“Làng” bán sức giữa Thủ đô
Rời xa quê hương, người dân từ các miền quê nghèo Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình lên Hà Nội kiếm sống, từ một người, hai người, dần thành những làng lao động giữa Thủ đô.
Ngôi nhà dựng tạm bợ của những người làm bê tông ở Hoàng Cầu. Ảnh: Trường Phong
Tha hương sau biến cố
Nhìn anh Sơn, chẳng ai bảo là dân lao động tự do ở Hà Nội. Nước da trắng, người nhỏ nhắn, anh giống với công chức hơn là người suốt ngày cắm mặt vào những gạch đá, bê tông, sắt thép. Anh Sơn quê Giao Thủy (Nam Định), lên Hà Nội từ vài năm trước, thuê trọ cùng một số họ hàng ở khu vực Phùng Khoang – nơi được mệnh danh là làng lao động tự do của Hà Nội. Cùng ở với anh Sơn có bốn người, là những thanh niên trai tráng. Vì quê nghèo khó, họ đành tha hương, kiếm ăn nơi đất khách. Đào móng nhà, kéo xe bò, đội bê tông…, ngày cũng như đêm, nghề gì họ cũng làm, miễn kiếm đồng tiền chân chính, gửi về cho gia đình ở quê.
“Treo lên thế này chứ không chuột cắn hết” – Vừa nói, anh Sơn vừa chỉ tay vào những túi treo lơ lửng giữa phòng. Đó là những quần áo rét, chăn mùa đông, đang lơ lửng. Căn phòng anh Sơn thuê nằm trong dãy nhà trọ ngay cạnh mấy chung cư ở khu vực Phùng Khoang. Bên kia hào nhoáng bao nhiêu, thì bên này bẩn thỉu bấy nhiêu.
Căn phòng ẩm thấp, rộng hơn chục mét vuông, là chỗ ăn, nghỉ, nấu nướng của năm người. Những thanh gỗ được tận dụng, ghép vào với nhau, chiếm gần hết diện tích căn phòng, vừa làm chỗ ngủ, vừa làm bàn ăn. Ngay phía trên, quần áo cũ treo la liệt. Phía góc nhà, một chiếc tủ giấy đã cũ cất quần áo. Phía đối diện là góc để bát đĩa, xoong chảo, nồi niêu. Mấy hôm nay, do kiếm được dự án đào móng công trình gần trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật, anh Sơn gọi thêm vợ, em gái và mấy người đồng hương ra làm cùng. Căn phòng vui hẳn lên vì đông người, lại có tiếng phụ nữ.
Để có được chỗ chui ra, vào, tránh mưa, nắng, hàng tháng, trung bình mỗi thành viên mất khoảng 400 – 500 nghìn đồng. Ngoài ra, họ còn phải lo tiền ăn uống, sinh hoạt, thuốc men mỗi khi đau ốm. “Nếu tiết kiệm, mỗi tháng cũng để được khoảng hơn triệu đồng, gửi về cho gia đình” – Anh Thông, một thành viên trong phòng chia sẻ.
Làm được vài hôm, chị Liên (em gái anh Sơn) không cẩn thận để bánh xe bò chèn vào chân, bị sai khớp, phải nghỉ ở nhà mấy ngày. Ngồi nhà, chị Liên lại lấy len ra đan, móc. Chị bảo, ở quê, nhà nào cũng làm nghề này, kể cả trẻ con. Nhìn đống hàng được treo trên tường, chị nói, cũng kiếm được chút ít. Chị kể, chưa thấy ai khổ như anh trai chị.
“Mấy năm trước, khi anh ấy còn ở nhà, bạn bè làm ăn, buôn bán kinh doanh nhờ vay tiền, vàng hộ. Thế rồi, làm ăn thua lỗ, người ta không trả được. Số tiền lãi ngày một nhiều lên. Chủ nợ không biết, ngày nào cũng đến đòi anh Sơn. Không có tiền trả, người ta đe dọa đánh đập”.
Một phòng trọ của những lao động tự do ở Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Trường Phong
Chị Liên bảo, số tiền anh Sơn vay nợ lên tới vài tỷ đồng. Giờ chỉ còn chờ đợi bạn bè nghĩ lại, mang tiền về trả, chứ cứ làm cu li, bốc vác thế này, cả đời cũng không đủ.
Cách vài con phố, ở đầu đường Phùng Khoang từ lâu đã tồn tại chợ người lao động. Tranh thủ những lúc nông nhàn, nhiều người từ những miền quê như Thái Bình, Nam Định lại rủ nhau lên Hà Nội tìm việc kiếm sống. Mỗi ngày, họ đứng ngay ngoài đường chờ việc. Việc gì họ cũng làm, từ hút bể phốt, đội bê tông… Để tiết kiệm, họ rủ nhau vào vườn cây trong làng Phùng Khoang thuê trọ. Mỗi chỗ như thế, hàng tháng cũng mất vài ba trăm nghìn tiền nhà, điện, nước.
Xóm bê tông
Từ lâu, khu vực xung quanh Hoàng Cầu – Đống Đa (Hà Nội) được mệnh danh là xóm bê tông. Đơn giản bởi hầu hết các lao động làm bê tông đều tập trung về đây ở trọ. Theo Phạm Văn Đồng, một nam thanh niên thuê trọ, làm nghề bê tông quanh khu vực này, có tới vài chục "đồng nghiệp" của cậu.
Đồng, dù còn ít tuổi, nhưng đã có tới hơn ba năm làm nghề này. Đồng bảo, ngày xưa, cậu mình lên đây làm nghề, sau đó thấy phát đạt, liền mua một máy trộn bê tông, kéo hai anh Đồng đi làm theo. Đến khi Đồng học xong cấp ba, hai anh đã có máy riêng, Đồng theo một anh lên Hà Nội "nối nghiệp".
“Lúc mới bắt đầu vào nghề khổ lắm. Da đầu bị sưng lên, vài ngày sau thì bóc vảy, rụng cả tóc. Cổ bị đau, cứng không quay được” – Đồng bảo. Tuy nhiên, sự đau đớn đó chỉ diễn ra một vài tuần đầu, rồi sau đó, da đầu dày lên, không còn bị sưng nữa.
Phạm Văn Đồng – thợ làm bê tông trong xóm bê tông Hoàng Cầu. Ảnh: Trường Phong
Đồng kể, mỗi khi có người gọi là phải đi, kể cả lúc nửa đêm. Thường, chủ đội gọi điện cho một vài người trong xóm, sau đó, những người này rủ thêm một vài người quen biết, ở gần nhà cùng đi. Trung bình, mỗi bao xi măng cho vào máy, thì liền sau đó phải đổ bốn thúng cát, bốn thúng đá theo cùng cho đúng tỷ lệ. “Nếu không có nhiều người, một người phải đổ xi măng vào máy, sau đó, tự xúc cát, đá, đổ vào. Một ngày, có khi đội tới vài trăm thúng là thường”.
Làm vất vả là thế, tuy nhiên, Đồng tiết lộ, nếu đi làm, mỗi ngày cũng chỉ kiếm được khoảng 70 – 100 nghìn đồng. Số tiền này, mỗi tháng, Đồng đều đưa hết cho gia đình, chi tiêu cho cuộc sống. “Làm thế này chưa là gì đâu, còn nghề vất vả hơn nhiều” – Đồng kể. Theo lời Đồng, nghề gánh bê tông, nghề đội phế thải ban đêm mới khổ. “Những người này thường trọ và đứng ở chỗ đường Bạch Đằng (Chương Dương, Hà Nội) chờ việc hàng đêm” – Đồng nói.
Theo Trường Phong
Tiền phong