chính phủ tảng lờ quan ngại của chủ nợ.
Bài viết trên báo tài chính The Wall Street Journal ra ngày 16/05 nhận định diễn biến này nhiều khả năng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới những kế hoạch cải thiện kinh tế của Việt Nam.
Các vấn đề xảy ra với Vinashin cho thấy những rủi ro khi đầu tư vào một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong các nước mới nổi lên trên thế giới, ít nhất là những gì có thể nhìn thấy trên bề mặt.
Chính phủ Việt Nam lập ra Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, cốt để trở thành tập đoàn có vị thế lớn trong thị trường đóng tàu quốc tế nhằm có thể cạnh tranh với các tập đoàn đóng tàu lớn mạnh của Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản.
Chính phủ cũng đã đổ toàn bộ số tiền 750 triệu đôla thu được từ lần phát hành trái phiếu chính phủ tại thị trường nước ngoài lần đầu tiên trong năm 2005 cho Vinashin.

Trong năm 2007, chính phủ Việt Nam viết thư bảo lãnh cho tập đoàn này để rồi họ có được thêm khoản vay 600 triệu đôla vốn bổ sung, thông qua hợp đồng đi vay được ngân hàng ở nước ngoài thu xếp.

Nhưng khi Vinashin vỡ nợ vào cuối tháng 12 năm ngoái, chính phủ đã từ chối trả nợ thay.
Đã có hàng chục định chế tài chính đầu tư vào các khoản cho Vinashin vay.
'Chủ nợ bị lừa'
Trong số này có Standard Chartered PLC, Credit Suisse AG, Depfa Bank PLC và quỹ đầu tư dạng hedge fund là Elliott Advisers Ltd.

Một số chủ nợ của Vinashin nay phàn nàn rằng họ đã 'bị lừa gạt'.

Đối với nhiều công ty tài chính khác, thư bảo lãnh của chính phủ là lý do duy nhất mà họ cảm thấy đủ an toàn để cho tập đoàn này vay.
Trong tháng này, một nhóm gồm hơn phân nửa các chủ nợ đã gửi một lá thư cho chính phủ của Việt Nam đòi thanh toán khoản nợ đầu tiên là 60 triệu đôla vốn đáo hạn từ tháng 12 năm ngoái.
"Đây luôn là khoản vay được chính phủ bảo lãnh theo cách hiểu của giới chủ nợ,” một người thạo tin liên quan tới diễn biến này nói với The Wall Street Journal.
"Trong tương lai, đồng vốn sẽ không đổ vào những nơi mà vốn không được đối xử đúng mực." Người này nói thêm.

The Wall Street Journal cho biết các quan chức tại Vinashin và giới chức chính phủ Việt Nam không phản hồi lại yêu cầu bình luận của báo này.


Trong tương lai, đồng vốn sẽ không đổ vào những nơi mà vốn không được đối xử đúng mực
Các vấn đề với Vinashin cho thấy rõ những rủi ro mà các nhà đầu tư phải lĩnh hội khi họ bỏ tiền vào những thị trường nhỏ.
Bế tắc về việc Vinashin không trả được nợ có thể gây ra một mối đe dọa đáng kể đối với triển vọng của Việt Nam.
Chính phủ đã và đang phải vật lộn với mức lạm phát ngày càng tồi tệ.
Thực trạng chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tăng ngưỡng 17,51% vào tháng Tư và có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới làm phức tạp thêm triển vọng kinh tế trước mắt.
Thêm vào đó là những vấn đề liên quan tới niềm tin đối với tiền đồng, vốn bị phá giá năm lần kể từ giữa năm 2008.
Tuy nhiên cuộc khủng hoảng Vinashin là gánh nặng đối với triển vọng của Việt Nam, gây tổn hại danh tiếng của Việt Nam đối với cả các công ty cho vay quốc tế và có khả năng làm chậm lại dòng vốn đầu tư nước ngoài giúp tạo đà cho nền kinh tế của đất nước này trong những năm gần đây.

Mục đích của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Mục đích là biến Vinashin thành một cỗ máy chế tạo có thể giữ cho ngành công nghiệp đóng tàu nằm trong tay nhà nước.

Thế nhưng dự án này đổ bể khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra trong năm 2008, để lại gánh nặng về nợ cho Vinashin với khoảng 4,4 tỉ đôla.
Các đơn hàng của công ty bị cắt giảm, làm tê liệt vốn hoạt động.
Mùa hè năm ngoái, nhà chức trách đã bắt một số quan chức hàng đầu của Vinashin, bao gồm cả cựu Tổng Giám đốc Phạm Thanh Bình, và cáo buộc họ khai man báo cáo tài chính để che dấu tình trạng thật về tài chính của tập đoàn này.
'Chính phủ tảng lờ'


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển một số đơn vị kinh doanh của Vinashin sang các tập đoàn khác.
Tất cả các hãng đánh giá tín nhiệm như Investors Service của Moody's, Standard & Poor's và Fitch Ratings đều đã hạ điểm xếp hạng tín dụng của Việt Nam trong những tháng gần đây, đa phần do các vấn đề tại Vinashin.
Thủ tướng Việt Nam đã xin lỗi về vai trò của mình trong việc quản lý yếu kém của Vinashin tại một phiên chất vấn ở quốc hội được truyền hình trực tiếp.

Các nhà đầu tư bị dính vào khoản cho Vinashin vay 600 triệu đôla nói họ rất ngạc nhiên về sự thờ ơ của chính phủ Việt Nam trước những quan ngại của họ.

Những chủ nợ đã cố gắng rất nhiều lần trong vài tháng qua để biết xem điều gì đang xảy ra với Vinashin.
Trong số các việc làm của chính phủ có cả việc chuyển một số đơn vị Vinashin sang các doanh nghiệp nhà nước khác mà không cần sự chấp thuận của các chủ nợ của tập đoàn này.

Mặc dù vậy, chính phủ Việt Nam đã nhiều lần nói rằng các khoản nợ của Vinashin không thuộc trách nhiệm của nhà nước, khiến chủ nợ của Vinashin không hiểu nổi làm sao để có thể lấy lại được tiền đã cho tập đoàn này vay mượn.

Trong khi đó, tình hình tài chính tại Vinashin dường như ngày càng bấp bênh hơn.
"Chúng tôi không kiếm thêm được tiền tự hoạt động đóng tàu và chính phủ đang yêu cầu các ngân hàng trong nước cho Vinashin vay thêm cũng như yêu cầu các nhà cung cấp hỗ trợ thêm," một người nắm rõ diễn biến tại Vinashin nói.
Người này nói thêm rằng "Nhưng người ta sẽ không thể biết chuyện gì đang xảy ra. Mọi thứ đều hết sức vẩn đục”.