lundi 18 juillet 2011

Sự thật mối quan hệ Việt-Trung

Thanh Quang, phóng viên RFA
2011-07-13

TQ ngày càng kiên quyết áp đặt “đường lưỡi bò” ở Biển Đông bằng mọi cách mà VN là một mục tiêu chủ chốt.
 
AFP photo
Người Việt hô to khẩu hiệu chống TQ
trong cuộc biểu tình tại HN hôm 03/7/2011

Thái độ né tránh của chính quyền

Trong khi giới cầm quyền trong nước tỏ ra mềm yếu với Phương Bắc như dạo nào và – nói theo lời blogger Sự thật và Công Lý “VN tăng cường lực lượng chống nhân dân”, thì nhiều ngày nay, người dân Việt tiếp tục thắc mắc về chuyến “đi sứ sang Tàu” của “đặc phái viên” Thứ trưởng Ngọai giao Hồ Xuân Sơn, bất an về thực chất thỏa thuận Việt-Trung dựa trên tình nghĩa “16 chữ vàng” và “4 tốt” này.
Đó là lý do khiến 18 nhân sĩ trong nước kiến nghị Bộ Ngoại giao VN yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ về vấn đề vừa nói, nhất là khi gần 3 năm về trước, 1 bản kiến nghị của một số cựu chiến binh gởi tới giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước VN đề nghị xóa bỏ tính pháp lý của “công hàm Phạm Văn Đồng” dâng Hoàng Sa và Trường Sa cho TQ nhưng bị giới lãnh đạo VN lờ đi khiến Bắc Kinh bây giờ luôn viện dẫn “công hàm Phạm Văn Đồng” như một bằng chứng Hoàng Sa và Trường Sa là của Hoa Lục.
Qua bài “Một bản Kiến nghị bị bỏ quên” được nhiều nhật ký trên mạng, kể cả các blog Hoàng Quang, Bô-xít VN, phổ biến, tác giả Lê Bảo Sơn thắc mắc:
“Không rõ ông “phái viên đặc biệt của Việt Nam” đã nói điều gì với Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân và Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc mà sau đó, Tân Hoa xã đã phát đi một bản tin trong đó nhấn mạnh: “Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố về chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam [tức Biển Đông] và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này.
Những hồ sơ lịch sử của Trung Quốc đã cho thấy rằng năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Hoa Nam [Biển Đông] như là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc, và kế đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao ngắn của mình gửi tới Thủ tướng khi đó là ông Chu Ân Lai.”
Từ đó, tác giả Lê Bảo Sơn không khỏi không thắc mắc về “điều kỳ lạ” liên quan thái độ né tránh của Đảng và Nhà nước VN, qua đó, Hà Nội luôn im hơi bặt tiếng, không giải thích cũng như không nhắc tới “công hàm Phạm Văn Đồng” dù Bắc Kinh luôn viện dẫn công hàm này như là một trong nhiều cái cớ để họ xâm chiếm lãnh hải VN.

