"Nợ công Việt Nam đã vượt xa ngưỡng an toàn"
(Dân trí) - Theo UB Kinh tế, những khoản nợ xấu của khu vực DNNN mà rất có thể sẽ phải dùng NSNN để trả là mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công Việt Nam. Riêng năm 2012, nghĩa vụ trả nợ xấp xỉ 5,4 tỷ USD, tương đương 4,5% GDP năm 2011.
Tại bản thảo nghiên cứu Nợ công Việt Nam - Quá khứ và Tương lai do
Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)
thực hiện có ghi nhận, số liệu ước tính đến hết năm 2011, tổng nợ công
của Việt Nam vào khoảng 58,7% GDP. Trong đó, nợ công nước ngoài và nợ
công trong nước lần lượt là 31,1% và 17,6% GDP.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối
với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận
trên sổ sách.
Theo đó, những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước
(DNNN) mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả mới là mầm
mống đe dọa tính bền vững của nợ công Việt Nam.
Cụ thể, khoản nợ nước ngoài của khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà
nước không được chính phủ bảo lãnh chiếm 11,1% GDP. Ngoài ra, nợ trong
nước của khu vực DNNN theo ghi nhận trong Đề án Tái cấu trúc DNNN của Bộ
Tài chính năm 2012 cũng chiếm xấp xỉ khoảng 16,5%.
Nhóm nghiên cứu của UB Kinh tế và UNDP đánh giá, tính đến các con
số kể trên, nợ công Việt Nam đã vượt xa so với ngưỡng an toàn (60% GDP)
được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay
Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF).
Tại báo cáo thẩm tra về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011 - 2015
và năm 2012, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đồng ý với Chính
phủ, chỉ tiêu dư nợ công năm 2012 không quá 60%GDP, đến năm 2015 không
quá 65%GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 55%GDP, dư nợ quốc gia không
quá 40%GDP.
Dự kiến, nợ công sẽ còn tăng đến 2015 và được đề xuất bắt đầu giảm từ 2016 nhằm tránh ách tắc trong phát triển KT-XH.
Nghĩa vụ trả nợ năm 2012 tương đương 4,5% GDP năm 2011
Báo cáo lưu ý, trong vài năm trở lại đây, quy mô của các khoản vay
thương mại trong nợ nước ngoài với lãi suất cao đang có xu hướng tăng
lên. Tính đến hết ngày 31/12/2010, đã có gần 6,8% tổng nợ nước ngoài của
Chính phủ có lãi suất lên tới 6-10% và hơn 7% tổng nợ nước ngoài của
Chính phủ có lãi suất thả nổi.
Bên cạnh đó, bản dự thảo báo cáo chỉ ra, cơ cấu kỳ hạn của các
khoản nợ công trong nước cũng gây rủi ro khá lớn. Trong khi các khoản nợ
nước ngoài có kỳ hạn dài tới vài chục năm, có hơn 88,7% nợ trái phiếu
chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn chỉ từ 2-5 năm.
Do vậy, nghĩa vụ nợ nước ngoài được dàn khá đều với 1,5-2 tỉ
USD/năm, trong khi đó nghĩa vụ nợ trong nước lại dồn trong thời gian
gần, với xấp xỉ 4,5-5 tỉ USD/năm trong vòng 4 năm tới. Như vậy, cùng với
triển vọng cán cân ngân sách cơ bản tiếp tục thâm hụt thì sức ép phát
hành trái phiếu để đảo nợ trong nước những năm tới là rất lớn.
Với tỉ trọng đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây,
nhóm nghiên cứu cho rằng, nợ công trong nước đang hàm chứa những rủi ro
do lợi suất cao cộng với kỳ hạn ngắn của nó.
Chỉ tính riêng năm 2012, nghĩa vụ trả nợ lãi và gốc của Việt Nam
lên tới xấp xỉ 5,4 tỉ USD hay tương đương với 4,5% GDP của năm 2011.
Theo nhóm nghiên cứu, đây chính là những nguyên nhân chính của hiện
tương chi tiêu công lấn át chi tiêu tư nhập, kết hợp lạm phát cao do sức
ép tài trợ trái phiếu thông qua tăng cung tiền.
Theo số liệu được cung cấp bởi Kiểm toán Nhà nước, tính đến hết năm
2010 nợ phải trả nước ngoài dùng để cho vay lại tương đương 11,2 tỷ
USD, tăng hơn so với 9,203 tỷ USD năm 2009. Trong đó, số dư mà Bộ Tài
chính cho vay lại tại 11 tổ chức cho vay lại và 7 đơn vị vay lại khoảng
8,4 tỷ USD.
Lũy kế đến hết năm 2011, số tiền Bộ Tài chính ứng trả nợ thay cho
các đơn vị được Chính phủ bảo lãnh vay công nước ngoài gần 2.437 tỷ
đồng.
Bích Diệp