jeudi 7 juillet 2011

Sau đổ vỡ của ngành y sẽ đến ngành nào?

SGTT.VN - 23 giờ ngày 3.7, tôi nhận được tin nhắn của một người quen: "Tuần sau tôi mời anh đóng vai nhân viên sale của công ty đi tiếp thị thuốc vào bệnh viện để anh biết được Y đức, Đạo đức của các bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện như thế nào nhé. Làm sản xuất Dược, tôi mới biết là ngành y tế mình tệ lắm anh ơi…"

Đây không phải lần đầu tiên tôi nghe bức xúc của một người làm ngành dược về các đồng nghiệp ngành y trong hệ thống y tế nước nhà về Y ĐỨC. Cách đây vài năm, một dược sĩ bạn tôi – giám đốc sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc nổi tiếng – đã kể cho tôi nghe về chuyện “đòi hỏi” của các lãnh đạo bệnh viện hay trưởng khoa nếu muốn đưa thuốc vào bệnh viện. Bạn tôi kể: "Đó gần như là một cuộc ngã giá, nhưng buồn thay sự ngã giá đó không diễn ra trên đầu nhà sản xuất chúng tôi mà trên đầu… bệnh nhân".

Vi phạm y đức ở nước ta muôn màu muôn vẻ. Câu chuyện trên là một thí dụ. Nhưng đó cũng có thể là câu chuyện có thật mà tôi chứng kiến tuần qua ở một bệnh viện lớn khi người nhà bệnh nhân gọi nhân viên y tế trực đến xem tại sao người thân của mình run bần bật trong khi truyền máu. Thế mà sau năm lần bảy lượt gọi, nhân viên y tế mới có mặt để can thiệp. Đó cũng có thể là câu chuyện thời sự về cái chết của cô bé ở bệnh viện Năm Căn (Cà Mau) hồi tuần qua.

Phải chăng sự vi phạm đạo đức trong ngành y nước ta đang xảy ra ngày một phổ biến, phổ biến đến nỗi sau những vụ việc gây bức xúc xã hội thì nó cũng được mọi người quên đi nhanh chóng? Phải chăng nó phổ biến nên ngày nay nhiều người dân đã quá quen và xem như chuyện bình thường với kiểu bác sĩ nhận phong bì bệnh nhân trước khi mổ hay bác sĩ móc bệnh nhân từ bệnh viện về phòng khám tư?

Hỏi thăm bạn tôi, bác sĩ đang công tác ở một bệnh viện lớn ở TP.HCM, suy nghĩ gì về câu chuyện ở Cà Mau. Bạn tôi buồn bã trả lời: "Bình thường!". Tôi ngạc nhiên: "Sao là bình thường?". Bạn tôi giải thích: "Bình thường vì không ai giải quyết được đến nơi đến chốn đâu và bình thường vì ngành nào cũng có vấn đề chứ nào phải gì ngành y".

Ngẫm lại cũng đúng vì sau những sự cố nặng nề trong ngành y, từ nhiều năm qua người ta nêu ra hàng loạt biện pháp để chấn chỉnh như lập y sĩ đoàn, cho người thầy thuốc mua bảo hiểm nghề nghiệp, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn chưa thấy nhúc nhích. Và cũng đúng khi không chỉ có ngành y mà những ngành có vai trò quan trọng trong xã hội như ngành giáo dục, công an, hải quan cũng tồn tại không ít vấn đề. Có lần nói chuyện về đề tài báo chí nước nhà, một người nói với tôi: "Ngành của anh cũng có vấn đề đó chứ như viết bài không cân bằng, bới móc đời tư người khác, ‘khỏa thân hóa’ để câu khách. Cái đó không là vi phạm đạo đức báo chí thì là gì?".

"Một nền y khoa đổ vỡ" (tít bài viết trên SGTT số ngày 4/7) sau sự cố của sự kiện bệnh viện Năm Căn. Nhưng nhìn rộng ra phải thẳng thắn thừa nhận rằng không ít giá trị xã hội cũng đang đổ vỡ khi con người ngày nay ngày càng tiết kiệm đạo đức với nhau. Cho dù sau những sự cố gây bức xúc xã hội người ta nêu nhiều lý do để giải thích như thiếu quy định, đồng lương thấp, bố trí con người sai, nhưng cái gốc của vấn đề dường như vẫn chính là việc "không chú trọng đến nhân cách con người từ bé" trong trường học (ý kiến bạn đọc về bài viết ‘Một nền y khoa đổ vỡ’).

Đáng buồn là sau sự cố ở bệnh viện Năm Căn (ngành y) và nhiều sự cố khác trong xã hội (ngành giáo dục, giao thông, công an… ) người dân chưa thấy một giải pháp căn cơ nào được nêu ra hoặc chưa thấy ai nhận trách nhiệm về mình. Lại mất niềm tin vào nhau! Sau đổ vỡ của ngành y sẽ đến ngành nào?

Phan Sơn 

(Vài lời blogger : gặp một số bạn  thường nói VN bây giờ cuộc sống thanh bình vui vẻ, đất nước càn ngày càn phát triển đi lên. Không biết các bạn đó nhìn xả hội như thế nào, có bao giờ tìm hiểu, suy nghỉ về thực chất cuộc sống không. Tựa đề bài viết mới đọc tưởng là chỉ nghành Y mới đổ vở. Nghỉ lại thì tất cả các nghành đều đổ vở. Chỉ chưa được phanh phui thôi. Ngán ngẩm cho xả hội hôm nay)