Bị đàn áp vì yêu nước

Qua bài “Câm mồm để cho tao ăn cướp”, blogger Quê Choa tỏ ra “rất thú” với bài “Định hướng dư luận” của GS Nguyễn Văn Tuấn, và đưa ra nhận xét:
000_Hkg5073300-250.jpg
Hai nhạc sĩ chơi các bài hát yêu nước 
trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc 
tại Hà Nội hôm 03/7/2011. AFP photo
“Sở dĩ bác Tuấn phải cất công diễn giải…chỉ vì sau chuyến viếng thăm TQ của ông Hồ Xuân Sơn, chả biết ông Hồ Xuân Sơn hứa hẹn những gì mà Tân hoa xã dẫn lời ông Hồng Lỗi: “Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước.”
Sau đó BBC dẫn lời ông tướng Mã Hiểu Thiên:“Tình hình căng thẳng sau các diễn biến tại đây trong cuộc gặp khi nhấn mạnh rằng ông “hy vọng phía Việt Nam sẽ xử lý các vấn đề tế nhị một cách thích đáng và hướng dẫn dư luận cũng như cảm tính xã hội một cách đúng đắn”.
Tướng Mã Hiểu Thiên cũng khuyến cáo phía Việt Nam “không nên để cho các diễn biến leo thang và tránh làm phức tạp thêm tình hình, khiến các vấn đề bị trầm trọng hóa, dẫn tới đa phương hóa và quốc tế hóa chúng…”
…. Bao nhiêu năm giao thiệp khúm núm, gọi dạ bảo vâng, tóm lại, Biển Đông càng ngày càng dậy sóng, TQ càng ngày càng lộ nguyên hình một tên cướp biển, chứ chẳng đồng chí đồng chéo gì sất, điều đó thì đến đứa con nít nó còn biết, huống hồ là ông Hồ Xuân Sơn.”
Giữa lúc giới lãnh đạo VN “giao thiệp khúm núm, “gọi dạ bảo vâng” trước Phương Bắc “ngày càng lộ nguyên hình một tên cướp biển”, thì lòng ái quốc của người dân Việt thể hiện qua hành động biểu tình bị công an đàn áp, “công an đủ sắc phục kín đặc như bức thành lũy thép kiên cố cố bảo vệ trại Tàu”, trong khi các quan chức VN, qua phát ngôn nhân Bộ Ngọai giao Nguyễn Phương Nga, cáo giác rằng lòng ái quốc ấy bị kẻ xấu lợi dụng. Bức xúc trước cáo giác oan ức như vậy, blogger Mẹ Nấm có “Thư gởi chị Nga”:
“Lòng yêu nước, như chị nói đã bị lợi dụng (“kẻ” lợi dụng ở đây là Việt Tân). Vậy trong những “cuộc cách mạng” trước đây mà sứ mệnh là của dân bắt đầu từ lòng yêu nước có bị lợi dụng không ạ? Em đi học, chỉ được nghe nói, được dạy và hiểu rằng “kêu gọi tinh thần yêu nước”, “khích lệ tinh thần yêu nước” thôi chị ạ. Những người tỏ thái độ và hành động vừa rồi để chống lại phía Trung Quốc có hành vi như đã nói, họ bao gồm nhân sĩ trí thức, học sinh sinh viên…và các tầng lớp nhân dân là tỏ lòng yêu nước.
Hy vọng phía Việt Nam sẽ xử lý các vấn đề tế nhị một cách thích đáng và hướng dẫn dư luận cũng như cảm tính xã hội một cách đúng đắn.
Tướng Mã Hiểu Thiên
Họ có bị lợi dụng hay kích động không thưa chị? Nếu cấu trúc câu trên hợp lý, vì chị đã nói ra thì tức là chị đã trả lời câu hỏi này của em. Trời đất? Chị ở đâu ra mà dám coi thường nhân dân thế? Nhân dân họ dễ bị lợi dụng và kích động lắm sao? Ngay cả khi ở vào chỗ cùng cực nhất, lịch sử đã từng ghi như chị biết, dân tộc bị lợi dụng và kích động hay chưa? Với chị, lòng yêu nước có thể bị lợi dụng (chưa cần biết ai lợi dụng), nhân dân ta dễ bị kích động? Nếu vai trò “nhai lại của chị” phát huy hết khả năng rồi, câu hỏi này em nhờ chị chuyển giùm tới chỗ mà theo chị có “thẩm quyền và chức năng” trả lời. Em biết ơn chị về điều này.”
Diễn biến dồn dập hiện nay khiến blogger Quê choa, theo lời ông, “đã rõ ra phần nào” rằng TQ có vẻ như “thả cho VN một cái phao” và cho rằng “đám biểu tình là do bọn phản động nó xúi giục”, và VN “vội vàng ôm ghì lấy cái phao” ấy. Bài “Ông Nguyên và ông Nghị” trên blog Quê Choa nhận xét rằng nếu quả đúng như vậy thì cái phao đó “cực kỳ nguy hiểm”:
“Đó là kế ” thả mồi bắt bóng” TQ vẫn hay dùng, một mặt lấy cớ đó dẹp tan biểu tỉnh, mặt khác làm cho ta vui vẻ ôm lấy cái bóng tưởng bở để họ lại lùa ta vào cái vòng kim cô “Đồng chí bốn tốt”, “16 chữ vàng” hòng dễ bề thao túng. Có phải vì e ngại chuyến công du của ông Hồ Xuân Sơn là để ôm cái phao này về nên 18 nhân sĩ Việt Nam mới vội vàng Kiến nghị Bộ ngoại giao minh bạch hóa bí mật của chuyến đi này chăng?”

16 chữ vàng và song phương?

