vendredi 15 juillet 2011

Khu vực và thế giới thêm lo ngại

SGTT.VN - Theo nhận định của hãng tin Reuters, việc Trung Quốc trong mấy ngày gần đây liên tiếp công bố về tiến trình hiện đại hoá quân sự đã khiến dư luận trong khu vực và thế giới thêm lo ngại về tranh chấp Biển Đông.


Ngày 12.7, trang tin Flightglobal cho biết, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng máy bay không người lái mang tên Silver Eagle (đại bàng bạc) trong cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông sắp tới. Nguồn tin của quân đội Trung Quốc (tp.chinmil.com.cn) cho hay, với người điều khiển trên mặt đất bằng chuột và bàn phím, khi đến khu vực chiến đấu, Silver Eagle đạt tốc độ 134km/h và ở độ cao 3.000m. Máy bay này còn hoạt động như một mắt trong hệ thống thông tin quân sự của Trung Quốc, truyền số lượng lớn dữ liệu thông tin giữa các lực lượng của Trung Quốc.
Silver Eagle có tính năng gần giống với loại máy bay ASN-209 mà Trung Quốc đã giới thiệu trong triển lãm Air Show China 2010. Theo đó, Silver Eagle có thể hoạt động trong điều kiện ngày và đêm, thực hiện nhiệm vụ trinh sát, theo dõi chiến trường, định dạng mục tiêu và đánh giá thiệt hại, chiến đấu trong phạm vi 200km.
Cũng trong ngày 12.7, hãng tin Reuters cho biết, Trung Quốc đang phát triển các vệ tinh nhân tạo hàng đầu có khả năng phối hợp với các loại vũ khí, khí tài khác để đối phó với tàu sân bay.
Trước đó, ngày 10.7, trong cuộc làm việc với người đồng cấp Mỹ, đô đốc Mike Mullen, tướng Trần Bỉnh Đức, tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc xác nhận, Trung Quốc đang phát triển tên lửa đạn đạo Dongfeng-21D, có khả năng tấn công các mục tiêu đang di chuyển như tàu sân bay. Đang được thử nghiệm, loại tên lửa có tầm bắn xa 2.700km “sẽ được sử dụng làm vũ khí phòng vệ, chứ không phải dùng để tấn công”, theo ông Trần Bỉnh Đức.
Reuters nhận định, việc phát triển nhanh các vệ tinh do thám hiện đại của Trung Quốc giúp theo dõi các lực lượng thù địch và các tên lửa đạn đạo, đã trở thành yếu tố chủ chốt trong việc hiện đại hoá lực lượng quân sự của nước này.
Nguồn tin của Mỹ hôm 9.7 còn cho hay, Trung Quốc đã bắt tay vào việc đóng chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên tại đảo Changxing ở Thượng Hải. Các chuyên gia quân sự cho rằng, có thể Trung Quốc cần đến 7 – 8 năm để hoàn thiện tàu sân bay này. Chi phí cho con tàu ước tính là 2 tỉ USD.
Dự kiến, trong vài tuần tới, tàu sân bay mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine năm 1998 dự kiến sẽ chạy thử sau khi bị hoãn hồi đầu tháng 7.
Về phía Trung Quốc, bình luận về việc tập trận chung của hải quân Mỹ, Nhật và Úc ở phía nam quần đảo Trường Sa hôm 9.7, tổng tham mưu trưởng Trần Bỉnh Đức đã trực diện chỉ trích Mỹ. Trao đổi với người đồng cấp Mỹ, đô đốc Mike Mullen, ông Trần Bỉnh Đức nói thời điểm tập trận chung là không thích hợp. Tổng tham mưu Trung Quốc cho rằng: “Nếu Mỹ thực sự muốn có hoà bình và ổn định ở khu vực, thì nên điều chỉnh các kế hoạch về tập trận chung”.
Hôm 11.7, ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, nước này đã đề nghị Trung Quốc cùng đưa các tranh chấp ra toà án quốc tế của Liên hiệp quốc để giải quyết vấn đề bằng con đường hoà bình. “Quan điểm của Trung Quốc không thay đổi. Và quan điểm của chúng tôi cũng không thay đổi. Yêu sách của Philippines là dựa trên luật pháp quốc tế”, ông nói. Mặc dù nhận được phản ứng không rõ ràng từ Trung Quốc nhưng Philippines vẫn sẽ nghiên cứu để đưa vấn đề ra toà án của Liên hiệp quốc, người phát ngôn bộ Ngoại giao Raul Hernandez cho hay.
Thiên Bình (Reuters, Flightglobal, UPI, AP, Abs-cbnnews, Bloomberg)