vendredi 15 juillet 2011

Người Việt Paris biểu tình phản đối TQ

Tường An, thông tín viên RFA
2011-07-14
Tiếp theo các cuộc biểu tình khắp nơi để phản đối Trung Quốc, người Việt tại Pháp cũng tổ chức một cuộc biểu tình kết hợp tuần hành xe đạp với lộ trình dọc theo sông Seine để phản đối Trung Quốc.

AFP photo
Ngọn lửa Tự Do tại công trường Alma, nơi diễn ra
cuộc biểu tình của người Việt phản đối TQ hôm 10/7/2011, ảnh minh họa.



Cuộc biểu tình kéo dài từ 1 giờ trưa đến 6 giờ chiều ngày chúa nhật 10 tháng 7 vừa qua,với sự tham gia không những của cư dân Việt tại Paris mà còn có sự hiện diện của người Việt đến từ các Quốc gia khác. Thông Tín Viên Tường An của đài Á Châu Tự Do có mặt và tường thuật.

Lên tiếng với thế giới

Đây là cuộc biểu tình lần thứ hai do người Việt tị nạn Cộng sản tại Paris tổ chức để phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc trên biển, đảo của Việt Nam. Lần đầu được tổ chức vào ngày 18 tháng 6 trước tòa đại sứ Việt Nam và lần này được tổ chức tại công trường Alma, nơi có ngọn lửa Tự Do và cách tòa đại sứ Trung Quốc khoảng 200 mét. Anh Nguyễn Quốc Nam, thành viên Ban Tổ Chức cho biết lý do chọn nơi đây làm địa điểm biểu tình là để thế giới biết nhiều hơn đến những gì đang xảy ra tại vùng biển Việt Nam :
"Trước hết anh chị em chúng tôi đã quyết định cùng chung với nhau tổ chức những cuộc biểu tình như thế này. Tất cả những người có mặt ở đây đều có 1 cái đóng góp nào đó cho cuộc biểu tình này. Vì lý do đó, anh chị em Liên Minh Dân Chủ Việt Nam chúng tôi cũng có mặt hôm nay ở đây.
Cái địa điểm lựa chọn chỗ này có rất nhiều du khách đi qua lại, cho nên gây sự chú ý  tốt hơn là cuộc biểu tình lần trước. Cuộc biểu tình lần trước được tổ chức tại tòa đại sứ Việt Nam. Đương nhiên là mình đến để nói cho họ nghe, nhưng mà ngày thứ bảy họ không làm việc nên chúng tôi không đạt được mục tiêu đó nên chúng tôi phải thay đổi địa điểm để ngày hôm nay chúng tôi biểu tình tại Place de l’Alma này , là nơi có rất nhiều du khách tại Paris."
Chị Mai Đỗ, một cư dân Paris cũng nghĩ rằng người Việt ở hải ngoại phải thay cho những người ở Việt Nam để nói lên tiếng nói với thế giới, kêu gọi Thế giới đồng hành với Việt Nam chống lại sự đe dọa của Trung Quốc :
"Chúng ta phải có những có hội như thế này để gặp nhau, để hỗ trợ tinh thần cho nhau. Nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng vai trò của hải ngoại phải đi xa hơn là hỗ trợ cho trong nước. Chúng ta có thể giúp được cho bên nhà nhiều hơn bằng cách là cổ động những người bản xứ hiểu được chúng ta, hỗ trợ cuộc đấu tranh chung vì sự bành trướng của Trung Cộng mỗi ngày một mạnh. Cái nguy cơ này không chỉ là nguy cơ của riêng Việt Nam. Cả thế giới phải đồng lòng, do đó vai trò của hải ngoại rất là cần thiết và cần phải đi xa hơn nữa."
Anh Phong, đến từ thành phố Lognes, cách Paris khoảng 30 cây số, uất ức trước sự xâm lấn của Trung Quốc nên cũng đến tham gia cuộc biểu tình :
"Từ mấy năm nay Tàu Cộng nó đã áp lực trên Việt Nam rất nhiều và nó đã chèn ép Việt Nam rất nhiều mà Việt Nam không dám mở lời để mà phản biện gì hết. Khi mà sinh viên học sinh trong nước biểu tình thì họ đã đàn áp bắt tù những người yêu nước, thành ra người Việt hải ngoại chúng mình khi mà chúng mình có thể lên tiếng phản ứng được thì nên phản ứng."
Cuộc biểu tình cũng đã đón nhận những người Việt đến từ các quốc gia rất xa như anh Lê Hữu Đào, đến từ thành phố Liège, thuộc Vương quốc Bỉ. Phát biểu trong cuộc biểu tình, anh Lê Hữu Đào chia sẻ 3 điểm:

