dimanche 5 août 2012

Đảng và Nhà nước có thực sự muốn chống xâm lược không?

Đào Tiến Thi
 
Kể từ vụ Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam lần đầu tiên  trong năm nay (2012) – vụ Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam (23-6) cho đến vụ đang diễn ra bây giờ – vụ 23.000 tàu cá Trung Quốc đang tiến ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, ta thấy nhà nước ta phản ứng ra sao?
1. Sự kiện thứ nhất: Trung Quốc chào thầu quốc tế 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam
Ngày 23-6, sau khi Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam, thì ngày 26-6 Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị ra tuyên bố “Việt Nam cực lực phản đối”.
Ngày 27-6, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Đỗ Văn Hậu họp báo: “Petrovietnam khẳng định đây là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế”.
Tiếp theo còn có Hội Luật gia Việt Nam cũng ra tuyên bố phản đối với nội dung tương tự.
Sự phản đối qua Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao vốn vẫn không có gì mới, nhưng vẫn đạt thông lệ: mỗi khi Trung Quốc có hành động xâm lược mới thì nhà nước của chúng ta ít ra vẫn chiến đấu bằng… loa của Bộ Ngoại giao.
2. Sự kiện thứ hai: Trung Quốc đưa 30 tàu cá (trong đó có một tàu hải giám) ra Trường Sa đánh bắt cá
Ngày 12-7-2012, 30 tàu cá Trung Quốc kéo ra vùng biển Trường Sa.
Sự kiện này nghiêm trọng hơn sự kiện mời thầu. Việc mời thầu dẫu sao mới là xâm lược miệng, thành hiện thực cũng còn khó. Còn việc đưa 30 tàu cá ra Trường Sa đã là thực tế hiển nhiên. Mà chúng đánh bắt ở đó những 18 ngày!
Sự kiện này chỉ có Ủy ban Biên giới quốc gia (thuộc Bộ Ngoại giao) và Hội Nghề cá Việt Nam lên tiếng.
Phát ngôn của Ủy ban Biên giới Quốc gia theo tôi hiểu là một bậc thấp hơn của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao. “Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam là quan chức ngoại giao của chính quyền Việt Nam, được nhân danh Bộ Ngoại giao phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, phát ngôn quan điểm, lập trường chính thức của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về các vấn đề quốc tế” (Wikipedia)
Còn Ủy ban Biên giới quốc gia chỉ là một cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Ngoại giao. Chưa kể nội dung phản đối (13-7) của Ủy ban Biên giới quốc gia hết sức mềm mỏng – mềm mỏng đến độ không thể mềm mỏng hơn: “Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế”. Thật như một sự “xin – cho” trong cơ chế xin – cho ở Việt Nam.
3. Sự kiện thứ ba: Trung Quốc đưa 23.000 tàu cá ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt cá
Ngày 2-8, Trung Quốc tuyên bố đưa 23.000 tàu cá ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Sự kiện này đang diễn ra, chưa biết kết cục đến đâu, nhưng 23.000 tàu cá rõ ràng khủng khiếp hơn hẳn 30 tàu cá vừa rồi. Có lẽ chỉ riêng việc họ chiếm chỗ trên biển đã khiến ngư dân mình hết đường đánh bắt.
Ngày 3-8, Hội Nghề cá Việt Nam ra tuyên bố: “Đây là hành động xâm lược của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.
Về mặt chữ nghĩa thì tuyên bố này có mạnh hơn những lần trước – gọi thẳng là hành động xâm lược – nhưng Hội Nghề cá chỉ là một hội nghề nghiệp, giống như Hội Sinh vật cảnh, Hội Nuôi ong,.. chứ nó không chức năng của hệ thống hành chính – pháp lý nhà nước. Cho nên giá trị của nó còn kém cả phát ngôn của Ủy ban Biên giới Quốc gia và kém hơn nhiều lần. Cho nên sức nặng của nó rất ít. Đáng lo hơn trong tuyên bố này, Hội Nghề cá vẫn “kêu gọi hội viên, ngư dân cả nước yên tâm bám biển sản xuất”, trong khi không có một biện pháp nào bảo vệ ngư dân, nhất là dồn dập mấy ngày gần đây, tàu ngư dân Việt Nam liên tiếp bị tàu Trung Quốc đâm chìm hoặc bị chúng đập phá, bắt quay về.
Cho đến giờ này (cuối ngày 4-8) cũng mới chỉ có Hội Nghề cá Việt Nam lên tiếng.
Ngoài những phát ngôn trên, không có một tuyên bố nào của những người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam mà thông thường trong tình hình nghiêm trọng của bất cứ quốc gia nào cũng cần phải có.
Đáng chú ý là chính trong thời gian này diễn ra Đại hội Hội Hữu nghị Việt – Trung (10-7) và kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân GPND Trung Quốc (28-7). Sự kiện thứ nhất, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến dự. Sự kiện thứ hai, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đến dự với những phát biểu hết sức nồng nhiệt, trong đó khắc ghi tấm lòng “nhường cơm sẻ áo” của quân đội Trung Quốc.
Đáng chú ý nữa là chính quyền tiếp tục trù dập, phá hoại những người yêu nước, muốn bày tỏ quyết tâm chống xâm lược.
Cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc thứ nhất của năm nay (1-7) diễn ra sau vụ Trung Quốc mời thầu, chính quyền Hà Nội tạm để yên. Nhiều người cho rằng Đảng và Nhà nước tạm thời lợi dụng người biểu tình để gây sức ép với Trung Quốc. Nhưng có lẽ không phải, vì cùng ngày đó, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã đàn áp dã man. Cuộc biểu tình thứ hai (8-7) thì chính quyền Hà Nội cũng rắn tay hơn, còn chính quyền TP. Hồ Chí Minh thì đã bóp chết cuộc biểu tình từ trong trứng. Tiếp theo, chính quyền Hà Nội tuyên bố công khai việc trấn áp. Trong phát biểu tại phiên bế mạc HĐND Hà Nội chiều 13-7, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng những người đi biểu tình là do “bị các phần tử xấu, cơ hội lợi dụng xúi giục xuống đường, tụ tập biểu tình gây mất trật tự an ninh ở thủ đô” (theo VNExpess 13-7). Và ông Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu “Không để người dân bị xúi giục, tụ tập biểu tình”. Sau tuyên bố của ông Thảo, hàng loạt cơ quan truyền thông ở thủ đô vào cuộc vu cáo, thóa mạ người biểu tình chống xâm lược (An ninh thủ đô, Kinh tế và Đô thị,Hà Nội mới, Phát thanh và Truyền hình Hà Nội). Đến cuộc biểu tình thứ ba (22-7) và “thứ tư” (29-7, tưởng tượng chứ không có) thì chính quyền Hà Nội tìm cách chặn ác liệt từ nhà. Một nguồn tin (khá chính xác) cho biết các cuộc họp trước ngày 29-7, các cấp chính quyền quán triệt phường nào có người đi biểu tình, chủ tịch phường phải chịu kỷ luật!
Chỉ điểm qua 3 sự kiện trên cũng đủ thấy: Nhà cầm quyền Trung Cộng càng đẩy mạnh xâm lược thì Đảng và Nhà nước Việt Nam càng lùi bước, và song song với nó là càng trấn áp người yêu nước muốn chống xâm lược. Đó là một sự thực.
Nhân dân rất muốn việc chống xâm lược đã có “Đảng và Nhà nước lo” như Đảng và Nhà nước đã nói thông qua các ban bệ đi tuyên truyền và thông qua tiếng loa phát ra trong mỗi cuộc biểu tình. Nhưng sự thực đã không như mong muốn của người dân, không như lời hứa của Đảng và Nhà nước.
Bi kịch mất nước đã và đang diễn ra từng ngày và từng phần trên cơ thể Tổ quốc. Nguy cơ mất nước là hoàn toàn có thật. Đến lúc này nhân dân buộc phải hỏi: Đảng và Nhà nước có thực sự muốn chống xâm lược không?

Aucun commentaire: