mercredi 6 juillet 2011

CHƯA ĐÁNH, TRUNG CỘNG ĐÃ ...THUA - ASEAN!


2000 năm trước, đoàn quân ma... Đại Hán chiếm Hoàng Sa

Hà Nhân Văn


VNCS đang đứng trước lựa chọn, chỉ có một mà thôi. Đi với Mỹ để giữ chủ quyền hay tiếp tục theo Tàu Cộng với chủ trương "thà mất nước chứ không để mất đảng". Không thể đi nước đôi!


CẢ HỘI TRƯỜNG PHẢN ĐỐI


Hội luận về an ninh Biển Đông tại Hoa Thịnh Đốn kéo dài trong 2 ngày, kết thúc ngày 22-6-2011, theo Giám đốc ban Việt ngữ RFA, tham dự trọn vẹn 2 ngày, ký giả Nguyễn Khanh viết: "Mọi người đều thấy là tất cả những người tham dự đều lên tiếng phản đối những hành động hay là chính sách, lập trường của Trung quốc liên quan đến biển Đông. Điểm thứ ba là có những thí dụ được đưa ra để chúng ta thấy rõ ràng có những cái khó khăn giữa Việt Nam và Trung quốc, tôi xin đơn cử một thí dụ là khi chiến hạm Hoa Kỳ đi qua vùng lưỡi bò để vào Đà Nẵng thì Trung quốc không lên tiếng phản đối, nhưng khi ngư dân Việt Nam hay các tàu của VietnamPetro hoạt động ở vùng lưỡi bò thì gặp những phiền nhiễu do phía Trung quốc gây nên. Đó là một chuyện mà chúng ta cần phải lưu ý đến" (RFA, 6/22/2011).


Gs. Chu Hạo đến từ Bắc Kinh, một trí thức cỡ thượng thặng, tôi xem trọn bài phát biểu của ông, đều không có gì mới lạ, vẫn luận điệu cũ rích đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay. Bài phát biểu của đại diện VN, Ts. Trần Trường Thủy, thuộc Học viện Quốc tế VN, không rõ ông học hành ra sao, bài phát biểu yếu quá, quá sơ giản nếu không muốn nói là tầm thường. Cũng không tránh được Ts. Thủy, lẽ tự nhiên văn bản này là sự hợp soạn của bộ NG và tất nhiên phải được bộ chính trị thông qua. Thực tế thì ông Thủy chỉ là người đọc bản văn trước hội nghị. Tiếc rằng trước một diễn đàn quan trọng như vậy (CSIS) vào giữa lúc dầu sôi lửa bỏng lại nói năng sơ đẳng như thế, tránh chi dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước VN không suy thoái bên lề thảm họa vong nô.


TRUNG CỘNG CHƯA ĐÁNH ĐÃ THUA


Trong 2 ngày hội nghị kể trên, Trung Cộng ở vào thế thụ động. Bài phát biểu của Gs. Chu vẫn đao to búa lớn với các biện dẫn lịch sử nhưng vẫn chỉ là mơ hồ, ai cũng biết do Đại Hán đơn phương nêu lên, không thuyết phục được ai. Trái lại, với sự tham dự và bài phát biểu của Gs. Carl Thayer đến từ Úc Đại Lợi và TNS. John McCain đã đẩy hình bóng Đại Hán khổng lồ vào thế chân tường. Bài phát biểu của Ns. McCain khá dài, một trong mấy bài sắc bén và nặng ký nhất. Mở đầu, ông nói về Miến Điện ông vừa đến thăm. Từ thảm kịch Miến Điện, quân phiệt trá hình dân chủ được Bắc Kinh bao che biến nước nghèo nàn cơ cực này thành một chư hầu kiểu mới của TC, nhà hùng biện lành nghề McCain chuyển qua Biển Đông thật nhịp nhàng. Và rằng: "Biển Đông đang trở thành một điểm nóng xung đột". Như một võ sĩ quyền Anh hạng nặng trên võ đài, McCain "đấm thẳng" một cú tuyệt đẹp vào ngực Bắc Kinh, ông nói: "Một trong những lực lượng chính yếu làm cho sự căng thẳng ở Biển Đông trầm trọng hơn và làm cho các giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp càng khó khăn để đạt tới. Đó là hành vi hung hãn của Trung quốc và việc họ đòi chủ quyền vô căn cứ mà họ tìm cách theo đuổi".


Ns. McCain nêu lên 5 điểm chủ yếu. Điểm 1, ông tán trợ lời tuyên bố của NT Hillary Clinton, tranh chấp ở Biển Đông phải giải quyết thông qua đàm phán đa phương (giữa TC và ASEAN). Điểm 2, ông kêu gọi Hoa Kỳ hỗ trợ "các đối tác ASEAN của chúng ta" và như một phương tiện cổ võ ASEAN đoàn kết hơn để đối mặt với TQ". McCain tố: "TQ đang tìm cách khai thác sự chia rẽ giữa các thành viên ASEAN để phục vụ cho kế hoạch riêng của TQ". Ông kêu gọi thượng viện Mỹ cần quan tâm hơn đến công ước LHQ và luật biển. Điều thứ 5, McCain nhấn mạnh, "Chúng ta cần phải đưa sức mạnh của lực lượng Mỹ, chú trọng nhiều hơn vào các khu tranh chấp mới nổi lên, đặc biệt là Ấn Độ Dương và Biển Đông". Kết luận bài phát biểu sắc bén và mạnh mẽ, về một nước Mỹ hiện nay đã từ bỏ xu hướng cô lập và hỗ trợ cho một chính sách (Mỹ) mạnh mẽ ở nước ngoài (quốc tế). Ns. McCain như một cam kết, nói với hội nghị: "Cuối cùng lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng, chính nước Mỹ được hưởng lời nhiều nhất là do nhờ nền trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Đó là duy trì quyền lực và sự lãnh đạo của Mỹ". Ông nhấn mạnh: "Chúng ta từ bỏ vai trò đó là nguy hiểm cho chính chúng ta nữa". McCain kết thúc, không phải là một bài phát biểu mà là một thông điệp gửi Bắc Kinh, ông nói: "Nếu các bạn đến Á châu - TBD, các bạn mang về quê nhà với các bạn thông điệp này: "Chúng tôi (Hoa Kỳ) sẽ ở lại đó để cam kết với bạn bè và đồng minh của chúng tôi. Và, chúng ta sẽ cùng nhau thành công". Ns. McCain, cựu ứng cử viên tổng thống, quyền lực vào hàng số 1 của đảng Cộng Hòa, kể cả lưỡng đảng ở thượng viện, ông là cố vấn của TT Obama, bạn rất thân với Ns. Kerry, chủ tịch UB Ngoại giao Thượng viện mà McCain là nhân vật cao cấp nhất của CH trong ủy ban. Lời phát biểu của McCain đứng hẳn về kẻ yếu ASEAN và trực tiếp đương đầu với Đại Hán bá quyền ở Á châu - TBD. Ông cũng là một trong 45 nghị sĩ ký văn thư yêu cầu TT Obama sớm bán F. 16 và tầu ngầm cho Đài Loan (vào tuần trước).


Có thể nói, Bắc Kinh thua đau tại hội nghị an ninh Biển Đông. Tiếc rằng, VN cử một đại biểu "làng nhàng" đã không bắt được cơ hội hay đúng hơn không dám bắt để phản công Đại Hán bá quyền. Bắc Kinh bị thêm một cú bất ngờ, trong khi tàu tuần dương 3.000 tấn đang thăm thiện chí Tân Gia Ba thì đại biểu TGB trong hội nghị kể trên đã đề nghị đổi tên biển Nam Trung Hoa là biển Đông Nam Á hay biển Hữu Nghị (The Friendship Sea). Ts. Temsack, giám đốc cục chính sách an ninh của ASEAN còn đề nghị một tên nữa là "Biển Hòa Bình". Temsack mỉa mai nói rằng: "Bắc Kinh nhận gần như tất cả biển Nam Trung Hoa (Claims nearly all the SC Sea), ông nói: "Vấn đề là ở phía TQ!" Nghĩa là TC trùm đè lên tất cả, bất chấp luật lệ quốc tế. Hội nghị an ninh Biển Đông phần Anh ngữ phổ biến rộng rãi tin tức và các bài phát biểu. Bài phát biểu "đổi tên là biển ASEAN" được hoan nghênh nhiệt liệt (xem: RFA "Names change could foster talk, 6/22/2011).


