mercredi 6 juillet 2011

ĐCS VN không thể đòi được chủ quyền HS, TS


 

I. Nước Việt Nam phong kiến 8 lần đánh thắng Trung Quốc.

Ta xét trên một mặt bằng phát triển xã hội: chế độ phong kiến.

Dân tộc Việt Nam chỉ dựa vào sức mạnh dân tộc đã 8 lần chiến thắng quân phong kiến xâm lược phương bắc, nếu ta tính từ triều Ngô (939-965).

Đó là:

(1). Ngô Quyền đại phá quân Nam hán ở Bạch đằng, giết thái tử Hoằng Thao hiệu Giao Vương/ Giao chỉ Vương /.

(2). Thập đại tướng quân Lê Hoàn đã giết tướng giặc Hầu Nhân Bảo cùng quá nửa đại binh nhà Tống ở ải Chi lăng . Trên sông thì tái lập trận Bạch đằng, tiêu diệt hải quân địch. Sau đó Lê Hoàn sai Đinh Thừa Chính cùng 9 thuyền chiến , 300 tráng quân, sang tận Liêm châu (Quảng đông) tiếp đón sứ giả làm cho nhà Tống sợ khiếp vía.

(3). Lý Thường Kiệt là phụ quốc thái úy, đã đoán trước ý định tập trung quân của nhà Tống để đánh Việt Nam . Ông đã đánh thẳng sang Trung quốc đến các châu Khâm , Liêm, tiêu hao sinh lực địch.

Khi nhà Tống tiếp tục đánh Việt Nam, Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến sông Cầu cự giặc .

Bài thơ:

“Nam quốc sơn hà nam đế cư .

Tuyệt nhiên định phận tại THIÊN THƯ .

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm .

Như đẳng hành khan thủ bại hư”.

tương truyền do ông sáng tác. Là tuyên ngôn độc lập bất hủ của dân tộc Việt nam đối với bành trướng Trung quốc.

(4).(5).(6) . Là 3 lần đại phá quân Nguyên của nhà Trần. Vua Trần Nhân Tông đã rõ ràng chỉ mặt bành trướng Trung quốc và dặn dò di chúc: cái họa lâu đời của ta là họa Trung hoa. Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không để lọt vào tay kẻ khác. Ta để lời nhắn nhủ này như là một lời di chúc cho muôn đời con cháu về sau”.

(7). Lê Lợi kháng chiến thành công sau 10 năm lấy ít địch nhiều , lấy yếu thắng mạnh. Để cho giặc Minh về đến nước mà vẫn tim đạp chân run, ra đến biển vẫn hồi xiêu phách lạc.

(8). Quang Trung đại phá 30 vạn quân Thanh năm Kỷ dậu 1789 tại Hà nội. Tổng binh Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy không kịp thắng yên ngựa. Vua Nguyễn Huệ đã: “Đánh cho để răng đen. Đánh cho để tóc dài . Đánh cho chúng trích luân bất phản. Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn”. Đánh cho Càn Long , một vua của Mãn thanh nổi tiếng tinh thông binh pháp phải thán phục.

Lần thứ (9) là năm 1979, chiến tranh biên giới phía bắc “Dậy cho Việt nam một bài học.”

Cả 8 lần, Trung quốc đều dùng sức mạnh tổng hợp. Từ lực lượng chính binh đông áp đảo, trang bị vũ khí đầy đủ, đến tác chiến phối hợp thủy lục quân, đánh kỳ binh tập hậu, đánh cả thủy quân…Nghĩa là sử dụng tất cả sức mạnh kĩ thuật lẫn binh pháp trung quốc.

Trong tất cả 8 lần kháng cự quân xâm lược, Việt nam đều sử dụng lực lượng đoàn kết toàn dân, không có cả tiếp viện bên ngoài, đã chiến thắng oanh liệt cả 8 lần, lập nên những tranh sử chống ngoại xâm chói lọi, làm nên tự hào Việt Nam.

Đây là nội dung chính của Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Luôn chuẩn bị sẵn sàng trước bành trướng Trung quốc. Luôn coi chúng là kẻ ngoại xâm, rình dập nền độc lập dân tộc Việt Nam. Luôn giáo dục toàn dân lòng cảnh giác trước họa xâm lăng Trung quốc. Khi phải đối diện với xâm lược, thì phải bảo vệ đến cùng biên cương hải đảo Việt Nam, bằng sức lực toàn dân tộc, bằng đoàn kết toàn dân. Vua quan, tướng sĩ, trên dưới một lòng như cha với con.

Ai xa rời Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, ai coi thù là bạn, người ấy sẽ thất bại thảm hại.

Hồ Quí Li là một ví dụ. Hồ Nguyên Trừng đã từng nói: Thần không sợ giặc mạnh , chỉ sợ lòng dân không theo.

Những chiến thắng thần kỳ của dân tộc Việt Nam không những lập nên những trang vàng chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc, là lòng tự hào của người Việt Nam, mà còn là một đóng góp lớn cho cộng đồng các dân tộc trên thế giới .

Cùng với các dân tộc khác trên thế giới, dân tộc Việt Nam góp phần khẳng định chân lý: Nếu 1 dân tộc dù nhỏ, nhưng biết đoàn kết một lòng trước họa ngoại xâm, thì không một nước lớn nào có thể đè bẹp họ được.

II. Thất bại bảo vệ biên cương hải đảo của đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng cộng sản Trung quốc thành lập tháng 6/1921. Lực lượng lãnh đạo nòng cốt của ĐCS TQ thời gian đầu là lớp các đảng viên được đào tạo, học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin ở Liên xô. Năm 1935, tại hội nghị Tuấn nghĩa, Mao dành quyền chủ động lãnh đạo. Từ đó ban lãnh đạo ĐCS TQ có mầu sắc dân tộc và bá quyền truyền thống trung quốc. (Học thuyết Bá đạo, do Thương Ưởng đề nghị với Tần Hiếu Công có nội dung: Dùng quân đội mạnh để xâm lược các nước khác. Dùng sức mạnh tàn bạo của hình phạt, trong thì bắt nhân dân Tần thần phục, ngoài thì bắt nhân dân các nước bị chinh phục phải qui phục. Lý lẽ do sức mạnh tạo nên. Chính nghĩa trong tay kẻ mạnh).

Như vậy, trên mặt bằng tư tưởng, Đảng cộng sản Trung quốc ngoài áo khoác CN Mác-Lênin, còn có Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bá đạo nước lớn.

Đảng cộng sản Việt Nam thành lập 3/2/1930 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Cho đến 1945, khi giành chính quyền, Đảng cộng sản Việt Nam tuy có chung hệ tưởng với Đảng cộng sản Trung quốc, vẫn có tính độc lập của mình trong hạt động do Đảng cộng sản Trung quốc đang bận bịu với cuộc chiến Quốc-Cộng.

Nhờ tính độc lập này, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời 2/9/1945 với bài Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên quảng trường Ba đình lịch sử.

Từ 1950, Đảng cộng sản Trung quốc không ngừng tác động vào chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam thông qua viện trợ quốc tế vô sản. Cải cách ruộng đất là một chính sách sai lầm mà Đảng cộng sản Việt Nam phải làm theo lệnh của các cố vấn trung quốc. Viện trợ quốc tế vô sản đã phát huy tác dụng.

Sự mơ hồ của ĐCS VN là do không thấu hiểu bản chất của Chủ nghĩa quốc tế vô sản là che giấu bản chất đế quốc của các nước cộng sản lớn, đối với các nước cộng sản nhỏ thông qua cái gọi là viện trợ quốc tế vô sản vô tư, vì mục đích thắng lợi cách mạng vô sản trên toàn thế giới. Đảng cộng sản Việt Nam đã xa rời Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Đặt ý thức hệ cộng sản lên trên hết.

Các hệ lụy của nó thể hiện qua các sự việc sau:
1. Năm 1954, thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng ký vào văn bản hội nghị Ge-nè-ve đồng ý chia cắt Việt Nam làm 2. Đây là chủ ý của Trung quốc, do trực tiếp Chu Ân Lai thực hiện. Trung quốc không muốn có một nước Việt Nam thống nhất, hùng mạnh bên biên giới phía nam của họ.

