samedi 17 septembre 2011

Người việt tỵ nạn cộng sản

Biểu tình ở Houston phản đối công hàm của TT Phạm Văn Đồng 

Hiền Vy, thông tín viên RFA

2011-09-15

Cách đây 53 năm, thủ tướng Phạm văn Đồng của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký một công hàm, công nhận hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.
Photo by Hiền Vy/RFA
Người Việt ở Houston biểu tình hôm 14/9/2011 phản đối 
công hàm 1958 của TT Phạm Văn Đồng

Cùng góp tiếng nói

Trung quốc căn cứ vào công hàm này cho rằng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của họ. Gần đây, Trung Quốc đã gây hấn rất nhiều trên vùng Biển Đông mà dư luận cho rằng đó là hệ quả của công hàm mà thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký vào ngày 14 tháng 9 năm 1958.
Trước sự ngang ngược của Trung quốc cũng như sự lên tiếng yếu ớt của Hà Nội, trong thời gian qua, người Việt khắp nơi trên thế giới đã có những cuộc xuống đường để phản đối Trung Quốc và Việt Nam trước các vụ việc này. Vào đúng ngày 14 tháng 9 năm nay, người Việt hải ngoại đã tổ chức biểu tình rầm rộ để lên án bản công hàm của thủ tướng Phạm văn Đồng tại các Đại sứ quán và Lãnh sự quán của Việt Nam.
Dù sắp sang Thu, nhưng khí hậu của Houston vẫn nóng gần 100 độ F. Cái nóng cháy da vẫn không làm những người Việt tha hương ngần ngại. Cùng với người Việt Houston, có cụ ông đã 93 tuổi ngồi xe lăn đến tham dự biểu tình. Có phái đoàn người Việt của Dallas, của Tarrant.
Có người từ tiểu bang Florida. Có người từ Na Uy và có người đến từ Úc. Nhưng cái đặc biệt của cuộc biểu tình ngày 14 tháng 9 năm nay trước tòa Tổng lãnh sự Việt Nam tại Houston là có khoảng 8 người ngồi trước tấm biểu ngữ, viết: "Đả đảo CSVN-Phạm văn Đồng ký công hàm 14/9/1958 Dâng Biển, Đảo cho Trung Cộng" với ý định sẽ tọa kháng 8 giờ đồng hồ để phản đối nhà nước Việt Nam.   
Một trong 8 người này là ông Nguyễn Tấn Trí cho biết lý do ông tham dự:
"Tôi ngồi đây để phản đối CS Việt Nam về việc bán nước, thủ tướng Phạm văn Đồng đã ký những văn kiện cho Trung cộng để thừa nhận chủ quyền của TQ trên lãnh thổ của Việt Nam trước đây."
Chúng tôi sang đây để tham dự cuộc biểu tình này để phản đối công hàm mà Phạm văn Đồng đã ký nhường biển và nhường đất cho Trung Quốc.
Ông Hạ Bá Hùng
Ông Hạ Bá Hùng đến từ Úc Châu nói là ông chỉ muốn phản đối bản công hàm đó:
"Chúng tôi sang đây để tham dự cuộc biểu tình này để phản đối công hàm mà Phạm văn Đồng đã ký nhường biển và nhường đất cho Trung Quốc."
Còn ông Lê Phát Được, người đã từng phát động cuộc tuyệt thực 7 ngày đêm trước tòa Bạch Ốc trong thập niên 1990 để thỉnh cầu tổng thống Clinton can thiệp và áp lực Hà Nội tôn trọng Tự do, Dân chủ và Nhân quyền tại Việt Nam, thì nói là ông muốn thế giới biết những việc làm không trong sáng của Hà Nội:
"Sở dĩ chúng tôi xuất hiện trước tòa lãnh sự của CSVN là muốn lên tiếng nói để cho công luận quốc tế cũng như công luận trong nước thấy rằng nhà cầm quyền CSVN bất xứng, đã không làm tròn nhiệm vụ trong việc bảo vệ dân và bảo toàn lãnh thổ của ông cha để lại."

