dimanche 19 août 2012

Những anh hùng Thủy Quân Lục Chiến

 
 
Cuộc tấn công Mùa Hè Đỏ Lửa và chiếc cầu ở Đông Hà
Richard BotkinGiang chuyển ngữ

Cuộc tấn công Mùa Hè Đỏ Lửa và chiếc cầu ở Đông Hà

Vào giữa trưa ngày 30 tháng Ba, 1972, Bắc Quân bất ngờ phóng ra cuộc tấn công lớn nhất trong cuộc chiến Việt Nam. Lớn hơn cả về tầm vóc và mức độ của cuộc tổng công kích Mậu Thân, lần nầy Bắc Quân gần như đánh một trận đánh qui ước

Với viện trợ rộng rãi và vô giới hạn về đạn pháo, xe tăng Liên Xô và các vũ khí phòng không mới nhất, Bắc quân đã đạt nhiều thắng lợi. Bộ tổng tham mưu Nam Việt Nam và các cố vấn Mỹ ở mãi tận Sài Gòn đã không được tin nổi các báo cáo về sức mạnh và những thắng lợi của Bắc quân trong những ngày đầu tiên.

Ba ngày rưỡi đầu tiên của cái mà về sau được gọi là cuộc tấn công Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 hầu như chỉ tòan là tháo lui. Yếu tố bất ngờ của lực lượng chiến đấu qui ước của Bắc Quân đã gây tổn thất nặng cho lực lượng bạn. Những trận pháo không phân biệt mục tiêu, dữ dội như những trận pháo mà các các chiến binh kỳ cựu từng trải qua, đã gây thiệt hại cho từng đoàn nông dân, giờ đã trở thành dân di tản ở tỉnh Quảng Trị. Thời tiết xấu và tầm nhìn bị giảm đã hoá giải lợi thế về không lực của miền Nam. Thật không ngờ tình hình có thể xấu đi trong một khoảng thời gian ngắn đến thế.

Ngay từ đầu thị trấn Đông Hà rõ ràng đã là một mục tiêu chiến lược của Bắc Quân. Biết được rằng chiếc cầu duy nhất ngang qua Cam Lộ – sông Cửa Việt, với khả năng chịu được sức nặng của xe tăng T-54, có thể được dùng với hiệu quả khổng lồ, quân địch cần chiếm được chiếc cầu này còn nguyên vẹn. Kiểm soát được chiếc cầu này sẽ mở được cánh cửa phía Nam cho các lợi thế về sau. Ít nhất, nếu chiếm được Đông Hà thì chắc chắn sẽ chiếm được các tỉnh phía bắc.

Đơn vị đồng minh duy nhất gần vùng bão tố đang vần vũ ở Đông Hà là Tiểu Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam. Như định mệnh đã an bài, Đại Úy John Ripley người cố vấn của đơn vị, ngày hôm ấy chuẩn bị bước vào đấu trường.

Cho đến năm 1971, John Ripley đã thực hiện hầu như tất cả những gì mà một đại úy có thể hoàn thành để xứng đáng với cương vị của mình. Sau khi đã phục vụ thành công ở Việt Nam trong cương vị một cấp chỉ huy đại đội vào năm 1967, trong khoảng thời gian này Ripley bị thương và được tưởng thưởng huân chương, sau đó ông lần lượt phục vụ với lực lượng thám sát của Thủy Quân Lục Chiến và là sĩ quan trao đổi trong lực lượng Thuỷ Quân Lục Chiến của Hoàng Gia Anh (những chức vụ trong Thủy Quân Lục Chiến của Hoàng Gia được tuyển chọn vô cùng khó khăn, và thường chỉ có các sĩ quan có nhiều triển vọng mới đạt được). Có một gia đình hạnh phúc và là bố của ba đứa con thơ, Ripley không cần phải trở lại Việt Nam. Thế mà ông đã trở lại.

Sự dữ dội của cuộc tấn công của Bắc Quân đã gây ra đủ thứ vấn đề về chỉ huy và kiểm soát của đồng minh. Vì tình hình vô cùng khẩn cấp, Trung Tá Gerry Turley, người vừa đặt chân đến để phục vụ với chức vụ cố vấn trưởng của vùng phía bắc, được lệnh chỉ huy tạm lực lượng tiền phương của sư đoàn 3 bộ binh. Ý thức được việc phá hủy cây cầu là một điều cần thiết, mặc dù thượng cấp ở bộ chỉ huy (vì không nhận ra được tình hình đang tan rã về mặt chiến thuật) đã ra lệnh cho ông không được làm việc này, Turley vẫn ra lệnh. Ông biết chắc rằng ông đang đưa Đại Úy Ripley vào cõi chết.