Chúng ta phải có những có hội như thế này để gặp nhau, để hỗ trợ tinh thần cho nhau. Nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng vai trò của hải ngoại phải đi xa hơn là hỗ trợ cho trong nước.
Chị Mai Đỗ
"Điểm thứ nhất, chúng tôi từ Liège sang tham dự buổi biểu tình ngày hôm nay, thì xin hết lòng hoan hô và ghi ơn đồng bào bên nhà, cũng như đồng bào ở hải ngoại 5 tuần liên tiếp, tự phát đứng lên biểu tình.
Điều thứ nhì, chúng ta đều biết Phạm văn Đồng năm 1958 khi ông ta ký bản văn công nhận chủ quyền của Trung Cộng trên đảo Hoàng sa và Trường Sa đó thì ông ta đã thắt vào cổ của đảng Cộng Sản Việt Nam một cái dây thòng lọng mà ngày hôm nay càng ngày càng xiết chặt.
Và điều thứ ba là tương lai của dân tộc Việt Nam chỉ có người Việt Nam mình là lo được thôi. Thì ở hải ngoại hay ở quốc nội chúng ta phải đứng lên và chúng ta đang đứng lên."
Có mặt tại đây, chị Trần Tuyết Lan cư ngụ tại Cambrige, Anh Quốc cho biết quan điểm của chị :
"Em là thành viên của quỹ Tù Nhân lương Tâm ở bên Úc, có 1 số thành viên khác email nói có 1 cuộc biểu tình ở bên Pháp, mà em đang ở đây em nhất định em phải ghé lại. Em rất là phấn khởi, mình phải đứng dậy và mình phải nói vì mình là những người Việt Nam mà được hưởng quy chế tự do ở ngoại quốc thì phải dám đứng lên, chứ những người mà họ sống ở Việt Nam hiện tại, họ không có được cái tự do đó, thì chúng ta có cái trách nhiệm phải nói lên vì chúng ta là lương tâm của dân tộc Việt Nam."
Và đến từ xa hơn nữa là Texas, Hoa Kỳ. Em Phúc Nguyễn, đang đi du lịch tại đây, nghe Ba Má cho biết tại Paris biểu tình chống Trung Quốc, em cũng đến tham gia để nói lên tình yêu quê hương của mình :
"Ba Má con qua Mỹ khoảng 30 năm về trước mà Ba Má cũng còn thương nước Việt Nam nhiều lắm, thì lúc mà con đi du lịch qua đây, Ba con gửi 1 email nói là có người …you know….có mấy người Tàu đang muốn lấy đất của Việt Nam, thì nói là có người Việt Nam bên Paris « cãi lại » thì Ba con kêu con đi đây để hiểu về  Việt Nam với để hiểu người Việt Nam muốn đòi lại biển và đảo của mình….."

Chung lòng yêu nước


Tháp Eiffel - Paris, ảnh minh họa. Photo by Dolinh/RFA

Biểu tình bằng xe đạp, đó là một trong những đặc thù của các cuộc biểu tình ở Pháp nói riêng và ở Âu Châu nói chung. Kết hợp với cuộc biểu tình ngày 10 tháng 7  tại Place de l’ Alma, khoảng 20 người Việt, Pháp đã đi xe đạp khởi hành từ khu sinh viên của quận 5, tức nơi mà nhà thơ Nguyên Sa đã từng gọi trong thơ ông là « Xóm Học » dọc theo sông Seine, qua nhà thờ Đức Bà, Tháp Eiffel, tòa đại sứ Việt Nam ..v.v.. và cuối cùng nhập cuộc với địa điểm biểu tình tại ngọn đuốc Tự do của Place de l’Alma. Chị Dung Nghi, người tổ chức  cuộc đi xe đạp này cho biết cảm nghĩ của chị :
"Đây là lần đầu tiên mà mình tổ chức một buổi biểu tình tuần hành bằng xe đạp. Gần như là một cái thí nghiệm ! Mình có thể rút tỉa rất nhiều những kinh nghiệm của buổi đi xe đạp tuần hành ngày hôm nay. Nghi đi qua nhiều trạng thái vừa hồi hộp, vừa lo âu, vừa vui. Thật tình phải nói rất là vui khi thấy phần đông những người bạn tham gia là các bạn trẻ và Nghi nghĩ đây là một cách ủng hộ tiếng nói của các bạn sinh viên ở Việt Nam về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa gọi là thực tiển, có thể kêu gọi được các bạn trẻ đóng góp tại hải ngoại này."
Hà, một cô gái trẻ cùng đạp xe với đoàn cho biết tại sao em tham gia tuần hành xe đạp :
"Với cái hành động này em muốn chứng tỏ là mình cần phải làm một cái gì đó cho Việt Nam. Mục đích chúng em là nói là Hoàng sa, Trường sa là của VIỆT NAM cho đất nước bên Pháp này mọi người đều biết. Đó là cái cuộc tuần hành xe đạp ngày hôm nay là vậy….."
Cuộc biểu tình tuần hành ôn hòa bằng xe đạp cũng không gặp khỏi một rắc rối nhỏ khi đi ngang qua tòa đại sứ Cộng sản Việt Nam, chi Ánh, người tham gia cuộc đi xe đạp kể lại :
"Từ Maubert đến Tour Eiffel thì không có chuyện gì. Từ Tour Eiffel đi ngang tòa đại sứ Việt Nam thì 1 đoàn lính cảnh sát Pháp không cho chúng tôi đi ngang. Tới đó thì chúng tôi có hô hào : Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam thì cảnh sát dĩ nhiên là nó phải chận đứng lại tại vì nó tránh sự xáo trộn trước tòa đại sứ mà nó phải giữ lại khoảng chừng 10 phút để nó hỏi coi đoàn này đi xe đạp tới đây để làm gì ?  Sau đó thì nó liên lạc với Ban Tổ chức thì nó cho mình đi tiếp tục."

Cuộc biểu tình tại Paris lần này chẳng những đã vượt qua khỏi biên giới địa lý mà cũng vượt qua biên giới tuổi tác với những người tham gia còn rất trẻ, như em Lâm Khuyết, 12 tuổi:

Là con người dân của Việt Nam chúng ta phải nhớ tiền nhân đã xây và dựng nước. Không có một chế độ nào như Cộng sản của Việt Nam đã bán và dâng đất và biển cho Trung Cộng.
Bác Châu Văn Lộc
"Tại vì đi chung thì nói chuyện 1 thứ quan trọng về xứ mình thì đi chung xe đạp cơ hội nó nhiều hơn. Tại vì đông thì có nhiều sức hơn, dám đi nhiều, rồi hát thành ra nên có sức để đi nhiều hơn. Con cảm thấy rất là vui lắm !"
Và cả những người đã lớn tuổi, như bác Châu Văn Lộc, tuổi đã 70, nói lên tâm tư của Bác :
"Là con người dân của Việt Nam chúng ta phải nhớ tiền nhân đã xây và dựng nước. Không có một chế độ nào như Cộng sản của Việt Nam đã bán và dâng đất và biển cho Trung Cộng. Chúng ta phải nhớ rằng Trung Cộng là 1 nước luôn luôn muốn bành trướng về phương Nam và Việt Nam là nước nằm sát biên giới với Trung Cộng, vì thế đầu tiên là Trung Cộng sẽ lấy nước Việt Nam. Bây giờ là biển đã bị mất hết 1 phần : Hoàng Sa và định lấy luôn Trường Sa. Vì vậy chúng tôi , tất cả mọi người Việt Nam phải đứng lên để chống Trung Cộng, nhất định chúng ta sẽ chống Trung Cộng cho đến giọt máu cuối cùng. Không bao giờ chúng ta nhượng một tấc đất."
Cuộc biểu tình chấm dứt trong ánh mặt trời ấm áp của tháng 7, bên cạnh ngọn đuốc Tự Do, trong tiếng ca nóng bỏng  tình yêu quê hương, quyết bảo vệ mãnh đất của tiền nhân. Mọi người đều đồng lòng: Quyết không thề phản bội quê hương.Ta thà chết chứ không hề lui...Việt Nam ….muôn năm…China… go home...