mercredi 21 septembre 2011

Hãy trả lời rõ ràng cho tòan dân !

blogger: Nhắc lại một câu hỏi từ năm 2002, nhưng tới nay dân vẩn chưa  được một câu tra lời minh bạch nhỏ nhoi nào. Lý do nào?

Đảng Cộng sản luôn nói : nhân dân là chủ. Mọi việc phải để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Nay nhân dân nóng lòng muốn biết, đặt những câu hỏi dưới đây,yêu cầu những người lãnh đạo đảng và nhà nước trả lời minh bạch.
?
1-) Bản hiệp ước Việt-Trung về biên giới trên đất liền ký ngày 30 tháng 12 năm 1999 tại Bắc-kinh, được quốc hội VN thông qua ngày 9 tháng 6 năm 2.000, đã được phổ biến trên mạng báo Nhân dân điện tử , nhưng không có 64 bản đồ đi kèm là vì sao ? Trên mạng điện tử, có thể rất dễ dàng truyền đi hằng trăm bản đồ đủ mọi tỷ lệ. Các vị có ý định trong thời gian trước mắt phổ biến các bản đồ ấy cho nhân dân được biết hay không ?
?
2-) Bản hiệp định Việt-Trung về Vịnh Bắc bộ ký ngày 25 tháng 12 năm 2.000 tại Hà nội , tức là gần 2 năm rồi, tại sao đến bây giờ vẫn chưa được đưa ra Quốc hội xem xét và thông qua ? Các vị có ý định đưa ra trong phiên họp của Quốc hội khóa XI cuối năm 2002 (sẽ họp vào 12/11 này), hay đầu năm 2.003 không ? Vì sao lại gác lại lâu , không bình thường như thế ?
?
3-) Nếu đưa ra Quốc hội thông qua, các vị có ý định yêu cầu các đại biểu của dân thảo luận kỹ càng từng điều khoản của Hiệp định hay không ? Các cuộc thảo luận ấy sẽ công khai hay không công khai ?
?
4-) Theo tiết lộ của thứ trưởng ngọai giao Lê Công Phụng, tỷ lệ phân chia mới ở vịnh Bắc bộ là:
-53,23% diện tích thuộc Việt nam;
-46,77% diện tích thuộc Trung quốc.
Trước đó, theo Hiệp ước Pháp-Hoa năm 1887, tỷ lệ là: 62% thuộc phía VN và 38% thuộc Trung quốc.
Theo Hiệp định mới ký, VN bị mất đi là: 62 - 53,23 = 8,77 % diện tích vịnh Bắc bộ; diện tích tòan vịnh là : 126.250 km2 ; diện tích bị mất là: 10.972km2 .
Xin cho biết các vị có vui lòng đồng ý nhường cho phía Trung quốc một diện tích lớn đến vậy -hơn 10.900 km2 - hay không ? và có cho như thế là công bằng, thỏa đáng, hợp lý hay không ?
?
5-) Trong khi thương lượng , phía Việt nam có lưu ý đầy đủ phía Trung quốc rằng Vịnh Bắc Bộ (Golfe du Tonkin; Tonkin Gulf), từ tên gọi của nó được hình thành trong lịch sử, đã chỉ rõ nó gắn liền với đất nước Việt nam , hơn bất kỳ nước nào khác. Các vị có lưu ý đoàn Việt nam tham gia đàm phán về điểm quan trọng này hay không ?
?
6-) Theo Luật về biển được Liên Hợp Quốc thông qua cũng như theo thông lệ, tập qúan quốc tế giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, vùng biển, các vị có biết rằng phía Việt nam có ưu thế pháp lý to lớn và vững chắc so với phía Trung quốc về chủ quyền trong Vịnh Bắc bộ hay không ?
Xin được kể: phía nào có số dân đông hơn sống gắn với tài nguyên của vịnh và tham gia khai thác tài nguyên ấy ? hơn 23 triệu dân Việt sống ở châu thổ sông Hồng và vùng Bắc Trung bộ Việt nam, hay 7 triệu dân Trung hoa sống ở bán đảo Liêu châu và phía Tây đảo Hải nam ?phía nào có đường cơ bản dọc theo bờ biển và các đảo dài hơn ? phía nào có số hải đảo nhiều hơn ? (phía VN có hơn 1.300 đảo và phía Trung quốc chỉ có 6 đảo ! ); phía nào có nhiều sông ngòi, với lưu lượng nước chảy lớn hơn, tải nhiều phù sa vào Vịnh , đóng góp nhiều hơn cho việc hình thành Vịnh hằng triệu năm qua ? đó phải chăng là sông Hồng,sông Đà,sông Lô,sông Chảy, sôngThái Bình, sông Mã, sông Chu, sông Lam,s ông Gianh....mà chiều dài, chiều rộng, khối nước và phù sa gấp hàng mấy chục lần 4 con sông nhỏ, ngắn , yếu ớt của đảo Hải nam.
Trước khi đồng ý cho ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên ký vào bản hiệp định này, các vị đã nắm chắc những so sánh trên đây để
bảo vệ chủ quyền, tài nguyên vùng biển của đất nước ta hay không ?
?
7-) Về Hiệp định đánh cá chung trong Vịnh Bắc bộ Việt nam- Trung quốc, được ký ngày 25 tháng 12 năm 2.000, cùng lúc với Hiệp định phân chia Vịnh Bắc bộ nói trên, các vị có định đưa ra Quốc hội thảo luận và thông qua trong thời gian sắp tới hay không ?
Các vị có cân nhắc kỹ không khi chỉ thị cho ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên hạ bút ký vào bản hiệp định này ? Trên thực tế nó sẽ mở đường cho Trung quốc đưa tàu thuyền vô cùng hùng hậu của họ tha hồ vùng vẫy ở khu vực trung tâm rộng 33.500km2 của vịnh Bắc bộ , nơi có nhiều tài sản nhất về hải sản: cá, tôm, mực, bào ngư...,về tiềm năng hơi đốt, dầu, quặng quý ..., và trong 15 năm liền !
Các vị có biết rằng bản hiệp định này còn cho Trung quốc khai thác thêm một" vùng quá độ " sát đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ, rộng hơn 1.000 km2, vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ đất nước ta từ hướng Đông ?

