Người Sáng Lập Trường Nam Sinh Mù Đầu Tiên tại Việt Nam - Phan Van Song
Ông Phan Văn Sương tốt nghiệp Khóa 5 Trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt năm 1951. Vào năm 1955, lúc mới 38 tuổi, đang mang lon đại úy, trong trận đánh tại Rạch Cái – Ðồng Tháp Mười, ông bị thương tàn phế một bàn tay và mù hai mắt. Thay vì trở thành một thương binh, ông Sương không đầu hàng số phận, vẫn cố gắng vươn lên để không những không trở thành một gánh nặng cho xã hội mà còn là một công dân hữu ích cho đất nước.
Sau khi bị thương ông được đưa sang Pháp chữa bệnh, hy vọng cứu được đôi mắt nhưng không thành công, ông học chữ Braille dành cho người mù rồi xin trở về Việt Nam vào năm 1959. Sau đó ông vận động chính phủ, các nhà mạnh thường quân, các bạn bè quen biết… để xây Trường Nam Sinh Mù đầu tiên tại Miền Nam và từ đó làm việc với tư cách là hiệu trưởng cho đến ngày mất nước. Mặc dầu bị mù, nhưng cũng giống như số phận của tất cả các quân nhân cán chính VNCH, ông vẫn bị đi tù cải tạo và qua đời tại Sài gòn năm 1983. Ngày Quân Lực 19 tháng 6 sắp đến, để ghi ơn những người đã đóng góp và hy sinh trong cuộc chiến vừa qua, chúng tôi phỏng vấn Tiến Sĩ Phan Văn Song, trưởng Nam của ông Phan Văn Sương, để tìm hiểu thêm về cuộc đời của người quân nhân đặc biệt này. Trong cuộc tâm đàm qua điện thoại với chúng tôi, ông Song có tâm sự rằng: “Mỗi khi nhớ về ba tôi, điều tôi nhớ nhất là lúc còn sống ông ấy luôn luôn nhắc nhở anh em chúng tôi: “Khi ĐƯỢC HƯỞNG TRÁCH NHIỆM, ta phải LÀM HẾT BỔN PHẬN”. Ðối với ông Sương, trách nhiệm không phải là một gánh nặng mà là một ân huệ, cho nên ta phải làm với tất cả tấm lòng”. Câu nói đó rất đáng để chúng ta suy ngẫm.
Phần I: Lịch sử Trường Nam Sinh Mù
Trước ngày 30 tháng Tư năm 1975, nếu bạn là dân Sài gòn, bạn đi từ Chợ An Ðông trên đường Nguyễn Duy Dương về hướng đường Minh Mạng, sẽ gặp đại lộ Trần Hoàng Quân. Ngay góc Ðại lộ Trần Hoàng Quân và Nguyễn Duy Dương, bạn sẽ gặp một trường học khang trang với bảng đề “Trường Nam Sinh Mù”. Huy hiệu Trường Nam Sinh là “Một ngọn lửa đã tỏa sáng trong một vòng tròn đen”. Huy hiệu tròn bao bọc bởi lá cờ vàng với ba sọc đỏ, và hàng chữ “Trường Nam Sinh Mù”.
Biểu tượng “Ánh sáng trong tăm tối”: Một trường học với một huy hiệu như vậy chứng tỏ vị chỉ huy có một suy nghĩ rất “sáng suốt”, và cũng rất quân đội. Huy hiệu ấy do Nữ sĩ Hoàng Hương Trang vẽ, Hoàng Hương Trang khá nổi tiếng vào những năm 1960, vừa là họa sĩ (tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Gia Ðịnh) vừa là một nhà thơ. Hoàng Hương Trang, tôi gọi là Dì Phương có họ với Mẹ tôi, cùng người gốc Huế.
Bước vào sân trường chúng ta sẽ gặp ngay một cột cờ rất quân đội và dãy lớp nằm sau một hành lang. Văn phòng Ông Hiệu trưởng nằm ở góc mặt. Ðẩy cửa phòng ông hiệu trưởng chúng ta sẽ gặp một sĩ quan, lúc nào cũng bận quân phục chỉnh tề, mang mắt kiếng đen, cổ áo đeo cấp bậc (từ đại úy năm 1960 đến trung tá năm 1975) trên ngực bên trái đầy những huy chương và bên ngực phải bảng tên “Sương”.
