Một ngày giáp Tết. Rét xuyên xương. Một cán bộ của Trung tâm Dịch vụ báo chí của Bộ Ngoại giao đến gặp, đề nghị tôi tiếp ông J.Edward Milner, một nhà báo, nhà đạo diễn và quay phim của Hãng ACACIA và Hãng Truyền hình Channel Four Television của nước Anh. Vị cán bộ ngoại giao cho biết: "Ông ta đang ấp ủ đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Từ ngày bị thương nặng ở mặt trận trở về, tôi rất ngại ngùng khi phải tiếp xúc với những người lạ vì đã bị mất nhiều thứ… mất cả cái ứng xử nhạy bén, cái giao tiếp linh hoạt do cơ thể không còn lành lặn!
Nhưng đối với các vị khách nhà văn, nhà báo từ nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu về đất nước, về con người, về Bác Hồ… tôi không thể từ chối gặp được.
Ông J.E.Milner bước vào phòng với cái bắt tay trân trọng, lịch thiệp, nhưng ông hơi ngỡ ngàng vì bàn tay tôi không còn nguyên vẹn và ông phải vất vả xếp đôi chân dài của mình để ngồi bệt xuống cái chiếu dưới sàn nhà! Ông cười với một cử chỉ bạt thiệp và giọng nói có màu ấm:
- Tôi đang tập ngồi kiểu này.
- Tính nhẫn nại của người phương Đông có từ trong cách ngồi. Ngồi kiểu này là vững chắc nhất, ngồi được lâu, thưa ngài.
Ông J.E.Milner ứng đáp rất nhà báo:
- Ngồi trên ghế có khi ngã vì ghế mọt.
Thế là chủ khách cùng cười, hội nhập. Tôi mời ông nâng chén:
- Ngài là khách từ một vương quốc rượu ngon, xin ngài nhấp với tôi ly rượu gạo của xứ sở nền văn minh lúa nước.
Ông J.E.Milner cạn chén:
- Tuổi thọ của rượu bằng tuổi thọ của loài người. Rượu cất bằng ngũ cốc là ngon, bằng gạo lại càng ngon, thưa ngài.
Qua những phút khởi đầu, ông J.E.Milner vào việc:
- Được biết ngài là một ký giả, một nhà văn đã viết nhiều sách và nhiều bài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhiều giới bạn đọc mến mộ. Hiện nay có người nói rằng: Cụ Hồ lúc còn là chàng trai Nguyễn Tất Thành phải đến cảng Nhà Rồng làm phu khuân vác, làm bồi tàu viễn dương để kiếm sống… Gặp thế cuộc, Tất Thành mới tham gia hoạt động chính trị ở Paris với tên gọi Nguyễn Ái Quốc nổi tiếng và trở thành lãnh tụ của phong trào đấu tranh chống đế quốc thực dân, giành độc lập dân tộc. Ngài có luận cứ gì khác để khẳng định Hồ Chí Minh – người yêu nước từ thời mang tên Nguyễn Tất Thành?
