Tạ Phong Tần
Ngày 19 tháng 7, 2011, Ðoàn Luật Sư tỉnh Ðắc Lắc vừa làm việc với Luật Sư Huỳnh Văn Ðông về việc Tòa án tỉnh Bến Tre “kiến nghị xử lý Luật Sư Huỳnh Văn Ðông.”
LS Huỳnh Văn Ðông (giữa) ôm bó hoa do giáo dân tặng
sau khi ông bào chữa cho 8 giáo dân trong phiên tòa phúc thẩm
ngày 27 tháng 3, 2009. (Hình: blog CL&ST)
Luật Sư Huỳnh Văn Ðông hiện là trưởng văn phòng luật sư Thiên Tuế (117 Trần Hưng Ðạo, thị trấn Phước An, huyện Krông Păk, tỉnh Ðắc Lắc), là người bào chữa cho bà Trần Thị Thúy và ông Phạm Văn Thông bị cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” ngày 30 tháng 5, 2011 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre.
Công văn số 284/CV của Tòa án tỉnh Bến Tre do bà Chánh Án Trịnh Thị Thanh Bình ký ngày 30 tháng 6, 2011 đồng gởi Bộ Tư Pháp, Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam, Sở Tư Pháp tỉnh Ðắc Lắc, Ðoàn Luật Sư tỉnh Ðắc Lắc có những nội dung đọc lên rất khôi hài như sau:
“Tại phiên tòa, Luật Sư Huỳnh Văn Ðông thể hiện rõ thái độ phản đối phiên tòa xét xử các bị cáo. Vì cho rằng việc các bị cáo gia nhập và nhận nhiệm vụ của tổ chức: ‘Việt Nam canh tân cách mạng đảng,’ gọi tắt là ‘Việt Tân’ là vô tội, đồng thời còn cổ xúy cho các hành vi của các bị cáo. Luật sư không quan tâm đến việc đưa ra luận cứ, chứng cứ để bào chữa cho các bị cáo mà thể hiện rõ ý đồ muốn biến phiên tòa thành diễn đàn công khai, hạ uy tín xúc phạm Ðảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam, bảo vệ cho tổ chức Việt Tân.”
Tòa án Bến Tre
Ôi trời! “Tòa án ta” chưa xét xử mà bị cáo đã bị cho rằng có tội rồi, luật sư có quan điểm ngược với “phe ta” thì bị gắn cho những trạng từ “ý đồ,” “muốn biến,” “hạ uy tín,” “bảo vệ” (Việt Tân), mà nếu không phải là chính bản thân luật sư, thì kẻ ấy phải là “con giun con sán” nằm trong ruột người ta mới biết được suy nghĩ của người ta. Dĩ nhiên, công văn không chỉ ra được Luật Sư Ðông đã “xúc phạm,” “hạ uy tín” bằng những từ ngữ nào.
Luôn luôn khẳng định “phiên tòa công khai” nhưng không cho luật sư nói công khai. Anh Trần Thanh Tuấn (em trai của bà Trần Thị Thúy) cho biết những thành viên trong gia đình muốn vào tham dự phiên xử đều bị từ chối. Người duy nhất trong gia đình Mục Sư Dương Kim Khải được dự phiên tòa là con trai mục sư, nhưng cháu bị công an áp tải từ Sài Gòn xuống Bến Tre và ngược lại chớ không được tự do thong thả đi theo ý mình. Một đồng đạo sinh hoạt tại Hội Thánh Tin Lành Mennonite của Mục Sư Dương Kim Khải là Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng, trong những ngày trước và khi xét xử cũng bị công an cầm chân không được đi xa (RFA ngày 30/5/2011).
Buồn cười hơn là Tòa Bến Tre “nâng cao vai trò” của Luật Sư Ðông lên hàng siêu đẳng qua việc cố ý gán ghép luật sư “bảo vệ cho tổ chức Việt Tân.” Cái tổ chức này nó đang hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, ai dám làm gì nó, nhà nước Cộng Sản Việt Nam càng không dám xông ra nước ngoài “gãi lông chưn” nó thì nó cần gì một luật sư không quyền không thế như Huỳnh Văn Ðông “bảo vệ”?
Công văn còn có đoạn: “Ðặc biệt, ngày 30 tháng 5, 2011 Luật Sư Ðông đã trả lời phỏng vấn người xưng là phóng viên Hoàng Long trên diễn đàn Paltalk khoảng 35 phút. Bài phỏng vấn này được đăng tải trên trang www.vrvradio.com (Trang tin của đài phát thanh Tiếng Nói Của Người Việt Tỵ Nạn) với nội dung rất phản động, thể hiện rõ thái độ chống nhà nước, chống chế độ và xuyên tạc bóp méo sự thật về phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo... (Có nội dung cuộc phỏng vấn kèm theo được ghi lại từ file âm thanh bài phỏng vấn),” “Lên mạng Internet với nhiều tin, bài, phỏng vấn, đe dọa, xúc phạm, nói xấu đảng, nhà nước và chế độ. Hành vi của Luật Sư Ðông đã giúp sức cho các thế lực chống đối xâm phạm an ninh quốc gia.”