Đại úy John Ripley và "Ripley Raider" trung sĩ Chuck Goggin, Cà Lũ, 1967. Nguồn: wnd.com
Với hỏa lực bảo vệ của Tiểu Đoàn Ba Thủy Quân Lục Chiến và sự hỗ trợ của Thiếu Tá Bộ Binh John Smock, Đại Úy Ripley hoàn thành được điều coi như không thể thực hiện được: Ông xông tới và giựt xập chiếc cầu.

Không thể dùng một hình ảnh tương tự nào về thể thao để so sánh với việc Ripley làm. Không giống như chạy 1 mile (1.6 km) chỉ có 3 phút, hay là cử được quả tạ 700 lb (317.5 kg) hay là lật ngược tình thế dành được chiến thắng giải vô địch Super Bowl. Không có đám đông ngưỡng mộ. Điều Ripley làm đơn giản là điều không thể thực hiện được. Giả sử như ông thất bại trong khi cố gắng làm việc ấy, nhiều lắm các đồng đội của ông chỉ nghĩ về ông như là một người mã thượng và can đảm.

Giá trị của việc phá hủy đúng lúc chiếc cầu ở Đông Hà không nói sao cho hết – cả về tinh thần anh dũng của cá nhân Ripley và ảnh hưởng của nó đối với toàn bộ cuộc tấn công của cộng sản. Đối với những người thích suy tưởng về những hòan cảnh lịch sử khác nhau, họ có thể lý luận một cách dễ dàng rằng nếu như Bắc Quân chiếm được chiếc cầu và thị trấn vào lúc ấy, cái đoạn kết kém may mắn của Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30 tháng Tư, 1975 có thể đã đến sớm hơn.

Được xây dựng bởi lực lượng công binh Seebees của Hải Quân Hoa Kỳ vào năm 1967, chiếc cầu dài 200 mét, bằng bê tông cốt thép. Sự phá hủy chiếc cầu nầy đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo, thông minh và gan dạ. Mà gan dạ là chính. Ripley cần phải có cả ba để có thể gài 500 lb (227 kg) chất nổ vào gầm cầu.

Phải mất hơn một chục lần di chuyển qua lại giữa bờ sông phía nam và gầm cầu, mỗi lần ông mang khoảng 40 lb (10 kg) chất nổ, đánh đu dưới gầm cầu, chuyền bằng tay đến những nhịp cầu và những đà ngang khác nhau, phơi mình cho hỏa lực của đối phương từ bờ sông phía bắc. Công việc đạt chất nổ và gài dây nổ mất hơn hai tiếng đồng hồ.

Khi việc gài chất nổ đã xong, không kèn không trống, Smock và Ripley cho nổ tung chiếc cầu.

Kỳ công của Ripley ngày hôm ấy vẫn còn tiếp tục làm say mê lòng người. Đây không phải là hành động của một người bình thường. Sự can đảm của ông không phải là một phản ứng liều lĩnh hay là cú đấm trả đũa sau khi bị ăn đấm của kẻ thù. Hành động của ông trong cái khung thời gian ba tiếng ấy – trong khi thế giới đang sụp đổ chung quanh ông – là có ý thức, có chủ tâm, có chủ định trước. Toàn bộ tinh thần và thể xác của ông được tập trung cho việc hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ cần thiếu đi một chút là ông đã thất bại. Ngay cả trước khi bắt đầu ông đã mệt mỏi lắm, đến khi hoàn thành xong nhiệm vụ ông ở trong trạng thái không phải là trống rỗng, mà còn hơn thế nữa.

Nhờ sự phá hủy chiếc cầu, cuộc tấn công của cộng sản bị khựng lại, nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn. Luôn luôn được giao cho những nhiệm vụ khó khăn, Tiểu Đoàn Ba Thủy Quân Lục Chiến – còn có biệt danh là Sói Biển – là một đơn vị được truyền tụng nhiều trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam. Trong khi hành động của Ripley vào ngày chủ nhật năm 1972 đã biến ông thành huyền thoại giữa các cố vấn và các quân nhân chuyên nghiệp cùng thời, ít nhất cũng có một nhân vật ngang ngửa với ông, người chỉ huy của Sói Biển.

Thiếu Tá Lê Bá Bình là “Thủy Quân Lục Chiến của Thuỷ Quân Lục Chiến”. Trong 18 năm lịch sử của binh chủng, ông đối với binh chủng Thủy Quân Lục Chiến giống như Chesty Puller, Dan Daly và Pappy Boyington cộng lại trong lịch sử 196 năm của Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Trạc tuổi với người bạn thân tín John Ripley, Bình đã từng thụ huấn tại The Basic School ở Quantico (Virginia) nơi mà tất cả các thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ được huấn luyện quân sự. Bị thương hàng chục lần, ông đã được trao thưởng huân chương 7 lần trước khi xảy ra cuộc tấn công mùa hè đỏ lửa.

Bình là một cấp chỉ huy quân sự chuyên nghiệp. Luôn luôn ở phía trước khi giao tranh đang ác liệt nhất, ông được các binh sĩ kính trọng và ông sẵn sàng chấp nhận gian khổ để đánh bại những người cộng sản mà ông căm ghét. Với thế giới quanh ông và các binh sĩ của ông đang sụp đổ và khả năng chiến đấu kém cỏi của nhiều đơn vị Việt Nam Cộng Hòa của vùng 1, ông vẫn giữ ý định tuân theo mệnh lệnh mà ông đã nhận được – giữ vững vị trí bằng mọi giá.

Các trận đánh bên trong và chung quanh trị trấn Đông Hà chỉ là một phần của cuộc tấn công rộng lớn của cộng sản. Trong khi nhiều đơn vị của quân đội Việt Nam Cộng Hoà lúc đầu sụp đổ trước áp lực của Bắc Quân, những tiểu đoàn của lực lượng Thuỷ Quân Lục Chiến Việt Nam, cùng với các cố vấn, đã chiến đấu kiên cường và bất đắc dĩ mới chịu lui quân.

Đối diện với cả sư đoàn gồm 20000 quân và khoảng 200 xe tăng, hơn 700 người của Tiểu Đoàn Ba Thủy Quân Lục Chiến đã giữ được Đông Hà trong bốn ngày, cho đến khi họ hoàn toàn bị vây kín và buộc phải chiến đấu để mở đường rút lui ra khỏi khu vực. Gần một tháng sau, khi những người lính còn sống sót đứng nghiêm để nghe diễn từ của cấp chỉ huy tại bộ chỉ huy vùng ở Huế, Thiếu Tá Bình chỉ đọc lên được tên của 52 người sống sót. Hai đại đội bắn bảo vệ cho Ripley khi ông và Đại Úy Smock phá hủy chiếc cầu, rồi ở lại cố thủ, chiến đấu với xe tăng và bộ đội của Bắc Quân, đã bị xóa tên cho đến người lính cuối cùng.

Cuộc tấn công mùa hè đỏ lửa chấm dứt với sự thất bại của Bắc Quân, một phần không nhỏ nhờ vào những nỗ lực của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam và các cố vấn trung kiên của họ. Bất hạnh thay, gần ba năm sau sự tự do ở vùng Đông Nam Á bị kết liễu. Trong lúc đó các cố vấn Gerry Turley, John Ripley, George Philip và các người khác nữa trở về nhà, hội nhập trở lại binh chủng Thủy Quân Lục Chiến và xã hội Hoa Kỳ.

Không có chuyện trở về nhà – không có chuyện hết hạn luân phiên phục vụ – cho những người như Thiếu Tá Bình và các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến của ông. Họ chiến đấu với cộng sản cho đến ngày 30 tháng Tư, 1975. Lê Bá Bình không được may mắn như một số ít người tìm được một chỗ trên những chiếc trực thăng bốc người vào những ngày cuối tháng Tư. Bị bắt, ông bị tống giam vào các trại “cải tạo.”

Trong một khoảng thời gian dài hơn sáu lần thời gian Mỹ tham dự Thế Chiến II, Bình lao động khổ sai trong các trại. Trong suốt nhiệm kỳ của năm tổng thống Mỹ, Bình lao động khổ sai. Khi thị trường chứng khoán nhảy vọt năm 1982, Bình lao động khổ sai. Trong khi đa số những người từng phục vụ ở Việt Nam sống tiếp đời mình và hướng tới tương lai, Bình vẫn kẹt lại trong những khu rừng tre tù ngục. Rồi thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1987, vụ Thiên An Môn, sự xụp đổ của Liên Bang Sô Viết, cuộc chiến vùng Vịnh, qua biết bao những thăng trầm của thế sự, Bình vẫn cứ lao động khổ sai. Luôn luôn ngạo nghễ, không bao giờ khuất phục. Những chủ nhân ông của đám nô lệ chỉ hoài công.



Thiếu tá Lê Bá Bình ở Quảng Trị trước khi bị thương lần thứ 9 (1972). Nguồn: wnd.com
Niềm Vui

Bất cứ khi nào tôi ở bên cạnh những người lính Thuỷ Quân Lục Chiến, dù là những người bạn thâm giao hay là những người bạn mới quen, những lúc ấy tôi cảm thấy một cảm giác dễ chịu và hạnh phúc rất lạ lùng. Tôi không thể nào diễn tả thành lời được. Nó khác hẳn với những khoái cảm khi được làm cha, và hơn cả những sự thích thú và sự vui sướng hồn nhiên khi tôi hồi tưởng thuở còn là một đứa bé đang chờ mong ông già Noel đến cho quà. Tôi sẽ chỉ biết gọi tên tình cảm này là vui sướng. Khi tôi kề cận các anh em Thủy Quân Lục Chiến, tôi thấy vui…vui sướng …hân hoan. Chỉ đơn giản có thể thôi. Tất cả chỉ đơn giản có thế thôi.

Trong ba ngày tôi được kề cận, đắm mình trong ánh hào quang của hàng tá những anh hùng mà tên tuổi và công trận của họ hàng triệu người Mỹ và Việt Nam sẽ không bao giờ biết đến. Những cố vấn trẻ nhất giờ đây cũng gần 60. Đa số thì già hơn, và ngoài trừ những sợi tóc bạc, tất cả vẫn còn phong độ, dáng vẫn hiên ngang, lửa vẫn còn trong mắt. Những điều đó cho thấy họ vẫn còn là – và chỉ là – Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

Những nhân viên tuyển mộ cho lực lượng đã bỏ quên một lợi khí quảng cáo lớn nhất, mà hiệu quả của nó không thể lường hết được. Cứ mỗi lần tôi gặp các bạn TQLC, những điều hiển nhiên ấy lại tràn ngập lòng tôi. Đó là cái đám TQLC cùng với những người vợ, và nhờ những người vợ, trông rất thành công. Các hàng huy chương của các cố vấn vẫn không ấn tượng bằng các bà vợ, những người đã giữ gìn tất cả. Đây không những chỉ là những người đàn bà đẹp. Họ quả là những người đàn bà đẹp. Nhưng đây còn là những người đàn bà mà nghị lực, can đảm và nhiệt tình có khi còn hơn cả những ông chồng của họ. Đây là những người vợ có cá tính, tin tưởng vào chồng, và chính nghĩa mà chồng họ đã phục vụ, trong khi rất ít những bà vợ khác giữ được niềm tin như vậy.

Quả là một tập thể đáng để gần gũi. Rồi còn những con người Việt Nam nữa chứ.

Tôi không nghĩ rằng tôi là kẻ duy nhất nhìn lịch sử qua cái nhìn duy ngã của “kinh nghiệm của nước Mỹ” – Kinh nghiệm của Mỹ trong đệ nhị Thế Chiến, kinh nghiệm của Mỹ ở Đại Hàn, Việt Nam, chiến tranh Lạnh… hoặc bất cứ nơi nào khác. Hiếm khi nào tôi nghĩ đến đồng minh, nhất là đồng mình từ một đất nước và chính quyền đã không còn chính thức tồn tại. Thế mà họ đang có mặt ở đây với chúng tôi, hay chúng tôi đang có mặt cùng họ cũng thế. Tất cả những người lính TQLC Việt Nam, vợ con họ, đều có vẻ hãnh diện, sung túc và thành đạt. Cũng như các cố vấn anh em, những người lính TQLC Việt Nam, với bộ quần phục rằn ri, trong vẫn oai hùng, vẫn còn toát ra vẻ nhiệt tình, sẵn sàng vì nhiệm vụ.

