mercredi 6 juillet 2011

Trí thức Việt Nam kiến nghị yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin về quan hệ với Trung Quốc





Biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông (Reuters)
Thụy My

Tiếp theo bản tuyên cáo 25/06, ngày 02/07 vừa qua, nhiều trí thức, lão thành cách mạng Việt Nam đã ký tên vào bản kiến nghị gởi lên Bộ Ngoại giao, yêu cầu cung cấp các thông tin về quan hệ với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông. Kiến nghị đã được luật sư Trần Vũ Hải chuyển đến Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua 04/07/2011.

Bản kiến nghị bày tỏ những lo ngại về cuộc gặp ngày 25/06 của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn với các ông Trương Chí Quân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, và ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc. Bản tin tiếng Anh sau đó của Tân Hoa Xã đề ngày 28/06 về cuộc gặp gỡ này đã nói rằng : « Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam… »,đồng thời nhắc đến công hàm của ông Phạm Văn Đồng năm 1958 gởi ông Chu Ân Lai tán đồng tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc.

Các nhân sĩ ký tên trong bản kiến nghị đã yêu cầu làm rõ ba điểm. Trước hết, là xác định các thông tin do Tân Hoa Xã đã đưa như trên có chính xác hay không, nếu không thì đòi hỏi phía Trung Quốc phải cải chính. Kiến nghị tiếp theo là yêu cầu cho biết quan điểm về công hàm nói trên của ông Phạm Văn Đồng. Cuối cùng là đòi hỏi được thông tin về các thỏa thuận đã đạt được, nếu có, giữa ông Hồ Xuân Sơn và phía Trung Quốc.


Ông Lê Hiếu Đằng - Thành phố Hồ Chí Minh
(03:37)

Trong số những người ký tên có Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, các giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Hoàng Tụy, Chu Hảo, tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, các nhà văn Nguyên Ngọc, Trần Nhương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên…Trả lời RFI Việt ngữ, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong các nhân sĩ trí thức ký tên vào bản kiến nghị, đã cho biết :

Như trong tuyên cáo mà cho đến nay đã có hơn một ngàn hai trăm người ký rồi, chúng tôi hoan nghênh phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Khánh Hòa, là cương quyết không để một tấc đất nào rơi vào tay người nước ngoài. Sở dĩ chúng tôi nêu ra là để theo dõi, giám sát xem chính phủ Việt Nam có làm đúng như tuyên bố của người đứng đầu chính phủ hay không. Nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy chuyến đi của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn và sau đó là việc làm, hoàn toàn khác với lời tuyên bố đó.

Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng chuyến đi đó, và nhất là công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 cần phải được cho nhân dân biết. Như vậy người ta mới hiểu vì sao Trung Quốc hiện nay lại cứ nói những điều đó, và để xem thử về mặt pháp lý thì cái đó có giá trị đến mức nào. Bởi vì thực tế thì hồi đó Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa, tức là của chính phủ Sài Gòn, thì công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng theo tôi chẳng có giá trị gì cả.

Còn về chuyến đi của ông Hồ Xuân Sơn, tại sao mình đã cố gắng để quốc tế hóa, để đa phương hóa vấn đề Biển Đông, mà gần nhất là các cuộc hội thảo tại Mỹ, rồi tại một số nước người ta cũng hoan nghênh, ủng hộ chủ trương này của Việt Nam. Thì đùng một cái bây giờ trong buổi làm việc giữa ông Hồ Xuân Sơn với Đới Bỉnh Quốc của Trung Quốc, thì lại nói là song phương, và nói là nước thứ ba không được can thiệp vào tình hình Biển Đông để làm xấu đi quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng mà thật ra họ đâu có hữu nghị gì với mình đâu ? Họ liên tục khuấy phá, rồi không cho ngư dân của Việt Nam làm ăn trên vùng biển truyền thống của mình.

Tôi nghĩ là xưa kia tổ tiên chúng ta khi đánh thắng giặc xâm lược phương Bắc rồi, để thể hiện tinh thần hiếu hòa, mới cho sứ qua. Bây giờ ngược lại, họ khuấy phá mình, họ làm đủ thứ chuyện, thì mình lại cho sứ thần qua, mà sứ thần này lại hoàn toàn không nói được tiếng nói của một dân tộc bất khuất. Do đó mà chúng tôi với tư cách những công dân Việt Nam, chúng tôi thấy bị thương tổn.

Ngôn ngữ, rồi nội dung như vậy làm cho quốc tế người ta thấy rằng Việt Nam tại sao từ chỗ đa phương hóa, quốc tế hóa, bây giờ lại – anh em chúng tôi nói rằng – « đi đêm » với Trung Quốc. Như vậy có ảnh hưởng hết sức xấu trong lãnh vực ngoại giao, sau này người ta sẽ không tin cậy mình nữa. Những thỏa thuận chung, phối hợp chung trước đây với các nước ASEAN, rồi trong các cuộc hội thảo, bây giờ mình lại đi riêng, tách ra song phương với Trung Quốc như thế.

Do đó mà chúng tôi muốn biết thực sự chuyến đi của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn là như thế nào. Có phải như vậy hay không, hay là các báo chí, rồi người phát ngôn Hồng Lỗi của Trung Quốc lại xuyên tạc ? Vì vậy mà tôi ký tên chung với một số nhân sĩ trí thức để đề nghị phải công khai hóa về chuyến đi này.

RFI : Nếu nói là hoạt động ngoại giao không thể công khai thì sao ạ ?

Nếu là bí mật thì tại sao người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi của Trung Quốc lại nói ra ? Nếu bí mật thì phải tuyệt đối bí mật, cả hai bên đều không nói gì về nội dung đó. Nhưng Trung Quốc lại cho biết một số nội dung hết sức bất lợi cho Việt Nam, gây hoang mang dư luận và gây phẫn uất trong nhân dân Việt Nam. Thì bây giờ chúng ta phải công khai ra để trắng đen cho rõ ràng, chứ không thể mập mờ như vậy.

Xin rất cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng.