vendredi 21 octobre 2011

Mở cửa thị trường nhưng không muốn cạnh tranh


Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011-10-19
Mở cửa thị trường kinh doanh xuất khẩu gạo từ 2011 theo cam kết với WTO, Việt Nam thích ứng bằng nghị định 109 để sắp xếp sân chơi trước đợt đổ bộ của doanh nhân nước ngoài.

Photononstop
Khu bán gạo chợ Bến Thành- TPHCM

Cùng một sân chơi

Nghị định 109 của chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo được cho là để loại bỏ bớt các doanh nghiệp không có thực lực. Những điều kiện chặt chẽ được đặt ra bao gồm việc doanh nghiệp phải có nguồn vốn lớn, kho chứa ít nhất 5 ngàn tấn và cơ sở xay xát công suất 10 tấn lúa/giờ.
Đối với các tập đoàn, công ty lương thực nước ngoài những điều kiện theo Nghị định 109 chỉ là những trở ngại nhỏ về yếu tố thời gian. Bước đầu họ thường liên doanh với một doanh nghiệp đủ điều kiện của Việt Nam. Một sự kiện đáng lưu ý về ưu thế tài chính của doanh nghiệp nước ngoài, họ có thể tiếp cận tín dụng với lãi suất từ 4% tới 5% trong khi doanh nghiệp Việt Nam phải vay vốn 16,5% thậm chí có thể cao hơn.
GSTS Võ Tòng Xuân, chuyên gia có bề dày nghiên cứu lúa gạo nửa thế kỷ, tán dương việc Việt Nam mở cửa thị trường lúa gạo theo cam kết với WTO. Từ đồng bằng sông Cửu Long GSTS Võ Tòng Xuân nhận định:
“Chắc chắn là tốt cho người nông dân, không để cho các công ty trong nước tiếp tục làm ăn nhếch nhác ăn xổi ở thì cũng như cung cách đối xử với người nông dân nữa. Họ sẽ phải làm ăn đàng hoàng như các công ty nước ngoài nếu không họ sẽ sạt nghiệp. Thành ra có sự cạnh tranh với công ty nước ngoài là điều rất tốt. Công ty nước ngoài họ có sẵn thị trường rồi, thành ra họ sẽ hợp đồng với nông dân sản xuất đúng loại họ cần mua để xuất khẩu, họ nắm vững diện tích và nông dân yên tâm hợp tác với họ.
Chắc chắn là tốt cho người nông dân, không để cho các công ty trong nước tiếp tục làm ăn nhếch nhác ăn xổi ở thì cũng như cung cách đối xử với người nông dân nữa.
GSTS Võ Tòng Xuân
Trong khi đó, mấy ông Việt Nam mình không biết thị trường ở đâu thành ra không dám làm hợp đồng là bao nhiêu héc-ta và cứ để thương lái mua mỗi khi họ cần, như thế không bao giờ có thể cạnh tranh với doanh nhân quốc tế vào đầu tư. Đây là một dịp rất tốt để cho doanh nghiệp Việt Nam thức tỉnh để họ phải làm ăn đàng hoàng như quốc tế.”
Cho tới giữa tháng mười, đã có 129 doanh nghiệp được phép kinh doanh xuất khẩu gạo trong số có 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng con số này chưa dừng lại vì còn một số doanh nghiệp khác vẫn xúc tiến nộp hồ sơ. Thông tin cho thấy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khá bất ngờ về số lượng doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trước đó VFA hy vọng rằng từ 264 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu gạo năm 2010 sẽ chỉ còn trên dưới 80 nhà xuất khẩu khi nghị định 109 chính thức có hiệu lực từ 1/10/2011 vừa qua. Theo giới chuyên gia, các thành viên Hiệp hội lương thực Việt Nam đã có sẵn kho chứa, nhà máy xay xát và tiếp tục phát triển thêm nên họ tin rằng sẽ loại bỏ được những doanh nghiệp nhỏ làm vướng chân khi họ phải cạnh tranh với đối thủ tới từ nước ngoài.
VnEconomy ngày 14/10 đưa tin VFA mong muốn việc cấp phép nên dừng lại ở con số 129, nếu không các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh để xuất khẩu sẽ làm tăng chi phí giảm lợi nhuận.
Đối với nông dân họ chỉ mong bán được lúa với giá cao nhất, tương tự như việc họ bán được hạt tiêu, khoai lang cho thương nhân nước ngoài với giá cao hơn hẳn. Một người trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
“Tôi làm ra một mặt hàng nếu có nhiều người mua thì người ta sẽ mua đúng giá thực, càng ít người mua thì càng bị ép giá đó là lẽ tất nhiên. Thí dụ tôi đang bán món hàng này, nếu có nhiều người mua họ sẽ tranh nhau mua, mua sát giá hơn, thực tế là như vậy. Việc chính phủ giảm bớt số lượng nhà thu mua thì đâu có lợi gì cho nông dân tụi tui.”  

