vendredi 21 octobre 2011

Dư luận sau bài viết về sự kiện “Tu viện Bát Nhã”

Gia Minh, biên tập viên RFA
2011-10-17

Vụ Tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng với những tăng sinh tu tập theo pháp môn Làng Mai bị buộc phải rời khỏi nơi đó bằng một số hình thức trấn áp cách đây hai năm, mới được tờ Quân Đội Nhân Dân nhắc lại.

File photo
Công an chìm, côn đồ gây rối Tu Viện Bát Nhã hồi năm 2009.
 
 
Để rộng đường dư luận, chúng tôi trình bày một số điểm trong bài viết với ý kiến của một Phật tử theo sát tình hình từ đầu đến cuối. Bài do Gia Minh thực hiện.
Trong số ra ngày 11 tháng 10 vừa qua, trên mục Chính luận - Phòng chống diễn biến hòa bình, tác giả Kim Ngọc của báo Quân Đội Nhân dân có bài viết tựa đề ‘Không ai đàn áp những người theo pháp môn Làng Mai’.
Bài viết với 728 chữ, phân ra bốn đọan cho biết vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 này trên một số trang mạng ở nước ngoài lại có những thông tin mà theo tác giả Kim Ngọc là sai lệch đối với vụ việc Bát Nhã ở Lâm Đồng cách đây hai năm. Theo nguyên văn mà tác giả Kim Ngọc dùng ‘việc tụ tập của một số người theo pháp môn Làng Mai tại Tu Viện Bát Nhã’.
Cho nên mọi cái họ (tờ QĐND) đưa ra đều sai sự thật hết. Nhưng mà bây giờ họ( cười )cái việc họ làm thì họ cứ làm thôi.
Một Phật Tử
Trong thời gian xảy ra vụ Tu Viện Bát Nhã hồi năm 2009, trong khi truyền thông chính thống tại Việt Nam không đưa hay đưa rất hạn chế và phiến diện, nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài loan tin khá nhiều về những diễn biến xoay quanh việc cô lập Tu viện Bát Nhã, rồi sử dụng các thành phần ‘dân chúng tự phát’ cũng như lực lượng công an - an ninh địa phương sách nhiễu và dùng biện pháp bạo lực trục xuất những tăng sinh Làng Mai ra khỏi Tu viện Bát Nhã. Sau đó, những tăng sinh bị trục xuất khỏi Bát Nhã đuợc Chùa Phước Huệ trong khu vực cho tá túc, nhưng rồi tiếp tục bị truy đuổi. Một số cố nương nhờ tại một số chùa ở các tỉnh khác; thế nhưng cơ quan công an địa phương cũng đến làm áp lực không cho họ tiếp tục thực hiện ý nguyện muốn tu hành.
Bài viết của tác giả Kim Ngọc trên tờ Quân Đội Nhân Dân cho rằng vì Thiền sư Thích Nhất Hạnh và những người theo pháp môn Làng Mai ở Pháp đã bổ nhiệm phó trụ trì tu viện, tấn phong giáo phẩm hòa thượng cho một vị sư Việt Nam mà không thông qua vị trụ trì Tu viện và Giáo hội Phật giáo Việt Nam khiến mâu thuẩn nảy sinh. Do vậy vị trụ trì Tu viện Bát Nhã không bảo lãnh cho số tăng sinh Làng Mai nữa, yêu cầu họ rời khỏi đó. Nhưng các tăng sinh không nghe.

Sai sự thật

Một Phật tử theo sát vụ Tu viện Bát Nhã từ đầu, hiện còn sống ở Việt Nam nên không tiện nêu danh, cho biết về điều mà tác giả Kim Ngọc của tờ Quân Đội Nhân Dân vừa nêu ra:
Phật tử: "Cái đó thì nó sai hoàn toàn. Đó là cái công việc của Sư Ông (Thích Nhất Hạnh) về thì Su Ông chỉ bổ trong nội bộ thôi. Nội bộ là huynh đệ với nhau chớ không có tấn phong một ai hết. Trong tăng thân Làng Mai thì có một người là giáo thọ để chăm sóc huynh đệ thì Sư Ông về thì thầy Đức Nghi - thầy Đức Nghi được coi như là thầy của tất cả các đệ tử của Sư Ông Nhất Hạnh - thì Sư Ông mới cử thầy Giác Viên là một người phó của thầy Đức Nghi thôi.
034_971543-250.jpg
Sư Ông Thích Nhất Hạnh tại Paris, ảnh chụp năm 2009. AFP PHOTO.
Đó là công việc trong nội bộ thôi chớ còn không có vấn đề ngoại giao với Giáo Hội hay vấn đề ngoại giao đối với tất cả các hội đoàn ở ngoài. Đó là cách bố trí trong nội bộ để tu học, để chăm sóc đệ tử trong tu viện thôi, chớ ngoài ra không có một tấn phong hòa thượng hay tấn phong cho phó trụ trì gì hết. Cái đó thì lúc trước các bài báo, các bài viết cũng đã phân tích rất là rõ ràng công việc đó rồi, cho nên bây giờt thì cái chuyện đó (trên báo Quân Đội Nhân Dân) là nó sai hoàn toàn, sai sự thật." Đối với cáo buộc trên tờ Quân Đội Nhân Dân cho rằng các tăng sinh Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã ‘tự ý rời nơi cư trú về tụ tập tại Bát Nhã mà không báo cáo với chính quyền địa phương’, vi phạm qui định đăng ký tạm trú, tạm vắng’…, người Phật Tử hiểu rõ chuyện trình bày:
Ở các vùng quê, vùng hẻo lánh thì tất cả các GĐPT nếu mà không đăng ký theo cái sinh hoạt của Nhà nước thì sẽ bị trù dập, không cho sinh hoạt theo như GĐPT cũ.
Một Phật Tử
Phật tử: "Dạ không. Tất cả mọi người đên ở tại Tu Viện Bát Nhã đều được thầy Đức Nghi và trực tiếp thầy Đồng Hạnh, là đệ tử ruột của thầy Đức Nghi, là người có thường trú tại Tu Viện Bát Nhã, là chủ nhà đấy, chủ nhà của chùa Bát Nhã đấy, thì tất cả mọi người về đó đều được thấy Đồng Hạnh nắm danh sách và đăng ký tại công an xã Đam Ri hết. Và họ đã tồn tại ở đó hai ba năm trời vì tất cả mọi người đến đều được đăng ký hết, chớ không có ai mà không có đăng ký, nên danh sách đầy đủ hết. Các hồ sơ đó còn sẵn hết và những hồ sơ đó sau này có đưa lên mạng rồi mà, đều có đăng ký tạm trú tạm vắng ở xã Đam Ri. Cho nên mọi cái họ (tờ QĐND) đưa ra đều sai sự thật hết. Nhưng mà bây giờ họ (cười) cái việc họ làm thì họ cứ làm thôi."

