22/09/2011 Boxitvn
Đinh Kim Phúc
Sự xung đột trong tuyên bố về chủ quyền lãnh hải ở
Biển Đông của Trung Quốc, nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào và
là con đường hàng hải huyết mạch với các nước trong khu vực đang làm
gia tăng nguy cơ có thể dẫn tới chiến tranh tại vùng biển Đông Nam Á.
Ngày 2/3/2011, tàu tuần tra Trung Quốc hoạt động
trong nhóm đảo Kalayaan của Philippines tiếp cận một tàu khảo sát địa
chấn của Philippines trong vùng biển ngoài khơi bãi Cỏ Rong và ra lệnh
cho con tàu này rời khỏi khu vực.
Theo thông báo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt
Nam (PVN), ngày 26/5/2011 các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm vùng
biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế
và cản trở hoạt động bình thường của PVN. Tàu hải giám Trung Quốc đã đe
dọa tàu Bình Minh 02, cắt cáp thăm dò địa chấn tại lô 148 Thềm lục địa
Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 120 km hải lý. Hoạt động thăm dò
của tàu Bình Minh đã được diễn ra một cách bình thường từ năm 2010
không có tranh chấp.
Cáp tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc phá hoại.
Ngày 28/05, hai ngày sau khi Việt Nam cáo buộc
tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò Việt Nam, Bộ
Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo nói đây là “hoạt động
bình thường trong vùng biển chủ quyền” của nước này.
Sau đó, tại cuộc họp báo hôm thứ Ba 31/05,
người phát ngôn Khương Du nhắc lại lập trường của Trung Quốc:
“Tàu hải giám của Trung Quốc chỉ làm việc thực thi pháp luật
trước sự hoạt động bất hợp pháp của tàu Việt Nam. Đây là
hành động hoàn toàn chính đáng (của Trung Quốc)”. “Chúng tôi
yêu cầu phía Việt Nam dừng ngay các hoạt động của họ và không
gây thêm rắc rối”.
Tiếp đó, ngày 9/6/2011, tàu khảo sát địa chấn
Viking 2 mà Việt Nam thuê của Pháp đã bị tàu cá của Trung
Quốc phá dây cáp vào buổi sáng.
Thông tin từ PVN cho biết, tàu cá của Trung Quốc
mang số hiệu 6226 đã chạy với tốc độ cao ngang qua và phá hoại
dây cáp thăm dò của Viking 2 “bằng thiết bị chuyên dụng”, gây
rối cáp khiến tàu này phải ngừng hoạt động.
Đây là một việc làm “hoàn toàn có chủ ý, được tính
toán và chuẩn bị kỹ lưỡng” và được tiếp sức bởi nhà cầm quyền Trung
Quốc. Ngay sau khi Người phát ngôn Việt Nam tổ chức họp báo thì
Hồng Lỗi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc
Việt Nam đã “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc” trong vụ xảy ra
sáng ngày 9/6/2011.
Tân Hoa Xã dẫn lời Người phát ngôn Trung Quốc
nói: “Tàu cá Trung Quốc, trong khi hoạt động tại vùng biển
trên, đã bị tàu có vũ trang của Việt Nam xua đuổi”. “Trong khi
đuổi bắt lộn xộn, lưới của một trong các tàu cá Trung Quốc
bị vướng vào dây cáp của một tàu thăm dò dầu khí Việt Nam,
vốn đang hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển này”.
Nhưng sự thật là vị trí xảy ra sự việc là ở lô 136.03, hoàn toàn nằm trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam.
Nhưng những diễn biến tiếp theo các học giả Trung Quốc lại đặt “16 chữ vàng” bên lề tình hữu nghị.
Vu Hướng Đông, Giáo sư Viện trưởng Viện nghiên cứu
Việt Nam, Học viện Chủ nghĩa Mác, Đại học Trịnh Châu, lại hồ đồ: “Mọi
người đều biết, năm 1958 trong một bức thư ngoại giao do Thủ tướng Việt
Nam Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai đã công nhận chủ quyền
đối với Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) là thuộc về Trung
Quốc, năm 1974 lại công khai ủng hộ cuộc chiến phản kích tự vệ của
Trung Quốc ở quần đảo Tây Sa…” (1)
Lịch sử tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa đối với Việt Nam của Trung Quốc có đúng như thế không?
Hoàn cảnh ra đời “Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải ngày 4/9/1958”:
Ngày 4 tháng 9 năm 1958, trong bối cảnh của thời kỳ
chiến tranh lạnh, lúc bấy giờ đang xảy ra cuộc khủng hoảng eo
biển Đài Loan. Đài Loan lúc đó còn giữ hai đảo nằm giáp lãnh
thổ Trung Quốc là Kim Môn và Mã Tổ.
Ngày 26/5/1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng
thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến vào eo biển
Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên
eo biển Đài Loan. Với hành động này, Hoa Kỳ đã thực sự bảo hộ Đài Loan,
mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án. Để tỏ rõ quyết tâm giải phóng Đài
Loan, ngày 3/9/1954, Trung Quốc đã tấn công trừng phạt đối với các hòn
đảo ven biển như Kim Môn, Mã Tổ. Ngày 11/8/1954, Thủ tướng Trung Quốc
Chu Ân Lai tuyên bố sẽ “giải phóng” Đài Loan, và tăng cường pháo kích
vào hai đảo Kim Môn và Mã Tổ. Ngày 12/9/1954, Chủ tịch Hội đồng Liên
quân Hoa Kỳ đưa ra dự tính tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử
nhưng Tổng thống Eisenhower đã do dự sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như
sự liên can của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến này. Năm 1958, tiếp tục
xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai. Ngày 23/8/1958
Trung Quốc đột ngột tăng cường nã pháo vào đảo Kim Môn. Theo Hiệp định
Phòng thủ tương hỗ giữa Đài Loan-Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã ra
lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài
Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ.
Sau đây là toàn văn tuyên bố:
“Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung
Hoa về Lãnh hải (Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường vụ
Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ngày 4 tháng 9 năm 1958)
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa nay tuyên bố:
(1) Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và
các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải
đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo
Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các
đảo khác thuộc Trung Quốc.
(2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ
biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các
đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo
ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải
phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh
Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên
trong các đường căn bản, kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo
Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và
đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.
(3) Nếu không có sự cho phép của Chính Phủ Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa, tất cả máy bay nước ngoài và tàu bè quân sự không
được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này.
Bất cứ tàu bè nước ngoài nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều
phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa.
(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài
Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo
Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung
Quốc.
Ðài Loan và Bành Hồ hiện còn bị cưỡng chiếm bởi Hoa
Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ
quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ðài Loan và Bành Hồ đang chờ
được chiếm lại. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền dùng mọi biện pháp
thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoài
không nên xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
Phê chuẩn của hội nghị lần thứ 100 của Ban Thường vụ
Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ngày 4-9-1958
(Nguồn: http://law.hku.hk)
Nhưng đó chỉ là những nguyên nhân trực tiếp, còn
nguyên nhân sâu xa là tham vọng về lãnh thổ của Trung Quốc đã không đạt
được trong Tuyên bố Cairo 1943, Tuyên ngôn Potsdam 1945 và Hòa ước San
Francisco 1951.
Tuyên cáo Cairo 1943
Vào cuối năm 1943, trong lúc chiến tranh đang ở mức
độ ác liệt nhất thì các nhà lãnh đạo cấp cao của Hoa Kỳ, Anh và Trung
Hoa Dân quốc đã bí mật gặp nhau tại Cairo, thủ đô Ai Cập, từ 23 đến 27
tháng 11 năm 1943 (2) để thảo luận các chiến lược tiêu diệt phe Trục (Đức-Ý-Nhật).