8-) Trong khi các vị giữ một thái độ úp úp mở mở về các văn kiện ký kết với Trung quốc thì đã có nhiều tiếng nói yêu nước chân thật cất lên nhằm biết rõ thực hư, ngăn chặn những thiệt hại cho chủ quyền, tài nguyên của Tổ quốc. Tiêu biểu là cụ Đỗ Việt Sơn ở Hải phòng và luật sư trẻ Lê Chí Quang ở Hànội , người viết bài luận văn chí lý : " Hãy cảnh giác với Bắc triều" .
Các vị vừa kết án anh Lê Chí Quang 4 năm tù giam và 3 năm quản thúc.

Chính vì lẽ ấy mà tôi viết bài này khẩn thiết yêu cầu các vị trả lời cho 8 câu hỏi trên đây , những câu hỏi mà bất kỳ một người dân nào ưu tư đến quê hương đất nước, đến chủ quyền quốc gia, đến toàn vẹn lãnh thổ do cha ông ta để lại, đều muốn đặt ra và mong được các vị trả lời sớm nhất !

Lẽ ra ở bất kỳ một nước dân chủ, văn minh nào, những vấn đề trọng đại như thế này, đã có rất nhiều nghị sỹ, đại biểu quốc hội chất vấn chính phủ, nhiều uỷ viên trung ương đảng chất vấn tổng bí thư, nhiều nhà báo viết bài chất vấn, phỏng vấn các nhân
vật lãnh đạo ..., không cho phép họ tảng lờ như câm, như điếc, ngậm miệng ăn tiền. Một thái độ bất lịch sự, vô văn hóa !

Tôi tha thiết mong rằng các bạn nhà báo nước ngoài đang có mặt ở Việt nam, các đài phát thanh quốc tế có dịp liên hệ với giới cầm quyền, các bạn Việt kiều về thăm đất nước hãy cùng tôi kiên trì, nhẫn nại đặt 8 câu hỏi trên đây cho các vị lãnh đạo các cấp của đảng, nhà nước, chính phủ, quốc hội, mặt trận..., cho kỳ đến khi nào có được những câu trả lời minh bạch.
?
Tôi không thể nhầm về điểm này : anh luật sư trẻ Lê Chí Quang , người từng dẫn lời của Hàn Phi Tử "nước mất mà không biết là bất trí , biết mà không lo liệu là bất trung , lo liệu mà không liều chết là bất dũng", bị cầm tù từ tháng 2/2002, từng băn khoăn trăn trở về các hiệp định Việt-Trung, sẽ vô cùng hân hoan khi có được những câu trả lời về 8 câu hỏi trên đây.
Họ im lặng trước vô vàn câu hỏi được đặt ra liên tiếp, từ nhiều người, cũng là một cách trả lời .
Và nhân dân luôn có thừa thông minh để hiểu, để phán đóan , đ ể nhận định, để kết luận.
Để kết luận rằng: anh luật sư trẻ Lê Chí Quang, người báo động về những hiệp định tội lỗi, và những người chủ trương ký nó , thì....ai là kẻ đáng ở trong tù, nếu như đất nước này thật sự có công lý và luật pháp văn minh .

Bùi Tín (Paris-10/11/2002)