mardi 14 août 2012

Chất Việt và vị trí Việt tại Olympic London 2012


Saturday, 11 August 2012 15:04
Cali Today News – Đêm khai mạc, ngồi xem truyền hình, tôi cố ý theo dõi chất Việt trong Thế Vận Hội Luân Đôn 2012.
Điều này cũng rất dễ hiểu, nhưng không dễ để hiểu giống nhau. Tôi chờ xem đoàn thể thao Việt Nam mà đúng hơn là Việt Nam Cộng Sản tự giới thiệu Việt Nam như thế nào trước thế giới với hàng tỷ người ngồi xem qua màn ảnh truyền hình, và chờ xem các MC nói gì về Việt Nam… Thật thất vọng! Phần tự giới thiệu của VN(CS) quá nghèo nàn so với truyền thống một dân tộc có trên 4,000 năm lịch sử. Nghèo nàn đến mức mà các MC cũng chẳng nói được gì ngoài một hoặc hai câu thật đơn giản. Thật buồn cho thân phận nhược tiểu và tự coi thường chính mình. Mình không coi trọng mình thì ai sẽ coi trọng mình? Sự chuẩn bị diễn hành tự giới thiệu quốc gia của mình đã được chuẩn bị sơ sài và đơn giản đến mức không thể nào sơ sài và đơn giản hơn! Trong lúc đó, có nhiều quốc gia nhỏ khác, nhỏ hơn gần như trên mọi phương diện từ độ dày lịch sử, văn hóa, truyền thống, dân số,… nhưng họ đã tự giới thiệu họ ở mức ngạc nhiên và thu hút sự chú ý của cả thế giới, khiến cho MC đã phải giới thiệu khá nhiều và khá độc đáo,… Từ đó, mới thấy rằng khi chính nhà nước hay ngành thể thao không đặt vấn đề tự hào (hay tự ái, hay tự tôn trọng dân tộc lên) thì ai khác sẽ là người làm chuyện này? Cả thế giới gần như nhìn thấy Việt Nam (cs) hiện diện một cách có lệ, như hiện diện cho có, như không cần ai biết đến mình và để ý đến mình… Đúng là một cách tự khinh chính dân tộc mình! Mà khi chính Việt Nam tự coi thường mình thì ai sẽ coi trọng Việt Nam?
Đó là một sỉ nhục quốc thể!
Tôi thì còn nghĩ Việt Nam là quê hương của mình, dù quê hương đó còn đang chịu đựng dưới ách cai trị độc tài và lạc hậu của cộng sản. Tuy nhiên, vợ và hai con tôi thì nghĩ khác đi: Hoa Kỳ là đất nước của mình, chúng ta quan tâm đến đội Hoa Kỳ hơn, và Việt Nam không phải là đất nước của mình nữa,… Những lực sĩ màu da đen đang thi đấu trên các sân thể thao dưới màu áo đội Mỹ, họ chiến đấu cho nước Mỹ, và có ai trong số họ có còn nghĩ đến quê hương bao đời trước của họ từ mảnh đất châu Phi xa xôi và gần như quên lãng? Hãy sống với thực tế này, và đừng ảo tưởng… Họ vui và lo lắng với các cuộc so tài của các đội Mỹ mà thôi…
Một cuộc chiến, dù nhỏ, về nhận thức trong gia đình đã xảy ra! Một lằn ranh nhận thức ngày càng rõ…
Tuy là thành phần thiểu số trong gia đình còn nghĩ về nguồn cội, bởi da của tôi vẫn còn màu vàng, mắt của tôi vẫn màu đen, và tóc của tôi vẫn màu đen nhánh, tôi vẫn còn nghĩ đến chất Việt, dù đó chỉ là nguồn gốc của mình, và theo dõi những cuộc thi đấu của các lực sĩ Việt của quê hương chúng ta…
Tôi lại thất vọng!
Họ ra đi và không có gì mang trở về!
Họ ra đi không chuẩn bị, không tôn trọng chính mình và hiện diện mờ nhạt… Và họ còn mờ nhạt hơn thế trên sân đấu, trên bảng tổng sắp huy chương,…
Ra về với tay trắng hoàn toàn…
Nếu nhìn cả một châu Á đang đi lên, từ Trung Cộng, Nhật, Nam Hàn, Bắc Hàn, Ấn Độ, Hồng Kông… thậm chí Indonesia, Thái Lan, Malaysia,… thì bóng dáng Việt Nam đã hoàn toàn mờ nhạt, như những bóng ma trong đêm vắng, không dấu vết, không kèn và không trống?
Có ai cảm thấy đau buồn và tự ái dân tộc không?
Mấy buổi sáng nay, xem trận chung kết bóng đá nữ giữa Mỹ và Nhật. Đội Nhật chơi hay quá và họ đã khóc rưng rức khi thua Mỹ. Đó là tự hào dân tộc, và đó là ý chí dân tộc,…
Sáng nay, tôi đã khóc khi nhìn trận cầu căng thẳng đến rướm máu giữa Nam Hàn và Nhật trong trận tranh hạng 3 (huy chương đồng) của giải bóng chuyền nữ… Tôi mơ ước: tại sao cũng màu tóc đen ấy, màu da vàng ấy, mà không phải là đội nữ Việt Nam? Tại sao và tại ai mà chất Việt hoàn toàn gần như không có trong Thế Vận Hội Luân Đôn 2012?
Nghe ai đó giải thích rằng đoàn Việt Nam đến Thế Vận Hội là để học hỏi (?) Nghe mà thật buồn, vì bao giờ cậu học trò, cô học trò Việt Nam này mới có thể nghĩ đến chuyện thi đấu với mọi người, như mọi người khác đến đây để giành giật những tấm huy chương?
Nhìn bảng sắp hạng huy chương, chúng ta thấy những quốc gia Á châu có thể hình nhỏ bé như Nam Hàn, như Nhật,… cũng đã trở thành những cường quốc hàng đầu trên thế giới về thể thao…. Còn Việt Nam? Đi dự cũng không ra gì và thì đấu cũng chẳng ra sao! Thật tội nghiệp cho hai chữ Việt Nam!!!

