mardi 7 août 2012

Chuyện trò với Huỳnh Thục Vi
Monday, August 06, 2012 2:19:24 PM




Huy Phương/Người Việt 

Huỳnh Thục Vi.
(Hình: Huỳnh Thục Vi cung cấp)
Chế độ này cai trị bằng khủng bố, bằng đe dọa vin vào sự sợ hãi của người dân. Sợ hãi vì khủng bố cũng là chuyện bình thường, nhưng con nghĩ, sống sao cho đúng nghĩa là một người có lương tâm và có tri thức (H.T.V).
Huỳnh Thục Vi là một cây bút chính luận trẻ tuổi ở Việt Nam với những bài viết phê phán thực trạng trong nước được phổ biến rộng rãi ở hải ngoại qua các trang blogs. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, những bài viết của cô về các đề tài cách mạng, dân chủ, nhân quyền, luật pháp... không chỉ thể hiện một kiến thức tự học có nền tảng mà còn một sự suy nghĩ sâu sắc vượt tuổi của mình. Có lẽ cô là một trong những cây bút chính luận hiếm hoi đã có nỗ lực nối truyền thống tâm linh của mình với con đường cách mạng dân chủ và nhân quyền của dân tộc. Những bài viết của Huỳnh Thục Vy, cũng như hoạt động của cả gia đình cô, đã khiến cho chính quyền Cộng Sản tìm mọi cách trấn áp. Cha của cô là nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn bị đe dọa là phải làm áp lực với con gái chấm dứt các bài viết của mình: “...Nếu con anh gặp vấn đề gì thì thời gian còn lại trên cuộc đời này sẽ rất vô nghĩa!” Lê Khánh Duy, hôn phu của Huỳnh Thục Vy, cũng bị công an nhắn gửi những lời hăm dọa độc ác: “Tao nói với mày, con Vi nó hết cơ hội làm lại cuộc đời rồi, nó muốn con nó phải sống trong xã hội thế này thế nọ. Tao chắc với mày, biết nó có thể còn đẻ được nữa hay không!”
Chúng tôi đã nói chuyện với Huỳnh Thục Vi sau khi cô bị áp giải từ Sài Gòn về Quảng Nam sau cuộc biểu tình ngày 1 tháng 7 năm 2012. “Dạ, con là Huỳnh Thục Vi đây!” tiếng nói nhỏ nhẹ của đứa con gái xứ Quảng kiên cường từ bên kia đầu dây điện thoại.
Huy Phương: Chào Huỳnh Thục Vi! Trước hết xin cháu cho độc giả Người Việt biết sơ qua vài dòng về tiểu sử của cháu, vì cũng có nhiều người chưa biết nhiều về cháu trước khi chúng ta bắt đầu vào câu chuyện.
Huỳnh Thục Vi: Con sinh năm 1985. Gia đình con nguyên quán ở Tam Kỳ, nhưng gia đình con chuyển về sinh sống ở xã Tam Phú. Con mồ côi mẹ từ năm lên sáu (1991). Qua năm sau, 1992 thì ba con (Huỳnh Ngọc Tuấn ) bị bắt, về tội viết văn “tuyên truyền chống chế độ,” về sau sửa lại là tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của bộ luật hình sự, và bị kết án tù bởi một bản án của tòa án Quảng Nam-Ðà Nẵng. Mẹ mất được một năm thì cha vào tù, gia đình con gặp quá nhiều khó khăn nên hai người cô của con, đều không lập gia đình, là Huỳnh Thị Hường và Huỳnh Thị Thu Hồng đã đem chị em con về nuôi, từ đó đến nay. Sau đúng 10 năm (27 thángg 10, 2002) ba con ra tù, trở về, chịu thêm 4 năm quản chế. Qua năm sau (2003) thì con mới tốt nghiệp lớp 12, gia đình quá nghèo, nên không thể tiếp tục đi học, phải xin đi làm công nhân cho một hãng điện của Nhật ở Ðà Nẵng.
Người ta thường gọi con là blogger, nhưng thật ra con không có blog riêng. Mà chỉ viết bài rồi gửi cho chú, bác thân hữu của gia đình và nhất là trên “Ðàn Chim Việt” từ năm 2008.
Huy Phương: Gia đình cháu có liên hệ gì với chế độ VNCH trước năm 1975 không? Ðộng lực nào đã thúc đẩy cháu bắt đầu viết những bài đăng trên “Ðàn Chim Việt,” những bài báo mà chính quyền trong nước hiện này không ưa, và cũng chính vì đó mà bản thân cháu cũng như gia đình bị trù dập không nương tay?
Huỳnh Thục Vi: Gia đình con không có ai phục vụ trong chế độ VNCH, ông nội con là một nông dân. Năm 1975, cha con mới 18 tuổi. Gia đình con không có liên quan gì nhiều đến cả hai phía trong cuộc chiến tranh Việt Nam vì thế mối tương quan tình cảm của con trong cuộc chiến hầu như rất ít.
Con là một người dân bình thường ở Việt Nam, có lương tri trung bình, có một kiến thức trung bình cũng có thể hiểu được tất cả những điều tồi tệ, xấu xa đang xảy ra ở Việt Nam, mà những điều tồi tệ xấu xa này xuất phát từ bản chất của hệ thống chính trị. Chỉ cần một lương tâm và một kiến thức trung bình thôi, người ta ai cũng hiểu, nhưng người ta không dám nói vì sợ hãi hoặc người ta có liên quan đến quyền lợi với chế độ này. Con cũng như tất cả những người khác lớn lên trong những khó khăn như vậy và trực tiếp đã có những cảm nghĩ sống động về cái xã hội Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản này thì mình phải nhận ra những điều này chứ không thể không biết được. Con đã có những cảm nhận thực tế về chế độ này và phải viết bài để nói lên những cảm nhận đó. Con đã có học một chút luật để hiểu thêm những vấn nạn của Việt Nam hiện tại, về hệ thống chính trị mà luật pháp là một vấn đề quan trọng.