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

rfa-hvy-200.jpg
Có cả các cụ già đi xe lăn tham gia biểu tình.
Photo by Hien Vy

Trong khi đó, ông Vũ Đình Tùng cho biết là ông không hề e ngại cho sức khỏe của mình khi cùng các người khác tọa kháng dưới cái nóng gay gắt của Houston. 
"Tình trạng đất nước lâm nguy, bị lãnh đạo đảng CSVN dâng đất, dâng biển cho TC thì là người Việt Nam phải có nhiệm vụ đứng lên phản đối. Sức khỏe thì ai cũng quí nhưng khi cần phải làm một cái gì đó để góp một phần nhỏ nhoi trong công việc cứu nguy dân tộc thì tôi nghĩ việc làm của chúng tôi chẳng đáng gì ..."  
Và ông Ngô Văn Trọng đến từ tiểu bang Florida chia sẻ rằng công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng là động cơ thúc đẩy ông góp mặt với người Việt tại Texas:
"Cái đó là động lực mà chúng tôi đi từ rất xa đến đây để hợp với anh em đồng hương ở địa phương để nói lên tiếng nói của người Việt hải ngoại."
Trong tiếng hô hào khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tiếng reo hò phản đối nhà nước Việt Nam nhu nhược của đoàn người biểu tình, ông Nguyễn Tấn trí cho rằng; lời tuyên bố của bộ ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nói rằng Trung quốc đã xuyên tạc trắng trợn khi diễn giải rằng công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng như một công nhận chủ quyền của TQ trên các quần đảo Việt Nam, chỉ là ngụy  biện:
Tình trạng đất nước lâm nguy, bị lãnh đạo đảng CSVN dâng đất, dâng biển cho TC thì là người Việt Nam phải có nhiệm vụ đứng lên phản đối.
Ông Vũ Đình Tùng
"Chúng tôi có đọc được nhưng đó chỉ là hình thức ngụy biện của họ mà thôi. Nói chung thì vẫn là tinh thần bán nước."
Với sự tiến triển kinh hoàng của hệ thống điện toán toàn cầu, bản công hàm 53 năm về trước của thủ tướng Phạm văn Đồng đã bị người Việt khắp nơi biết đến và vô cùng phẫn nộ. Những xách nhiễu của Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng gia tăng làm người Việt hải ngoại và trong nước dường như đang nối vòng tay lớn để bảo vệ quê Cha đất tổ.
Hiền Vy tường trình từ Houston

^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^

Người Việt ở Paris biểu tình phản đối công hàm 1958

Tường An, thông tín viên RFA
2011-09-15

Đã 53 năm ngày cố Thủ Tướng Phạm văn Đồng ký công hàm 14 tháng 9 năm 1958 công nhận chủ quyền 12 hải lý của Trung Quốc, qua đó coi như công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Photo by Tuong An
Hôm 14/9/2011, tập thể người Việt tại Pháp xuống đường để biểu tình 
phản đối công hàm của cố TT Phạm Văn Đồng

