samedi 6 août 2011

Công Nhân - giai cấp lãnh đạo >> BẢY NĂM...tù nhân


Đỗ Thị Minh Hạnh
"Ít nhất, để mình được khóc cùng bà con”

1. Tôi có đứa em gái lấy chồng xa, hơn hai năm rồi chưa gặp lại. Thỉnh thoảng gọi về, em hay bảo, nhớ cái này, nhớ điều kia…lắm, thèm ăn món nọ, món kia…lắm. Tôi nói, tôi sẽ ngửi dùm em mùi hương đó, sẽ nhìn dùm em cảnh tỉnh đó và ăn dùm em món ăn mà em thích. Tôi cười, để em đừng khóc. Tôi biết em nhớ quê!

Hôn nhân của em là cuộc phiêu lưu, tôi vẫn nghĩ thế. Cách đây mấy mươi năm, nhà tôi có người vượt biên đi tìm bến bờ tự do ở xứ lạ. Nhiều năm sau ngày “thống nhất”, ba tôi lại muốn con mình “vượt biên” khỏi đất nước này, dù dưới hình thức khác. Ba nói, “ở đây không có tương lai”, em tôi đồng ý. Rất may, em cập bến an lành. Nhưng không phải ai cũng may mắn như em.

Tại sao nhỉ, khi người ta vẫn yêu mảnh đất này sâu đậm, lại muốn bỏ đi?

Tại sao nhỉ, khi biết bao người thân còn ở nơi này, lại muốn tìm đến một nơi không thân thích, với những người không có cùng lịch sử?

Tại sao nhỉ, khi ván bài họ đặt là 5 ăn 5 thua mà vẫn quyết chí rời đi? Hạnh phúc, tương lai, đâu phải là món hàng để đem ra đặt cược?

Câu trả lời là, cuộc sống bên kia không hẳn màu hồng, nhưng cố gắng vẽ vời, thì hẳn nó không thể có màu đen. Mà nếu đời mình có đen, thì đời con mình sẽ khá hơn, rồi biết đâu may ra, lại “cứu” được vài người thân ở quê nhà. Em đã nghĩ vậy, tôi thương em lắm!
^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^
* Ảnh: Đỗ Thị Minh Hạnh bị kết án 7 năm tù giam ngày 26/10/2010 tại Trà Vinh, vì dám đứng ra bảo vệ cho những người công nhân.

Hạnh sinh năm 1985, bố mẹ đều là cán bộ ở Di Linh – Lâm Đồng.

Đang học Cao Đẳng tại Sài Gòn, nghe tiếng khóc nức nở của những người dân oan, Hạnh tham gia đứng về phe nước mắt.

Hạnh bảo “Ít nhất, để mình được khóc cùng bà con”
^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^
2. Tôi chưa gặp Hạnh – Đỗ Thị Minh Hạnh - người con gái đang bị 7 năm tù giam, nhưng tôi mến phục Hạnh. Hạnh còn trẻ, còn nhiều con đường đỡ vất vả hơn để đi, thế nhưng em đã dũng cảm chọn con đường đấu tranh vì những người công nhân bị hà hiếp, vì những người dân bị mất đất oan uổng. Không phải ai cũng làm được như em.

Sài Gòn đang mưa. Nơi nhà giam đang giữ em có mưa không? Em có lạnh không? Có được ăn no không? Những tên quản ngục có đối xử tử tế với em không? Tôi biết, câu trả lời cho hầu hết những câu hỏi tương tự như vậy là KHÔNG. Em bị bắt giam vì sự tử tế của mình, có ở đâu như đất nước tôi không?

Tôi từng xem 1 bộ phim, trong đó có câu “chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người mà chăm lo riêng cho bộ da của mình”. Vậy thì súc vật có bộ da đẹp ở đất nước tôi nhiều lắm!

Ở nơi đây, muốn làm người tử tế thật khó!

7 năm, so với một đời người không hẳn là dài.

Nhưng, 7 năm ở trong ngục có lẽ lê thê lắm.

7 năm trong tù đối với người con gái mới độ tuổi vào xuân còn kinh khiếp hơn nữa.Tuổi thanh xuân qua đi, ai có thể trả lại cho em?

7 năm cho em, 7 năm cho Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ, 1 cái giá chung mà chính quyền đưa ra cho những ai muốn cất lên tiếng nói của chỉnh mình – của những người có lương tri.

3. Tôi tự hỏi mình đã sẵn sàng chưa? Bạn cũng hãy tự hỏi mình câu hỏi đó? Hãy khẳng định với nhau ngay từ đầu, con đường chúng ta đi là gian nan, là đối diện với những con người nắm trọn quyền lực trong tay mà không nói lý lẽ. Khẳng định với nhau thế, để cẩn thận hơn trong từng bước đi. Khẳng định với nhau thế, để một ngày nào đó không may, vẫn có thể ngẩng cao đầu như TS Cù Huy Hà Vũ, như em Đỗ Thị Minh Hạnh khi ra trước tòa, đối diện với những con vật có bộ da rất đẹp. Khẳng định với nhau thế, để vững tin mà đi. Và nếu một ngày, hàng triệu người dân Việt Nam chặc lưỡi nói với nhau “7 năm – không phải là cái giá đắt để có 1 tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu của mình!”, thì ngày đó, bọn súc vật có bộ da đẹp sẽ tìm về với rừng, trả lại cho chúng ta người mẹ Việt Nam đẹp dịu dàng, bao dung.

4. Giờ đây, có những con chim lựa chọn cho mình cách bay đi tìm nơi khác trú thân, cũng có những con chim ẩn mình chờ được cất cao giọng hót tuyệt vời của mình. Nhưng nơi đây là tổ ấm, hẳn là một ngày chúng ta sẽ thấy được ánh mặt trời của tự do, hạnh phúc thật sự. Tự do và hạnh phúc không phải là thứ có thể đem lừa mị nhau được.

BẢY NĂM – chúng ta hãy nhớ con số này!

Hãy nhớ những người đã dấn bước đi trước ta!

Hãy nhớ mục đích chung còn dang dở…

Đừng để những năm tháng của họ trôi qua trong tù một cách vô ích!

Đừng để tuổi xuân của em trôi qua vô ích!!!

Sa Mạc Hoa

TTXVA, 4/8/2011



HẠNH RẤT HAY VÀ KIÊN CƯỜNG QUÁ --> PHỎNG VẤN MẸ CỦA ANH THƯ NƯỚC VIỆT