Ngày 26/11/1943, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh
Winston Churchill và Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Tưởng Giới Thạch đã
ký một bản tuyên cáo chung (thường được gọi là Tuyên cáo Cairo) trong đó có đoạn viết:
“Đối tượng của các nước này [tức là của ba nước Đồng
minh] là phải tước bỏ quyền của Nhật Bản trên tất cả các đảo ở Thái
Bình Dương mà nước này đã cưỡng chiếm từ khi có Chiến tranh thế giới
thứ Nhất năm 1914 và tất cả các lãnh thổ Nhật Bản đã cướp của người
Trung Hoa, như là Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ, phải được hoàn trả
Trung Hoa Dân quốc. Nhật Bản cũng sẽ phải bị trục xuất khỏi các lãnh
thổ khác đã chiếm được bằng vũ lực và lòng tham”. (3)
Đọc đoạn trích dẫn trên chúng ta thấy Tuyên cáo Cairo có hai quy định quan trọng:
- Một là, chỉ có các đất Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ được hoàn trả cho Trung Quốc mà thôi.
- Hai là, các lãnh thổ khác mà Nhật Bản chiếm được
thì bản tuyên cáo này chỉ quy định việc trục xuất Nhật Bản, chứ không
hề nói tới việc hoàn trả chúng cho Trung Quốc
Như vậy, chúng ta thấy rằng, cho đến cuối năm 1943,
mặc dù Tổng thống Tưởng Giới Thạch đại diện duy nhất cho Trung Quốc
tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa tại hội nghị Cairo,
nhưng ông ta cũng không đề cập đến những quần đảo này trong bản tuyên
bố cuối cùng.
Nếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thực sự thuộc
chủ quyền của Trung Quốc thì không có lý gì họ Tưởng chỉ đòi hoàn trả
có Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ mà lại không đòi luôn Hoàng Sa và
Trường Sa.
Tuyên ngôn Potsdam 1945
Quyết định của 3 cường quốc Hoa Kỳ, Anh, Trung Hoa
Dân quốc tại Hội nghị Cairo được tái xác nhận trong một hội nghị thượng
đỉnh khác nhóm họp tại Potsdam từ 17/7 đến 2/8/1945 để ấn định các điều
kiện cho Nhật Bản đầu hàng. Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Anh (4) và Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc đã ra một tuyên ngôn (thường gọi là Tuyên ngôn Potsdam) ngày 26/7/1945 trong đó có ghi là “các điều khoản của bản Tuyên cáo Cairo sẽ được thi hành” (5).
Tại hội nghị Potsdam này, các nhà lãnh đạo Tam cường
đã quyết định chia Đông Dương làm hai khu vực để cho tiện việc giải
giới quân đội Nhật Bản đóng tại đây. Vĩ tuyến thứ 16 được chọn làm ranh
giới: việc giải giới ở khu vực Bắc vĩ tuyến ủy thác cho quân đội Trung
Hoa (quân Tưởng Giới Thạch) và ở khu vực phía Nam do liên quân Anh – Ấn
đảm nhận (6).
Vì quần đảo Hoàng Sa nằm ở giữa hai vĩ tuyến thứ 15
và 17 nên việc giải giới quân đội Nhật trú đóng ở đây thuộc thẩm quyền
của quân Tưởng. Trái lại, việc giải giới ở quần đảo Trường Sa phải do
liên quân Anh – Ấn đảm nhận do lẽ quần đảo này nằm giữa hai vĩ tuyến
thứ 8 và 12.
Ngày 26/10/1946, lợi dụng thời cơ, hạm đội đặc biệt
của Trung Hoa Dân quốc xuất phát từ cảng Ngô Tùng gồm 4 chiến hạm, mỗi
chiếc chở một số đại diện của các cơ quan và 59 binh sĩ thuộc trung đội
độc lập về cảnh vệ của hải quân để giải giáp quân đội Nhật Bản. Ngày 29
tháng 11 năm 1946, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên tới đảo Hoàng Sa và
đổ bộ lên đây. Tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa.
Tuyên cáo Cairo lẫn Tuyên ngôn Potsdam chỉ cho phép
Trung Hoa Dân quốc giải giới quân đội Nhật Bản ở quần đảo Hoàng Sa mà
thôi, chứ không có nghĩa là cho phép Trung Hoa Dân quốc thu hồi quần
đảo này song song với việc giải giới quân đội Nhật Bản ở quần đảo
Trường Sa và thu hồi quần đảo đó.