Bắc Kinh lại xuống giọng qua Gs. Chu Hạo nói úp mở rằng: "có khi đa phương, có khi song phương". Thứ trưởng NG Bắc Kinh Thôi Thiện Khải sẽ tham dự Hội nghị tham vấn về Á châu - TBD ở Hawaii, ngày 25-6-2011, đưa ra lời trực tiếp yêu cầu Hoa Kỳ "hãy đứng ngoài cuộc tranh chấp ở Biển Đông". Và rằng "Sự can dự của Hoa Kỳ có thể làm cho tình hình xấu thêm!" Lập trường của Ns. McCain (CH) và James Webb (DC) cùng với sự kiện HKMH George Washington và các chiến hạm xuống Biển Đông sẽ cùng hải quân Phi Luật Tân thao diễn vào cuối tháng này là câu trả lời Thôi Thiện Khải.


Bắc Kinh ở thế bí nếu hung hăng tiến thân sẽ nổ lớn, hậu quả không nhỏ. Lùi thì mất mặt to! Dẫm chân tại chỗ, tiếp tục nghe thiên hạ nguyền rủa.

Bắc Kinh bất ngờ trước "đòn" của Hà Nội: sẽ còn biểu tình nữa và còn nhiều đòn "lạ mắt" khác nữa của Hà Nội. Các cuộc biểu tình "Đả đảo TC xâm lăng" hàng ngàn người từ Úc Đại Lợi đến Houston, Washington D.C., Los Angeles... Đó là thông điệp để Bắc Kinh hiểu rằng người Việt hải ngoại không khoanh tay đứng nhìn "thế nước lâm nguy". Bắc Kinh đã hiểu rõ Ai đó" đứng sau lưng Hà Nội. Tóm lại, Bắc Kinh "ra đòn" quá sớm, quá dở. Đụng VN vào lúc này không dễ. TBT Nguyễn Phú Trọng bất thần công du Lào quốc là một dấu chỉ Hà Nội "dám "chơi ngon". Bài phát biểu mạnh mẽ của Ns. McCain là một tín hiệu "Go Ahead! Why not?". "Mềm nắn rắn buông", Bắc Kinh lại đưa ra đề nghị: "Hãy để cuộc tranh chấp lãnh thổ qua một bên từ bây giờ và các bên tranh chấp cùng nhau tham gia phát triển các hải đảo" (The Washington Post, 6/23/2011, "Chinese offered to put aside territorial claims for now and jointly develop the islands ..."). Ai ngu dại gì "Nó lú nhưng chú nó không!"

KHI SỬ GIA TRUNG CỘNG BỊA ĐẶT LỊCH SỬ


Trong hội nghị an ninh Biển Đông nêu trên, Gs. Chu, đại biểu của TC, khẳng định (!) Biển Đôngthuộc chủ quyền TQ từ 2.000 năm trước và nhà Tống đã lập một cơ quan trông coi biển Nam TQ. Xạo! Tôi sẽ trả lời Gs. Chu thật cặn kẽ về điểm xuyên tạc này qua Tống sử. Không khó! Chỉ cần lên thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, kho sách vĩ đại về Tàu, mượn bộ Tống sử (960-1279) là rõ sự thực. Về điều Gs. Chu nói rằng từ 2.000 năm trước, biển Nam TQ đã thuộc chủ quyền TQ. Cũng xạo luôn! Ở đây, HNV trả lời Gs. Chu căn cứ theo Hán sử, còn lưu trữ khá đầy đủ ở "Library of Congress". Chả cần phải đi tới Bắc Kinh hay Đài Bắc. Nhà Hán gọi Biển Đông ngày nay là Nam Hải, chỉ có nghĩa là biển ở phía Nam. Thời nhà Triệu nước Nam Việt (207-111 TCN) gọi là Việt Hải, theo sử sách Tàu. Từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần và Nguyễn, ta gọi là Đông Hải, có câu "Phúc như Đông hải" hay Nam hải, có nghĩa là biển của nước Nam theo tôn chỉ "Nam quốc sơn hà Nam đế cư - Tiệt nhiên định phận tại thiên thư" (Nước Nam vua Nam ở - Tuyệt nhiên đã định ở sách trời" (chữ tiệt nhiên là chữ Nho Việt, không phải là chữ Hán).