Nối vòng tay lớn

Người Việt khắp nơi trên thế giới từ Mỹ đến Úc Châu, Âu Châu đã đồng loạt biểu tình để lên tiếng phản đối tính cách pháp lý cũng như giá trị của công hàm này. Hòa vào sinh khí đó, Tại Paris, ngày thứ tư, 14 tháng 9 vừa qua tập thể người Việt tại Pháp cũng đã xuống đường để biểu tình phản đối công hàm này.
Ngày 4/9/1958, Trung Quốc đưa ra Bản Tuyên Bố khẳng định vùng biển Đông với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc. Mười ngày sau, tức ngày 14 tháng 9 năm 1958, cố Thủ Tướng Phạm văn Đồng của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký một công hàm để chính thức tuyên bố  “tán thành” bản Tuyên bố của Trung Quốc, công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa!  Điều đó đồng nghĩa với việc khước từ chủ quyền của Việt Nam trên hai hải đảo này, một chủ quyền mà  bao thế hệ cha ông đã đổ máu xương ra để bảo vệ. Mặc dù đã 53 năm qua kể từ ngày công hàm 14 tháng 9 được ký kết, nhưng cho đến bây giờ nó vẫn là một khúc xương khó nuốt trong việc tranh chấp chủ quyền về biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc. Người Việt trong và ngoài nước đã và sẽ liên tiếp xuống đường để phản đối công hàm này.
Tôi nghĩ rằng là một tiếng la tuy nó nhỏ, nhưng tôi hòa nhịp với hàng triệu trái tim yêu nước ở trong nước và hải ngoại đang quan tâm tới vấn đề tình hình Nhân Quyền và vấn đề an ninh của lãnh thổ Việt Nam.
Anh Vũ Thành
Tại Pháp, ngày thứ tư 14 tháng 9  vừa qua, Người Việt tị nạn CS tại đây đã tổ chức 1 cuộc biểu tình trước tòa đại sứ Việt Nam tại Paris để phản đối công hàm 14 tháng 9 của Phạm văn Đồng.
Dù là một ngày trong tuần, mọi người cũng đã hy sinh một ngày làm việc để được gióng lên tiếng nói của mình. Một kỹ sư  xây dựng trẻ tên Thành, nói lên cảm nghĩ của anh :
«Hôm nay là một ngày biểu tình trong tuần, thì mọi người Pháp hay Việt Nam đang đi làm, xin nghỉ để mà ra đây biểu tình. Mà hôm nay người Việt mình ra rất là đông đủ cho nên em rất là mừng, rất là hãnh diện là người Việt Nam cho chính quyền Việt Nam biết là mình không thể nào im lặng được trước những hành động bán lãnh hải và lãnh thổ cho Trung Cộng của họ. Khi nào họ vẫn còn bắt bớ thì mình vẫn tiếp tục biểu tình tố cáo những hành động của họ.»
Anh Vũ Thành, chủ một tiệm buôn bán về công nghệ thông tin ở Lognes đã đóng cửa tiệm để về Paris tham gia biểu tình, anh cho biết lý do anh có mặt ở đây:
«Tôi là một người làm trong lãnh vực về thương mại, nhưng hôm nay tôi phải dẹp tất cả cửa hàng của tôi để đến tham dự vì lý do thứ nhất là vấn để biển đảo của Việt Nam chúng ta đang bị đe dọa trước họa xâm lăng của Tàu Cộng và cái thứ hai nữa, tôi phản đối nhà cầm quyền Việt Nam vẫn còn tiếp tục giam cầm những người có tấm lòng yêu nước đã nói lên những sự nguy hiểm của Trung Cộng đã đổ lên trên toàn dân tộc Việt Nam.
Trước cái hiểm họa mất nước đó, hôm nay dù tôi có hy sinh thời gian và công việc của tôi để đến đây, tôi nghĩ rằng là một tiếng la tuy nó nhỏ, không có đủ, nhưng tôi hòa nhịp với tất cả mọi người, hàng triệu trái tim yêu nước của Việt Nam đang còn ở trong nước và tất cả những đồng bào hải ngoại đang quan tâm tới vấn đề tình hình Nhân Quyền và vấn đề an ninh của lãnh thổ Việt Nam. Đó là lý do mà tôi có mặt ngày hôm nay. »
Chị Tuyết Mai, cư ngụ ở Rennes, cách Paris hơn 400 cây số cũng không quản ngại đường xa đến Paris để góp tiếng nói cùng mọi người :
«Ngày hôm nay đáng lẽ tôi đi làm nhưng mà tôi xin nghĩ một ngày để cùng chung những công cuộc đấu tranh của các đàn anh đi trước rồi đến lượt các đàn em đi sau và thế hệ sau nữa. Đối với tôi, tiền là mạch máu nhưng không phải thiếu nó là đau khổ mà mất nước và mất đất đó là điều chúng ta phải quan tâm nhất. Hôm nay tôi kêu gọi những ông Cộng sản, các ông cũng là người Việt, xin hãy thương người Việt và hãy cho những người trẻ những bước đường của nó để nối nghiệp tương lai của Cha Ông để lại, không phải dâng đất cho Tàu hoặc hành hạ tuổi trẻ ngày hôm nay và đàn áp dân trong nước. »

