SGTT – Thứ sáu, ngày 01 tháng bảy năm 2011
SGTT.VN - Đang là mùa nghịch, nhưng từ 9 giờ sáng, khúc sông Hàm Luông (đoạn bến phà Hàm Luông cũ) ở Bến Tre vẫn tấp nập tàu Trung Quốc thu gom dừa. Đầu đội nón lá, mắt đeo kính đen ngòm, A Văn, một thương nhân người Trung Quốc đứng chót vót trên nóc chiếc tàu 800 tấn trả giá bằng tiếng Việt giọng lơ lớ với chị Yến, thương lái, chủ chiếc ghe chất đầy dừa cặp bên mạn tàu: “Giá chót, 128.000 đồng một chục…”
Nhiều người mua một giá
Trong vai khách du lịch, thuê chiếc ghe nhỏ mất 100.000 đồng, chúng tôi được bác tài công tên Nam chở thẳng ra chiếc tàu Hoàng Linh 36 neo giữa dòng sông Hàm Luông. Trên tàu đang diễn ra hoạt động mua bán dừa khá tấp nập giữa các thương lái Việt Nam và Trung Quốc.
Cặp hai bên mạn con tàu Hoàng Linh 36, số hiệu Hải Phòng, là những chiếc ghe nhỏ, chất đầy dừa. Mỗi chiếc ghe có năm sáu người hai tay nhặt từng quả dừa ném lên cho người đứng trên lan can tàu Hoàng Linh 36 bắt và chuyền lên chất vào khoang, boong tàu. Qua hỏi thăm một số thương lái người Việt, chúng tôi biết tên hai thương nhân Trung Quốc phụ trách thu mua là A Văn và A Luận, đều là người Hà Nam, Trung Quốc. Họ trao đổi với nhau bằng tiếng địa phương Hà Nam, nói tiếng Việt giọng lơ lớ với người Việt.
A Văn cho biết: “Chúng tôi là người công ty ở Hải Nam mua dừa. Dừa mua về sẽ đưa vào nhà máy chế biến, nước dừa dùng làm thạch dừa, nước có gas, nước cốt dừa, cơm dừa thì dùng làm mứt, bánh kẹo...”
Ở Trung Quốc, A Văn giải thích, giá dừa khô tương đương Việt Nam nhưng quả nhỏ hơn, tinh dầu dừa hôi hơn nhiều so với dừa Việt Nam nên ít được ưa chuộng. “Dừa Việt Nam trái lớn, cơm dày, dầu ít, thơm hơn”, A Văn nói.
Dù đang mùa trái vụ, sản lượng ít, nhưng theo quan sát, tại bến Hàm Luông thường nhật có tám chín tàu số hiệu Hải Phòng được thương nhân Trung Quốc thuê chở dừa. Thương nhân Trung Quốc tên Hoàng, phụ trách tàu Hải Vân 09 sang Việt Nam từ năm 1988, có 20 năm kinh nghiệm mua bán nông sản ở Việt Nam. Hoàng không nhập quốc tịch Việt Nam, không lấy vợ Việt Nam mà thuê nhà ở Bến Tre. Công việc của Hoàng là sáng thuê ghe ra tàu để quản lý thu mua dừa, chiều lại về nhà trọ. Cứ thế, Hoàng nói mỗi tàu dừa khoảng 1,2 – 1,5 triệu trái, mua trong vòng mười ngày là đầy, sau đó chở ra Quảng Ninh làm thủ tục quá cảnh, rồi đưa về cảng Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc.
Hoàng và A Văn, A Luận hay những thương nhân Trung Quốc trên các tàu không trực tiếp thương thảo với thương lái Việt Nam mà phải mua dừa thông qua các đại lý. Keo, chủ một đại lý cung cấp dừa cho tàu Hoàng Linh 36 nói thương nhân Trung Quốc đặt hàng qua đại lý của anh. Khi có trong tay số lượng đặt là bao nhiêu, Keo sẽ gọi điện trước cho các thương lái ở dưới huyện đặt mua, chốt giá.
Cứ mỗi trái dừa, giá hiện nay vào khoảng 10.200 – 10.300 đồng, Keo được thương nhân Trung Quốc trả huê hồng 50 đồng.
Ngoài tìm nguồn hàng, đại lý như Keo còn chịu trách nhiệm làm thủ tục thuế và các giấy tờ liên quan đến pháp lý tại địa phương cho thương nhân Trung Quốc.
Qua quan sát, một điều khá lạ là mặc dù các tàu neo xa nhau, và của nhiều công ty thu mua, nhưng lại mua đồng một giá. Bà Yến, một thương lái bán dừa cho tàu Thanh Bình 26 nói: giá dừa được phân loại theo ký như loại 800g, 1kg, 1,5kg. Giá thu mua trung bình khoảng 128.000 đồng/chục (11 trái). Mặc dù đại lý báo giá trước một ngày, nhưng hôm sau chở dừa lên thương nhân Trung Quốc là người quyết định và họ vẫn đánh tụt giá bằng cách chê dừa nhỏ, dừa sâu...