Vì thế việc chiếm đóng và thu hồi hai quần đảo này
của Trung Hoa Dân quốc là bất hợp pháp và vi phạm nghiêm trọng luật
quốc tế vì làm trái với quyết định của Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn
Potsdam.
Hòa ước San Francisco 1951
Đầu tháng 9 năm 1951, theo lời mời của Chính phủ Hoa
Kỳ, 51 quốc gia trước kia đã từng tham gia hay có liên hệ tới cuộc
chiến chống xâm lược Nhật Bản từ năm 1939 đến năm 1945 đã tham dự Hội
nghị Hòa bình nhóm họp ở thành phố San Francisco (Hoa Kỳ) để thảo luận
vấn đề chấm dứt tình trạng chiến tranh và tái lập bang giao với Nhật
Bản. Điểm đáng chú ý là cả Trung Quốc và Đài Loan đều không được mời
tham dự hội nghị.
Trong hội nghị, vấn đề chính là thảo luận bản dự
thảo hòa ước do hai nước Anh và Hoa Kỳ đề nghị ngày 12/7/1951. Ngày
8/9/1951, ngoại trừ Liên Xô, Ba Lan và Tiệp Khắc, các nước tham dự hội
nghị đã ký hòa ước với Nhật Bản (7).
Tại hội nghị này cho thấy hai quần đảo Hoàng
Sa-Trường Sa được bao gồm trong vấn đề giàn xếp về lãnh thổ trong toàn
văn Điều 2 của Hiệp ước:
Chương 2: Lãnh Thổ
Điều 2:
a) Nhật Bản, công nhận nền độc lập của Hàn quốc, từ
bỏ chủ quyền và yêu sách đối với Hàn quốc, bao gồm đảo Quelpart, Port
Hamilton và Dagelet.
b) Nhật Bản từ bỏ chủ quyền và yêu sách đối với Đài Loan và Pescadores.
c) Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, chủ quyền, và yêu
sách về đảo Kurile, một phần của đảo Sakhalin và những đảo lân cận mà
Nhật Bản làm chủ do kết quả của Hòa ước Portsmouth ngày 5 tháng 9 năm
1905.
d) Nhật Bản từ bỏ quyền, chủ quyền, và yêu sách liên
quan đến việc uỷ nhiệm của Hội Quốc liên, và chấp nhận quyết định của
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 2 tháng 4 năm 1947, mở rộng hệ
thống quản trị đối với các đảo Thái Bình Dương nguyên thuộc quyền quản
trị của Nhật Bản.
e) Nhật Bản từ bỏ tất cả mọi yêu sách về quyền hay
chủ quyền hay quyền lợi liên quan đến bất cứ nơi nào ở Nam cực, cho dù
xuất phát từ những hoạt động của Nhật hay bất cứ quốc gia nào khác.
f) Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, chủ quyền hay yêu sách về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
Chúng ta thấy rằng Hiệp ước không nêu tên nước nào
sẽ làm chủ những lãnh thổ do Nhật Bản bỏ lại. Tuy nhiên, từ những điều
trên, rất rõ ràng là mỗi đề mục đều liên quan đến quyền của một quốc
gia, thí dụ:
- mục (b): quyền liên quan đến Trung Quốc
- mục (c): quyền liên quan đến Liên Xô
- mục (d): quyền liên quan đến Hoa Kỳ
- mục (f): quyền liên quan đến Việt Nam
Ngày 5/9/1951, trong phiên họp toàn thể thứ 2 của
hội nghị San Francisco, đại biểu Liên Xô Andrei A. Gromyko sau khi chỉ
trích tính cách bất hợp pháp và sự vô nghĩa của bản dự thảo hòa ước của
Anh – Mỹ để ký với Nhật Bản đã đưa ra một đề nghị 7 điểm gọi là để
hướng dẫn việc ký kết hòa ước thực sự với Nhật Bản. Điểm 6 đề nghị trao
trả hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa cho Trung Quốc.