Hướng về quê cha đất tổ

Bên kia đường là tòa đại sứ Việt Nam im lìm với hàng rào cảnh sát bảo vệ, bên này đường là tiếng hô vang, tiếng hát hào hùng làm sống động cả một góc trời, bạn trẻ tên Thành kêu gọi sự lắng nghe của tòa đại sứ Việt Nam:
bieu-tinh-250.jpg
Người Việt tại Pháp xuống đường để biểu tình phản đối công hàm 1958 hôm 14/9/2011. Photo by Tuong An
«Mình cách tòa đại sứ cũng khoảng 100 mét, khi nãy em thấy những người làm trong tòa đại sứ CS Việt Nam, họ đã ra đứng trước tòa đại sứ, họ đang nhìn về phía mình, họ coi thử mình đang làm gì. Họ nhìn, nhưng mà em nghĩ họ cũng rất là xấu hổ, thì em nghĩ không biết họ có còn biết xấu hổ nữa hay không ? Xấu hổ những hành động nhượng lãnh thổ và lãnh hải cho Trung cộng. Nói chung là họ « Hèn với giặc, ác với dân » Em nghĩ là nếu mà họ có tâm hồn thì họ phải xấu hổ những gì họ làm.»
Anh Vũ Thành cũng hy vọng :
«Ở phía bên kia, có thể rằng là ít nhiều họ không có nghe trực tiếp được là vì có thể họ bịt tai, họ không muốn nghe nhưng mà ít nhất họ hiểu được là chúng tôi ở ngoài này chúng tôi đang làm gì, có nghĩ là tiếng nói của chúng tôi sẽ đến tai họ, không ngay lập tức, nhưng có thể rằng là ngày mai hay ngày mốt họ sẽ nghe được tiếng nói của chúng tôi.»
Dù số người tham dự tại Paris không đông như ở Cali hay Houston và các nơi đông người Việt cư ngụ khác. Nhưng sự hy sinh của những người có mặt tại đây cũng nói lên tinh thần đoàn kết và ý chí bảo toàn lãnh thổ của những người Việt xa quê mà lòng vẫn hướng về đất tổ, chị Tuyết Mai nói lên cảm xúc của chị :
«Cái cảm tưởng của tôi là : mặc dù chúng ta hôm nay ở nước Pháp không rộng như ở Cali, nhưng mà chúng ta ít nhất cũng có nhiều người đồng ý kiến cùng chung và đất ta không bao giờ dâng cho giặc như ông cha ta để lại từ xưa bốn ngàn năm văn hiến thì chúng ta phải gìn giữ tới cùng. Chúng ta phải tranh đấu hòn đảo Hoàng Sa Trường Sa của chúng ta cho tới giọt máu cuối cùng. Không có lý do nào mà dâng cho Tàu cộng cả.»
Chúng ta phải tranh đấu hòn đảo Hoàng Sa Trường Sa của chúng ta cho tới giọt máu cuối cùng. Không có lý do nào mà dâng cho Tàu cộng cả.
Chị Tuyết Mai
Đây là cuộc biểu tình đầu tiên trong hàng loạt các cuộc biểu tình sắp tới tại Âu Châu nói riêng và trên thế giới nói chung. Trong những ngày tới, Vương Quốc Bỉ sẽ biểu tình ngày 24 tháng 9, Đức sẽ có 2 cuộc biểu tình ngày 17 tháng 9 tại Franfurt và ngày 1 tháng 10 tại Berlin. Đan Mạch tổ chức biểu tình, hội thảo, cầu nguyện và triển lãm trong suốt tuần lễ từ 11 tháng 9 đến 19 tháng 9 và Paris sẽ tiếp tục biểu tình ngày 1 tháng 10 trước tòa đại sứ Trung Quốc và ngày 16 tháng 10 tại quãng trường Trocadéro. Người kỹ sư trẻ tên Thành sẽ lại tiếp tục có mặt trong các cuộc xuống đường kế tiếp, anh nói :
«Cảm nghĩ của em hôm nay là em rất là…..Lần đầu tiên mà em thấy là cái tinh thần nó rất là cao, cho nên em hy vọng sẽ có những cuộc biểu tình khác, em sẽ tiếp tục đi biểu tình. Trong bất cứ ngày nào, khi nào có thì em vẫn sẽ ra để mà mình ủng hộ những người dân trong nước, họ đang bị bắt bớ và đang bị hành hạ.»
Cuộc biểu tình tại Paris ngày 14 tháng 9 vừa qua chấm dứt vào khoảng 7 giờ chiều trong lời kêu gọi và vang vang tiếng hát của cô MC Thu Sương :
« …..Thể hiện cái tấm lòng của chúng ta, thể hiện cái tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước của chúng ta. Không chỉ  bằng lời mà chúng ta phải thể hiện qua cái tinh thần, qua cái việc làm của chúng ta ngày hôm nay. Xin quý vị hãy cùng với Thu Sương chúng ta cùng hát bài «Đáp Lời Sông Núi » …….. »

^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^

Biểu tình chống Trung Quốc tại California

Ngọc Lan, thông tín viên RFA
2011-09-15

Tối hôm 14 tháng 9, hàng ngàn đồng hương Việt Nam tại Nam California đã có mặt tại tượng đài Việt Mỹ ở thành phố Westminster để cùng tham gia cuộc biểu tình mang tên “Thắp Sáng Niềm Tin.”
Photo by Ngọc Lan
Tối 14 tháng 9, hàng ngàn đồng hương Việt Nam tại Nam California 
đã có mặt tại tượng đài Việt Mỹ ở thành phố Westminster để 
cùng tham gia cuộc biểu tình mang tên “Thắp Sáng Niềm Tin.”