 

Cạnh tranh lành mạnh

 

rfa-nongdan-250.jpg
Nụ cười lạc quan của người nông dân vùng ĐBSCL. RFA photo

Một số chuyên gia nói với chúng tôi, đã có qui định pháp luật thì cứ theo đó áp dụng không thể đặt vấn đề ngừng cấp phép. VFA một trong các tham mưu chính của chính phủ trong việc soạn thảo và ban hành Nghị định 109, từng nhiều lần đề cập tới tình trạng một số nhà xuất khẩu cơ hội nhảy vào trực tiếp ký hợp đồng xuất khẩu gạo, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, bán gạo giá thấp ảnh hưởng uy tín chung. 
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định là cần cải thiện chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam từ người trồng lúa cho tới việc thu mua, nhà máy xay xát và người nắm kênh phân phối xuất khẩu: 
“Có hai mặt của vấn đề, nhưng về dài hạn tôi nghĩ rằng cạnh tranh là một điều kiện tốt, bên cạnh đấy cách thức hỗ trợ của nhà nước như thế nào cho phù hợp với những cam kết quốc tế mà vẫn đảm bảo được sự phát triển về sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa gạo. Nhưng để người nông dân được hưởng lợi tốt hơn thì còn phụ thuộc nhiều vấn đề nữa chứ không đơn thuần là có thêm người tham gia thị trường.” 
Hiện nay đã có những chuyển động dù còn khá hạn chế để vừa giúp người nông dân có thêm lợi tức cũng như gia tăng phẩm chất hạt gạo Việt Nam. Đó là nỗ lực nhân rộng mô hình ‘cánh đồng mẫu lớn’ ở An Giang ra khắp đồng bằng sông Cửu Long.
Cánh đồng mẫu lớn là thể hiện ý tưởng xây dựng một cụm dịch vụ lúa gạo chung quanh cánh đồng lớn, nơi nông dân có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn để sản xuất một hoặc hai giống lúa theo hợp đồng của doanh nghiệp. Nông dân được ứng trước vật tư đầu vào và được hứa hẹn bán lúa với gía thỏa thuận trong khi giá thành hạt lúa giảm 1/3 so với sản xuất đơn lẻ.
Nhưng để người nông dân được hưởng lợi tốt hơn thì còn phụ thuộc nhiều vấn đề nữa chứ không đơn thuần là có thêm người tham gia thị trường. 
TS Võ Trí Thành
Ngoài ra còn có các dự án về mô hình công ty cổ phần nông nghiệp, ở mô hình này cũng có những ưu điểm tương tự như cánh đồng mẫu lớn, nhưng có sự khác biệt là qua mỗi vụ canh tác nông dân có thể đổi 1 phần lúa thu họach lấy cổ phần của doanh nghiệp và cùng làm chủ doanh nghiệp, nông dân được chia cổ tức vào cuối năm. Việc này mang ý nghĩa nông dân có thêm phần lợi nhuận từ việc tiêu thụ và xuất khẩu.   
Việt Nam đang giữ vị trí nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới, dự kiến kim ngạch năm 2011 sẽ vào khoảng từ 7,3 tới 7,5 triệu tấn gạo trị giá hơn 3 tỷ USD. Sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường lúa gạo Việt Nam càng giúp đẩy nhanh tiến trình nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo từ cây lúa cho tới nhà xuất khẩu. Nếu càng có nhiều doanh nghiệp hội đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 109 thì càng có lợi, bởi như vậy các doanh nghiệp đều đã phải đầu tư vào kho chứa, nhà máy xay xát và phải cật lực trong cạnh tranh.