NGUY CƠ XUNG ĐỘT ĐANG SÔI SỤC Ở BIỂN ĐÔNG
Đặng Khương chuyển ngữ, trích từ Phía Trước – Greg Ansley, The New Zealand Herald
Cạnh tranh chủ quyền và xây dựng lực
lượng vũ trang trong tuyến đường biển thương mại quan trọng nhất ở Đông
Nam Á đang dần trở thành công thức dẫn đến cuộc xung đột khu vực.
Những nước mạnh nhất trên thế giới ngày
càng thấy họ bị kẹt lại ở các thế gai góc khó khăn trong khu vực tây
Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Một trong các tập trung gây nhiều chú ý
trong thời gian gần đây là hành động của Bắc Kinh qua việc thành lập
thành phố Tam Sa trên Đảo Yongxing [Woody Island hoặc Đảo Phú Lâm] nằm
trong nhóm quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông. Chính quyền tại thành phố
mới và các đồn trú quân sự này được Bắc Kinh đưa vào quyền kiểm soát
thuộc tỉnh Hải Nam.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một
trong những điểm nóng tiềm năng giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc –
trong đó họ tuyên bố chủ quyền hầu như tất cả diện tích ở Biển Đông – và
các nước Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philippines.
Đó là trung tâm của sự cạnh tranh đang
nổi lên giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ, các nước châu Á và một số cường quốc
khác, bao gồm cả Ấn Độ và Nga đang mở rộng hoạt động ở Nam Thái Bình
Dương sang châu Á.
Khu vực rộng lớn này có số lượng dự trữ
dầu khí khổng lồ, ngư trường rộng lớn và tuyến đường biển giao lưu chiếm
hơn một phần ba thương mại thế giới. Quan trọng hơn, đây là nơi cung
cấp khoảng 90 phần trăm năng lượng cho các nước như Trung Quốc, Nhật
Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.
Các thay đổi đối với sức mạnh toàn cầu
châu Á-Thái Bình Dương và sự xuất hiện của các nước cường quốc khu vực
mới lên như Trung Quốc và Ấn Độ đang nằm phía sau chính sách “trục châu
Á” của Hoa Kỳ. Chính sách này sẽ tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ
trong khu vực, bao gồm cả mở rộng quan hệ với Úc, xóa tan tản băng quân
sự trong quan hệ với Tân Tây Lan, và gửi quân đội luân phiên đến đóng
tại căn cứ tàu chiến ở Singapore.
Cả Tân Tây Lan và Úc đều nhìn thấy những
lợi ích quan trọng trong các sự kiện ở hướng tây và phía bắc của nước
họ. Gần đây, sách trắng quốc phòng của Tân Tây Lan ghi nhận rằng có đến
99% hàng hóa của quốc gia này xuất khẩu bằng đường biển, phần lớn thông
qua những vùng nước có nhiều biến động.
Trong khi đó, Úc đang cố gắng tái cân
bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, và đã từ chối không đứng về
bên nào liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong khu
vực. Hơn một nửa thương mại của nước Úc phải thông qua đường Biển Đông,
trong đó 90% là xuất khẩu sắt và than.
Chính phủ Canberra đã chấp nhận cho Hoa
Kỳ gửi lực lượng lính thủy đánh bộ luân phiên qua lãnh thổ ở phía bắc
nước này và cho phép Hoa Kỳ sử dụng các cơ sở hải quân và không quân.
Mặt khác, Canberra đã từ chối đề nghị của Hoa Kỳ trong đề án xây dựng cơ
sở quân sự dùng để tấn công chiến hạm ở phía Tây nước Úc.
Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith nói
với Viện Chính sách Chiến lược Úc rằng khu vực này là nơi hội tụ của bốn
đội quân lớn nhất thế giới, trong đó có cả lực lượng hải quân lớn nhất
của nước Úc, và ba siêu cường khác gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ.
“Sự xuất hiện của ba cường quốc chiến
lược trong khu vực sẽ cho thấy sự cần thiết trong việc điều chỉnh cán
cân quyền lực trong khu vực và trên cả phạm vi toàn cầu”, ông Smith nói.
Nếu điều chỉnh sai chiến lược này sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng.
“Biển Đông là điểm nóng trong khu vực
Thái Bình Dương, và xung đột có nhiều khả năng xảy ra nếu các nước tính
toán sai lầm”, Giám đốc điều hành Viện Lowy, Michael Wesley, nói.
Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược Hugh White thuộc Đại học Quốc gia Úc nói trong một cuốn sách mới Chọn lựa của Trung Quốc: Vì sao Hoa Kỳ nên chia sẻ quyền lực (The China Choice: Why America should share power) rằng,
Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trượt hướng tới một sự cạnh tranh nguy hiểm,
xây dựng lực lượng và điều chỉnh các kế hoạch quân sự, và đặc biệt tìm
kiếm sự hỗ trợ từ các nước châu Á khác.
Philippines đã lên tiếng phản ứng mạnh mẽ
về việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa và áp đặt của chính quyền
mới trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như Bãi Macclesfield.
Philippines cũng đã đặt mua thêm trực thăng vũ trang mới và lên kế hoạch
mua thêm một số quân dụng khác.
Việt Nam, nước đã từng đối đầu với Trung
Quốc trong cuộc chiến ngắn đẫm máu hồi năm 1979 và luôn phải chạm trán
với Trung Quốc ở Biển Đông, đã phải đối mặt với nhiều áp lực từ trong
nước yêu cầu chính quyền mạnh mẽ chống lại các yêu sách của Trung Quốc.
Gần đây, quốc hội nước này đã thông qua một đạo luật mới tuyên bố chủ
quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Hà Nội trong thời gian gần đây đang cố
gắng hiện đại hóa lực lượng quân sự, đặc biệt là hải quân, bao gồm các
tên lửa hành trình, tàu chiến và tàu ngầm của Nga. Việt Nam cũng đang
tăng cường quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore và
Nga, và đang đàm phán để các nước này tiếp cận căn cứ hải quân tại Vịnh
Cam Ranh.
Đối với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, khu vực này vẫn là một ưu tiên quan trọng nhất.
Wesley nói trong bài báo của ông rằng các
nhà chiến lược hải quân Trung Quốc đã bắt đầu nhìn thấy bờ biển của
nước họ bị bó hẹp trước một chuỗi các nước thù địch như Nhật Bản, Hàn
Quốc, Đài Loan, và Philippines – và mục tiêu thiết lập hệ thống thống
trị hàng hải là điều ưu tiên hàng đầu.
Các nhóm thế lực có ảnh hưởng ở Trung
Quốc xem Biển Đông là “khu vực cốt lõi” như một phần của Trung Quốc,
tương tự như Tây Tạng hay Đài Loan và sẽ không thực hiện bất kỳ sự đầu
hàng nào; hơn nữa, Luật Lãnh thổ 1992 của nước này phân loại Biển Đông
là vùng nội thủy thuộc Trung Quốc.
Điều này sẽ mang Trung Quốc trực tiếp vào
cuộc xung đột với Hoa Kỳ. Bắc Kinh yêu cầu các tàu hải quân nước ngoài
và máy bay phải xin phép để thông qua khu vực Biển Đông và tàu ngầm phải
nổi lên mặt nước.
Trung Quốc nói rằng họ sẽ tôn trọng tự do
lưu thông của các tàu và máy bay trong khu vực mà họ cho phép, miễn là
không tiến hành diễn tập quân sự hoặc thu thập thông tin tình báo.
Washington khẳng định các tuyến đường biển trong vùng này thuộc biển
quốc tế và tự do hàng hải cần phải được bảo đảm.
“Đối với Hoa Kỳ, quyền lợi trong khu vực
Biển Đông là khả năng tồn tại của toàn thể sự hiện diện của nước này ở
tây Thái Bình Dương”, ông Wesley nói. Và khu vực này đối diện với sự mâu
thuẫn với chính họ vì không rõ họ sẽ chọn đứng về phía nào. Campuchia,
Lào và Miến Điện từ chối các yêu cầu để chống đỡ cho Việt Nam và
Philippines. Indonesia, Malaysia, Singapore hiện đang lo lắng về tình
hình chung nhưng đồng thời cũng muốn tránh một cuộc đối đầu với Trung
Quốc.
Wesley cho biết các nước như Philippines,
Việt Nam, Malaysia, Singapore và Indonesia đã và đang thắt chặt mối
quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ, trong khi Campuchia, Lào và Thái Lan đang
liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Ông Hugh White nói trong cuốn sách mới
xuất bản rằng hòa bình và ổn định có thể đạt được nhưng nguy cơ đối đầu
và xung đột cũng là điều thực tế cần nhìn nhận: “Mà tất cả những điều
này sẽ còn phụ thuộc rất nhiều dựa trên các quyết định trong vài năm tới
đây của cả Washington và Bắc Kinh”.
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012