1. Công hàm của thủ tướng Việt Nam 14/9/1958 trả lời thủ tướng Trung quốc Chu Ân Lai ngày 4/9/1958, công nhận chủ quyền của Trung quốc với Hoàng sa, Trường sa.

3. Im lặng khi Trung quốc dùng vũ lực chiếm hoàn toàn Hoàng sa 1974.

4. Để Trung quốc chiếm cứ cao điểm 1509 Hà Giang bằng vũ lực 1984, không thông báo cho nhân dân Việt Nam biết.

5. Không quyết tâm giữ một số đảo ở Trường sa, để Trung quốc chiếm bằng vũ lực 1988.

Nếu ta gọi bán nước là không bảo vệ tính bất khả xâm phạm của biên cương, hải đảo quốc gia Việt Nam trước các thế lực xâm lược ngoại quốc thì Chính phủ Việt Nam đã 5 lần bán nước.

Như thế kể từ khi theo chủ nghĩa Mac -Lênin, xa rời chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, ngoại trừ tháng 8/1945, Đảng cộng sản Việt Nam luôn 5 lần thất bại trong việc bảo vệ tổ quốc Việt Nam trước bành trướng Trung quốc. Trong hoạch định biên giới phía bắc với Trung quốc đã bỏ đi một vùng đất tổ tiên để lại, tương đương với một tỉnh Việt Nam. Phái đoàn thảo luận của Bộ ngoại giao Việt Nam, với tinh thần hựu nghị cùng hệ tư tưởng vô sản, đã cắt cho Trung quốc Ải Mục nam quan, một nửa thác Bản Giốc, cao điểm 1509 Hà giang… Họ đã bán nước lần thứ 6.

III. Cắt cáp tầu Bình Minh 2, Viking2 và thất bại của Trung Quốc tại Shangri-la

Ngày 23/5/2011, CNOOC (tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia TQ) tiếp nhận giàn khoan CNOOC 981, một giàn khoan khổng lồ để đưa vào phục vụ khai thác dầu khí trên biển Đông. Giàn khoan CNOOC 981 có số tiền đầu tư lên tới 923 triệu USD và có khả năng khai thác ở độ sâu 3.000m dưới biển, trong khi công suất các giàn khoan hiện có của Trung Quốc chỉ khai thác được ở độ sâu 500m. Giàn khoan trên sẽ được lắp đặt ở Biển Đông và đưa vào vận hành vào tháng 7/2011.

Giàn khoan này đã được đặt xây dựng từ 3 năm trước, năm 2008, tại 1 xưởng đóng tầu ở Trung quốc. Để chuẩn bị khai thác Biển Đông, tháng 9/2009, Trung quốc đệ lên LHQ bản đồ “lưỡi bò trung quốc” chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông.

Tháng 1/ 2010 Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc nói về “lợi ích cốt lõi” của Trung quốc ở Biển Đông.

Tất cả để chuẩn bị dư luận cho việc triển khai giàn khoan khủng 981 trên Biển Đông .

Tháng 7/2010, ngoại trưởng Hoa kỳ đã ngăn cản kế hoạch bành trướng này bằng tuyên bố: Hoa kỳ có quyền lợi quốc gia, an ninh hàng hải ở Biển Đông.

Trung quốc đối phó bằng một loạt các động tác như tập trận với Bắc Hàn tại biển Hoàng hải. Công bố thành công chế tạo máy bay tàng hình, tầu sân bay…

Sau cuộc thăm Hoa kỳ 1/2011 của Hồ Cẩm Đào, Trung quốc đã hiểu Hoa kỳ và có đối sách ở Biển Đông. Chính sách của Hoa kỳ ở Biển Đông có thể tóm tắt trong 5 điểm sau:

1. Hoa Kỳ quan tâm đến an ninh hàng hải quốc tế.

2. Hoa Kỳ ủng hộ các giải pháp tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ bằng hòa bình và sẵn sàng tham gia các đàm phán.