Người Việt đã có mặt ở Biển Đông trên 4.500 năm trước đây. Sử gia Kim Lý Tường (1231-1393), Tiến sĩ đời nhà Nguyên (Mông Cổ thống trị nước Tàu), tác giả bộ cổ sử "Cương mục tiền biên", chép như sau: "Năm Mậu Thân đời Đường Nghiêu thứ 5 (2453-2357 trước CN), Việt Thường thị sang chầu dâng rùa thần. Theo sách Thống chí của Trịnh Tiền thì rùa thần Việt Thường sống trên ngàn năm, trên lức có khắc văn khoa đẩu, ghi việc từ khi đất trời mở mang, vua Nghiêu sai quan chép lấy làm qui lịch" (sách đã dẫn, quyển thủ, tờ 3b-4a). Đế Nghiêu được phong ở đất Đào (t. Hà Nam ngày nay) nên gọi là Đưòng Nghiêu. Như vậy, cách nay khoảng 4.450 năm dân Việt phương Nam đã vượt biển lên phương Bắc đến Sơn Đông bằng thuyền viễn dương có lầu nên gọi là lâu thuyền (xem hình trên trống đồng Ngọc Lũ - Hoàng Hạ) vào thời Hán tộc còn là dân du mục du canh trên các cao nguyên hoàng thổ phía Bắc sông Hoàng Hà. Hán tộc tràn xuống Trung châu ở đan xen với dân Việt, Đông Di, Tây Di, Miêu, Man v.v... Dân Hán chỉ dựng được nước năm 206 (trước CN) tức cách nay 2217 năm do Lưu Bang theo phò Sở vương (Việt tộc) rồi nhờ có Hàn Tín "phá Sở nguyên nhung". Hạng Võ thua, Lưu Bang dựng nhà Hán, vốn là nông dân vô học nhưng là dân Việt người Cối Kê và đất Bái nước Việt (Việt vương Câu Tiễn nay là Chiết Giang hay Mân Việt). Năm 111 hậu duệ là Hán Vũ đế xua quân thôn tính Mân Việt và Dương Việt (Phúc Kiến) và tiến đánh Nam Việt. Nhân cơ hội Cù thái hậu cùng Hán sứ (nhân tình của y thị) âm mưu dâng Nam Việt cho nhà Hán, Tể tướng Lữ Gia (người Sơn Tây VN), giết Cừ hậu, Hán sứ là An Thiều Quí và vua Ai vương đưa con trưởng Minh vương lên làm vua, mẹ vua là người Việt, đất Tân Bồi (t. Thái Bình ngày nay). Lữ Gia truyền hịch cứu nước, đem quân ra giữ biên giới. Khắp nước hưởng ứng chống Hán cứu nước của Lữ Gia (xem Tiền Hán thư, Q. 93, Liệt truyện, tr. 5, 6, 7 ...). Hán đế sai một danh tướng đem quân tiến đánh, chiếm được mấy ấp ở ngoài biên, vẫn theo Hán thư và Hán truyện của sử gia Ban Cố (32-92 trước CN) đời Tây Hán. Tể tướng Lữ Gia lập kế phục binh, cho dân đón tiếp và dâng lễ vật, thực phẩm lên tướng Hán Hàn Thiên Thâu, ông ta đắc chí tiến sâu vào trận địa phục kích của Lữ Gia, trúng kế, Hán sử cho biết "hai ngàn tướng sĩ toàn thể bị tiêu diệt hết". Hán Vũ đế nổi giận, cử danh tướng Lô Bắc Đức và lâu thuyền tướng quân Dương Bộc đem đại binh đánh Nam Việt. Vua Kiến Đức và Lữ Gia bị giết. Lộ Bác Đức chiếm kinh đô Phiên Ngung (ngoại thành Quảng Châu ngày nay). Lâu thuyền và thủy binh không đến kịp, còn cách Phiên Ngung quá xa thì đã ổn định. Nước đã mất, sử gia Ngô Sĩ Liên chép: "Bấy giờ nước Việt ta sai ba quan sứ đem 300 con trâu, 1.000 chung rượu và số hộ của 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam đến xin hàng, Lộ Bác Đức nhận đồ cho 3 người ấy làm thái thú để trị dân như cũ" (Đại Việt sử ký toàn thư, Q. II, Ngoại kỷ, kỷ nhà Triệu, tờ 17a, bản Hán văn lưu trữ tại thư viện The Yenching, ĐH Harvard, Mass. USA, ký hiệu số xx3545/2643). Lộ Bác Đức chưa từng đặt chân đến Cửu Chân (Thanh Hóa), Nhật Nam (Nghệ Tỉnh). Thế mà các sử gia CHNDTH ở Bắc Kinh như Chu Nhất Chương, Phạm Văn Lan v.v... thản nhiên dựng đứng lâu thuyền Dương Bộc tiến xuống đến Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa). Hậu Hán thư của Phạm Việp lại tròng chéo cho rằng Lữ Gia là hậu duệ của Lữ Bất Vi, sinh phụ của Tần Thủy Hoàng! (xem Hậu Hán thư, Q. 116, tr. 8, mục Tây Nam Di). Phạm Việp còn thua xa hậu duệ Bắc Kinh Đỏ, dám viết lại lịch sử đời Hán, rồi khoa trương lâu thuyền và tiến xuống Nam Sa, chiếm quần đảo hoang này! Và đó là chủ quyền lịch sử của TQ cách nay hơn 2.000 năm! Hoàn toàn bịa đặt, Hán sử chép rõ: "binh thuyền còn ở sông Tương Kha (tức Tây Giang ngày nay) chưa xuống mà đất Việt đã bình" (trích dẫn bởi Việt sử lược (Tứ khố toàn thư), Q. I, t. 5). Nghĩa là chưa đến Phiên Ngung (Quảng Châu), ch3ua chiếm đảo Hải Nam (2 huyện Châu Nhai và Đạm Nhĩ thuộc nước Nam Việt, dân Lạc Việt là đa số chủ thể). Thế mà giới sử gia Bắc Kinh dám bịa đặt rằng đã chiếm đóng Nam Sa, cách xa đảo Hải nam. Tại sao không chiếm Hải Nam trước mà lại chiếm Nam Sa hoang đảo? Đó chỉ là đoàn chiến thuyền ma của "cô hồn các đảng".


