mardi 18 octobre 2011




 
MỘT CUỘC RƯỢT ĐUỔI NGOẠN MỤC Ở BỜ HỒ SÁNG HÔM QUA 16/10/2011 



Đôi lời giới thiệu Bạn tôi từ Hà Nội vừa gửi cho Giang Nam lãng tử bài tường thuật còn nóng hổi về một ngày Chủ nhật Hà Nội. Hai tiếng “chủ nhật” và “Bờ Hồ” nhiều tháng qua đã trở thành điểm chú ý ngược chiều nhau của hai loại người- hai tình cảm đối lập, khó “đồng thuận” được. GNLT Nhớ câu ca dao mới của blogger TS.Nguyễn Xuân Diện K...hông đi thì nhớ Bờ Hồ, Không đi, nhớ đến phát rồ! Lại đi. (1) Sáng qua chủ nhật 16/10/2011 tại Hồ Gươm, các biểu tình viên Hà Nội những người nghĩa khí được vinh dự thay mặt cho cả nước tham gia phần lớn 11 cuộc biểu tình phản đối lũ giặc Tàu đội lốt cộng sản đã có những hành động hung hăng, hỗn láo trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhớ nhau, gọi nhau, hẹn cùng nhau đi dạo quanh Bờ Hồ vào sáng chủ nhật. Họ đã nhắn cho nhau trước đó cùng lên gặp mặt rồi đi cà phê để giải những nỗi buồn sau những sự kiện hôm 21/08/2011 rồi hôm 17/09/2011, 25/09/2011 và cũng để xả stress trước những bức xúc về chủ quyền biển đảo của tổ quốc vẫn cứ bị lũ kia xâm phạm trắng trợn. Kết thúc chuyến đi thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trung Quốc, hai bên đã ra “thông cáo chung” xem ra có vẻ “hảo lớ”. Thì chính báo mạng The Global Times (Hoàn Cầu thời báo), bản tiếng Anh của tờ Nhân Dân Nhật Báo của lũ giặc Tàu mặc áo cộng sản nói rằng việc Việt Nam và Ấn Ðộ ký thỏa hiệp hợp tác song phương hợp tác về dầu khí và một số thỏa thuận khác: “khó biết đây là cái đầu xảo trá của Hà Nội hay là có sự bất đồng ý kiến giữa những người cầm đầu” chính quyền Hà Nội chúng ta. Chúng còn lớn tiếng quy kết “có động cơ chính trị rất mạnh đằng sau các dự án dò tìm dầu khí” nên chúng đòi “phải có các hành động cụ thể gồm cả những lời phản đối để làm cho những dự án đó thất bại”. Chúng ta còn nhớ cuối tháng Chín, tờ báo này còn láo xược đòi “đánh sớm” ViệtNam, nhằm “giết con gà để dọa bầy khỉ”. Rồi hai tàu cá của ngư dân ta bị tàu chiến “lạ” tấn công lúc tránh cơn bão số 4 ở đảo Trụ Cẩu tại Hoàng Sa- quần đảo đã thuộc chủ quyền Việt Nam từ hơn 300 năm trước. Tình hình đó khiến các biểu tình viên càng chồng chất căm thù với lũ mặt người dạ sói kia. Sự việc sáng qua thế nào mọi người chắc đã đọc trên nhiều blog, web. Có một việc diễn ra lúc 11 giờ sáng hôm qua chúng tôi chứng kiến từ đầu nhưng chưa được bà con đưa lên mạng. Vậy chúng tôi xin kể lại để hầu quý vị đồng bào. Mấy anh em sau khi kết thúc một vòng quanh Bờ Hồ và dừng ở phía đối diện đền Bà Kiệu ngay sát tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh thì xảy ra một câu chuyện ly kỳ có một không hai. Chúng tôi lúc đó định ra một nhà hàng cà phê gần đó uống và hàn huyên một lúc rồi chắc là sẽ giải tán. Bỗng phát hiện có một tên mặc thường phục giơ máy ảnh chụp trộm chúng tôi. Một anh bạn tôi trong nhóm đi đến bên tên này chất vất: “Này, thế nào, cậu chụp ảnh chúng tôi đấy à?”. Bị bắt quả tang hắn lúng túng đáp lại: “Không, cháu chụp phong cảnh?” Chúng tôi vặn lại: “Không cái gì? Cậu nhắm vào chúng tôi. Tôi nói cho cậu biết, cậu chụp ảnh chúng tôi mà không được phép, cậu có biết cậu đã vi phạm quyền nhân thân của người có hình ảnh không? (2) Cậu chụp ảnh phong cảnh hả? Cậu mở máy cho chúng tôi xem. Nếu cậu không mở chúng tôi mời cậu về cơ quan có trách nhiệm để giải quyết”. Tên này đuối lý định lủi sang bên kia đường phía tượng đài Quyết tử. Nhưng tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc Quyết sinh là một trong những biểu tượng về tinh thần yêu nước của người dân Thủ đô. Vong linh đồng bào và chiến sỹ chúng ta hy sinh trong 60 ngày đêm khói lửa của thủ đô năm 1946 đâu thể che chở cho những hành động hèn hạ của tên tay sai giặc Tàu này! Đường lúc đó đã quá đông đúc, giòng xe cộ đi lại một chiều đông và nhanh, nếu hắn liều mạng băng qua có thể bị xe ô tô cán. Hắn quay lại và chạy ngược về phía tượng đài Đức Vua Lý Thái Tổ nơi 11 cuộc biểu tình trong mùa hè và mùa