Trường Nam Sinh Mù trước đó thuộc một Chủng Viện Thiên Chúa Giáo La Mã, thuộc giòng Franciscain. Cơ sở được sử dụng một thời gian dài như một viện mồ côi do một vị cố đạo người Pháp cai quản. Khoảng năm 1959, vị tu sĩ ấy cảm thấy mỏi mệt, phải về Pháp nghỉ hưu trí, muốn giao cơ sở ấy lại cho người khác nhưng những tu sĩ Việt Nam không ai chịu đảm nhận.
Bộ Giáo Dục Việt Nam cũng không muốn nhận làm cơ sở giáo dục, một là vì không có một trường học nội trú, hai là không có chức năng giảng dạy trẻ em mù. Lúc đó Viện mồ côi này có hai chức năng: thứ nhất, tổ chức lo các trẻ em hoặc mồ côi, hoặc bụi đời do các cơ quan từ thiện gởi đến. Thứ hai, vì những trẻ mồ côi ấy có rất nhiều em bị mù. Các trẻ em mù ấy, một phần mồ côi, nhưng cũng có vài em thuộc diện bụi đời. Các em được sinh hoạt bằng cách học đan bàn chải, làm chổi, học nhạc… Các em sống nội trú trong trường, đan bàn chải, đan giỏ giúp Viện mồ côi có tiền và giúp các em có tí tiền túi tiêu vặt. Viện mồ côi có khách hàng đặt mối để các em sinh sống.
Năm 1959, Ðại Úy Phan Văn Sương vừa tốt nghiệp xong trường Trường Mù Quân Đội Pháp (École des Aveugles de guerre) ngụ tại số 9 rue Blanche, quận 9, Paris – Pháp. Sau khi tốt nghiệp, ông được đề nghị ở lại Paris để làm nghề giáo sư Mù cho các quân nhân Pháp đang bị thương ở mắt và bị mù (lúc ấy còn chiến tranh ở Algérie, nên quân đội Pháp vẫn còn có nhiều quân nhơn bị thương tật, nhứt là ở mắt).
Mặc dù được quân đội Pháp đài thọ chữa trị suốt ba năm qua, nhưng ông quyết định vẫn giữ mình là sĩ quan Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa và xin về nước; và nước Pháp cũng thông cảm, không đòi ông ở lại phục vụ để trả nợ (với cá nhân tôi cũng vậy, tôi nhận học bổng của nước Pháp từ năm 1954, trung học, rồi từ năm 1961, học bổng đại học đến 1964).
Năm 1971, tôi làm giấy xin về Việt Nam nước Pháp cũng không bao giờ buộc tôi phải trả nợ là phục vụ tại nước Pháp một thời gian nào – lạ thật!) Về nước ông định vay mượn tiền để mở một Trung tâm Khiếm Thị cho các trẻ em mù. Ðang lúc bối rối, chạy đi tìm Mạnh Thường Quân, thì nghe được chuyện của Viện Mồ côi nằm ở Ngã Sáu với một số em khiếm thị đang cần người điều hành. Lúc đó viện mồ côi này cũ kỹ lắm nếu muốn sử dụng cần phải sửa chữa rất nhiều.
Khi cha mẹ tôi học và chữa bệnh tại Pháp, ông bà có quen được với Linh Mục Bạch Văn Lộc, một vị tu sĩ giòng Chúa Cứu Thế (Cha Bạch Văn Lộc có thời gian làm viện trưởng Viện Ðại học Minh Ðức). Ở Dòng Chúa Cứu Thế có một ông tu sĩ người Pháp tên là Père Olivier, ông nầy biết chuyện ông cố đạo cai quản Viện mồ côi với các em khiếm thị. Thế là mọi việc bắt đầu chạy. Ông cụ chạy lên Bộ Giáo Dục, ông cụ chạy gặp Tổng Thống Diệm. Ông cụ vận động thế nào mà ông vẫn ở KBC 4002, vẫn ở quân đội với cấp bậc đại úy. Và ông được biệt phái vào bộ Quốc Gia Giáo Dục. Với các bạn bè trong quân đội, chuyện nhờ cái nầy, vả cái kia, qua lại là chuyện thường tình, nhưng đối với ông, chỉ đi có một chiều, ông không giúp ai được cả, chỉ có ông đi xin thôi. Và ông chạy chọt xin xỏ, đây xin một bao cát, nọ cho một bao xi măng, chỗ kia trăm viên gạch, bạn nọ tí hồ, bạn kia tí sơn, Quân Khu cho mượn anh thợ mộc, Tiểu Khu cho mượn anh thợ nề. Có anh bạn chỉ huy Công Binh cho một vài bao xi măng, cát, sỏi, lại có anh bạn chỉ huy Công Xưởng Hải Quân cho mượn anh thợ nề, anh thợ mộc; anh xếp nhà Tù Chí Hòa phái các tù đi lao động tới làm cỏ nhà Trường, anh xếp nhà Lao Quân Đội cho mượn vài lao công quét sạch lại sân trường… thế là Trường xây được cây trụ cờ, làm lại cái cổng, sơn lại cái tường, sửa lại cái mái… nay tu, mai bổ, rồi đẹp ra, rồi sạch sẽ lại. Chẳng mấy chốc Viện Mồ côi với những bức tường loang lở, với những mái nhà ủ dột, nay đâm khang trang và có bề sang trọng nữa.