Khi tôi được cho biết về những gì mà những gia đình này – nay đã là công dân Hoa Kỳ- phải trải qua để đặt chân đến nơi đây, những bài nói chuyện của họ, những lời kể lại của họ về tình đồng đội, sự dũng cảm và hy sinh, bằng tiếng Anh hoàn hảo hơn cái tiếng Việt của tôi nhiều, bỗng dưng trĩu nặng những ý nghĩa.

Trong toàn thể dân số của Hoa Kỳ, nhiều lắm chỉ có chừng một triệu người đã từng chiến đấu, xáp lá cà, bằng lưỡi lê, không lùi bước để bảo vệ tự do. Trong toàn thể những người sinh trưởng nơi đây, ngoại trừ những người bị bắt làm tù binh, không một người nào bị tước mất tự do của mình. Ngay cả giữa những chiến binh của chúng ta, đa số chưa từng bị nguy hiểm tới bản thân để bảo vệ tổ quốc. Với người Mỹ tự do là chuyện đương nhiên.

Tôi tự hỏi không hiểu tự do ngọt ngào như thế nào, không hiểu một người đến từ Hungary vào năm 1957, Cuba vào năm 1962, Đông Âu và Đông Nam Á sau năm 1975 yêu quý đất nước này như thế nào và hiểu như thế nào về những phước lành mà chúng ta đang thụ hưởng. Lê Bá Bình hiểu.

Sống lại với nhau những giây phút chỉ có hai người, Ripley và Bình dạo bước trong sảnh đường trống rỗng của The Basic School nơi họ có những kỷ niệm chung dù từ những thời gian khác nhau. Bao bạn bè đã ra đi. Biết bao là hy sinh. Thân thiết còn hơn là anh em, họ không cần phải giao tiếp bằng lời. Xưng hô với nhau vẫn như thời 1972, không phải vì kỷ cương quân cách nhưng phát xuất từ lòng quý mến và kính trọng, đối với Ripley thì Bình bao giờ cũng vẫn là “Thiếu Tá.”

Bình, người đã hoàn thành quá nhiều, đã từng nhìn thấy quá nhiều, đã từng trải qua tất cả những cảnh đời, là một người ít nói. John Ripley đã không thể diễn tả hết những câu trao đổi ngắn gọn sau cùng, mà không phải ngừng lại để dằn nỗi xúc động. Dừng bước để quay lại nhìn quang cảnh một lần cuối trước khi từ giã, Bình bày tỏ với người cố vấn của mình: “Ripp-lee. Tôi hạnh phúc.”

“Quả là tuyệt, Thiếu Tá. Tôi cũng sung sướng nữa”

“Không, không, không phải vậy, Ripp-lee”
– như thế muốn nói với Ripley rằng ông vẫn chưa hiểu gì cả. Vỗ vỗ lên ngực mình, Bình tiếp tục. “Tôi hạnh phúc… ở tận đây. Tôi hãnh diện.”

Lê Bá Bình, chúng tôi hân hạnh ông có mặt nơi này.

