Hiện trường bà Đặng Thị Kim Liêng tự thiêu
par Trinh Kim Kim, mercredi 1 août 2012, 15:03 ·
Con đường từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu dài gần 400km. Sau khi đi qua 61 cây cầu lớn, bé bắt qua sông, rạch, chúng tôi đã tìm được nhà bà Đặng Thị Kim Liêng – người phụ nữ đã tự thiêu trước Trụ sở Tỉnh uỷ Bạc Liêu sáng ngày 30/ 07/ 2012. Sự việc tự thiêu của bà không những gây chấn động dư luận thông tin trên mạng mà còn gây xôn xao ở nơi bà sống với nhiều thắc mắc truyền tai nhau về nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà.
Một bầu không khí ảm đạm, lạnh lẽo bao trùm lên căn nhà nhỏ. Chỉ có người nhà của bà Liêng và một vài người bạn thân thiết của bà lúc còn sống ngồi ở chiếc bàn tiếp khách nhỏ đặt bên góc nhà.
Chị Tạ Minh Tú –con gái của bà Liêng cho biết: “Từ hôm xảy ra sự việc, không có cơ quan đoàn thể nào của địa phương đến thăm hỏi, động viên hết. Chỉ có những người bạn thân quen và một vài người hàng xóm quanh đây đến chia sẻ thôi”.
“Cả Bạc Liêu này ai mà không biết chị Tần, chị tôi, mà khi biết chuyện gia đình thì nhiều người ngại cũng không muốn tới nữa”. Anh Tuấn tiếp lời.
Khi được chúng tôi hỏi nguyên nhân dẫn đến hành động tự thiêu của bà Liêng. Chị Tú nói: “ Bà bị uất ức dồn nén, bị o ép bất công không thể chịu nổi nữa”.
Chị Tú cho hay phần đất của gia đình chị ngay sát cạnh ngôi nhà đang sinh sống bị người hàng xóm liền kề lấn chiếm mất 3 tấc kéo dài 15m. Gia đình chị có đầy đủ bằng chứng để chứng minh phần đất đó thuộc quyền sở hữu của họ. Nhưng khi mẹ chị làm đơn khiếu nại và ròng rã suốt 6 tháng trời ngày nào cũng đạp xe lên Ủy ban Tỉnh để yêu cầu giải quyết, thì đều bị làm ngơ và trốn tránh. Thậm chí họ còn làm sổ đỏ bất hợp pháp phần đất đó của gia đình chị cho người hàng xóm kế bên.
Cũng theo chị Tú, bà Liêng uất ức vì phải chịu bất công, cộng thêm việc chị Tạ Phong Tần –con gái bà bị bắt giam từ năm 2011 không rõ lý do, tội danh mà gia đình không hề được biết, cũng như không nhận được bất cứ giấy tờ thông báo nào từ phía các cơ quan chức năng sau khi chị Tần bị bắt. Gia đình không được thăm nuôi, không biết chị bị bắt đưa đi đâu khiến bà bị phẫn uất. Họ chỉ được biết thông tin về vụ xử chị Tần vào ngày 07/08 sắp tới đây qua một số người bạn của chị đọc trên mạng Internet.
Theo chị Tú và anh Tuấn, bà Liêng tự thiêu để phản đối sự bất công đang diễn ra đối với gia đình bà, uất ức quá độ và hai việc trên chính là lý do khiến bà Liêng tự thiêu trước cổng Tỉnh ủy Bạc Liêu.
Sáng sớm ngày hôm sau, ngày 01/08, chúng tôi có mặt tại hiện trường nơi bà Liêng tự thiêu.
Trụ sở Tỉnh ủy Bạc Liêu nằm trên con đường Nguyễn Tất Thành, Bạc Liêu, nơi tập trung hầu hết các cơ quan hành chính và nhà khách tỉnh, được thiết kế theo kiểu dinh thự nổi bật.
Theo lời kể của chị T và một số người dân tập thể dục sớm tại đây thì được biết bà Liêng đến đây vào khoảng 5h30 sáng 30/07/2012 bằng chiếc xe đạp như mọi lần. Sau khi lấy mền quấn quanh người, bà chế dầu hỏa vào xung quanh và châm lửa đốt. Ngọn lửa bùng cháy dữ dội.
Quá hoảng hốt và bất ngờ trước hành động của bà, những người có mặt tại đó chỉ biết hô hoán lên, tìm nước để dập lửa. Nhanh chóng sau đó, rất nhiều công an phong tỏa khu vực nơi bà Liêng đang bốc cháy, đuổi người dân ra khỏi khu vực đó và cấm họ quay phim, chụp hình.
“Lúc đó bà tựa người vào hàng rào sau khi ngọn lửa đã bùng cháy, hai tay đưa lên và gào thét, nhìn hình ảnh bà lúc đó như một anh hùng!” anh C cho biết.
Chị H, bán sữa đậu nành đối diện cách đó 150m cho biết “ thấy lửa cháy bừng lên như nhọn đuốc, lúc đó thấy đông người xúm lại quanh ngọn lửa, nhìn cứ tưởng là bị cháy xe”.
Theo như những người chứng kiến, có lẽ bà Liêng quyết tâm tìm đến cái chết vì bà đã chuẩn bị kĩ trước khi tự thiêu, bà dùng dầu lửa mà không phải xăng. Chính vì thế, ngọn lửa bùng cháy và chỉ sau ít phút thì thân thể của bà bị cháy đen, không ai có thể nhận ra được nữa.
Họ chỉ biết bà Liêng tự thiêu chết nhưng nguyên nhân nào dồn ép đến mức người phụ nữ đó phải tự thiêu là một thắc mắc mà khó có thể được giải đáp đối với những người dân tại khu vực đó bởi cho đến giờ phút này chưa một tờ báo chính thống nào đăng tải thông tin về sự việc này.
01/08/2012
Paulo Thành Nguyễn - Trịnh Kim Tiến