Huỳnh Thục Vi (bên phải) và thân phụ (giữa) cùng cậu em trai út Huỳnh Trọng Hiếu. (Hình: Huỳnh Thục Vi cung cấp)
Huy Phương: Khi cháu đã dấn thân vào con đường viết lách và phê phán chế độ Cộng Sản này, cháu có nghĩ đến những khó khăn, nguy hiểm sẽ đến với cháu không?
Huỳnh Thục Vi: Chế độ này cai trị bằng khủng bố, bằng đe dọa vin vào sự sợ hãi của người dân. Sợ hãi vì khủng bố cũng là chuyện bình thường, nhưng con nghĩ, sống sao cho đúng nghĩa là một người có lương tâm và có tri thức. Vì con người có tự do nên con nghĩ là viết và phải viết để nói lên những cảm nghĩ của mình về cuộc sống, về xã hội. Ðó là quyền của con người và không ai có thể cướp đoạt của mình được. Nếu có một kẻ nào đó hay một chế độ nào đó có thể tước đoạt cái quyến ấy của con, thì chính hành động đó đã trưng bày rõ cái bản chất xấu xa của người ta và công luận trong nước cũng như hải ngoại và toàn thế giới sẽ lên án. Con hy vọng những bài viết nói lên chính kiến của mình sẽ cho các bạn trẻ có một cái nhìn chính xác về xã hội Việt Nam hiện tại, và việc mở rộng tư duy, mở rộng kiến thức, nâng cao dân trí có thể làm cho dân chủ bén rễ ở Việt Nam để chúng ta có hy vọng cho tương lai, xây dựng một nền dân chủ cho đất nước.
Huy Phương: Từ khi những bài viết của Huỳnh Thục Vi hiện diện trên “Ðàn Chim Việt” và được phổ biến, phát tán rộng rãi trên Internet, thái độ của chính quyền Việt Nam như thế nào và bản thân cháu cũng như gia đình đã bị khó khăn, gặp hoạn nạn như thế nào?
Huỳnh Thục Vi: Con bắt đầu viết bài từ năm 2008, nên qua năm 2009, con đã bị công an địa phương gửi giấy mời lên “làm việc”. Con đã giữ thái độ bất hợp tác bằng cách không tuân hành giấy mời, nên sau đó công an đã đến nhà con để trực tiếp hạch hỏi và hăm dọa. Từ đó đến nay gia đình đã bị sách nhiễu, quấy rối nhiều lần một cách vô lý.
Ngày 8 tháng 11 năm 2011, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã đưa một lực lượng công an chìm nổi, phối hợp với đoàn thanh tra của Sở Thông Tin-Truyền Thông Quảng Nam, chừng 200 người án ngữ mọi nẻo đường chung quanh ngôi nhà gia đình con đang cư ngụ ở Ðội 1, thôn Phú Quý, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam. Họ đột nhập vào nhà con, khám xét, niêm phong và tịch thu bộ computer, 1 thùng CPU rời, 1 máy in hiệu Canon, 1 bộ loa, và các dụng cụ dùng cho máy vi tính với tội trạng: “Phát tán trên mạng những tài liệu chống đảng, nhà nước, phá hoại sự đoàn kết dân tộc.”
Ngày 22 tháng 11 năm 2011, trên các tờ báo lớn của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đồng loạt đưa tin về việc xử phạt ba cha con 260 triệu đồng (tiền Việt Nam) vì đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Chưa đầy một tháng sau, cả trăm công an đã xông vào nhà con, hành hung, đánh đập con, bà nội con, Mai Thị Yến, đã 85 tuổi, em trai con là Huỳnh Trọng Hiếu và hai người cô con. Họ đọc ba quyết định “xử lý vi phạm hành chính” về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó: Phạt cha con 100 triệu đồng, bản thân con, Huỳnh Thục Vy 85 triệu đồng, và em trai con, Huỳnh Trọng Hiếu 85 triệu đồng. Tổng cộng 270 triệu đồng (!)Sau đó, họ tịch thu 1 máy ảnh Canon và 6 điện thoại di động của toàn gia đình con và bắt em họ con là Huỳnh Ngọc Lễ (đang mặc áo “cắt lưỡi bò” No-U) lên xe chở về đồn công an vì “chống người thi hành công vụ” (do đã xông vào để bảo vệ cho con đang bị công an đánh). Sau khi họ rút hết khỏi nhà, hai người cô con đã phát giác ra việc mất 3,000 đô la, cất trong tủ áo, nhưng không biết kêu oan, khiếu nại ở đâu!

* Kỳ sau: Cuộc áp giải Huỳnh Thục Vi vội vã từ Saigon về Quảng Nam, trong 17 tiếng đồng hồ, không ăn uống, nghỉ ngơi