mercredi 15 août 2012

ĐIỀU GÌ ĐANG XẨY RA VỚI NGÀNH ĐIỆN LỰC CỦA VIỆT NAM?

 
 
Lê Anh Hùng
Hà Nội, 14/8/2012

Giữa lúc tình hình Biển Đông đang ngày một nóng lên và không ai dám loại trừ khả năng một cuộc chiến sẽ xẩy ra trên vùng biển sôi động này[i], những ai quan tâm đến vận mệnh nước nhà hẳn không khỏi giật mình trước thông tin EVN vẫn thản nhiên bỏ ra 50 tỷ VNĐ để thuê chuyên gia, nhà thầu Trung Quốc xử lý sự cố rò rỉ nước qua thân đập chính tại thủy điện Sông Tranh 2, bởi lẽ một khi chiến tranh đã nổ ra thì nó sẽ không còn bó hẹp trong phạm vi Biển Đông nữa. Ngoài vấn đề an ninh năng lượng, những người có trách nhiệm ở EVN dường như lại còn tin tưởng phó thác tính mạng của hàng chục ngàn người dân sinh sống ở vùng hạ lưu nhà máy thuỷ điện này vào tay “bạn vàng”, những kẻ vốn nổi (tai) tiếng về chất lượng công trình ở Việt Nam cũng như những mưu ma chước quỷ ngay cả trong những ngày tháng mặn nồng nhất của cái gọi là “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em”.
Điểm lại những diễn biến mấy năm gần đây, người ta dễ có cảm giác là ngành điện lực Việt Nam giống như một cô gái cuồng si, mê muội cứ một hai nhào vô vòng tay đầy lông lá của gã người yêu tráo trở và bất nhân họ Sở:
Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 8/8/2012 đưa tin: “Trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước kêu ca về việc Tập đoàn điện lực (EVN) không mua hết điện trong nước sản xuất thì lượng điện mua từ Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng và giá mua cũng tăng.”
Báo Tiền Phong ngày 26/7/2012 đăng bài “EVN thích mua điện Trung Quốc giá cao?”: Trong khi ra sức ép các nhà máy thủy điện, thậm chí họ phải chào giá 0 đồng để được chạy máy thì Tập đoàn Điện lực VN (EVN) lại vác tiền đi mua điện của Trung Quốc với giá cao gấp 2 đến 3 lần.
Báo Công An Nhân Dân ngày 5/5/2012 đăng bài “Mua điện Trung Quốc giá cao hơn trong nước 37%”: Tuy nhiên, vấn đề gây bức xúc trong toàn bộ câu chuyện này là ở chỗ trong khi các nhà máy chịu lỗ, chịu bị cắt giảm công suất vì thừa điện, thì ngược lại chúng ta vẫn phải bỏ ngoại tệ ra để mua điện Trung Quốc với giá cao. Theo các nhà máy phản ánh, trong năm 2011, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc mua điện của Trung Quốc với giá 6,08 cent, tương đương 1.268 đồng/KWh, cao hơn khoảng 37% với giá mua điện trong nước. Chưa kể trong đàm phán mua điện của họ, các điều kiện là hết sức ngặt nghèo, chúng ta bị ép đủ kiểu và luôn treo trên đầu khả năng bị phạt hợp đồng rất lớn.
Báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 14/3/2011 đăng bài “Giá mua điện Trung Quốc ngày càng đắt đỏ”, cho thấy cái sự đắt đỏ này không chỉ thể hiện ở giá cả: Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, Việt Nam cũng hứng chịu không ít những khó khăn khi phải phụ thuộc ít nhiều vào đối tác bán điện này. Đơn cử như tháng 3.2010, đúng lúc thuỷ điện miền Bắc sụt giảm trầm trọng thì công ty lưới điện Vân Nam, Trung Quốc lại tạm ngưng cấp điện đường dây 220kV Tân Kiều – Lào Cai và 110kV Hà Khẩu – Lào Cai. Lý do là... để thi công công trình… Trong khi đó, việc mua điện của Trung Quốc phải thực hiện theo hợp đồng thương mại rất chặt chẽ. Chỉ cần sử dụng tăng hay giảm sản lượng điện so với mức đăng ký trong hợp đồng, phía Việt Nam ngay lập tức sẽ bị phía Trung Quốc phạt.
Và đây là nguyên nhân cho thực trạng đáng phải đặt dấu hỏi nói trên: Tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2007 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho phép mua điện Trung Quốc để cung cấp cho lưới điện trong nước. Không dừng lại ở đó, đầu tháng 9/2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải còn giao cho EVN đàm phán để nhập khẩu điện dài hạn từ Trung Quốc; thậm chí, ngài PTT còn chỉ đạo EVN nghiên cứu tính khả thi của quy hoạch đấu nối lưới điện 500KV với Trung Quốc (!?).
Chuyện mua bán điện thành phẩm thì vậy, còn các dự án sản xuất điện thì cũng chẳng khác gì khi mà các nhà thầu Trung Quốc luôn được ưu ái quá mức một cách khó hiểu. Thời gian qua, có tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hoá chất của Việt Nam là do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Ngoài việc cung cấp thiết bị và tham gia xử lý sự cố rò rỉ nước qua thân đập chính của nhà máy thuỷ điện Sông Tranh 2, các nhà thầu Trung Quốc còn trúng thầu hàng loạt dự án thuỷ điện khác, vốn rất nhạy cảm về an ninh - quốc phòng. Các nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu tới 13 dự án nhiệt điện than dưới dạng EPC (chìa khóa trao tay), chiếm gần 30% công suất toàn ngành điện, trong khi họ lại luôn “nổi tiếng” về chất lượng công trình thấp kém và tình trạng chậm tiến độ triền miên: Nhà máy nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng; nhà máy nhiệt điện Nông Sơn chậm 20 tháng; nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn chậm 28 tháng; nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng, nhiệt điện Cẩm Phả 2 chậm 3 tháng; nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 chậm 18 tháng; nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2 chậm 24 tháng... (Báo Đại Đoàn Kết ngày 2/3/2012). Trong văn bản kiến nghị gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng CP và Chủ tịch QH ngày 15/9/2011, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chỉ rõ: “Kịch bản chung là các nhà thầu Trung Quốc luôn hứa cung cấp đủ vốn cho dự án, nhưng thực chất là thiếu công nghệ, thiết bị không đồng bộ, chưa nói chất lượng thiết bị của nước này không bằng thiết bị của các nước phát triển. Vì lẽ đó mới dẫn đến việc triển khai các dự án vừa chậm trong xây dựng và cả chậm trong quá trình hoàn chỉnh để đưa dự án vào vận hành.” Với các dự án mà nhà thầu Trung Quốc trúng thầu, họ đều tìm cách đưa ồ ạt người Trung Quốc sang làm, không thuê kỹ sư, công nhân của Việt Nam, không tạo công ăn việc làm cho các địa phương có dự án. Ngoài ra, các dự án điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện sau khi hoàn thành lại phụ thuộc vào công nghệ, thiết bị, vật liệu của Trung Quốc, thường là “chẳng giống ai”.
Thực tế trên đây khiến cho nền kinh tế Việt Nam thiệt hại đủ đường, cũng như tiềm ẩn những hệ luỵ khó lường về an ninh - quốc phòng cho đất nước.
Với tư cách là Bộ trưởng Công nghiệp (2002–2007) rồi Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành (từ năm 2007 đến nay), Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch Điện VI (theo Quyết định 1436/QĐ-TTg ngày 24/10/2007 của Thủ tướng CP) rồi Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia (theo Quyết định 2449/QĐ-TTg ngày 26/12/2011 của Thủ tướng CP) thì rõ ràng ngoài Thủ tướng, PTT Hoàng Trung Hải là người phải chịu trách nhiệm cao nhất về thực trạng nêu trên.[ii]


Gần đây, dư luận trong và ngoài nước đang xôn xao về việc ông Phạm Hiện, lão thành cách mạng, tố cáo PTT Hoàng Trung Hải khai man lý lịch, che dấu nguồn gốc Hán của mình. Phần lớn nội dung mà ông Phạm Hiện thể hiện trong đơn tố cáo của mình đều đã được nêu trong bức Tâm Huyết Thư đề ngày 7/5/2007 của một số cán bộ, đảng viên thuộc Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng các vị Bí thư Tỉnh/Thành uỷ, Bí thư Ban Cán sự Đảng các Bộ. Qua những gì đã trình bày ở trên, người ta có quyền đặt câu hỏi là phải chăng đấy chính là mấu chốt của vấn đề? Đây là câu hỏi mà ai cũng có thể dễ dàng tự trả lời qua phản ứng của nhà chức trách, nhất là khi đã có hai người công khai đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật là ông Nguyễn Bình Giang, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ, và ông Phạm Hiện, lão thành cách mạng.
Từ trước đến nay, những người gốc Hoa hầu như không có cơ hội mon men đến những vị trí cơ yếu trong bộ máy chính quyền, những vị trí lãnh đạo chủ chốt thì lại càng không bao giờ. Chính vì vậy, dư luận có quyền đặt vấn đề là nếu ông Hoàng Trung Hải đúng là người Hán và ông ta đã khai man lý lịch lý hòng dễ bề luồn sâu leo cao thì tại sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn bất chấp những hệ luỵ khôn lường cho sự an nguy của chế độ và trên hết là cho sự tồn vong của dân tộc (như những lời đề đạt ruột gan của các cán bộ, đảng viên thuộc Ban TCTW, Uỷ ban KTTW và Ban BVCTNB trong bức Tâm Huyết Thư kia) khi nhất quyết đặt ông Hoàng Trung Hải vào chiếc ghế quan trọng thứ hai trong Chính phủ (sau Thủ tướng)[iii] suốt hai khoá liền?