Ông J.E.Milner nhìn tôi vẻ thăm dò… sau lúc nêu câu hỏi. Tôi vui vẻ:
- Thưa ngài, sách Khế ước xã hội của triết gia đại văn hào J.J.Rousseau ra đời từ 1762. Ở nước chúng tôi gần đây mới dịch ra tiếng Việt được trọn quyển (Dịch giả, nhà sử học Hoàng Thanh Đạm). Tôi rất thấm thía một điều trong sách ấy: "…Những tâm hồn thấp kém không thể hiểu thấu các bậc vĩ nhân, cũng như kẻ nô lệ nhe răng cười khi nghe hai tiếng tự do". Có thể một ác ý của sự thiên kiến, cũng có thể do không có được những cứ liệu chuẩn xác về quá trình hình thành của một nhân cách mà hiểu sai lệch về nhân vật lịch sử… Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi là một nhà yêu nước từ thuở còn nằm trong bào thai của mẹ. Thật vậy, mẫu thân của Người lúc gánh gạo đi tiếp tế cho nghĩa quân Phan Đình Phùng chống giặc Pháp thì bụng bà đang mang thai, khi đứa bé ra đời được mang tên "lót nôi" Nguyễn Sinh Côn thì được bú dòng sữa, được uống lời ru của người mẹ yêu nước, căm thù giặc Pháp về đốt làng, giết người, cướp của. Tuổi lên năm, lên mười, Nguyễn Sinh Côn đã được nghe cha đàm đạo việc nước, việc nhà với các nhà đại cách mạng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế… Ngày Nguyễn Tất Thành đang ngồi trên ghế trường Quốc học Huế, là con quan Thừa biện Bộ lễ, Nguyễn Tất Thành đã đứng vào hàng ngũ những người cùng khổ trong làng quê đấu tranh đòi giảm thuế, bỏ sưu, chống đàn áp bóc lột (1908). Mật thám Trung Kỳ truy nã, Nguyễn Tất Thành phải bỏ học trốn vào cực Nam Trung Kỳ. Một nhà có bốn cha con thì cả bốn người đều bị ghi "sổ đen" của mật thám Trung Kỳ: Nguyễn Sinh Sắc A. 3760; Nguyễn Thị Thanh A.1166; Nguyễn Tất Đạt A.3781; Nguyễn Tất Thành A.3607.
Đó là "Những phần tử nguy hiểm cho nền cai trị của chính phủ bảo hộ".
Nói rằng Nguyễn Tất Thành không có công ăn việc làm… "phải đi làm phu khuân vác". Thiết tưởng thân mẫu của Nguyễn Tất Thành là con một gia thế. Cụ tú Hoàng Xuân Đường giàu chữ giàu của cải để nuôi con gái đèn sách hơn mười năm, khi kết duyên với thân phụ của Nguyễn Tất Thành thì bà mới nghỉ việc học. Thân phụ của Nguyễn Tất Thành được ông bà cụ Tú nuôi ăn học từ nhỏ, thi đỗ cử nhân, gả con gái cho và nuôi tiếp chàng rể ăn học, thi đỗ Phó bảng, phải ba lần cụ Tú bán ruộng cho chàng rể sắm "lều chõng", lộ phí thi Hương trường Nghệ, thi hội tận kinh đô Huế. Rồi thân phụ của Tất Thành làm quan Thừa biện Bộ lễ triều vua Thành Thái, làm quan huyện Bình Khê triều vua Duy Tân. Thế thì, Nguyễn Tất Thành là "cậu ấm", con quan, đang dạy học tại trường Dục Thanh, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, thầy giáo Thành đang "ngồi cùng chiếu nhà giáo" với các bậc thầy danh tiếng: Hồ Tá Bang, Trần Lê Chất, Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hiệt Chi, Robert Hải, Ngô Văn Nhượng… Nguyễn Tất Thành đã hoàn thiện một nhân cách thanh niên trí thức yêu nước cháy bỏng tâm hồn trước thảm cảnh nước mất: Hai vua Hàm Nghi, Thành Thái bị đế quốc Pháp bắt đi đày biệt xứ, hàng trăm ông nghè, ông cử, ông tú yêu nước bất khuất bị giam chật nhà ngục Côn Lôn, cha làm quan huyện Bình Khê bị triều đình Huế triệu hồi về kinh đô hạ ngục ngày 19/5/1910… Nguyễn Tất Thành quyết dấn thân vào con đường "năm châu bốn bể" để tìm cho được cái phương cách mà trở về giúp dân, cứu nước…
- Thưa ngài, trong cuốn sách "Hồ Chí Minh L'Indochine au Vietnam", ông Daniel Mémery công bố một tờ đơn của Nguyễn Tất Thành gửi Tổng thống nước Cộng hòa Pháp, xin được vào học trường Thuộc địa tại Paris, ngài có suy nghĩ gì về lá đơn xin được học trường Thuộc địa của Nguyễn Tất Thành?
- Cho tôi được hỏi ngài một chi tiết nhỏ.
- Xin mời ngài hỏi.
- Ngài có nhận xét gì về chữ viết, về trình độ tiếng Pháp của Nguyễn Tất Thành qua lá đơn bằng Pháp ngữ ấy?
- Chữ viết tuyệt đẹp, lời chuẩn, diễn đạt mạch lạc, rõ ràng. Chứng tỏ sự học của Nguyễn Tất Thành chuyên cần và tài hoa.
- Như ngài thấy ở lá đơn của Nguyễn Tất Thành viết tại: "Marseille le 15 Septembre 1911″. Dấu triện đỏ hình bầu dục đóng trên lá đơn ngày "20 – Septembre 1911″. Vậy là Nguyễn Tất Thành rời cảng Nhà Rồng ngày 5/6/1911 với tên gọi Văn Ba (không phải là anh Ba) nghĩa là vượt qua muôn trùng sóng cả để nghe và hiểu, mà biết… Lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành đến nước Pháp in bước chân ban đầu xuống thành phố Marseille. Từ thành phố này, Thành làm đơn xin học trường Thuộc địa với một chủ đích khác chứ không phải "đi du học". Nếu Thành học với lý tưởng ra làm công chức, làm quan để có vợ đẹp, nhà lầu, xe hơi thì Nguyễn Tất Thành đã chịu làm "tờ thú" với khâm sứ Trung Kỳ lúc anh tham gia cuộc đấu tranh của nông dân Thừa Thiên – Huế 1908, sẽ được tiếp tục học và thi tốt nghiệp năm sau đó. Thành biết rất rõ mục đích của trường Thuộc địa Paris là đào tạo ra các ông quan cai trị cho các xứ thuộc địa, tiêu chuẩn hàng đầu phải là con quan từ Nhị phẩm trở lên và trung thành tuyệt đối với mẫu quốc Pháp mới được tuyển vào trường này. Thầy học của Thành là cụ Lê Văn Miến, một trong ba người Việt Nam đầu tiên sang Paris học trường Thuộc địa. Ông Hoàng Trọng Phu, ông Thân Trọng Huề học trường này trở về làm quan rất to, riêng cụ Lê Văn Miến, học xong lại xin học tiếp trường mỹ thuật Paris rồi về dạy học và vẽ tranh sơn dầu.
Nguyễn Tất Thành làm đơn xin vào học trường Thuộc địa là một "thông báo" về nước – Nguyễn Tất Thành con Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã có mặt tại nước Pháp "mẫu quốc của dân An Nam!". Cho nên, bỏ vào thùng thư tại Marseille đơn xin học trường Thuộc địa Paris, Nguyễn Tất Thành xuống tàu đi tiếp đến Havre. Các bạn cùng chuyến với Thành tiếp tục phục vụ trên tàu quay trở về Đông Dương… Thành ở lại Havre ít lâu rồi xuống tàu viễn dương khác để "đi xem các nước" và anh đã xuyên qua các đại dương, ghé các bến bờ: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Algéria, Tunisie, Libye, các cửa biển Đông Phi, đến Cônggô, sang Anh quốc, sang Mỹ quốc, xuống Nam Mỹ, đến tận Granđe de Ile de terre de feu, xuyên sang Port Elizabeth xuống Sydney, Australia… Cuối năm 1913, Nguyễn Tất Thành trở lại London và dừng chân tại đây một thời gian lâu. Qua bao năm tháng ấy, Nguyễn Tất Thành chẳng hề quan tâm đến cái đơn xin học trường Thuộc địa.
Ông J.E.Milner lại đặt tiếp một câu hỏi rất "kẹt" cho tôi:
- Chủ tịch Hồ Chí Minh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa (UNESCO) của Liên hiệp quốc tôn vinh trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người: "Vị anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa kiệt xuất (…heros de la libération nationale et éminent homme de culture…), một biểu tượng kiệt xuất và quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội (…éminent symbole de I'affirmation nationnale, a consacre toute sa vie à la libération nationale de peuple Vietnamien, contribuant à la lutte commune des peuples pour la paix, I'indépendan nationale, la démocratie et le progrès social…). Tại sao trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có một điều tôi cảm nhận như "trái ngược" với cái đức lớn của Người, đó là "…phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác"… Chẳng lẽ Hồ Chí Minh quên đi gặp các vị anh hùng dân tộc tiền bối của mình?
- Tôi chân thành cảm tạ ngài đã cho tôi một lời thẩm luận rất có ý nghĩa và lý thú. Với sự lãnh hội của tôi về vấn đề này thì, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhuần nhuyễn học thuyết Đại Đồng trước khi tiếp nhận học thuyết Mác – Lênin. Người thấy trong học thuyết của các vị Các Mác, Lênin có những vấn đề phải được tiếp tục nghiên cứu… Mà lúc sinh thời Hồ Chí Minh không gặp được các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin, cho nên phải "đi gặp các cụ" ở thế giới bên kia. Còn các anh hùng dân tộc tiền bối, Hồ Chí Minh không thấy có điều gì phải "chất vấn" nữa…
Nhà báo, nghệ sĩ điện ảnh J.E.Milner nâng chén rượu.
- Vậy là… có những "ẩn tích Hồ Chí Minh", phải đi tìm như Người đã từng đi vào mọi cuộc đời trên khắp hành tinh của chúng ta… Chúng ta chúc mừng Bác Hồ của bạn, và Bác Hồ của chúng ta – Người hằng sống.
Đặt chén xuống, ông nói giọng tha thiết:
- Tôi đã làm một bộ phim về Việt Nam và đã tặng Bộ Ngoại giao Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam lần này. Bộ phim Việt Nam của tôi ra không gặp thời điểm lịch sử, ít được hoan nghênh. Nhưng dòng chảy của lịch sử không bao giờ dừng lại… Cho nên, tôi sẽ tiếp tục làm một bộ phim về Hồ Chí Minh. Với tình đồng nghiệp, tôi xin bạn cho tôi được hỏi một lời về nghề nghiệp: Là nhà văn, bạn tiếp nhận điều gì sáng nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh cho sáng tác của mình?
- Tôi luôn luôn nhớ lời của Người: "Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó nhân dân cũng sẽ quên anh ta"…
Con chim cu gáy tự do trên giá sách mở tiếng gáy trưa đồng nội… Mười một giờ. Gặp bữa cơm trưa của gia đình, theo tập tục của Việt Nam và nếp nhà, vợ tôi thành tâm mời vị khách quý từ "viễn quốc" tới cùng ăn bữa cơm đạm bạc với gia đình. Ông J.E.Milner cảm động và ngỡ ngàng giây lát:
- Thưa… bà! Tôi được một vinh hạnh bất ngờ! Đến Việt Nam nhiều lần, lần này tôi mới gặp sự ước mong được ăn một bữa cơm gia đình người Việt Nam. Tôi chân thành cảm tạ lòng hiếu khách của ông bà dành cho tôi. Nhưng tôi lại chưa được cái may mắn hưởng bữa cơm gia đình của một nhà văn Việt Nam. Bởi tôi đã có hẹn dự tiệc của một cơ quan mời 12 giờ hôm nay. Chúng ta còn có dịp tái ngộ, tôi sẽ được như thành ngữ Việt Nam "Cùng đồng bàn đồng bát" với ông bà… Vì tôi sẽ còn làm một bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúng tôi chia tay ông J.E.Milner trong tiếng vang cu gáy mênh mang thành phố vào xuân!
Sơn Tùng