“1. Thay đổi về điều 2.
(a) Thay vì đề mục (b) và (f) là đoạn văn sau đây:
Nhật Bản công nhận chủ quyền toàn vẹn của nước Cộng hòa Nhân dân Trung
Hoa ở Mãn Châu, Đài Loan (Formosa) với những đảo lân cận của nó, đảo
Penlinletao (The Pescadores), đảoTunshatsuntao (The Pratas Islands),
cũng như quần đảo Sishatsunta và Chunshatsuntao (quần đảo Hoàng Sa,
nhóm đảo Amphitrites, Maxfield) và quần đảo Nanshatsuntao bao gồm quần
đảo Trường Sa, đồng thời Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, chủ quyền và yêu
sách đối với những lãnh thổ nói trên”.
Trong phiên họp lần thứ 8 của Hội nghị, Chủ tịch hội
nghị đã loại bỏ yêu cầu này của Liên Xô ra khỏi nghị trình qua cuộc bầu
phiếu với tỷ lệ 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận và một phiếu trắng.
Hai ngày sau, ngày 7/9/1951 Thủ tướng kiêm Ngoại
trưởng Trần Văn Hữu, Trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, đã lên tiếng
tái xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao như sau:
(“Et comme il faut franchement profiter de toutes
occasions pour étouffer les germes de discorde, nous affirmons nos
droits sur les îles Spratley et Paracels qui, de tout temps, ont fait
partie du Viet Nam”)
(Tạm dịch là: “Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ
hội để dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền
của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay
vẫn thuộc cương vực Việt Nam”).
Thủ tướng Nhật bản Yoshida Shigeru ký Hòa ước San Francisco ngày 8/9/1951
Lời tuyên bố của Trần Văn Hữu đã được Hội nghị San
Francisco ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn, không có một
phái đoàn nào phản đối. Điều này được coi như là sự chấp nhận toàn vẹn
chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Bản tuyên
bố của Thủ tướng Trần Văn Hữu xác nhận chủ quyền đã hiện hữu, vì vậy nó
có tác dụng đối với tất cả, ngay cả đối với những quốc gia không có mặt
tại hội nghị (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Trung Hoa Dân quốc).
Bên cạnh đó, trong bản tuyên bố ngày 5/5/1952 (8)
về hòa ước mà Trung Hoa Dân quốc đã ký với Nhật Bản ngày 28.4.1952, Chu
Ân Lai không nói gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dù hai
quần đảo này đã được đề cập tới trong điều 2 của hòa ước như sau:
“Điều 2. Hai bên nhìn nhận là theo điều 2 Hòa ước
với Nhật Bản ký ngày 8 tháng chín năm 1951 tại San Francisco ở Hoa Kỳ,
Nhật Bản đã khước từ mọi quyền, danh nghĩa hay đòi hỏi liên quan đến
Đài Loan (Formosa) và Bành Hồ (the Pescadores), cũng như quần đảo
Trường Sa và Hoàng Sa” (9).
Theo điều khoản này, Nhật Bản chỉ nhắc lại việc
khước từ chứ không nói rõ là Nhật Bản hoàn trả hai quần đào này cho
Trung Hoa Dân quốc.
Ngày 8.2.1955, 12 năm sau khi tham dự hội nghị và ký bản Tuyên cáo Cairo, Tưởng Giới Thạch vẫn còn nhắc lại là:
“Trong thông cáo công bố vào lúc bế mạc hội nghị,
chúng tôi đã tuyên bố là tất cả các lãnh thổ do Nhật Bản ‘cướp’ của
Trung Hoa, kể cả Đông Tam Tỉnh, Đài Loan và Bành Hồ phải được hoàn trả
lại cho Trung Hoa Dân quốc. Lời tuyên bố này đã được bản Tuyên ngôn
Potsdam công nhận và Nhật Bản chấp nhận khi nước này đầu hàng” (10).
Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Thứ nhất, Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm
Văn Đồng phù hợp với hoàn cảnh và mối quan hệ đặc thù giữa VNDCCH và
Trung Quốc bấy giờ, nội dung Công hàm cũng được thể hiện rất thận
trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt
Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Công hàm ngày 14/9/1958 có hai nội dung rất rõ ràng:
Một là, Chính phủ VNDCCH ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý;
Hai là, Chính phủ VNDCCH chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.
Bên cạnh đó, Thủ tướng VNDCCH thấu hiểu quyền tuyên
bố về lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước cao
nhất là Quốc hội. Với lại, trong thời điểm năm 1958, Việt Nam đang tuân
theo Hiến pháp năm1946, khi đó, đứng đầu Chính phủ Việt Nam là Chủ tịch
nước, không phải là Thủ tướng. Thủ tướng chỉ là thành viên trong nội
các.
Hiến pháp năm1946 quy định:
Điều 43:
“Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Điều 44:
“Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Phó chủ tịch và Nội các.
Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có Phó thủ tướng”.
Như vậy, việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký công hàm
1958 mà không có dẫn đề: “Thừa lệnh Chủ tịch nước VNDCCH” là trái với
quy định của Hiến pháp năm 1946:
Điều 49 :
Quyền hạn của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa:
a) Thay mặt cho nước.
b) Giữ quyền Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, chỉ định hoặc cách chức các tướng soái trong lục quân, hải quân, không quân.
c) Ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, nhân viên Nội các và nhân viên cao cấp thuộc các cơ quan Chính phủ.
d) Chủ tọa Hội đồng Chính phủ.
đ) Ban bố các đạo luật đã được Nghị viện quyết nghị.
e) Thưởng huy chương và các bằng cấp danh dự.
g) Đặc xá.
h) Ký hiệp ước với các nước
i) Phái đại biểu Việt Nam đến nước ngoài và tiếp nhận đại biểu ngoại giao của các nước.
k) Tuyên chiến hay đình chiến theo như điều 38 đã định.
Điều 53:
Mỗi sắc lệnh của Chính phủ phải có chứ ký của Chủ
tịch nước Việt Nam và tùy theo quyền hạn các bộ, phải có một hay nhiều
vị Bộ trưởng tiếp ký. Các Bộ trưởng ấy phải chịu trách nhiệm trước Nghị
viện.
Như thế, theo Hiến pháp năm 1946, người ký hợp hiến Công hàm này phải là Chủ tịch nước VNDCCH.
Thứ hai, về phương diện pháp lý, nước VNDCCH lúc bấy
giờ không trực tiếp quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía
Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam
Cộng hòa. Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính
phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai
quần đảo này theo luật pháp quốc tế.(11)
Thứ ba, nhưng quan trọng hơn hết, từ năm 1945 đến
nay, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội nước Việt Nam
Cộng hòa, Mặt trận DTGPMN Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm
thời Cộng hòa miền Nam Việt và hiện nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt
Nam chưa bao giờ lên tiếng hoặc ra nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt
Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Ông Lưu Văn Lợi, cựu Chánh văn phòng-Trợ lý Bộ
trưởng Ngoại giao, Trưởng ban Biên giới thuộc Hội đồng Bộ trưởng
(1978-1989) đã nhận xét: “Công hàm của ông Phạm Văn Đồng chỉ là
một cử chỉ tốt đẹp về tình hữu nghị, ủng hộ Trung Quốc trong
lúc Mỹ đưa hạm đội 7 tới eo biển Đài Loan mà thôi” (12).
Từ những phân tích trên, theo chúng tôi là xác đáng
nhưng cần phải nhấn mạnh rằng tất cả những hành động ngoại giao của Thủ
tướng Phạm văn Đồng không phải là ông không nhìn thấy mọi ý đồ của
Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam vì ông đã có kinh nghiệm và đã
trả giá trong bàn đàm phán Geneve năm 1954, khi bàn về việc chấm dứt
chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Nhưng kinh nghiệm ấy cũng
không ngăn ông được khi giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ với
Trung Quốc vì Việt Nam đã tạo nên ấn tượng rằng Việt Nam đã tự nguyện
chấp nhận những hy sinh vì lợi ích của đường lối chung về “cùng tồn tại
hòa bình” đang thịnh hành trong thế giới xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ.