Ghi chú:

[i] Báo điện tử Phụ Nữ Today ngày 8/8/2012 đăng bài “Hơn  100 máy bay Trung Quốc nhằm Biển Đông thẳng tiến”; blog Phạm Viết Đào ngày 12/8/2012 đăng bài “Tin nóng: Máy bay, tên lửa Trung Quốc chuẩn bị ném bom, bắn phá Hà Nội”.
[ii] Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến hiện trạng đáng báo động của ngành điện lực của Việt Nam. Hy vọng là tác giả, với khả năng hạn hẹp của mình, sẽ còn có dịp bàn đến việc ngài Thủ tướng cùng cánh tay phải của ông là PTT Hoàng Trung Hải đã âm mưu đẩy nền kinh tế Việt Nam ngày càng rơi vào vòng thòng lọng của Trung Quốc, kéo theo rất nhiều hệ luỵ về chính trị - xã hội và an ninh - quốc phòng khác, như thế nào.
[iii] Theo Quyết định 1476/QĐ-TTg ngày 25/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì PTT Hoàng Trung Hải được giao những nhiệm vụ:
a)   Giúp Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác trong khối kinh tế ngành và phát triển sản xuất bao gồm: nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại - xuất nhập khẩu, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường.
-     Chỉ đạo bảo đảm năng lượng và tiết kiệm năng lượng.
-    Các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia và các dự án nhóm A có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
-    Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.
-    Phát triển các loại hình doanh nghiệp và kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
-    Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) và đầu tư ODA.
-    Công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.
b)   Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường.
c)  Làm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các Dự án trọng điểm về dầu khí; Trưởng Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm; Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; Chủ tịch Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo các lĩnh vực có liên quan.
d)   Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng.
Ngày 25/3/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 320/QĐ-TTg bổ nhiệm PTT Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư Xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội; ngày 12/9/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số 1250/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải, Trưởng ban là Phó TT Hoàng Trung Hải; ngày 4/5/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 580/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Điện Hạt nhân Ninh Thuận, Trưởng ban là PTT Hoàng Trung Hải; ngày 15/4/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 546/QĐ-TTg, bổ nhiệm PTT Hoàng Trung Hải làm Chủ tịch Uỷ ban An ninh Hàng không Dân dụng Quốc gia. Ngoài ra PTT Hoàng Trung Hải còn là Trưởng ban Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án Thuỷ điện Sơn La; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Xây dựng Nhà Quốc hội; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện VI, v.v.