Trường ốc nay khang trang, sơn quét sạch sẽ, giường các em nằm ngủ ở nội trú là các giường cũ quân đội bỏ ở Trung Tâm Quán Tre, bàn các em ăn là những bàn ăn Trường Thủ Ðức dư dả bỏ đi, đến bộ kèn, bộ trống, dàn âm nhạc các em học cũng được xin các nhạc cụ cũ của Ban Quân nhạc… Cũ người mới ta… nhưng tân trang, chà bóng, sơn sạch lại. Trường làm xong, căn nhà Bộ Quốc Gia cho ông hiệu trưởng cũng được ông cụ xin tài trợ rồi cũng nhờ Quân Đội cho mượn người cất lấy. Tiền cho để cất một căn phố, ông cất được một Villa khá rộng rãi sang trọng, nằm quay mặt ra đường Nguyễn Duy Dương, lấy số 151, trước Trường Trung học Trí Tri. Khang trang đẹp đẽ đấy, nhưng nếu ai nhìn vào chi tiết, thí dụ như căn villa của gia đình ở, không có cửa sổ nào giống cửa sổ nào, vì những khung cửa sổ xin các đơn vị khác nhau nên kích thước không giống nhau.
Tôi biết rõ vấn đề nầy vì những hè năm ấy 1960, 1961, tôi đưa ông cụ đi gặp những bạn bè hay các vị trách nhiêm Bộ Giáo dục hay Quân đội để hoàn tất cái chương trình Trường Nam Sinh Mù. Từ nhân viên đến máy móc đều được ông Cụ đi vận động tuyển dụng. Ðặc biệt ông không có hồ sơ cầm tay; tất cả trong trí nhớ của ông. Một ít văn hóa phẩm và dụng cụ giáo dục do ông đem từ Pháp về, phần còn lại ông xin Hội Sư Tử chi nhánh ở Sài gòn (Lions Club International). Hội này hoàn toàn ủng hộ và giúp đỡ ông cụ.
Lions Club International chuyên giúp đỡ người khiếm thị do ông Melvin Jones sáng lập năm 1917, trụ sở chánh đặt ở Oak Brook, tiểu bang Illinois Huê Kỳ, chính họ đã ủng hộ bà Helen Keller làm được rất nhiều việc cho người mù trên khắp thế giới (cuốn phim Miracle in Alabama – 1962 – do đạo diễn Arthur Penn với nữ tài tử Ann Bancroft trong vai chánh nói về cuộc đời bà Keller). Lions Club đã sáng kiến ra cây gậy trắng – biểu tượng của người khiếm thị.
Bà Keller một người mù, điếc và câm đã học tiếng Pháp trong vòng 6 tháng để qua Việt Nam gặp ông Cụ. Hai người đã “nói chuyện” với nhau phân nửa bằng tiếng Pháp phân nửa bằng tiếng Anh bằng cách gõ chữ Braille trên lòng bàn tay với nhau. Tôi được chứng kiến cuộc gặp gỡ lịch sử ấy (tháng 10 năm 1961 – một tháng trước khi tôi qua Pháp du học).