Cổ vũ đồng bào trong nước

Chương trình biểu tình do hai đài truyền hình SBTN và SET TV phối hợp với Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California và hơn 60 hội đoàn khác tổ chức đánh dấu 53 năm ngày cố thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc Việt Nam) ký công hàm “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 Tháng Chín, 1958 của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc,” trong đó xác nhận quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về hải phận của Trung Cộng.
Ông Nguyễn Văn Liêm, trưởng ban tổ chức cuộc biểu tình, mở đầu đêm “Thắp Sáng Niềm Tin” bằng lời phát biểu, “Sống ở thời đại này, giữa một thế giới văn minh, không thể có chuyện một nước lớn đem tàu bè, vũ khí chiếm đoạt lãnh thổ của một nước nhỏ. Luật pháp quốc tế và lương tri con người không thể chấp nhận hành động thô bạo này. Đối với cộng sản Việt Nam đã thực hiện hành động rước voi dày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà, đã và đang táng tận lương tâm bán đất, bán biển cho kẻ xâm lăng phương Bắc bằng công hàm bán nước ngày 14 tháng 9, năm 1958 và hiệp ước nhượng lãnh thổ ngày 31 tháng 12 năm 1999.
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nên biết rằng trong lịch sử nhân loại từ cổ chứ kim, không có một cường quyền nào bán dân hại nước mà có thể tồn tại được. Chúng tôi muốn nói với đồng bào trong nước, hãy trút bỏ sự sợ hãi vì ở thời đại thông tin hữu hiệu và nhanh chóng như hiện nay cộng sản không thể hành xử một cách vô luật pháp mãi được. Xin hãy đứng lên, xuống đường, phản đối Trung cộng cướp đất, cướp đảo của tổ tiên chúng ta và phản đối cộng sản Việt Nam hèn hạ bán nước.”
Ngay sau lời phát biểu của trưởng ban tổ chức, những câu khẩu hiệu như “Hoan hô người Việt yêu nước can đảm ở quê nhà,” “Trung Cộng hãy cút khỏi Việt Nam” được nhiều người la to.
Đại diện cho Hội Cao Niên, ông Phan Kỳ Nhơn, một gương mặt khá quen thuộc trong các sinh hoạt cộng đồng của người Việt tại Nam California, bày tỏ, “Chúng ta phải làm gì ở hải ngoại này? Thưa đồng hương, thực sự mà nói giới cao niên của chúng ta rồi cũng phải ra đi theo định luật của thời gian, điều chúng tôi hoan nghênh và vui sướng là thấy ngày hôm nay tuổi trẻ đã dấn thân vào đại cuộc. Có nghĩa là tuổi trẻ sẽ thay thế chúng ta lãnh trách nhiệm đối vơi dân tộc và đất nước. Nói như thế không có nghĩa là người lớn tuổi như chúng ta an nhàn hưởng thụ. Còn sức chúng ta còn đấu tranh đến phút cuối cùng.”
Xin hãy đứng lên, xuống đường, phản đối Trung cộng cướp đất, cướp đảo của tổ tiên chúng ta và phản đối cộng sản Việt Nam hèn hạ bán nước.
Ông Nguyễn Văn Liêm
Không khí cuộc biểu tình càng lúc càng trở nên sôi động. Dòng người đổ về khu vực tượng đài càng lúc càng đông. Những người tham dự biểu tình tay cầm cờ VNCH, tay cầm cờ Mỹ, khoác trên mình những chiếc áo xanh có hình đàn chim hạc với dòng chữ “Đáp lời sông núi,” hay “Việt Cộng bán nước, Tàu Cộng cướp nước,” hay những chiếc áo thun màu đen nổi bật dòng chữ trắng “4000 năm chưa một lần khuất phục.”
Tại cuộc biểu tình, người ta nhìn thấy nhiều biểu ngữ được treo và cắm khắp nơi, mang các hàng chữ, bằng tiếng Anh và tiếng Việt, như “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam,” “Ðả đảo Trung Cộng chiếm Tây Nguyên...”
Ở một góc khác là những biểu ngữ có hình minh họa rất sống động. Một tấm vẽ hình đầu bò thò lưỡi đỏ ra, nhưng bị một cái kéo cắt, với hàng chữ “The Crazy Cow Made in China, Stop Invading Vietnam.”
Một biểu ngữ khác viết: “Gởi đồng bào quốc nội, giờ lịch sử đã điểm, hãy nắm lấy thời cơ, nhân dân Việt Nam sẽ thắng. Hoan hô Tunisia và Ai Cập. Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam.”
Một tấm khác vẽ hình Ngô Quyền chỉ ra biển khơi, có chiếc tàu mang lá cờ VNCH, kèm theo hàng chữ “Hãy đứng lên để bảo vệ tổ quốc.”

