2011-08-17
Vào thứ Năm 18 tháng 8, tòa án tại Việt Nam sẽ mở phiên xử phúc thẩm đối với bốn người mà tòa sơ thẩm hôm 30 tháng 5 đã tuyên án tù về tội ‘âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ luật hình sự.
Khiếu kiện đất đai
Thông tin cho biết bốn người sẽ ra trước phiên phúc thẩm vào ngày mai 18 tháng 8 là bà Trần Thị Thúy, ông Phạm Văn Thông, ông Cao Văn Tình và mục sư Dương Kim Khải, người phụ trách giáo hội Mennonite tại quận Bình Thạnh bên sông Sài Gòn thường được biết đến với tên gọi ‘Hội thánh chuồng bò’.Một thân nhân của bà Trần Thị Thúy vào lúc 11:15 sáng này 17 tháng 8 cho biết về việc nhận giấy mời tham dự phiên xử như sau:
"Họ mới đưa giấy mời nhưng không hiểu sao lại mời ở thành phố Hồ Chí Minh. Nghe nói xử ở Bến Tre mà sao giấy mời ở thành phố. Họ mời gia đình thôi. Lần trước tôi và ba người em của Trần Thị Thúy đi dự nhưng không được cho vào. Lần này tôi cũng sợ không được cho vào."
Lúc đó Luật sư bào chữa nói Thúy không có tội gì hết. Luật sư nói Thúy đi khiếu kiện đất đai thôi, còn nếu như ‘phản quốc, phản động’ mà trong tay không có vũ khí gì thì sao khép tội phản động được. Đến bây giờ người ta không cho luật sư đó vào bào chữa nữa.
Thân nhân bà Trần T. Thúy
Trong phiên sơ thẩm bà Trần Thị Thúy bị tuyên án 8 năm tù giam và năm năm quản chế, ông Phạm Văn Thông 7 năm tù giam, 5 năm quản chế, mục sư Dương Kim Khải 6 năm tù giam và 5 năm quản chế, ông Cao Văn Tình, 5 năm tù giam và năm năm quản chế.
Họ phải chịu những bản án như vừa nêu vì bị tòa sơ thẩm tỉnh Bến Tre buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Tuy nhiên theo gia đình của những người bị bắt và kết án như gia đình bà Trần Thị Thúy thì bản thân họ bị thu hồi đất đai một cách bất công, khiếu kiện không được giải quyết, trái lại còn bị trấn áp, đánh đập nhiều lần.
Bản thân bà Trần Thị Thúy đã giúp đỡ cho những người khiếu kiện đất đai gặp oan trái khác cùng làm đơn đến các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương.
Thân nhân bà Trần thị Thúy, trình bày quan điểm của gia đình về họat động của bà Thúy cũng như biện luận của luật sư tại phiên sơ thẩm như sau:
"Tôi thấy nó cũng vì ‘ba cái vụ’ khiếu kiện đất đai chứ không có gì. Lúc đó nghe luật sư bào chữa Thúy không có tội gì hết. Luật sư nói Thúy đi khiếu kiện đất đai thôi, còn nếu như ‘phản quốc, phản động’ mà trong tay không có vũ khí gì thì sao khép tội phản động được. Bây giờ người ta không cho luật sư đó vào bào chữa nữa."
Mục sư Dương Kim Khải, ông Phạm Văn Thông, ông Cao Văn Tình cũng là những người từng gặp nhiều oan sai đối với bản thân và gia đình. Có thể nói vì cùng cảnh ngộ nên họ dễ dàng thông cảm, chia xẻ với nhau trong hòan cảnh khó khăn cuộc sống vật chất cũng như tâm linh.