3. Hoa Kỳ đảm bảo an ninh cho các đồng minh Nhật bản, Nam hàn, Đài Loan, Phillipines.

4. Hoa Kỳ không can thiệp vào các bên trong tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ ở châu Á, Biển Đông.

5. Sự hiện diện của Hoa kỳ tại châu Á, Biển Đông là lâu dài và có tính chiến lược.

Những chính sách này cũng được Bộ trưởng quốc phòng R . Gates phát biểu trên đường đi đến, và trong hội nghị Shangri-La, Singapore 6/2011.

Đối sách của Trung quốc được BCT ĐCS TQ đề ra, theo tôi phán đoán có nội dung như sau.

1đs. Tung ra khẩu hiệu “AN NINH cho hàng hải quốc tế. Chủ quyền đường lưỡi bò cho Trung quốc”. Như Trung quốc đã từng tung khẩu hiệu: Cùng khai thác , chủ quyền của Trung quốc.

2đs. Các lực lượng khiêu khích trên Biển Đông sẽ khoác áo dân sự như Hải giám, Ngư chính …Kiềm chế các xung đột.

3đc. Tạm thời hòa hoãn với Nhật, Nam Hàn. Bắt nạt Phillipin. Ép, cướp chủ quyền của Việt Nam. Tương tự như kế sách của nước Tần với nước Tề và Ngụy thời chiến quốc.

4đc. Cố gắng trong giai đoạn đầu khi chủ quyền “đường lưỡi bò” chưa được thiết lập vững chắc không khiêu khích Hoa Kỳ.

5đc. Chơi ván cờ vây với Hoa kỳ lâu dài.

Sau khi có đối sách, Trung quốc triển khai kế hoạch đưa chủ quyền đường lưỡi bò vào thực tế .

Chuẩn bị cho giàn khoan hoạt động. Kế hoạch này, ta giải mã như sau.

Trước hết phải có chính danh.

Để có chính danh, Trung quốc có ý định tại hội nghị Shangri-La sẽ tung ra tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông của Trung quốc là “đường lưỡi bò”. Tuyên bố này sẽ do chính Bộ trưởng quốc phòng Trung quốc đọc để biểu hiện tính “cốt lõi” của nó.

Sau đó phải dọa dẫm để không nước nào dám phản kháng bằng quân sự đối với hoạt động khoan dầu hỏa của giàn khoan 981 tại Biển Đông.

Trung quốc đã chuẩn bị kế hoạch này kỹ lưỡng.

Đầu tiên, phía Trung quốc tỏ ý quan tâm đến Shangri-La từ 3/2011. Họ chuẩn bị một hái đoàn hùng hậu có sự tham gia của cả Lương Quang Liệt và Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc. Các hội đàm song phương phô trương sức mạnh Trung quốc được lên kế hoạch. Đây là lần đầu tiên Trung quốc tham gia hội nghị này.

Để dư luận Hoa Kỳ yên tâm, không phá đám, tháng 5/2011 Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung quốc thăm dài ngày Hoa kỳ và phát biểu nhiều về “hòa bình,” về sự trỗi dậy một cách hòa bình của Trung quốc ngay cả trên Biển Đông.

Trung quốc càng tự tin hơn khi biết chính Bộ trưởng R.Gates sẽ tham gia hội nghị. Như vậy là chính sách của Hoa kỳ chưa có thay đổi gì.

Tiếp đến là tạo cớ và tạo thế cho Bộ trưởng Lương Quang Liệt nói về đường lưỡi bò và chủ quyền của Trung quốc tại Shangri-La.

Để làm việc này, Trung quốc gây ra vụ tầu Bình minh: tầu hải giám trung quốc cắt cáp của tầu Bình minh 2 ngay trong hải phận 200 hải lý của Việt Nam vào ngày 26/5/2011.

Tính toán của Trung quốc là Việt Nam sẽ im lặng.

Tính toán này dựa trên:

1.Công hàm 14/9/1958 của Phạm Văn Đồng im lặng về tuyên bố chủ quyền của Trung quốc với Hoàng sa, Trường sa.

