mardi 14 août 2012

Cảng quốc tế hơn 360 tỷ đồng bỏ hoang

Hoàn thành cách đây 2 năm nhưng cảng Phú Hữu hiện vắng tanh, không có chiếc thuyền nào cập bến vì thiếu đường dẫn. Mỗi năm chủ đầu tư phải chi gần 40 tỷ đồng cho cảng này.

Cảng quốc tế Phú Hữu (khu phố 4, phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM) giai đoạn 1 được xây dựng từ năm 2007 do Công ty TNHH MTV cảng Bến Nghé (thuộc Tổng công ty Samco) làm chủ đầu tư với số vốn 367 tỷ đồng. Mục tiêu là để thay thế cảng Bến Nghé, giải quyết ách tắc giao thông do việc vận chuyển hàng hóa không qua khu vực nội đô TP HCM, góp phần tăng trưởng kinh tế của thành phố và giải quyết công ăn việc làm cho 560 lao động.

Ảnh cảng Phú Hữu bỏ hoang
Những cần cẩu dùng để bóc dở hàng đang phải nằm phơi mưa, phơi nắng ở cảng quốc tế Phú Hữu. Ảnh: H.C.
Đến thời điểm hiện nay, Phú Hữu cơ bản đã xây dựng hoàn chỉnh với hệ thống cầu cảng dạng bến nhô dài 320 m, rộng 33 m, 3 cần cẩu loại lớn cùng một số hạng mục như kè đá bảo vệ, đường nội bộ, bãi container, bãi hàng tổng hợp, nhà văn phòng, nhà kho, nhà xưởng trên diện tích 24 ha… Cảng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 DWT, công suất 3 triệu tấn hàng/năm. Nơi này cũng đã được Bộ Giao thông vận tải công bố là cảng biển quốc tế và cho phép hoạt động từ tháng 7/2010.
Tuy nhiên, dẫn vào cảng Phú Hữu hiện là một con đường mòn cát trắng, 2 bên cỏ mọc ùm tùm chỉ có trâu bò ăn cỏ, thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe chạy qua. Bên trong, toàn bộ nhà xưởng, cầu cảng, cần cầu đang bị bỏ hoang, nhiều chỗ bị xuống cấp. Cả khu đất rộng 24 ha vắng ngắt, không có một hoạt động nào.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Trọng Cừu, Tổng giám đốc công ty cảng Bến Nghé cho biết dù rất xót vì cảng nằm phơi mưa phơi nắng nhưng không thể làm gì hơn vì hiện nay cảng không có đường dẫn để container ra vào.
Theo ông Cừu, vì không có tàu bè ra vào, lại đến thời điểm trả nợ vay và phải khấu hao tài sản nên mỗi năm, Bến Nghé phải bỏ ra gần 40 tỷ đồng cho cảng Phú Hữu.
"Vừa rồi Ban kinh tế Ngân sách cũng có làm việc để giải quyết tình trạng cảng bỏ hoang vì thiếu đường dẫn. Tuy nhiên, họ cũng nắm tình hình để báo cáo UBND thôi chứ giải quyết dứt điểm thì chưa biết khi nào", ông Cừu cho biết.
Dẫn vào cảng hiện là một đường mòn nhỏ ngoằn ngoèo toàn cát trắng, 2 bên cỏ mọc um tùm. Ảnh: H.C.
Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Văn Tám - trưởng phòng quản lý xây dựng giao thông Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết, đầu tháng 6/2012 Công ty cổ phần ximăng Hà Tiên 1 đã khởi công xây dựng đường nối từ cảng Phú Hữu và Nhà máy ximăng Hà Tiên đến đường Nguyễn Duy Trinh theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng. Dự kiến công trình hoàn thành vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Cừu, thậm chí ngay cả khi đã làm xong đoạn đường dẫn từ cảng Phú Hữu ra đường Nguyễn Duy Trinh thì tình hình cũng không khả quan hơn. Vì đường Nguyễn Duy Trinh hiện nay quá hẹp với 2 làn xe chỉ chừng 8-9 m, mật độ luôn đông đúc, chẳng ai cho container chạy trên đường này vì nguy cơ tai nạn cao. Nếu có cho phép container chạy vào đi nữa thì chắc chắn cũng sẽ xảy ra ùn tắc.
Trước tình hình đó, Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết đang xem xét kiến nghị UBND thành phố mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh với kinh phí 865 tỷ đồng. Đồng thời, UBND thành phố cũng đã chấp thuận cho nghiên cứu đầu tư 1,5 km đường nối từ Nguyễn Duy Trinh vào đường Vành đai 2, dẫn ra xa lộ Hà Nội.
Đánh giá việc cảng Phú Hữu phải bỏ hoang hơn 2 năm qua do không có đường dẫn, ông Nguyễn Tấn Tuyến, phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND thành phố cho rằng đây là một sự lãng phí vì không đồng bộ giữa xây dựng cảng với hệ thống đường giao thông. Như vậy, trong lúc đợi cho đến khi các đường nối vào cảng hoàn thành, cảng quốc tế Phú Hữu sẽ tiếp tục chịu cảnh nằm phơi nắng để chờ đường.
Hữu Công

Cảng gần 400 tỷ đồng vừa khánh thành đã 'ế'

Với số vốn gần 400 tỷ đồng, cảng Phú Định (quận 8, TP HCM) được đưa vào hoạt động giai đoạn một vào cuối tháng 9. Tuy nhiên đường vận chuyển gặp trở ngại và bị nhiều bến "cóc" cạnh tranh. 

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2001, Cảng Phú Định là một dự án trọng điểm được xây dựng từ tại ngã ba sông Cần Giuộc, sông Chợ Đệm (Bến Lức, Long An) và kênh Đôi (phường 16, quận 8, TP HCM).

Với kinh phí xây dựng gần 400 tỷ đồng phần lớn là từ nguồn vốn ngân sách, ngày 27/9 cảng sông Phú Định được đưa vào hoạt động giai đoạn 1. Hiện cảng Phú Định đưa vào khai thác diện tích 10 ha với 11 cầu cảng, có thể tiếp nhận tàu 500 tấn, sà lan 1.000 tấn.

Cầu cảng đề ghe thuyền cập bến cảng sông Phú Định. Ảnh: Hữu Công.
Dự kiến, cảng sau khi đưa vào hoạt động sẽ thu hút tàu, thuyền từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ cập bến để vận chuyển hàng hóa vào TP HCM. Tuy nhiên, theo ghi nhận của VnExpress.net, sau ngày khánh thành với nhiều cờ hoa và băng rôn, cảng Phú Định đang rơi vào khung cảnh khá đìu hiu vì vắng khách.
Chủ một chiếc thuyền đang neo đậu trong bến cho biết ngoài chuyện phải mất một khoản tiền đóng phí khi cho thuyền neo đậu ở cảng, thì các tuyến sông dẫn vào khu vực cảng quá hẹp, nước cạn nên các tàu lớn không thể ra vào để neo đậu được.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang, Giám đốc công ty TNHH Phú Quang cho biết, nhiều doanh nghiệp rất phấn khởi vì có dự án xây dựng cảng, với năng suất lớn nhiều tàu bè có thể dễ dang cập bến. Nhưng hiện đường Hồ Học Lãm bị cấm xe tải trên 2,5 tấn lưu thông vào ban ngày, thêm nữa mặt đường khá nhỏ hẹp lại đang bị xuống cấp, hư hỏng khiến xe tải gặp khó khăn để vào cảng chở hàng, chỉ có thể vào lấy hàng ban đêm.
Trao đổi với VnExpress.net, Ông Trần Hoà Lan, Giám đốc công ty cảng sông TP HCM, thừa nhận chuyện cảng đang ế ẩm là có thật và chuyện này không chỉ sau ngày khánh thành mà Ban điều hành cảng sông đã nhận thấy ngay từ những ngày đầu mới mở cửa cảng cho ghe thuyền ra vào.
Cảng Phú Định mới đưa vào hoạt động nhưng rất ít ghe thuyền ra vào vì bị nhiều bến "cóc" cạnh tranh. Ảnh: Hữu Công.
Theo ông Lan, sở dĩ tàu cập cảng còn chưa nhiều và không có tàu lớn vì vướng một số khó khăn trước mắt. Chẳng hạn như tuyến đường bộ từ cảng vào trung tâm thành phố đang bị hạn chế lưu thông, cụ thể là đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ quốc lộ 1A đến Hồ Ngọc Lãm) cấm xe tải từ 6 đến 21h mỗi ngày. Vì vậy, người ta chỉ đến được cảng để lấy hàng vào ban đêm nên cảng chưa thể phát huy được hiệu quả.
Ngoài ra, trên tuyến sông này còn rất nhiều bến “cóc” không đủ tiêu chuẩn, được làm bằng các cây dừa, cừ không đảm bảo an toàn vẫn đang hoạt động. Ngay trong dịp tết vừa qua, theo chỉ đạo của UBND TP HCM, cảng sông Phú Định đã mở rộng cửa, sẵn sàng đón tàu, ghe ra vào, đặc biệt là những tàu ghe chở hàng phục vụ tết, song hầu như không có tàu ghe nào vào mặc dù cảng nằm ở vị trí khá đắc địa, đối diện chợ đầu mối Bình Điền. Nguyên nhân chính là do các bến “cóc” hút hết ghe thuyền.
Cũng theo ông Lan, dọc đường Trần Văn Kiểu, Đại lộ Đông Tây vẫn còn tồn tại nhiều kho bóc xếp hàng của tư nhân vẫn đang hoạt động cũng góp phần làm giảm lượng ghe thuyền vào cảng.
“Chúng tôi đã có văn bản gửi lên UBND TP HCM, Sở Giao thông vận tải TP HCM đề nghị dẹp những bến cóc này. Riêng việc mở rộng các nhánh sông, nạo vét lòng sông chúng tôi cũng kiến nghị nhiều lần”, ông Lan cho hay.
Mất hơn 10 năm đầu tư xây dựng để có được 1 cảng sông Phú Định với năng lực bốc xếp trên 2,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, đúng theo quy hoạch của thành phố và cảng đang bắt đầu khai thác năng lực đầu tư giai đoạn 1 để đáp ứng hàng hóa lưu thông từ miền tây lên TP HCM và vùng trọng điểm phía nam. Tuy nhiên, một trục đường để vận chuyển hàng hóa ra vào cảng với trọng tải bị hạn chế và chưa được nâng cấp như hiện nay, cộng với các nhánh sông nhỏ hẹp và quá cạn khiến tàu bè khó khăn ra vào cho thấy thiếu sự đồng bộ trong đầu tư cảng sông Phú Định ngay từ đầu.
Hữu Công