Từ chỗ khiếu kiện đòi hỏi quyền lợi về đất đai, tài sản riêng, họ đã ý thức về họat động đấu tranh bất bạo động cho những quyền lợi khác của con người, và cao hơn nữa họ biết thêm về tình hình lãnh hải Việt Nam bị Trung Quốc xâm lấn nên đã tham gia phát tán những tờ rơi tuyên bố hai quần đảo Hòang Sa và
Trường Sa là của Việt Nam.
Mục sư Dương Kim Khải và nhóm người ở Bến Tre sinh họat với ông bị bắt hồi ngày 10 tháng 8 năm 2010 một cách đồng thời và đột xuất.
Sau đó họ bị đưa ra xét xử vào ngày 30 tháng 5 năm nay, trong một phiên xử được nói công khai nhưng không mấy ai được tham dự.
Luật sư bào chữa bị kỷ luật
Ngay cả luật sư Hùynh Văn Đông, bào chữa cho hai người là Trần Thị Thúy và Phạm Văn Thông, tại tòa do nêu ra những vấn đề mà ông này cho là bất hợp lý như chuyện phát tán truyền đơn về Hòang Sa và Trường Sa của các thân chủ, đã bị tòa lôi ra ngòai và bêu rếu.Vào ngày 12 tháng 8 vừa qua, luật sư Hùynh Văn Đông bị đòan luật sư tỉnh Dak Lak kỷ luật xóa tên khỏi danh sách mà một trong những lý do là tòa án tỉnh Bến Tre gửi văn bản nói ông này vi phạm đạo đức luật
sư và có những phát biểu ‘vi phạm an ninh quốc gia’ sau phiên tòa khi trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngòai.
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, người hiện phụ trách Hội thánh Chuồng bò cho biết việc những người sẽ theo dõi phiên xử và dự đóan khả năng bị cản trở không cho tham dự:
Ngày mai theo dự kiến của tôi trong Hội thánh Chuồng bò sẽ có người đi, đương nhiên tôi không đi được.
Tin cho biết từ sau phiên sơ thẩm hôm ngày 30 tháng 5 cho đến nay, thân nhân của bốn tù nhân Trần Thị Thúy, Phạm Văn Thông, Cao Văn Tình và mục sư Dương Kim Khải đều chưa được thăm nuôi họ theo qui định của luật pháp Việt Nam.
^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^
Y án bà Trần Thị Thúy 8 năm tù giam
Gia Minh, biên tập viên RFA
2011-08-18
Hôm nay phiên phúc thẩm bốn người từ chỗ là dân oan khiếu kiện về đất đai trở thành hoạt động chính trị diễn ra tại Bến Tre.
Tòa phúc thẩm giữ nguyên bản ản nặng nhất là 8 năm tù giam đối với bà Trần Thị Thúy, và 7 năm đối với ông Phạm Văn Thông, ông Cao Văn Tỉnh giảm án nửa năm, và mục sư Dương Kim Khải được giảm một năm.
Từ dân oan thành tù chính trị
Tin cho biết phiên phúc thẩm xử bốn người gồm bà Trần Thị Thúy, ông Phạm Văn Thông, ông Cao Văn Tình và mục sư Dương Kim Khải, phụ trách hội thánh tin lành Mennonite ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn, từng được biết đến với tên gọi ‘Hội thánh Chuồng bò’ đã diễn ra từ 7:30 sáng nay tại tòa án tỉnh Bến Tre. Đây cũng là nơi từng diễn ra phiên sơ thẩm đối với bốn người vừa nói và ba người khác hồi ngày 30 tháng 5 vừa rồi về tội bị buộc là ‘âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ luật hình sự Việt Nam.
Ông Trần Đình Kỷ, một chấp sự thuộc Hội Thánh Chuồng Bò cho biết đã về Bến Tre từ tối hôm trước để vào sáng nay có thể đến theo dõi phiên xử nhưng bị gây cản trở như trình bày của ông vào lúc 7:15 sáng ngày 18 tháng 8:
"Họ canh chừng nghiêm nhặt. Đợt trước tôi có đi nên đợt này xuống họ biết mặt, họ ‘kè’ và làm áp lực đuổi tôi về. Có mấy chiếc xe kè theo sau họ không cho tôi quay lại. Đứng ngay đó để nhìn cũng không cho."