May mà còn có những ngôi sao hải ngoại…
Trong cơn thất vọng cùng tột, tôi có chút an ủi… Đó là những chiến tích của những ngôi sao thể thao gốc Việt như Marcel Nguyễn (lực sĩ môn thể dục dụng cụ) dưới màu áo nước Đức với hai huy chương bạc, và Carol Huỳnh với huy chương đồng môn đô vật hạng 48kg dưới màu áo nước Canada…

Photo courtesy: Reuters
Photo courtesy: Reuters
Photo courtesy: Reuters
Photo courtesy: Reuters

Ít ra chúng ta cũng có những họ NGUYỄN và HUỲNH trên bảng tổng sắp hạng huy chương Olympic London 2012.
Những cô gái và chàng trai gốc Việt này đã cứu danh dự ít nhiều cho một dân tộc tự chứng tỏ mình là nhược tiểu. Những đứa con lưu vong, những đứa cháu lưu vong đã làm rạng danh phần nào cho nòi giống Việt, dù cho sắc màu của huy chương là của Đức hay của Canada…

Tập trung cao độ trước đối thủ…Photo courtesy: Reuters
Vào đòn hiểm hóc…Photo courtesy: Reuters
Niềm hạnh phúc chiến thắng…Photo courtesy: Reuters
Carol Huỳnh (áo đỏ) trên bục nhận huy chương. Photo courtesy: Reuters

Cái chất Việt dù ít nhưng đã làm cho tâm lý của tôi bớt đi phần xấu hổ.
Nếu tổng số huy chương của Carol Huỳnh và Marcel Nguyễn cộng lại (hai bạc và một đồng), thì thứ hạng của đội Việt Nam lưu vong hơn cả Ấn Độ (1 bạc, 4 đồng), hơn cả Indonesia và Malaysia (1 bạc và 1 đồng),…
Cái cảm giác ngọt lịm này như một viên thuốc an thần giúp tôi phần nào quên đi cái mặc cảm Việt Nam mà tôi chịu đựng từ lễ khai mạc cho đến những cuộc thi đấu từ các lực sĩ trong nước…
Dầu có chút an ủi, nhưng mỗi khi nhìn các lực sĩ và cầu thủ Nam Hàn, Nhật thi đấu, tôi vẫn đượm một chút buồn…

Trần Hoàng Khoa