2. Việt Nam im lặng khi Trung quốc cướp Hoàng sa 1974.

3. Phải ứng của Việt Nam 1988 khi Trung quốc chiếm của Việt Nam một số đảo ở Trường sa là yếu ớt và không đáng kể.

4. Năm 2009 Việt Nam cũng im lặng khi Trung quốc cắt cáp tầu Việt Nam làm dự án trình LHQ trong lãnh hải Việt Nam.

5. Nghị sự của Shangri-La đã khép lại, Việt Nam muốn đưa ra bàn nghị sự một vấn đề mới là phải vượt qua nhiều thủ tục.

6. Việt Nam vừa bầu cử Quốc hội được 3 ngày, chưa có kết quả. Chưa có phân công, phận nhiệm chính thức. Phản ứng mạnh trước vụ việc thì nghiêm trọng hóa, ai chịu trách nhiệm khi Trung quốc trở mặt. Lãnh đạo Việt Nam chắc sẽ thiên về giải pháp “Việc to hóa thành nhỏ”. Vài ngay qua đi, Biển Đông không có gì lạ.

Địa điểm cắt cáp tầu Bình minh 2 chắc là giao thoa của lưỡi bò trung quốc và lãnh hải 200 hải lý Việt Nam. Logic sự việc giúp ta suy luận như vậy.

Nếu Việt Nam im lặng, không phản đối gì hay chỉ dừng ở một họp báo nhẹ nhàng là Trung quốc thắng trên thế đứng ngoại giao.

Tại Shangri-La Bộ trưởng Trung quốc sẽ tuyên bố “đường lưỡi bò” là hải phận Trung quốc trên Biển Đông.

Họ sẽ tuyên truyên trong các đàm phán song phương là Việt Nam đã đồng ý với chủ quyền này của Trung quốc. Bằng chứng là sự im lặng của Việt Nam trong vụ cắt cáp tầu Bình minh2.

IM LẶNG LÀ ĐỒNG Ý, IM LẶNG LÀ CÔNG NHẬN là như vậy.

Như công hàn của Phạm Văn Đồng ngày 14/9/1958 đã im lặng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Trung quốc sẽ gieo vào các nước đang tranh chấp Biển Đông với Trung quốc về một Việt Nam sợ Trung quốc, thỏa thuận ngầm với Trung quốc.

Đoàn kết quốc tế của ASEAN sẽ không xây dựng được. Nước nọ nghi ngờ nước kia.

Tất cả các tính toán của Trung quốc đều đúng, và nước Việt Nam cộng sản chắc sẽ im lặng như họ mong muốn, “nếu không”.

Đúng là nếu không có vụ án 4/4/2011, ngày Tòa án Nhân dân Hà nội xét xử Cù Huy Hà Vũ.

Ngày hôm ấy, hàng trăm người Việt Nam đã bất chấp hàng rào đông nghịt những công an, mật vụ, đã tụ tập theo dõi phiên tòa theo lời kêu gọi của các trang mạng dân chủ. Chính quyền cộng sản đã thật sự hoảng sợ. Việc huy động hàng trăm công an, mật vụ, các phương tiện hiện đại chống biểu tình như máy phá sóng phôn tay, ôtô có vòi rồng đàn áp… nói lên điều đó.

Nhân dân Việt Nam đã không còn sợ như trước nữa, đã nắm lấy vận mạng tổ quốc.

Trong tình hình như vậy , việc làm nhỏ đi một sự việc quốc gia trọng đại: tầu trung quốc vào sâu hải phận Việt Nam, ngang ngược cát cáp tầu Bình minh2, chắc chắn sẽ không được phong trào dân chủ để yên, chắc chắn không được nhân dân việt nam để yên.

Sỡ hãi phản ứng của nhân dân Việt Nam, của phong trào các trang mạng dân chủ Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng vội vàng bằng cuộc họp báo của PVN 28/5/2011.

Về phần lãnh đạo Việt Nam, ta phân tích:

1. Nguyễn Tấn Dũng vừa bị Vinashin, vụ án Cù Huy Hà Vũ, nền kinh tế chao đảo, đồng tiền mất giá… làm mất uy tín. Chắc sẽ: Việc vi phạm chủ quyền, cắt cáp tầu Bình minh2 trong hải phận Việt Nam, qui về đụng độ nhỏ. Mà 16 chữ, 4 tốt là chủ trương lớn của nhà nước, của ĐCS VN.