Thông tin cho biết trong phiên xử lần này thân nhân của bốn người vừa nói được cho vào trong khu vực tòa và dự khán qua loa phóng thanh.
Sau khi phiên xử kết thúc, chúng tôi liên lạc với một trong những thân nhân của bốn người vừa nói là bà Cao thị Sâm, chị của ông Cao Văn Tỉnh và được cho biết một số thông tin liên quan như sau:
"Phiên xử kết thúc rồi mà không giảm án được nhiều cho Cao Văn Tỉnh, xuống 5-6 tháng thôi. Những người khác thì bà Thúy và ông Khải năm năm...
Mình chỉ ngồi tại một nhà khách bên ngoài để nghe thôi. Không có truyền hình. Luật sư bào chữa nhưng thấy giảm cho Tỉnh chưa được một năm. Tỉnh chỉ đi theo chị Thúy mà kêu án 5 năm, đợt này chỉ giảm sáu tháng. Theo tôi cho án treo cũng được. Những người đó vô tội, chỉ ‘lầm lỡ’ một lần, nay ‘ăn năn’ mà giữ nguyên mức án. Trước tòa các bị cáo nói đã thành thật khai báo hết rồi.
Tỉnh thì mẹ cha già rồi, con hai đứa vợ thôi. Chuyện đất đai gia đình có 100 công, mà Nhà nước lấy 50 công, rồi chỉ cho hợp đồng nên nó bất bình đi đòi. Nhà Nước lấy đất là Nông trường Cờ Đỏ, nay là Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ."
Hai luật sư tham gia bào chữa trong phiên xử phúc thẩm tại Bến Tre hôm nay có luật sư Nguyễn Quốc Đạt và luật sư Đoàn Thái Duyên Hải.
Tại phiên sơ thẩm luật sư Hùynh Văn Đông, tham gia bào chữa cho hai người là bà Trần Thị Thúy và ông Phạm Văn Thông bị hội đồng xét xử cho là có thái độ không tôn trọng họ, vi phạm đạo đức luật sư và cũng theo tòa án Bến Tre thì trong những trả lời các đài nước ngoài của luật sư Huỳnh Văn Đông sau phiên xử là ‘phương hại an ninh quốc gia. Với những lý do vừa nói, luật sư Huỳnh Văn Đông bị đoàn luật sư tỉnh Dak Lak nơi ông tham gia ra kỷ luật xóa tên vào ngày 12 tháng 3 vừa qua.
Trong phiên sơ thẩm bà Trần thị Thúy bị tuyên án nặng nhất là 8 năm tù giam, ông Phạm Văn Thông 7 năm tù, mục sư Dương Kim Khải 6 năm tù, ông Cao Văn Tỉnh 5 năm. Cả bốn người còn phải chịu năm năm quản chế. Ngòai ra ba bị cáo khác là Phạm Ngọc Hoa, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Chí Thành mỗi ngừời bị tòa sơ thẩm tuyên án hai năm tù giam và ba năm quản chế.
Nhóm bảy người vừa nói bị bắt hồi tháng 8 năm ngóai.
Trong ngày diễn ra phiên phúc thẩm bốn người vừa nêu tại Bến Tre, tổ chức Human Rights Watch ra thông cáo báo chí kêu gọi chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngay cho bốn người đấu tranh ôn hòa đòi quyền lợi về đất đai vừa nêu.
Human Rights Watch cho rằng qua việc hình sự hóa quyền tự do ngôn luận và quyền tự do hội họp qua một vụ án những người bất đồng chính kiến, chính quyền Việt Nam đã vi phạm cam kết khi phê chuẩn công ước Liên hiệp quốc về các quyền tự do dân sự và chính trị.