Thương nhân Trung Quốc mua gom cả nông sản không đạt chất lượng. Trả lời báo chí chiều 30.6, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần lưu ý tình trạng một số thương nhân Trung Quốc thời gian gần đây vào Việt Nam thu mua nông sản, mua cả những sản phẩm không đạt chất lượng.
Theo ông Tần, việc thu mua nông sản của thương nhân Trung Quốc là chuyện bình thường. Tuy nhiên, việc mua cả nông sản không đạt chất lượng sẽ gây khó khăn cho những nỗ lực kiểm soát hàng nông sản xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa.
Châu An
“Ngày nào họ cũng mua nhiều, nhưng hễ thấy có nhiều ghe chở lên là tìm cách hạ giá, và giá mua thì tàu nào cũng giống nhau”, bà Yến tâm sự. Một thương nhân Trung Quốc tên A Hoà hóm hỉnh nói: “Dừa ở dưới vườn có thể thay đổi 1 – 2 giá, nhưng ở đây chúng tôi chỉ mua có một giá”.
Mở ra quy trình sản xuất khép kín
Từ Hàm Luông, nếu chạy ghe bằng đường sông về sông Thơm, xã An Thạnh, huyện Bình Đại mất một giờ rưỡi, còn đường bộ khoảng 30 phút. Đầu mối thu mua dừa tươi ở miệt vườn thường chở lên thuê các trại lột vỏ dọc hai bên bờ sông Thơm, sau đó bán lại cho thương lái chở bằng ghe đưa ra bến Hàm Luông cung cấp cho thương nhân Trung Quốc. Quy trình để một quả dừa tươi từ miệt vườn đến thương nhân Trung Quốc thường qua ba khâu: đầu mối mua dừa tươi từ nhà vườn, rồi thương lái và đại lý.
Dọc bên bờ sông Thơm, cách nay bốn năm, theo anh Sum, cán bộ phòng kinh tế huyện Bình Đại, chỉ lèo tèo vài xưởng lột vỏ dừa. Nhưng gần đây, do thương nhân Trung Quốc tìm mua không chỉ dừa quả, mà cả xơ dừa, thậm chí là than hoạt tính từ vỏ dừa đốt ra ngày một nhiều nên nơi đây hình thành dây chuyền sản xuất khép kín, ít khi nào ngưng nghỉ.
Bà Sang, thương lái gom dừa cho Trung Quốc hơn mười năm, cho hay, tuy trả giá bằng nhau nhưng thương lái Trung Quốc mua số lượng ổn định hơn doanh nghiệp Việt Nam nên tôi thường chọn bán cho Trung Quốc. Mỗi ngày, bà Sang chỉ việc ngồi tại các trại lột vỏ dừa dọc bên bờ sông Thơm, chờ đại lý từ dưới tàu ở Hàm Luông báo lên đặt hàng rồi kêu đầu mối chở dừa ra lột, sau đó dùng ghe chở đi giao hàng.
“Vài năm trước, chục dừa (12 quả) giá 25.000 – 30.000 đồng, nay thì lên 120.000 – 130.000 đồng mà không có để mua”, bà Sang nói.
Những xưởng chế biến xơ dừa cũng ăn nên làm ra. Thái Minh Phước, chủ doanh nghiệp Phước Thịnh ở xã An Thạnh, huyện Bình Đại nói, từ ngày thương lái Trung Quốc vô tận nơi thu mua xơ dừa, xưởng của anh có thêm nhiều việc. Phước lập trại lột vỏ, mua dàn máy xé xơ trị giá khoảng 1 tỉ đồng. Ngoài việc phải thuê người lột, thì mỗi thiên vỏ dừa (1.200 quả), Phước phải trả cho đầu mối thu gom dừa tươi 1,4 triệu đồng. Theo Phước, nhu cầu mua xơ dừa của Trung Quốc về làm thảm, nệm…tăng lên cũng là lúc giá vỏ dừa, một loại phế phẩm mà trước đây giá rất rẻ, thậm chí dùng làm củi đốt, trở nên đắt đỏ. Cứ 6 thiên vỏ dừa chế biến ra một tấn xơ dừa, giá hiện nay khoảng 370 USD/tấn loại 25% độ ẩm. “Ngày càng có nhiều cơ sở chế biến xơ dừa mọc lên, nhiều khi chủ trại cũng bị lỗ như thường do cạnh tranh gay gắt”, Phước nói.
Ngay cả mùn dừa (hạt xơ dừa thải ra trong quá trình máy đánh vỏ dừa thành xơ) bây giờ cũng được mua hết. Mùn dừa không bán theo ký mà bán theo giờ chạy máy, giá hiện nay 380.000 đồng/giờ. Theo những người sống dọc sông Thơm, trước đây, nước sông đen ngòm do người dân đổ mùn dừa xuống, còn bây giờ nước trong xanh do mùn dừa bán được cho những người trồng cao su, trồng cây làm phân bón.
Đặng Hoàng – Minh Cúc