Từ sự bịa đặt ma quái ấy để khoa trương "VN là một phần TQ từ 2.000 năm trước, VN là quận huyện của TQ". Nói thế mà không biết xấu hổ! Suốt 1050 năm VN bị Hán đô hộ, 26 lần lớn, nhỏ dân tộc Việt quật khởi. Năm 939, Kỷ Hợi, vua Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chém đầu Thái tử Hoằng tháo tức tức Trấn Nam vương toan tái chiếm VN lập lại Đô hộ Hán. Hán đế Lưu Cung trên chiến thuyền theo cau con để hỗ trợ. Nghe tin con chết, "Hán chủ được tin ấy khóc òa lên rồi đem quân về Phiên Ngung không dám sang quấy nhiễu nữa" (Trần Trọng Kim, VN sử lược, Q. I, tr. 68). Theo Hán sử mà học giả Thiện Đình trích dẫn: "Hán chúa than rằng: "Xưa nay, ta không bị ai, nay lại bị Ngô Quyền, không ngờ người Đường Lâm (t. Sơn Tây cũ) lại có tài thao lược như vậy!" (Ngô Vương Quyền, Nam Phong tạp chí số 161, 4-1931, tr. 346-350). Từ đây VN hoàn toàn độc lập, làm chủ Biển Đông đã hơn 1.000 năm. Vậy chủ quyền "lịch sử" của TQ ở chỗ nào? Nhảm nhí hết cách nói.


HÀ NHÂN VĂN