Vào tháng 11 năm 1961, Trường được khánh thành bởi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Ông Cụ được đặt dưới quyền Giám thị của hai bà Thanh Tra tiểu học là bà Tý và bà Mẹo. Bà Thanh Tra Tý là thân mẫu của anh Nguyễn Bá Nhẫn, người đã kéo tôi về làm việc với ông Nguyễn Tấn Ðời ở Tín Nghĩa Ngân Hàng vào năm 1972, và là anh hai bạn đồng môn của tôi ở trường Lycée Yersin, nay là giáo sư thạc sĩ (Professeur agrégé) Đại Học Dược Khoa Bordeaux Pháp, Nguyễn Bá Cang.
Trường Nam sinh Mù lúc đó đã có đủ các lớp tiểu học rồi, từ lớp vỡ lòng đến lớp Nhứt; có ban nhạc, có mọi lớp nhạc từ kèn đến trống, (tôi lúc ấy đi học trống với Anh Trường. Sau 1975 anh Trường có tổ chức một căn nhà để nuôi các em bụi đời kém may mắn. Anh Trường vừa mất cách đây mấy tháng. Cơ sở của Anh nay không biết ra sao?). Trường dĩ nhiên vẫn giữ lớp dạy đan bàn chải, làm chổi (vì có mối sẵn do Viện Mồ côi để lại); có thêm nhà in để in sách bằng chữ Braille. Tất cả mọi sách đều được chuyển sang chữ Braille để các em đọc. Chữ Braille do ông Louis Braille (1809 – 1852), là giáo sư âm nhạc chuyên dạy đàn Orgue (Ðại Phong cầm) nghĩ ra; Louis Braille bị bệnh trái rạ làm mù mắt lúc 3 tuổi, ông sáng tác ra một loại chữ viết với 6 chấm nổi, viết chữ, viết nhạc và là chữ viết cho cả thế giới của người khiếm thị.
Hội Sư Tử Việt Nam đỡ đầu Trường Nam Sinh Mù ngay từ đầu. Về sau khi tôi về lại Việt Nam sau thời gian du học tại Pháp, tôi vào hội viên Hội Sư Tử Miền Ðông năm 1971, năm ấy Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh là Governor của Khu Hội 311 (Việt Nam). Và ngày nay tôi vẫn là Hội viên Hội Sư Tử của Vùng Trung Tây nước Pháp, khu bộ 103 (103 CW).
Năm 1964, một nhóm giáo chức nữ được tuyển dụng và được huấn luyện để dạy trẻ em mù trong số đó có cô Liễu hiện đang sống tại Sydney. Trường Nữ Sinh Mù được thành lập từ lúc đó. Các giáo chức nữ được tổ chức USAID gởi qua Mỹ huấn luyện.
Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu sống còn để bảo vệ Tự Do và Nhân Sinh Quan sống của mình. Trường Nam Sinh Mù và chương trình giáo dục người khiếm thị là biểu tượng của Nhân Sinh Quan đó. Việt Nam Cộng Hoà trong lúc dầu sôi lửa bỏng đó, vẫn có những người quan tâm đến vận mệnh, tương lai của những thiểu số kém may mắn, vẫn có những chương trình, những suy nghĩ để đào tạo những người bị tật nguyền trở thành những công dân hữu ích cho xã hội. Một quan niệm, một cái nhìn đầy tình người, một nền chánh trị bằng con tim.
Ðây là chương trình của một chế độ: Nếu cha tôi Phan Văn Sương có công sáng lập Trường Nam Sinh Mù, cũng phải nhắc đến cái nhìn của một Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cho phép mở Trường Khiếm Thị, phải nhắc nhở đến bao người có trách nhiệm từ các quân nhân đảo chánh ông Diệm, đến ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, tất cả đều chấp nhận cho ông cụ tôi vẫn ở lại trong Quân Ðội – vì, trong tình hình chiến tranh một quân nhân như ông cụ mình dễ dàng đi lại hoạt động – một Bộ Giáo Dục với bao lần thay đổi Tổng bộ trưởng, thay đổi nhân sự hành chánh, vẫn ủng hộ chương trình người Mù. Tôi quên mất, ai là vị đã nói câu nầy: “Người ta đo lường được chế độ văn minh của một quốc gia khi người ta nhìn thấy chế độ đối đãi đối với các người tàn tật”. Chương trình thành công của Trường Mù thời Việt Nam Cộng Hòa là biểu tượng của sự văn minh của Việt Nam Cộng Hòa.