2. Nguyễn Phú Trọng thì ta hiểu ông ta. Một người thân trung quốc, sẽ phát biểu truyền thống: Biển Đông không có tầu lạ.

3. Trương Tấn Sang. Do câu phát biểu về “bầy sâu, con sâu” mà lũ “sâu con” đã cố tình hạ uy tín của viên ủy viên thường trực BCT này, lờ tịt công bố kết quả phiếu bầu trong bầu cử quốc hội, trong lần công bố đầu tiên. Căn cứ vào mối lo “bầy sâu” làm “chết cái đất nước này” của ông ta, thì vụ phản đối Trung quốc cắt cáp tầu Bình minh 2, chắc do ông ta đạo diễn.

Các trang mạng dân chủ Việt Nam, các hãng truyền thông quốc tế lập tức đưa tin.Nhiều bình luận mạnh mẽ được phát hành.

Phản ứng bất cập, bị động. Bộ ngoại giao Trung quốc tuyên bố : các cơ quan chức năng trung quốc đang thực hiện chức năng bình thường trong phần lãnh hải Trung quốc.

Tôi cho rằng: chắc Trung quốc đã chuẩn bị nội dung phát biểu này kĩ lưỡng.

Nhưng không phải bây giờ, sau vụ tầu Bình minh2, mà phải sau một vụ khiêu khích khác trong tương lai, cũng trong lãnh hải Việt Nam. Nhất thiết phần lãnh hải này phải giao với “đường lưỡi bò trung quốc” để khẳng định chủ quyền của Trung quốc ở lưỡi bò này .
Chắc chắn phải sau Shangri-La, phải sau khi Lương Quang Liệt tuyên bố “lợi ích cốt lõi” của Trung quốc tại Biển Đông là “đường lưỡi bò”.

Tuyên bố đánh tráo hải phận của Việt Nam thành của Trung quốc đã thức tỉnh lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Các trang mạng dân chủ đồng loạt kêu gọi xuống đường biểu tình vào ngày 5/6/2011. Cả Việt Nam sôi động. Cả ASEAN sôi động.

Không khí này đã làm Lương Quang Liệt chắc chắn phải thay đổi nội dung bài phát biểu. Bài phát biểu của ông ta phải quay lại chủ điểm cũ rích, đã hát nhiều năm nay “Trung quốc trỗi dậy một cách hòa bình”.

Thất bại của Trung quốc tại Shangri-La là thất bại có tính chiến lược.

Bao giờ mới có cơ hội thứ 2 để Trung quốc tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò của Trung quốc trên Biển Đông?.

Công bố chủ quyền tại Biển Đông của Trung quốc tại một hội nghị quốc tế là một yêu bức thiết để có bằng chứng pháp luật, để có thể tranh luận với Việt Nam. Việt Nam đã có công bố như thế này trong hội nghị San Francisco 1951 do thủ tướng của Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố.

Quan trọng hơn cả là việc danh chính ngôn thuận về chủ quyền lưỡi bò trên Biển Đông. Trấn áp các nước đang tranh chấp trên Biển Đông, để đưa giàn khoan 981 đến Biển Đông. Để gác tranh chấp cùng khai thác.

Như con bạc khát nước, càng thua càng cay cú, Trung quốc lập một thế cờ mới mạo hiểm, đánh đu trên sợi dây chiến tranh-hòa bình, nhằm trả đũa thất bại Shangri-La, nhằm dọa dẫm Việt Nam.

Ngày 9/6/2011, Trung quốc cho tầu vào cắt cáp của tầu VIKINH II trong hải phận Việt Nam.

Lần này ý định của Trung quốc đã bị trung tướng Việt Nam Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược quốc tế giải mã: họ khiêu khích để Việt Nam nổ súng trước, để quay phim chụp ảnh. Những thước phim này dùng chứng minh tính hiếu chiến của Việt Nam.

Tầu trung quốc cắt cáp của tầu VIKINH II là tầu đánh cá có 2 tầu ngư chính hộ vệ kèm.