Mừng ông đã về nhà, Thiếu Tá. Mừng ông đã về nhà.
.................................
Email In PDF.
SACRAMENTO - Ngày 15 Tháng Tám sắp tới, Viện Bảo Tàng Quân Sự thuộc tiểu bang California sẽ có một buổi giới thiệu cuốn sách mới về chiến tranh Việt Nam nhan đề "Ride the Thunder" (tạm dịch Cưỡi Sấm Sét). Trong ngày hôm ấy tác giả Richard Botkin sẽ diễn giải về nội dung cuốn sách và ký tên lưu niệm.
Theo tin báo điện tử của World Net Daily, hiện nay trên mạng ở trang nhà của Amazon.com, cuốn này đang dẫn đầu số bán về thể loại chiến tranh Việt Nam và cũng dẫn đầu số mua trong giới cựu chiến binh. Ðồng thời Ride the Thunder cũng đứng hạng hai vế lượng sách bán trong đề mục Asian History.
Theo viện bảo tàng này, tác giả Botkin đã khai mào một trào lưu mới khi "kể lại câu chuyện anh hùng của một số Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và Nam Việt Nam. Họ đã chiến đấu tuyệt vời và làm khơi dậy ngọn sóng triều của cuộc chiến trong khi các nhà làm chính sách đã buông tay đầu hàng."
Cuốn sách mới về chiến tranh Việt Nam kể lại nhiều sự thật mà giới truyền thông Hoa Kỳ trước đây tránh né, đang dẫn đầu về số bán ở Amazon.
Botkin kể lại chuyện Ðại Úy John Ripley với hành động táo bạo khi phá sập cây cầu Ðông Hà; chuyện Thiếu Tá Lê Bá Bình cùng bảy trăm chiến binh TQLC đã ngăn chận được làn sóng tấn công của hai mươi ngàn quân Bắc Việt như thế nào. Trong đó cũng không quên nhắc đến kỳ công của Trung Tá Gerry Turley trong trận "Mùa Hè Ðỏ Lửa" từ một khách mời ghé lại vùng Hỏa Tuyến để thăm một số sĩ quan cố vấn, vì kẹt bởi cuộc tấn công bất ngờ năm 72, đã bất đắc dĩ trở thành vai trò lãnh đạo bên cạnh Tướng Giai can đảm ngăn trở được Quân Khu I khỏi bị tràn ngập bởi làn sóng "đỏ."
Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt dành riêng cho World Net Daily, tác giả Botkin giải thích người Mỹ hiểu sai về chiến tranh Việt Nam như thế nào - bởi vì họ ở xa đến 8,000 dặm, và chỉ nghe thuật lại một chiều. Botkin nói, "Về phía người Mỹ, theo tôi tất cả đều bị nghe những thông tin về cuộc chiến đã bị bóp méo và không trung thực. Ða số người Mỹ kể cả những người đã phục vụ ở Việt Nam đều không nhận thức được sự hy sinh của người dân Nam Việt Nam. Họ chính là những người yêu chuộng tự do."
Botkin sưu tập những thông tin cho thấy quân Cộng Sản thường xuyên tấn công người dân vô tội trong có đàn bà, người già và trẻ em bằng hành động pháo kích bừa bãi. Năm 1968, quân Bắc Việt tàn sát từ ba đến sáu ngàn người và đem chôn trong những hố chôn tập thể. Biết bao gia đình phải chịu tang tóc, đau khổ và tủi nhục mà người Mỹ chưa bao giờ hiểu đến, trong khi họ dễ dàng tin theo những tài liệu tuyên truyền của đối phương do giới truyền thông Tây phương chưng ra để phê bình cuộc chiến. Giới truyền thông này đã làm hoen ố đi nỗ lực của Hoa Kỳ và Nam Việt Nam, góp phần vào sự xoay chiều của lập trường ủng hộ cuộc chiến.
Theo Botkin năm 68 là năm nổ bùng trận chiến thu phục nhân tâm người dân Hoa Kỳ qua màn ảnh truyền hình, và đối phương đã biết tận dụng lối tường thuật một chiều của báo chí Tây phương gây ảnh hưởng tốt cho mình thêm.
Botkin lưu ý rằng báo chí và phim ảnh Hoa Kỳ vẫn luôn miêu tả người Việt như là những kẻ tham nhũng thối nát, hèn yếu, khiếp nhược và phản bội hơn là những con người muốn chiến đấu cho tự do. Ông ta nói rằng "Ride the Thunder" trưng ra cho mọi người những câu chuyện truyền cảm mà truyền thông trước đây tránh né không muốn nhắc đến. Ðó là những câu chuyện về tình thân hữu, sự can trường, lòng yêu nước và lòng can đảm.
Ngày 23 Tháng Giêng năm 1973, Tổng Thống Mỹ Nixon công bố "Hòa Bình trong Danh Dự" trong một bài diễn văn phổ biến toàn thế giới trên hệ thống truyền hình.
Botkin kết luận, "Chúng ta nói vậy để rút chân ra khỏi Việt Nam cho có danh chính ngôn thuận. Lịch sử đầy dẫy những bài học cho thấy Cộng Sản ngồi xuống đặt bút ký biết bao hiệp định mà họ thấy có lợi, rồi sau đó lại phủi tay rũ bỏ. Ðúng là rút quân trong danh dự, hay ‘Hòa Bình trong Danh Dự’ - mà thật ra chẳng có chi là danh dự mà cũng chẳng có hòa bình gì ráo."

Theo T.P.