mardi 12 juillet 2011

Hội nghị lần thứ 6 Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ

Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2011-07-09


Hội nghị lần thứ 6 của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ đã diễn ra 5 ngày bắt đầu từ 28 tháng 6 vừa rồi tại Thủ đô Vilnius của Cộng hòa Lithuania.

 
Photo courtesy of US Dept of State .
NT Mỹ Hillary Clinton và các nhà lãnh đạo 
tham dự Hội nghị lần thứ 6 của Cộng đồng 
các Quốc gia Dân chủ tại Vilnius, Lithuania hôm 01/07/2011.



Thông tín viên Ỷ Lan có mặt tại chỗ và gởi về bài tường thuật như sau.

Một trăm phái đoàn chính phủ cùng với 120 đại biểu các Xã hội Dân sự trên thế giới đã về Thủ đô Vilnius, Lithuania tham dự Hội nghị lần thứ 6 của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7.


Chủ đề hội nghị lần này là khả năng sinh lực dấn thân. Lithuania là quốc gia đặt cao tiến trình dân chủ tại các quốc Đông Âu.


Chiến lược đối thoại với Xã hội Dân sự


Công an chìm bắt anh Phan Nguyên
trong lúc đang biểu tình tại Sài Gòn 
ngày 12/06/2011. 
Source Nguyễn Bá Chổi (danlambaovn). 

20 năm trước đây, hơn 3 triệu người thuộc 3 nước: Lithuania, Latvia và Estonia thuộc vùng Balkans cùng nhau đồng loạt xuống đường, nắm lấy tay nhau hát ca, và giành được độc lập, thoát ly sự thống trị của Liên Xô qua cuộc cách mạng được mệnh danh là ‘Cuộc Cách mạng Hát ca’, điều mà Bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton vinh danh trong bài diễn văn khai mạc:

“Các quốc gia dân chủ rộ nở khi họ được liên hệ và được các quốc gia dân chủ khác hậu thuẫn. Chính vì lẽ đó mà Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ quan thiết hơn bao giờ.


Tôi nghĩ rằng chúng ta nên sử dụng khóa họp này để đánh giá lại 10 năm ra đời của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ. Lithuania là quốc gia hoàn mỹ cho cuộc đánh giá ấy. Hôm nay ta thấy đường phố an bình, nhưng 20 năm trước đây, xe thiết giáp Liên Xô tràn ngập. Cả thế giới nín thở. May thay đoàn thiết giáp ấy đã rút lui, và đế quốc Liên Xô sụp đổ. Ngày nay, quốc gia Lithuania và xuyên suốt Châu Âu, dân chủ phát huy mạnh mẽ. Các nhà đối kháng lật đổ chế độ Cộng sản nay đang xây dựng vững vàng những thiết chế dân chủ và xã hội dân sự. Ngày nay, một lần nữa, thế giới đang nín thở. Năm nay chúng ta chứng kiến dân chúng ở Trung Đông và Bắc Phi đòi hỏi các quyền phổ quát, nhân phẩm và cơ may mà Đông và Trung Âu đòi hỏi hai thập niên trước đây”.


Chúng tôi tin rằng cùng nhịp bước với xã hội dân sự, như Hoa Kỳ đang thực hiện “Chiến lược Đối thoại với Xã hội Dân sự” sẽ giúp chúng ta biết rõ hơn bằng cách nào chúng ta có thể giúp họ.
NT Hoa Kỳ Hillary Clinton

Đại biểu Việt Nam duy nhất đại diện cho Xã hội dân sự kỳ này là ông Võ Văn Ái, Chủ tịch cơ sở Quê Mẹ Hành động cho Dân chủ Việt Nam, đồng thời cũng là ủy viên trong ban Thường vụ Quốc tế phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ.


Tại các khóa họp khoáng đại, phái đoàn Quê Mẹ do ông Ái dẫn đầu đã nói lên thảm trạng bị bóp nghẹt của các xã hội dân sự tại Việt Nam mà các tôn giáo đang đóng vai trò chủ đạo. Ông cũng báo động về sự kiện nhà cầm quyền đàn áp các cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên tại Sài Gòn và Hà Nội ba tuần lễ vừa qua để phản đối Trung Quốc xâm lấn chủ quyền Việt Nam.


Vai trò của các Xã hội Dân sự đang được đề cao tại hội nghị theo quan điểm của Hoa Kỳ gọi là ‘chiến lược đối thoại với Xã hội Dân sự’, Bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton định nghĩa chiến lược ấy như sau:


“Chúng tôi tin rằng các quốc gia dân chủ mới thành hình có bổn phận giúp đỡ cho những quốc gia đang hướng tìm dân chủ. Chúng ta cần bảo vệ các Xã hội dân sự. Chúng tôi tin rằng cùng nhịp bước với xã hội dân sự, như Hoa Kỳ đang thực hiện “Chiến lược Đối thoại với Xã hội Dân sự” sẽ giúp chúng ta biết rõ hơn bằng cách nào chúng ta có thể giúp họ. Họ là những người đang bước vào nhà tù, họ là những người đang bị đánh đập, họ là những người đang đứng ở tuyến đầu cho dân chủ”.


Chiều ngày 30 tháng 6, Bà Hillary Clinton đã có cuộc gặp riêng 2 giờ đồng hồ với một số đại biểu các Xã hội Dân sự trên thế giới. Ông Võ Văn Ái, đại biểu cho Việt Nam cũng được mời trong cuộc tiếp xúc này. Theo lời yêu cầu của Bà Ngoại trưởng, cuộc gặp gỡ trao đổi không được tiết lộ cho báo chí.


Không lẻ loi, cô độc


Công an tiến sát đến một người đang hô vang
khẩu hiệu chống Trung Quốc trong cuộc biểu tình 
ở HN hôm 26/6/2011. AFP photo. 

Tại Châu Âu, Thụy Điển đang đóng vai trò tiên phong trong việc phát triển Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ. Chúng tôi tìm gặp phỏng vấn Bà Maria Leissner, Đại sứ Thụy Điển về dân chủ.

Ỷ Lan: Xin chào bà Đại sứ. Thụy Điển là quốc gia đóng vai trò lãnh đạo trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ. Xin bà cho biết vì sao Thụy Điển đánh giá vai trò quan trọng của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ?


Maria Leissner: Chúng tôi thấy Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ quan trọng vì chúng tôi nghĩ rằng các quốc gia dân chủ trong thế giới có thể đẩy mạnh sự đổi thay. Chúng ta có khả năng cùng nhau hợp tác để hậu thuẫn cho các nhà hoạt động bảo vệ dân chủ và nhân quyền khắp năm châu, đặc biệt tại các nước chưa có dân chủ. Chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm, đôi khi có thể làm chung các chuyến công tác, hay dấn thân trong mọi hoạt động nhằm gia tăng địa bàn cho những ai đang đấu tranh cho tự do.


Ỷ Lan: Thưa bà, bà có tin rằng Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ đóng vai trò thăng tiến dân chủ trong thế giới không?


Maria Leissner: Hiển nhiên. Tôi xin đưa một thí dụ. Trong Tổ thảo luận “Những hăm dọa đối với xã hội dân sự” của chúng tôi, chúng tôi có cách báo động có hệ thống. Khi các quốc gia thông qua những sắc luật làm hạn chế tự do của các tổ chức xã hội dân sự, thì chúng tôi liền báo động cho nhau, rồi chúng tôi liên hệ với các nhà ngoại giao tại các quốc gia này cố vấn cho các quốc gia này hủy bỏ chuyện ấy. Chúng tôi cùng gia tăng áp lực chính trị.


Kết quả là, trong một số trường hợp, những quốc gia này chấp nhận hoặc hủy bỏ hoặc sửa đổi sắc luật ấy. Hành động chung này có hai hiệu lực ngăn ngừa các sắc luật hạn chế tự do, đồng thời hậu thuẫn và khuyến khích các xã hội dân sự trong các nước này, họ biết rằng quốc tế bảo vệ họ.


Xin hãy liên lạc với chúng tôi. Chúng tôi hiện diện để giúp đỡ quý vị. Quý vị không lẻ loi cô độc đâu.
ĐS Maria Leissner

Ỷ Lan: Thưa bà, cuộc phỏng vấn này sẽ phát về Việt Nam, là quốc gia mà xã hội dân sự bị hạn chế, đặc biệt trên phương diện các tự do ngôn luận, hội họp và tôn giáo. Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ có thể làm gì trong trường hợp Việt Nam?


Maria Leissner: Không những cho Việt Nam mà Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ thích nghi cho mọi nước. Nếu có một sự đe dọa đặc biệt nào đó đối với xã hội dân sự hay tự do truyền thông, tức thì chúng tôi trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ sẽ cùng nhau gia tăng áp lực chính trị lên Việt Nam. Mặt khác, chúng tôi cũng có thể, bằng những phương cách khác nhau, hậu thuẫn quần chúng tại Việt Nam hiện đang đấu tranh cho không gian dân chủ của họ.


Ỷ Lan: Nói một cách cụ thể, nếu có một người nào, hay nhóm nào ở Việt Nam là nạn nhân của một sự đe dọa như thế, thì họ phải làm gì?


Maria Leissner: Họ có thể liên lạc với bất cứ quốc gia nào trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, hoặc họ có thể liên lạc trực tiếp với Văn phòng thường trực của Cộng đồng ở Varsovie, xin tìm địa chỉ trên Trang nhà, hoặc họ cũng có thể liên hệ với Tổ hành động của Xã hội dân sự trong Ban Thường vụ Quốc tế Phi chính phủ của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ. Xin hãy liên lạc với chúng tôi. Chúng tôi hiện diện để giúp đỡ quý vị. Quý vị không lẻ loi cô độc đâu.


Ỷ Lan: Xin cám ơn bà Đại sứ.



Ỷ Lan, thông tín viên Đài Á châu Tự do tại Vilnius, Lithuania.