Tất cả những chứng cứ mà phía Trung Quốc đưa ra đều vô hiệu!
Kết luận:
Kể từ sau sự kiện ngày 26/5/2011 Tàu hải giám Trung
Quốc đã đe dọa tàu Bình Minh 02, cắt cáp thăm dò địa chấn tại lô 148
Thềm lục địa Việt Nam và ngày 9/6/2011, tàu khảo sát địa chấn
Viking 2 mà Việt Nam thuê của Pháp đã bị tàu cá của Trung
Quốc phá dây cáp cho đến nay Trung Quốc không dừng lại ở đó mà tiếp
tục có nhiều hành động đe dọa một cách có hệ thống chủ quyền của nước
Việt Nam:
Thông cáo từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ gửi đến BBC
cho hay tàu hải quân INS Airavat đã có chuyến thăm hữu nghị
Việt Nam từ 19/7-28/7. “Hôm 22/7, INS Airavat đang trên đường từ
Nha Trang ra Hải Phòng để thăm cảng này. Khi ở Biển Đông, cách
bờ biển Việt Nam chừng 45 hải lý, INS Airavat nhận được điện
đàm từ một người gọi tự xưng là ‘Hải quân Trung Quốc’ cảnh
báo rằng tàu này đang tiến vào hải phận Trung Quốc” (13).
Tiếp theo đó, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo
trên trang web của cơ quan ngư chính tỉnh Quảng Đông, cho biết một tàu
mang số hiệu 306, có trọng tải 400 tấn, đã rời Quảng Châu để đi về
hướng Hoàng Sa.
Một quan chức của cơ quan ngư chính Quảng Đông nói
việc điều động nhằm “tăng cường nỗ lực thực thi pháp luật tại các vùng
đánh bắt cá ở Hoàng Sa, bảo vệ hoạt động đánh bắt cá, an toàn cho ngư
dân, và bảo vệ chủ quyền trên biển của Trung Quốc” (14).
Và mới đây, ngày 10/9/2011, Tân Hoa xã đưa tin giới
chức Trung Quốc vừa điều tàu cá đa năng Quỳnh Phú Hoa Ngư – 01 tới vùng
biển Trường Sa của Việt Nam. Giới chức Trung Quốc không nói rõ nhiệm vụ
của tàu mà chỉ tuyên bố nó “sẽ hỗ trợ đưa nghề nuôi trồng ngư nghiệp
nhiệt đới trong khu vực vào giai đoạn mới”. Trước đó, đại diện Hải quân
Trung Quốc cùng Tập đoàn China Mobile lại ngang nhiên tổ chức lễ nghiệm
thu công trình xây dựng trạm điện thoại di động tại những đảo do nước
này chiếm giữ ở Trường Sa (15).
Tất cả những động thái đó đã cho chúng ta thấy rằng,
cuối cùng, đối với Trung Quốc, nói đi nói lại dù cho lời hay ý đẹp cũng
là “Chủ quyền thuộc ngã” khi muốn ôm trọn biển Đông ở phương Nam hay
những hòn đảo, đá… ở biển Đông Trung Hoa như Senkaku, Okinotori (Nhật
Bản) mang tính chiến lược nằm trong tham vọng bành trướng mà các thế hệ
lãnh đạo Trung Quốc vẫn ấp ủ từ lâu.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin mượn lời
nhận xét của một học giả Phương Tây khi nhận xét về tấm Trung Hoa tân
địa đồ được xuất bản năm 1938:
Bức địa đồ của sự Hổ thẹn Dân tộc.