Không có chuyện đàn áp?

Người Phật tử hiểu vụ việc Bát Nhã cũng phản bác lại điểm được tác giả Kim Ngọc của tờ QĐND nêu ra là người tu hành dưới 18 tuổi phải có người giám hộ và phải xin ý kiến của cha mẹ:
Phật tử: "Ở tại Việt Nam, tất cả các chùa – không kể ở Bát Nhã – mà các chùa của thầy Đức Nghi đó thì những em bé ba bốn tuổi, năm sáu tuổi là đều được đi tu hết, chứ không phải không phải là cần 18 tuổi gì hết, chứ không phải như ở Làng Mai chỉ nhận người lớn tuổi, vì Lang Mai không nhận những “điệu” nhỏ. Làng Mai chỉ nhận những người có trí thức rồi để vô đó học Phật, biết Phật để mà tu tập, tu tập xong rồi mới đi chuyển hóa và giúp đời được, còn những em nhỏ vô chùa thì không nhận được. Nhưng ngược lại thì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam bây giờ thì nhận tất cả mọi người, từ em bé cho tới tất cả mọi người, cho nên nó đi ngược Làng Mai là như vậy.
040_bkp261010o1TI5c-200.jpg
Sư Ông Thích Nhất Hạnh trong chuyến thăm Thái Lan cùng các môn sinh, ngày 25 tháng 10 năm 2010. AFP PHOTO.
Một người đi tu ở Làng Mai phải có sự chấp nhận của gia đình, của cha mẹ, và có nhiều bậc cha mẹ dẫn con tới tu viện để xin cho con đi tu nữa, chớ ngoài ra không có ai mà tự động đi vô mà không có phép của cha mẹ và anh em." Kết luận của tác giả Kim Ngọc, tờ QĐND, là không hề có chuyện đàn áp, gây sức ép đối với pháp môn Làng Mai hay các tăng ni, phật tử của tu viện Bát Nhã. Người Phật tử hiện sống tại Việt Nam cho biết tình hình thực tế về sự kiểm soát của nhà nước đối với sinh hoạt của Phật giáo như sau:
Phật tử: "Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của nhà nước Việt Nam, thì những chùa nào mà nằm dưới sự kiểm soát và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước thì được sinh hoạt tự do (cười), còn ngược lại những chùa đang còn theo hướng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất – hiện tại vẫn còn những chùa như vậy – thì chưa được sinh hoạt tự do đâu, cũng còn bị theo dõi, và đặc biệt là tất cả các Gia Đình Phật Tử đều phải đăng ký theo sinh hoạt của Phật tử của Nhà nước, còn nếu không đăng ký theo Phật tử của Nhà nước thì bị giải tán. Đặc biệt có một số nơi còn sinh hoạt được; nhưng ở các vùng quê, vùng hẻo lánh thì tất cả các GĐPT nếu mà không đăng ký theo cái sinh hoạt của Nhà nước thì sẽ bị trù dập, không cho sinh hoạt theo như GĐPT cũ, mà phải đăng ký sinh hoạt theo cái hướng mà Nhà nước chỉ đạo. Hiện tại Phật Giáo Việt Nam đang xảy ra như vậy."
Ngay sau khi xảy ra vụ Tu viện Bát Nhã, ngoài các cơ quan truyền thông nước ngoài lên tiếng, có hơn 400 trí thức, và người dân trong nước cũng như ngoài nước gửi thư kiến nghị đến chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào lúc đó, kêu gọi ông Triết khẩn thiếp can thiệp cho số phận của chừng 400 tu sĩ, tu sinh Phật giáo trẻ tuổi gặp nguy khốn tại tu viện Bát Nhã, xã Dambri, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Kíến nghị đó cũng như nhiều kiến nghị khác như kêu gọi ngưng khai thác bauxite ở Tây Nguyên, trả tự do cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trong thực tế không nhận được đáp ứng nào.