Giữa lúc “sơn hà nguy biến” ngày càng lộ rõ trên quê hương và cho dân tộc Việt thì một trong những nỗ lực của Bắc Kinh – nói theo lời blogger Tô Hải – là nhồi nhét “sự thật giả” cho 60 triệu đảng viên và hơn 1 tỷ dân Tàu về điều gọi là “sự thật uất ức căm hờn” khi Bắc Kinh cho rằng lãnh hải và quyền lợi của họ bị các nước ngoài, nhất là VN và Philippines, liên tục xâm hại. Nhưng, vẫn theo blogger Tổ Hải, “Khốn thay! Ở VN, cái sự thật đắng cay lại… ngược lại !”. Sự thật đắng cay đó là gì? Theo nhận xét của Nhạc sĩ Tô Hải:
000_Hkg5036527-250.jpg
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN Nguyễn Phương Nga 
trả lời những câu hỏi trong cuộc họp báo tại Hà Nội 
vào ngày 23 tháng 6 năm 2011. AFP photo
“Mất cướp trên đất cả một tỉnh Thái Bình rồi, người Tàu đang hành động công khai và cụ thể “đòi lại” cái vùng “lưỡi bò của họ” rồi, dân Tàu nhập cư lập làng trương bảng hiệu, thầu hết các công trình trọng điểm của ta, đang đổ tiền thu mua thượng vàng hạ cám của ta rồi!… Đó là sự thật.
Nhưng Sự Thật này, đến giờ vẫn chưa là Sự Thật cần nói lên, kêu to lên, cần động viên toàn dân trong cũng như ngoài nước cùng góp sức chung tay với Nhà Nước với những cơ quan Luật pháp Quốc Tế, Tòa Án Quốc tế giúp đỡ thì Sự Thật đắng cay và tủi nhục này lại được các cơ quan, những người lãnh đạo cao nhất ủy nhiệm cho đặc phái viên chính phủ sang tận Bắc Kinh xin được giữ vững 4 tốt,16 chữ vàng và “cấm không cho một nước thứ ba dính líu vào!”…
Và ngay trong cuộc họp T.Ư lần đầu, Tổng Bí thư mới kiêm bí thư Quân Ủy T.Ư, trong diễn văn khai mạc cũng không một lần dám động đến hai chữ Biển Đông (mà đối tác 4 tốt luôn gọi là Biển Hoa Nam đã được chính VN công nhận?), còn về an ninh quốc phòng thì ông Trọng chỉ nói đến bảo vệ vững chắc lãnh thổ! Không một chữ lãnh hải, biển đảo!?”
Qua bài tựa đề “Không thể đi ngược ý chí nhân dân” của nhà văn Phạm Đình Trọng viết vào “những ngày buồn của lịch sử VN” hồi tháng 6 vừa rồi và được rất nhiều mạng nhật ký phổ biến, tác giả lưu ý rằng “Mỗi lần nghe lãnh đạo đảng Cộng sản và lãnh đạo nhà nước Việt Nam thành kính nhắc lại lời lãnh đạo Đại Hán tán tỉnh, tâng bốc mối quan hệ với Việt Nam là Láng Giềng Hữu Hảo, Đồng Chí Tốt, người dân Việt Nam lại ngậm ngùi, tê tái như bị phản bội và càng âu lo cho vận nước”. Vẫn theo nhà văn Phạm Đình Trọng thì thực tế từng diễn ra trong quá khứ và rồi hiện tại là 1 bằng chứng hiển nhiên, không thể phủ nhận, rằng “Đảng CSVN đang đi ngược ý chí của nhân dân VN!”.
Triển khai những tiểu tựa như “Chủ nghĩa xã hội: Lòng dân không thuận, hào kiệt tan tác”, “Một chủ trương mất gốc: Đối lập với dân, liên minh với ác”, “Ý chí nhân dân VN”, nhà văn Phạm Đình Trọng mở đầu bài “Không thể đi ngược ý chí nhân dân” với tiểu tựa mở đầu “Nhà nước không mang ý chí nhân dân”, và nhận xét:
… những người lãnh đạo cao nhất ủy nhiệm cho đặc phái viên chính phủ sang tận Bắc Kinh xin được giữ vững 4 tốt,16 chữ vàng và “cấm không cho một nước thứ ba dính líu vào!”…
Nhạc sĩ Tô Hải
“Người dân Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phẫn nộ biểu tình trước trước cơ quan đại diện nhà nước Trung Hoa không phải chỉ vì hành động gây hấn mang rõ bản chất xâm lược, thôn tính của những chiến hạm Trung Hoa giả dạng tàu dân sự, tàu đánh cá, tàu giám sát biển mà còn vì ứng xử nhu nhược đến tủi nhục làm mất thể diện quốc gia, làm nhụt ý chí dân tộc của các cơ quan chức năng nhà nước Việt Nam!…
Nếu cơ quan chức năng nhà nước Việt Nam có ứng xử thỏa đáng, bảo vệ dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, có tư thế hiên ngang của một nhà nước độc lập, tự chủ, khôn khéo và cương quyết đòi Trung Hoa chấm dứt xâm phạm vùng biển Việt Nam, thực hiện những lời tốt đẹp họ đã nói về mối quan hệ hai nước thì người dân Việt Nam hoàn toàn yên tâm, tin cậy giao vận mệnh dân tộc và vận mệnh đất nước cho những người xứng đáng ở vị trí quản lí đất nước, lãnh đạo nhà nước.
Người dân chỉ còn bình tĩnh trong tư thế sẵn sàng đáp ứng mọi sự huy động sức dân, đáp ứng cả xương máu cho sự nghiệp giữ nước! Nhưng thực tế đã không như vậy! Vì nhà nước không phải do dân bầu ra nên không mang ý chí nhân dân!”