Hồng Mậu Hy, Trung Hoa tân địa đồ, địa đồ dùng cho hệ tiểu học,
do Bộ Nội chính cho phép xuất bản, Trùng Khánh,
Đông phương Dư địa học xã xuất bản năm 1938
Chú thích:
(2) Chi tiết về hội nghị này và hội nghị Tehran được
in trong tập The Foreign Relations Of The United States Diplomatic
Papers: The Conferences at Cairo and Tehran, 1943 (viết tắt: FRUS Cairo
Tehran), Government Printing Office, Washington, D.C., 1961
(3) FRUS Cairo Tehran, tr. 448, 449.
(4) Mới đầu là Winston Churchill, sau là Clement Attlee khi Đảng Bảo thủ Anh thất cử.
(5) Documents on American Foreign Relations, do
Raymond Dennett và Robert K. Turner biên tập và Prince University
Press xuất bản năm 1948, tập VIII: 1.7.1945 31.12.1946.
(6) Jean R. Sainteny, Histoire D’Une Paix Manquée: Indochine 1945-1947, Amiot Dumont, Paris, 1953, tr. 50.
(7) Toàn văn bản Hòa ước San Francisco đăng trong:
(a) United Nations Treaty Series, tập 136, tr. 46 và tiếp theo, và (b)
American Foreign Policy, 1950 1955: Basic Documents do Bộ Ngoại giao
Hoa Kỳ xuất bản năm 1957, ấn bản số 5446, tr. 425 439.
(8) Toàn bản văn đăng trong People’s China, tập V, số 10, ng. 16.5.1952, tr. 4.
(9) People’s China, tập V, số 10, ng. 16.5.1952, tr. 4.
(10) Xem bài “Review of International Situation”
đăng trong President Chiang Kai Shek’s selected speeches and messages
in 1955, do China Publishing Co. xuất bản tại Đài Bắc năm 1956, tr. 22.
Đông Tam Tỉnh nói ở đây là danh xưng người Trung Hoa vẫn dùng để gọi
Mãn Châu.
(11)
Điều 4 của Hiệp định Geneve ngày 21-7-1954:
Giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai vùng tập hợp kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển.
Lực lượng Liên hiệp Pháp sẽ rút khỏi các hải đảo ven
bờ biển thuộc phía Bắc giới tuyến ấy, Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ rút
khỏi tất cả các hải đảo thuộc phía Nam.
Điều 24 của Hiệp định Geneve ngày 21-7-1954:
Hiệp định này áp dụng cho tất cả mọi lực lượng vũ
trang của đôi bên. Lực lượng vũ trang của mỗi bên sẽ phải tôn trọng khu
phi quân sự và lãnh thổ đặt dưới quyền kiểm soát quân sự của bên kia và
sẽ không có hành động hoặc hoạt động gì chống bên kia, hoặc một hoạt
động phong tỏa bất cứ bằng cách nào ở Việt Nam.
Danh từ “lãnh thổ” nói đây bao gồm cả hải phận và không phận.
(7) Điều 12 trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneve ngày 21-7-1954:
“Trong quan hệ với Cao – Miên, Lào và Việt Nam, mỗi
nước tham gia Hội nghị Genève cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập,
thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của những nước trên và tuyệt đối không
can thiệp vào nội trị của những nước đó”.
Thành phần tham dự Hội nghị Geneve:
• Phái đoàn Anh, do Anthony Eden làm trưởng đoàn.
• Phái đoàn Hoa Kỳ, do Bedell Smith làm trưởng đoàn.
• Phái đoàn Liên bang Xô Viết, do Viacheslav Molotov làm trưởng đoàn.
• Phái đoàn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, do Chu Ân Lai làm trưởng đoàn.
• Phái đoàn Pháp, do Georges Bidault làm trưởng đoàn.
• Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn.
• Phái đoàn Quốc gia Việt Nam, do Nguyễn Quốc Định làm trưởng đoàn sau Trần Văn Đỗ thay thế.
• Phái đoàn Lào, do Phumi Sananikone làm trưởng đoàn.
• Phái đoàn Campuchia, do Tep Than, làm trưởng đoàn.
(12) BBC Vietnamese.com ngày 18/09/2008. Bài “Trung Quốc xuyên tạc cử chỉ hữu nghị”.