thu vừa qua đều bắt đầu từ đó. Chúng tôi khẩn trương đuổi theo. Một vài người dân đi đường thấy chúng tôi đuổi hắn, không rõ ai đó đã hô to: “Bắt lấy nó! Cướp! Cướp! Cướp!” Điệu bộ lúng túng không đàng hoàng, trên vai lại đeo máy ảnh chạy càng làm cho người dân ở đó tin rằng tên này có thể vừa cướp chiếc máy ảnh bỏ chạy. Thế là xuất hiện hơn chục người nữa cùng lao vào cuộc rượt đuổi ly kỳ ngay giữa thanh thiên bạch nhật bên bờ Hồ Gươm. Thực lý thú, từ trước đến giờ phần nhiều là bọn chúng rượt đuổi đàn áp người biểu tình yêu nước thôi. Nhưng hôm nay những biểu tình viên yêu nước lại được rượt đuổi hắn- một tên lén lút chụp ảnh trộm anh em biểu tình. Thực ra hôm 21/08/2011 cũng đã xẩy ra việc một tên áo đen mang băng đỏ lúc đàn áp người biểu tình đã giật lá cờ tổ quốc ném xuống đất, tên này đã bị mấy cái ô phang vào người. Sự việc do tôi kể lại (3), sau này chị Phương Bích cũng kể trong ghi chép của mình (4). Một tên đồng bọn của tên này lúc đó cùng chạy thục mạng về phía trước, chạy cùng chiều. Tên này chưa tìm ra cách gì để giải cứu cho đồng bọn. Bỗng xuất hiện ngược chiều hắn, một thanh niên cao to đưa chân ra, lia chân ngáng đường. Cú ngáng làm tên này ngã sõng soài ra mặt đất. Cũng may đời cho hắn, không bị đập mặt xuống nền đường lát vỉa hè. Nếu không chẳng biết điều gì sẽ xẩy ra với hắn. Anh thanh niên nhanh tay giật quai máy ảnh làm cái máy đứt giây. Tên chụp trộm lồm cồm chộp lại máy ảnh, lao vào trốn trong toilet công cộng (nhà xí-cầu tiêu) ở phía ven bờ Hồ, đối diện với Sở Điện Lực. Tại đó vẫn còn rất nhiều tên đồng bọn của hắn. Một thằng to lớn chạy ra giả vờ hỏi chúng tôi: “Có chuyện gì thế các bác? Nó cướp gì của các bác mà các bác hô to thế?” Một anh trong chúng tôi trả lời: “Chúng tôi không hô cướp. Những người đi đường đã hô cướp. Nhưng nó đã cướp quyền tự do của chúng tôi. Chụp ảnh phải xin phép. Nó chụp ảnh để làm việc bậy bạ với chúng tôi. Chúng tôi muốn đưa nó về nơi có chính quyền để làm rõ hành động đó”. Lúc đó cậy đông người nên tên đó lẩn mất. Anh em biểu tình viên được một bữa hả hê sảng khoái, người nào cũng thở hổn hển (hóa ra chúng tôi đã chạy nước rút gần 200m). Sau đó chúng tôi khoảng hai chục người quay lại quán cà phê ngồi uống và trò chuyện. Lởn vởn vào quán có một hai tay mặc thường phục trà trộn vào mọi người. Nhưng bác Ức Trai một biểu tình viên rất tích cực khẳng định đó là một trong những tên đã theo dõi chị Minh Hằng. Một bác nói rất to cốt để hắn nghe tiếng: “Nếu họ là nhân viên công lực tôi sẽ nói cho họ biết, việc các anh ăn lương phải đi theo dõi chúng tôi chắc là việc cực chẳng đã. Ngày xưa các chiến sỹ cách mạng bị mật thám theo dõi đã gọi bọn ấy là lũ chó săn. Tôi chỉ muốn nói với các anh một điều: con người ta phải biết liêm sỉ. Hãy ghi chép và phản ánh đúng những gì các anh nhìn thấy. Đừng vu khống, chớ nói sai sự thật. Chúng tôi hành động trong sáng, chỉ có một mục tiêu duy nhất là thể hiện lòng yêu nước chứ không làm điều bậy bạ mà các anh thường quen thói vu khống là “cách mạng màu” hay cách mạng hoa lá gì đó”. Để kết thúc câu chuyện hầu quý vị đồng bào, tôi xin các bạn lưu ý một điều. Bọn lén lút chụp ảnh có thể sử dụng hình ảnh của chúng ta để làm các điều phi pháp như: vu cáo, tống tiền. Sự việc trên tôi vừa kể lại có thể là một gợi ý để trị lại lũ lén lút hèn hạ kia. (1) Không đi thì nhớ Bờ Hồ… http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/09/khong-i-thi-nho-bo-ho.html (2) BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005 Chương III CÁ NHÂN Mục 2 QUYỀN NHÂN THÂN Ðiều 31. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh 1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. 2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. 3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. (3) Bước chân vào chốn ngục tù http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/09/phuong-bich-buoc-chan-vao-chon-nguc-tu_05.html (4) Bạn tôi đi biểu tình phản đối TQ ở Hà Nội lần thứ 11