Các trang mạng dân chủ phản ứng tích cực. Những lời kêu gọi xuống đường phản đối Trung quốc được đưa ra. Các cuộc xuống đường liên tiếp của thanh niên Việt Nam, nhân đân Việt Nam trong bạo lực cường quyền các ngày 9/6, 12/6 19/6… đã gây cảm hứng cho một người hoa kỳ quan trọng. Người này là Thượng nghị sĩ J.Mc Cain. Sống trong không khí thảo luận Shangri-La về Trung quốc. Sống trong những ngày mà các mưu mẹo bành trướng Biển Đông của Trung quốc được các nhà bình luận quốc tế phân tích tỉ mỉ, vị Thượng nghị sĩ uy tín này đã có nhận định mới, thay đổi chính sách Hoa kỳ tại Biển Đông.

Ông đã nhận ra các vụ tranh chấp gần đây trên Biển Đông là do những yêu cầu chủ quyền vô lý của Trung quốc về đường lưỡi bò, về Hoàng sa, Trường sa.

Ông đã hiểu thâm ý của Trung quốc sau câu “an ninh hàng hải cho Hoa kỳ, chủ quyền đường lưỡi bò Biển Đông cho Trung quốc” là tiềm ẩn những tranh chấp sau này cho Hoa kỳ .

IV. Hội thảo an ninh biển Đông tại Washington. Phát biểu của Mc Cain, thứ trưởng Hồ Xuân Sơn
Hội thảo về An ninh Hàng Hải ở Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington đã kết thúc hôm thứ Ba, 21 tháng Sáu. Trong phần trao đổi khá sôi nổi vào lúc cuối ngày, một số câu hỏi đã được nêu lên với các diễn giả chính, kể cả những thắc mắc về bản đồ hình chữ U, vẽ vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền; và vì sao Hà nội không phản đối Bắc Kinh hồi năm 1974, khi Trung Quốc chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa sau một cuộc chiến ngắn với hải quân Việt Nam Cộng hòa.

Hầu hết những người phát biểu, ngoại trừ các đại diện của Trung Quốc, đều cho rằng những lập luận được dùng làm cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn diện tích Biển Đông, không có tính thuyết phục.

Đây là đồng thuận mà trước đây trong các hội thảo về Biển Đông chưa đạt được .

Chính nghĩa Việt Nam trên Biển Đông chưa bao giờ cao như sau hội nghị .

Trong bài diễn văn đọc tối thứ hai (20 tháng 6, 2011) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, Thượng nghị sĩ McCain, đề cập tới bản đồ chín vạch — phía Việt Nam thường gọi một cách diễu cợt là đường lưỡi bò, mà Trung Quốc đưa ra để đòi chủ quyền của 80% vùng biển rộng lớn chạy dài từ phía đông của miền bắc Việt Nam cho tới phía bắc của Philippines, và nói thêm rằng những giải thích cụ thể của Trung Quốc về luật pháp quốc tế sẽ làm xói mòn các nguyên tắc lâu dài về tự do hàng hải.

Chắc chắn những quan điểm của Thượng nghị sĩ J.Mc Cain sẽ có ảnh hưởng lớn đến chính sách Hoa kỳ trên Biển Đông trong tương lai gần .

Ảnh hưởng của TNS J.Mc Cain đã có kết quả ngay.

Thượng viện Mỹ đưa ra nghị quyết chỉ trích việc các tàu hải quân Trung Quốc “sử dụng vũ lực” trên tuyến hàng hải thiết yếu này.

Nghị quyết này kêu gọi Mỹ nên tiếp tục có hành động quân sự để bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực.

Trung quốc sẽ phải hoạch định lại đối sách của mình.

Chắc chắn Hoa kỳ sẽ không chịu nuốt con cóc xấu xí: An ninh hàng hải cho Hoa kỳ , đường lưỡi bò cho Trung quốc.

Việt Nam đã dành được một vị thế tốt trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh hải , rộng hơn là niềm tin vào lẽ phải của đấu tranh chủ quyền Hoàng sa, Trường sa với Trung quốc .

Nhưng vị thế này một lần nữa lại bị chính phủ Việt Nam cố tình sợ Trung quốc, không lợi dụng để đấu tranh vì chủ quyền lãnh hải Việt Nam.

Việc gây hấn là do Trung quốc tiến hành: 2 lần cắt cáp trong lãnh hải Việt Nam; Tuyên bố ngang ngược địa điểm cắt cáp thuộc chủ quyền 200 hải lý của Việt Nam là của Trung quốc.

Phản ứng của Bộ ngoại giao Việt Nam là tự nhiên hợp lẽ phải.

Phản ứng xuống đường của thanh niên, trí thức, nhân dân Việt Nam 5 lần liên tiếp 5/6 12/6 19/6 26/6 3/7/2011,là hợp lẽ phải, là phản ứng tự nhiên.

Mọi nước có chủ quyền đều làm như vậy.

Nếu tầu hải quân Việt Nam và Trung Quốc có kế hoạch tuần tra chung trong vùng biển Vịnh Bắc bộ theo thỏa thuận đã ký giữa hai bên từ năm 2005, thì Việt Nam cần hủy bỏ việc tuần tra chung này.

Làm như vậy là phản ứng một cách hòa bình, có kiềm chế. Phân định đúng sai, thái độ rõ ràng.

Báo Quân đội Nhân dân nói hai tàu HQ375 và HQ376 thuộc Đoàn M62 (Vùng D Hải quân) đã “hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ được giao” là tham gia cuộc tuần tra liên hợp trong hai ngày 19/06-20/06 với tàu Trung Quốc.

Việc tiến hành tuần tra chung theo kế hoạch của tầu Việt Nam và hải quân Trung quốc là hành động bất bình thường.

Người dân bị mất phương hướng. Các loại thông tin mờ ám thịnh hành.

Việt Nam tự làm yếu mình.

Sau sự việc tuần tra chung, Việt Nam còn gửi thứ trưởng BNG Hồ Xuân Sơn sang Trung quốc thảo luận nhằm “hạ nhiệt” tình hình.

Ai gây căng thẳng? Trung quốc.

Ai đang bị thế giới lên án? Trung quốc.

Động tác giúp Trung quốc “hạ nhiệt” chỉ nói lên chính phủ Việt Nam cố tình giúp Trung quốc thoát hiểm vì nước cờ bành trướng ngang ngược sai lầm.

Đảng cộng sản Việt Nam đã một lần nữa nhận kẻ thù làm anh em.

Những thông tin trái ngược của 2 phía một lần nữa đã đặt ĐCS VN vào vị trí mập mờ như công hàm 14/9/1958.

Việt Nam cố tình không rút kinh nghiệm quá khứ, cố tình mập mờ giải quyết với Trung quốc việc chủ quyền lãnh hải Việt Nam.

Hôm nay 4/7/2011 đã có Kiến nghị do một số trí thức Việt nam yêu cầu BNG VN trình bầy minh bạch những thỏa thuận của thứ trưởng Hồ Xuân Sơn tại Trung quốc.

Đây là việc làm rất thông minh. Cần lấy minh bạch thông tin chống lại sự mập mờ của ĐCS VN .

Làm chủ thông tin là một làm chủ đất nước .

Người dân Việt nam có quyền như vậy.

Kết luận

Bài báo góp một phân tích về các vụ tàu Bình minh 2, Viking II, hội nghị Shangri-La nhằm đi vào bộ não chiến lược của Trung quốc .

Nhằm biết người, biết đối phương.

Bài báo cũng phân tích các kết quả mà dân tộc Việt Nam hứng chiụ sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, đặt ý thức hệ cộng sản cao hơn chủ quyền quốc gia. Xa rời chủ nghĩa dân tộc Việt Nam.

Tất cả nhằm hiểu mình, hiểu các việc làm trong bóng tối của ĐCS VN.

Bài báo nhấn mạnh đến vai trò Hoa Kỳ, đến TNS J.Mc Cain trong công cuộc đấu tranh cho thế giới hiểu về tranh chấp chủ quyền VN-TQ.

Biết người, biết mình, biết phản ứng của thế giới, của Hoa kỳ sẽ giúp Việt Nam đòi hiệu quả chủ quyền của Hoàng sa, Trường sa.

Nếu ĐCS VN tiếp tục lãnh đạo dân tộc Việt Nam thì cuộc chiến chủ quyền biển đảo còn nhiều thất bại.

Nguyễn Nghĩa