Thì ra luật không quy định nhưng nhờ Tòa Bến Tre phô ra nên bữa nay mới biết “Tòa ta” còn kiêm thêm “nhiệm vụ” lên mạng vào các diễn đàn soi mói xem ai nói cái gì (?!)rồi ghi lại để xưng xưng buộc tội bằng... công văn (không cần qua điều tra, xét xử, bản án). Tệ hơn nữa, trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành không hề có cụm từ “phản động” và không hề có tội “phản động,” nhưng một cơ quan Tư pháp là Tòa án có nhiệm vụ áp dụng pháp luật để xét xử lại ngang nhiên dùng “luật rừng” (không có trong luật pháp) để buộc tội người khác là “phản động.” Nếu như “nhà nước ta” cứ cho thân nhân bị cáo, người dân vào phiên tòa tự do thoải mái thì đứa quái nào nó “xuyên tạc bóp méo sự thật về phiên tòa” cho được, các nhân chứng sống này họ “vả mồm” đứa nói láo cho mà xem. Còn thực tế từ vụ Ðiếu Cày, vụ Thái Hà, vụ Phạm Bá Hải, vụ Lê Công Ðịnh cho đến vụ này, phiên tòa nào quyết định xét xử thì ghi “công khai” nhưng khi xử thì chỉ có “phe ta” trong đó, “phe ta” làm gì “méo” hay “tròn” ai mà biết được.
Tài liệu được Tòa án Bến Tre coi là chứng cứ đính kèm công văn này là 3 loại tài liệu do Tòa án Bến Tre tự lập, dĩ nhiên không có chữ ký của các luật sư và người làm chứng, cái này dân gian kêu là “vừa đá bóng vừa thổi còi.”
Giống như tất cả các vị “tai to mặt bự” của “nhà nước ta” khi muốn “lấy thịt đè người” nhưng không đủ “thịt,” bèn mạo danh số đông rằng “Hành vi của Luật Sư Ðông đã gây bất bình, phẫn nộ và quan ngại về an ninh quốc gia trong cán bộ công chức của ngành Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre và đông đảo cán bộ, nhân dân ở địa phương.” Không trưng cầu ý kiến mà dám xưng danh tập thể là chuyện chỉ có trong hàng ngũ “đảng ta” và “nhà nước ta.” Viết câu cú thì vô cùng khó hiểu, chẳng biết “quan ngại về an ninh quốc gia trong cán bộ công chức của ngành Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre và đông đảo cán bộ, nhân dân ở địa phương” là cái gì?
Cuối cùng, Tòa Bến Tre “tự xử” luôn: “Nhận thấy Luật Sư Ðông đã vi phạm điểm g, khoản 1, Ðiều 9 Luật Luật Sư,” “khoản 2 Ðiều 25 Luật Luật Sư,” “Luật Sư Ðông không đủ tiêu chuẩn làm luật sư.”
Ðược biết, ngày 5 tháng 7, 2011 Ðoàn Luật Sư tỉnh Ðắc Lắc có công văn yêu cầu Luật Sư Huỳnh Văn Ðông giải trình theo Công văn số 284/CV của Tòa án tỉnh Bến Tre.
Trong tờ giải trình ngày 14 tháng 7, 2011 gửi cho Chủ Nhiệm Ðoàn, Luật Sư Ðông viết: Căn cứ khoản 3 điều 58 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, Ðiều 3 Luật Luật Sư, “tôi phải có nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp theo quy định để làm sáng tỏ những tình tiết liên quan đến vụ án nhằm gỡ tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho thân chủ của mình.” Kiến nghị của Tòa án tỉnh Bến Tre “hoàn toàn mang tính chủ quan, quy chụp,” “Hành động của TAND tỉnh Bến Tre là không đúng quy định luật tố tụng hình sự Việt Nam và đặc biệt là công an theo lệnh của tòa đã có những hành vi xúc phạm nặng nề đến danh dự cá nhân của tôi (tôi đã gửi báo cáo cho Ðoàn Luật Sư),” “Tôi cực lực phản đối bản kiến nghị này và đề nghị Bộ Tư Pháp, Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam, Ðoàn Luật Sư Ðắc Lắc trong tinh thần của những người, những cơ quan bảo vệ công lý hãy xem xét và xử lý một cách công bằng và hợp pháp, để tôi có quyền tiếp tục hành nghề luật sư, tiếp tục bảo vệ công lý cho những người bị bắt bớ và giam cầm một cách tùy tiện.”
Ðược biết, ngày 2 tháng 8, 2011 Ðoàn Luật Sư tỉnh Ðắc Lắc sẽ họp quyết định hình thức kỷ luật đối với Luật Sư Huỳnh Văn Ðông.