5.000 học sinh hàng ngày đến trường bằng đò ngang
Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết, gần 5.000 học sinh trong tỉnh hiện phải vượt sông trên các tuyến đò ngang đến trường. Tình cảnh không mặc áo phao phải vượt sông giữa mùa mưa bão trên các chuyến đò ngang của các em học sinh khiến nhiều người nhớ đến chuyến đò định mệnh trên sông Gianh ngày 30 tết Kỷ Sửu đã nhấn chìm 42 người, trong đó có nhiều học sinh nhỏ tuổi.
|
Những “cỗ quan tài” trên nước
Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình vừa có công văn 846 gửi bộ Giao thông vận tải cho biết, tỉnh hiện có gần 5.000 học sinh đến trường bằng đò ngang, trong khi đó, theo một thống kê chưa chính thức của ngành giáo dục địa phương, có gần 10.000 học sinh qua sông bằng đò ngang, nhiều nơi có tình cảnh học sinh phải bơi trong mùa mưa để đến trường học.
Bến đò Trung Quán nối xã Hiền Ninh với Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, mỗi ngày đưa đón hàng trăm lượt học sinh qua lại và hàng trăm lượt người dân qua sông Kiến Giang. Chiếc đò chở khách được đăng kiểm chở không quá 12 người, nhưng chủ đò vào mỗi sáng sớm, chuyến nào cũng chở hơn 20 người, thậm chí có chuyến chở đến 50 người. Hầu như không một học sinh nào qua đò được phát áo phao để mặc, toàn bộ áo phao bị buộc vào sau đuôi đò để đối phó. Chủ đò tên Diện phân trần: “Học sinh không chịu mang áo phao, phát cũng chẳng nhận”. Tuy nhiên, một học sinh đi trên đò nói: “Chủ đò có đưa mô mà mặc”.
Ở bến đò Chợ Vang nối xã Văn Hoá với quốc lộ 12A, huyện Tuyên Hoá, mỗi ngày có đến hàng trăm khách qua lại, nhưng không hề có một ai được mặc áo phao. Đò chỉ thiết kế chở 15 người, tuy nhiên vào lúc cao điểm, đò chở đến 40 người. Giữa dòng sông Gianh, con đò như “chiếc quan tài nổi” trên nước, chông chênh và nhỏ bé. Tương tự, ở bến đò Sảo Phong tình hình cũng không kém hơn ở thượng nguồn sông Gianh, xã Phong Hoá, huyện Tuyên Hoá. Giữa trời mưa gió lạnh, các em học sinh chen giữa lòng thuyền chật hẹp, ôm nhau gồng mình trước gió rét nhưng không có áo phao, trong khi chủ đò vẫn cho vượt sông một cách liều lĩnh. Cô giáo Trần Thị Minh bên thôn Sảo Phong, mỗi ngày vẫn qua đò với học sinh nói: “Mơ một chiếc cầu nhưng e chẳng được, phận làng Sảo Phong thì vẫn mãi đi đò nguy hiểm”.
Chưa có vốn để xây 41 chiếc cầu Ngày 9.10, ông Phạm Quang Hải, giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh có 41 thôn bản, vùng cồn bãi… cần đầu tư 41 cây cầu mới giải quyết triệt để cảnh hàng ngàn học sinh đi học bằng các chuyến đò ngang nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, tuy nhiên, hiện nay, chưa có vốn để đầu tư xây dựng đồng loạt, mà phải xây dựng theo kế hoạch từng năm. Một cán bộ của sở này cho biết, theo nghị quyết 11 của Chính phủ đang thực thi, việc xây cầu cho 41 thôn bản, vùng cồn bãi đang gặp khó khăn vì không có vốn bố trí. |
Ước mơ chiếc cầu: hãy đợi đấy!
Thôn Trằm Mé nằm bên sông Son, học sinh muốn đi học phải vượt đò cách trở. Ngàn vạn đời nay, người làng cùng 125 học sinh đến trường phải qua đò trong cảnh nguy hiểm rình rập. Nhưng họ đang có hy vọng một ngày không xa, cả làng được bước trên những nhịp cầu vượt sông. Ông Nguyễn Văn Hoà, bí thư xã Sơn Trạch, nơi quản lý Trằm Mé gọi điện khoe: “Mừng rồi chú ơi, bao đời ni dân Trằm Mé mơ có cây cầu, chừ có rồi chú ơi. Tui mới ra Hà Nội, nhận tiền từ đại sứ quán Nhật Bản tài trợ đây, hơn hai tỉ đồng giúp dân Trằm Mé mần cầu treo. Chừng năm nữa là xong, dân đi vô tư, chừ trước mắt phải đi đò một năm nữa thôi.”
Trở lại Hà Pheo của Phú Định (Bố Trạch), cứ mưa xuống, nước ở suối Thầy Luyến lại lên, phụ huynh lên ruột với con nước rừng bên đông Trường Sơn. Ông Nguyễn Toản, sống bên chân núi nói: “Cái suối thì nhỏ, nhưng mùa mưa nó căng lòng đến hơn 200m, cả xóm sợ vô cùng. Cứ mưa đến là các cháu ướt mềm sách vở tới trường”.
Vượt núi rừng Trường Sơn, lên với Ka Oóc (Trọng Hoá, Minh Hoá), nơi 15 học sinh từng bơi vượt sông Rào để đi học, thuyền đã có, nhưng con nước quá dữ, trường tiểu học đành cho học sinh nghỉ học, sau đó học bù. Dự án xây cầu đang được địa phương xin bộ Giao thông vận tải, nhưng chiếc cầu lên đến 50 tỉ đồng, phải trải qua quy trình thẩm định, phê duyệt kéo dài thời gian. Các học sinh vượt sông Rào có đỡ hơn trước là bây giờ đã có thuyền, nhưng nước nguồn chảy ầm ầm, thuyền xoay vòng, các em học sinh vẫn khó qua sông tìm con chữ.
bài và ảnh:
Quốc Nam