jeudi 22 septembre 2011

“Vòng tròn bất tử” - cuộc gặp ít người biết

Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-09-21
Ngày 3 tháng 9 vừa qua, Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa đã tổ chức buổi gặp gỡ của các cựu chiến binh trận hải chiến Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988.

Ảnh Nguyễn Chí Tuyến
Quang cảnh hội trường diễn ra buổi gặp gỡ các cựu chiến binh 
trận hải chiến Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988. 
Ảnh chụp hôm 03/9/2011.

Những hạt sạn ...

Cuộc gặp mang tên “Vòng tròn bất tử -Tri ân chiến sĩ”, diễn ra tại khu Du Lịch Suối Lương – Đà Nẵng với sự tham gia của các nhân chứng sống trong chiến dịch CQ-88. Sự việc sau 23 năm, những người lính trên đảo Gạc Ma năm xưa được gặp lại lý ra là một cuộc gặp đầy ý nghĩa. Tiếc rằng, cuộc gặp tưởng hy hữu này lại không được nhiều người biết đến.
Cuộc gặp lấy ý tưởng từ vòng người của 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam bị hải quân Trung Quốc bắn chết trong trận chiến ngày 14 tháng 3 năm 1988 trên đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Đã hơn 23 năm qua đi, nhưng mỗi khi nhắc đến chiến dịch CQ-88 (Chủ quyền 88), là lòng người Việt Nam lại thấy xót ra bởi khi ấy, ba chiếc tàu HQ-604; HQ-605 và HQ-505 cùng gần 70 chiến sĩ đã vĩnh viễn chìm vào lòng đại dương cùng lá cờ tổ quốc của mình. Sau trận chiến ấy, chín hải quân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ và được trả về Việt Nam 4 năm sau đó.
Một người đã mất vì bệnh ung thư, tám người còn lại cũng chưa gặp lại nhau từ khi bước khỏi nhà tù Trung Quốc. Trong khi câu chuyện về họ ít được nói đến, nếu không muốn nói là bị né tránh, khi Việt Nam và Trung Quốc vẫn kiên định chính sánh “Mười sáu chữ vàng, bốn chữ tốt”, thì cuộc gặp “Vòng tròn bất tử” có lẽ là một sự nỗ lực rất lớn từ phía ban tổ chức. Đặc biệt, khi ban tổ chức, Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa, chỉ là những thanh niên vừa ngoài 20 thì những cố gắng của họ lý ra càng được trân trọng.
Tuy nhiên, nếu cuộc gặp bớt đi những “hạt sạn” thì có lẽ không tạo ra cảnh người tham dự ra về với sự thắc mắc, sự im lặng hoặc thất vọng.
Chương trình công khai mà tôi không được tham gia thì tôi không hiểu. Nếu làm như thế thì an ninh đã cho thấy rằng thông tin về trận hải chiến này không được công bố rộng rãi.
Blogger Mẹ Nấm
tusi-250.jpg
Hình ảnh trưng bày tại hội trường

Thắc mắc đầu tiên, có lẽ là từ vấn đề an ninh của chương trình khi một trong các quy định của ban tổ chức là người tham dự không trực tiếp tiếp xúc hay phỏng vấn các nhân chứng. Công bằng mà nói, để đảm bảo an toàn cũng như an ninh cho chương trình thì việc đặt ra các điều lệ là khả dĩ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không hiểu rằng việc trò chuyện với các cựu chiến binh mà không có ban tổ chức thì sẽ gây nguy hại gì cho an toàn của chương trình. Sáng ngày 3 tháng 9, trước khi chương trình bắt đầu, blogger Mẹ Nấm đã được ban tổ chức thông báo không được tham dự vào giờ chót theo yêu cầu của an ninh. Blogger Mẹ Nấm bày tỏ:
“Tôi được các bạn trong TTDLHS thông báo bằng một cuộc điện thoại rằng an ninh xét lại danh sách và không đồng ý cho tôi tham gia chương trình. Nhận được thông báo ấy, tôi rất buồn vì tôi muốn tìm hiểu thông tin về trận chiến Trường Sa. Chương trình công khai mà tôi không được tham gia thì tôi không hiểu. Nếu làm như thế thì an ninh đã cho thấy rằng thông tin về trận hải chiến này không được công bố rộng rãi”.
Ngoài blogger Mẹ Nấm, một cộng tác viên báo Người Việt cũng bị cấm tham dự vì vấn đề an ninh.
Buổi gặp mặt của các cựu chiến binh Trường Sa còn bao trùm bởi không khí căng thẳng, e dè và im lặng với những bất thường từ phía người tham dự.

Nhiều chuyện khó hiểu

Mặc dù cuộc gặp “Vòng tròn bất tử” là một sự hội ngộ hy hữu, nơi mà  người ta tưởng có thể nghe các nhân chứng sống kể về thước phim có thật trong lịch sử. Tuy nhiên, tổng số người tham dự, tính luôn ban tổ chức, thành phần khách mời, an ninh và nhà báo …chỉ vào khoảng 30 người. Anh Paulo Nguyễn, một trong những người tham gia chương trình cho biết:
“Tổng cộng có khoảng 30 người tham dự. Theo tôi thấy, có khoảng 6 người an ninh. Tôi chỉ đoán họ là an ninh vì họ không quan tâm đến nội dung cuộc gặp mà chỉ ghi chép và gọi điện báo cáo thôi. Ban tổ chức cũng nói rằng họ không mời những người này. Hầu như là không có khách ngoài, chỉ có tôi và 3 người nữa. Còn lại là nhà báo, người phụ trách…”
Trong clip quay buổi gặp mặt của TTDLHS, có thể thấy số người tham gia rất thưa thớt. Đại diện chính thức duy nhất của nhà nước là Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi. Ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, đã không xuất hiện vào phút chót mà không có một lời giải thích. Đại diện đơn vị cũ của những người tham gia chiến dịch CQ-88 cũng không có mặt.
Mặt khác, sáng ngày 3 tháng 9, chỉ còn ba anh Trương Văn Hiền, Dương Văn Dũng, và Lê Minh Thoa tham gia với tư cách là các chiến sĩ từng tham gia trận chiến trên đảo Gạc Ma, năm người khác đã vội vã ra về trong đêm không một lời giải thích mà bỏ lại cả tư trang tại Suối Lương. Việc năm nhân chứng của trận chiến Trường Sa bỏ về lặng lẽ và bất ngờ đã tạo ra hai dòng dư luận: nhiều người cho rằng họ không chịu nỗi khi hình ảnh xưa hiện về, nhưng có người cho rằng họ ngại vì chương trình không được cơ quan nhà nước tổ chức. Bất kể đó là lý do gì, nó cũng để lại một dấu lặng dài trong lòng người tham dự.
Chương trình kéo dài từ sáng đến giữa trưa, bắt đầu bằng việc phát biểu và tặng bằng khen cho ban tổ chức. Sau đó, là phần chiếu lại các đoạn phim về trận hải chiến tại Gạc Ma, phim tư liệu về Hoàng Sa và các hoạt động của Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa. Phần giao lưu cùng với ba cựu chiến sĩ Trường Sa lý ra là phần được mong đợi nhất. Thế nhưng, phần giao lưu với các câu hỏi né tránh và vô thưởng vô phạt và việc gọi là “sự cố kỹ thuật” đã làm người ta không khỏi thất vọng.
Mở đầu giao lưu, anh Dương Văn Dũng lại muốn nói thêm thì bất ngờ lúc đó chiếc loa cứ phát ra tiếng beep beep liên tục.
Paulo Nguyễn
tusi-200_n.jpg
Khách mời bước vào Hội Trường. Ảnh Nguyễn Chí Tuyến

Theo anh Paulo Nguyễn, trong phần giao lưu, người điều khiển chương trình (Đài Trang, một trong những người điều hành trang mạng Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa) chỉ hỏi các câu liên quan đến việc các anh nhập ngũ mà không xoáy vào chi tiết trận chiến và số phận của họ sau trận chiến – là các câu hỏi được quan tâm nhiều nhất. Anh Paulo Nguyễn nói:
“Nội dung trao đổi trong cuộc giao lưu, người dẫn chương trình chỉ hỏi những câu không quan trọng, mà những thông tin quan trọng về cuộc chiến, về cuộc sống trong tù, về sự hỗ trợ của chính phủ thì lại không được hỏi tới. Mở đầu giao lưu, anh Dương Văn Dũng lại muốn nói thêm thì bất ngờ lúc đó chiếc loa cứ phát ra tiếng beep beep liên tục. Lúc đó thì người dẫn chương trình lại trở về, hỏi những câu không quan trọng nữa’.
Trong buổi họp mặt, có đến 3 cơ quan báo chí nhà nước được tham dự. Thế nhưng sau khi chương trình kết thúc, cho đến bây giờ vẫn chưa có cơ quan báo chí nào tại Việt Nam đưa tin về cuộc gặp này. Nếu có, chỉ là những ghi chép nhặt nhạnh trên blog của những ai may mắn được nằm trong số vài chục người hiếm hoi có mặt tại Trung tâm Du lịch Suối Lương ngày 3 tháng 9 ấy. Và trong số ấy, chỉ có 3 người biết được chuyện gì xảy ra ngày 14 tháng 3 năm 1988 tại Gạc Ma – ngày mà cả Bộ Ngoại giao Việt Nam gọi là
“sự kiện ngày 14 tháng 3 năm 1988”; ngày mà Trung Quốc gọi là sự chiến thắng vinh quang và làm phim giáo dục cho con cháu họ; và đó cũng là ngày các chiến sĩ  hải quân Việt Nam phải rơi lệ vì nhìn đồng đội và Gạc Ma mãi xa lìa tổ quốc. 
Tại cuộc gặp “Vòng tròn bất tử”, anh Trương Văn Hiền rơi lệ nói rằng “Cho đến gần đây vợ tui mới tin tui từng chiến đấu ở Trường Sa rồi bị Trung Quốc bỏ tù. Trước nay vợ con tôi cứ tưởng tui bị tù rồi bịa chuyện ra để kể với con”, mới thấy nhiều người vẫn muốn dư luận quên đi trận hải chiến Trường Sa và cố tình gọi nó với những tên gọi khác. Gạc Ma - cho đến bao giờ mới được lịch sử gọi với một cái tên đúng? 
Tuần trước chúng tôi đã liên lạc với Đài Trang, người tổ chức chính của chương trình, nhưng đã bị từ chối. (Quynhchi@rfa.org).