Quyết tâm bảo vệ lãnh thổ vẹn toàn

Chị Lưu Hà ở thành phố Anaheim chia sẻ lý do đến tham dự biểu tình là vì “xuất phát từ tấm lòng, và chúng tôi nhớ quê hương, chúng tôi không muốn đất nước Việt Nam của chúng tôi lọt vào tay cộng sản Trung Quốc.”
rfa-250-nl.jpg
Người Việt ở California biểu tình hôm 14/9/2011. Photo by Ngọc Lan
Trong khi đó, bà Hồng Hải, dù phải ngồi xe lăn và khá xa Little Saigon, cũng được chồng đưa đến tham gia biểu tình với lý do rất đơn giản, “Tôi đi đến đây để yểm trợ cho những người trong nước để chống thằng Tàu nó cướp đất cướp biển của mình. Nhà nước đàn áp dân mình, người ta đi biểu tình chống Tàu trong nước mà nó cũng đánh người ta, nhốt người ta. Tui thấy vậy thì tui đi đây thôi.”
Anh Lý Vĩnh Phong, cựu chủ tịch tổng hội sinh viên miền Nam California, bày tỏ suy nghĩ,  “Thấy nhiều người, nhiều vị anh hùng đã bao nhiêu lần tranh đấu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Chúng ta chưa thấy có một chính quyền nào như chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay có chính sách bán nước rõ ràng, mà không phải là mới đây mà là từ công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, mà đến nay công hàm đó chỉ là một thôi. Chúng ta còn nhớ đến là thác Bản Giốc, ải Nam Quan, ải Tục Lãm, hay những phường lãnh thổ lãnh hải của Việt Nam mà Việt cộng đã gặp mặt bí mật với chính quyền Trung cộng mà đến nay tất cả những chi tiết người dân Việt Nam cũng chưa biết hết là đến nay lãnh thổ lãnh hải Việt Nam còn bao nhiêu.”
Ông Thương, 73 tuổi, sống ở San Diego, cách nơi biểu tình khoảng 2 tiếng lái xe, cho biết ông đã bỏ công ăn việc làm để đến tham dự biểu tình. Hai tay cầm hai lá cờ lớn biểu tượng của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, ông Thương nói một cách hùng hồn, “Nước VN mình là của VN chứ không phải của Tàu, cũng không phải của cộng sản Việt Nam đem bán cho Tàu. Biết bao nhiêu những vị anh hùng của chúng ta, mình đọc sử cũng biết, chú năm nay là 73 tuổi rồi chú cũng biết. Cộng sản đem nước của mình bán cho tàu vì để bảo vệ cho cái đảng cộng sản Việt Nam, lợi cho đảng CSVN chứ đâu có lợi cho dân tộc Việt Nam.”
Xuất phát từ tấm lòng, và chúng tôi nhớ quê hương, chúng tôi không muốn đất nước Việt Nam của chúng tôi lọt vào tay cộng sản Trung Quốc.
Chị Lưu Hà
Sau phần biểu tình là phần văn nghệ đấu tranh do trung tâm văn nghệ Asia thực hiện. Đúng 8 giờ, lễ thắp nến được bắt đầu. Ngọn nến từ bàn thờ quốc tổ, được các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo tiếp nhận và truyền lại cho các thanh niên trong tổng hội sinh viên Nam California, để từ đó, ngọn lửa được truyền tiếp cho những người tham dự.
Đến tham dự buổi biểu tình, ngoài các vị đại diện cho tôn giáo, các hội đoàn, đoàn thể, các nhân sĩ trí thức, còn có các vị thượng nghị sĩ, dân cử cấp tiểu bang, chủ tịch hội đồng giám sát Orange County, các nghị viên hội đồng thành phố Westminster, Garden Grove, và Fountain Valley.
Cũng trong ngày 14 tháng 9, nhiều cuộc biểu tình của người Việt đã diễn ra tại khắp nơi, như ở San Francisco, San Diego, Las Vegas, Utah, Seattle, ở Paris, ở Úc. Cuối tuần, các cuộc biểu tình sẽ diễn ra ở New York, Na Uy, Áo, và Đức.