Các bạn thử nghĩ cái mâu thuẫn của Việt Nam Cộng Hòa. Nhìn qua ông cụ tôi: Ông mù, ông phải là một Thương Phế Binh, giải ngũ ăn lương đại úy tàn tật. Không, ông chẳng những không giải ngũ, ông còn lên cấp bậc, lên chậm, dĩ nhiên, thiếu tá rồi trung tá, bạn bè nói riêng với tôi: “Trước khi ổng về hưu tụi tao chạy cho Ổng lên đại tá” – quan niệm theo Pháp “Colonel Plein” – chữ Plein trong tiếng Pháp có nghĩa là tròn, hoặc là đầy tiếng anh là full – chữ trung tá (Lieutenent – Colonel) nó còn lỏn chỏn. Tôi cũng tự hứa ngày ông ngũ tuần (60 tuổi) [quý vị đừng sửa tôi – tôi nói ngũ tuần là 60 tuổi vì (12 = một tuần X 5 = 60) - chứ ai nói lục tuần là 60 là sai đấy], tức là vào tháng 6 năm 1977 anh em chúng tôi sẽ làm một cái lễ để trả nợ Ông già. Ðáng tiếc tôi không làm tròn được ước nguyện đó. Vào thời điểm tháng 6 năm 1977 ba anh em trai chúng tôi đều nằm trong các trại tù Cộng Sản.
Ông cụ được biệt phái làm việc cho Bộ Quốc Gia Giáo dục, ăn tiền phụ cấp hiệu trưởng, có chiếc xe Jeep Station Wagon, màu xanh lá cây, kiểu Nha Thông Tin, cũ mèm, nhưng nhờ anh em Quân Cụ thương, đổi cái máy mới, tân trang máy móc lại: xác tuy cũ nhưng máy chạy ngon ơ. Ông được Bộ Tham Mưu cho một anh lính phục vụ. Rồi anh em Quân Vận biệt phái cho một tài xế riêng, rồi xăng mỗi tháng một thùng phuy (400 lít), rồi Quân Tiếp Vụ… Ông già tỉnh táo làm việc. Việt Nam Cộng Hòa có cái ẩu, cái thiếu, cái gì nó kỳ kỳ nói ra không được, nhưng nó có cái tình, cái tâm, cái coi dzậy mà không phải dzậy.
Tính ông cụ thuộc loại “phổi bò”, có nghĩa là thích làm những việc khó khăn, nhiều thử thách mà người khác không thích làm. Má tui thường nói với tụi tui, “ba tụi bây lúc nào cũng phổi bò, hổng ai làm ổng làm, rồi chỉ có tao khổ”. Nhưng khi bả nói vậy, bả nói giọng Nam, rồi bả liếc ổng một cách dễ thương. Tôi nhớ mãi hình ảnh ấy và thương hai ông bà cụ vô cùng. Bà già tôi chỉ xổ giọng Huế ra khi bả giảng moral với tụi tui, còn bình thường hay lúc thân thương thì nói bằng giọng Nam. Có lẽ vì vậy mà tôi ngán đàn bà có giọng Huế, mặc dù nhiều khi mình cũng bị mê hoặc bởi giọng nói của xứ này.
Ôi Việt Nam Cộng hòa, một thế giới đầy tình người, đầy con tim!
Các em khiếm thị lúc bấy giờ được huấn luyện để hành nghề téléphonistes (giữ Trung Tâm Điện Thoại), có vài em đã đậu tú tài. Có một em tên Khánh đã vào Ðại Học Luật Khoa, cha tôi lúc ấy rất hãnh diện về em Khánh, đi đâu ông cũng khoe. Mất nước, trường cũng tan. Ông Hiệu Trưởng Trung Tá Phan Văn Sương với quan niệm “Khi được giao trách nhiệm, ta phải làm hết bổn phận” như ông thường dạy tụi con, chờ đúng ngày 15 tháng 6, đi trình diện đi tù cải tạo. Và ông ở tù cải tạo trên một năm (Trại Long Thành).
Phần II: Tiểu sử Trung Tá Phan Văn Sương
Gia đình tôi gốc gác ở Huế. Ông Phan Văn Sướng (tên thiệt, với dấu sắc) sanh quán ở làng Mậu Tài, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. (Trong bài hò ru con: “Con ơi, con thét* cho mùi, để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu. Mua vôi chợ Quán chợ Cầu. Mua cau Nam Phổ, mua Trầu Chợ Dinh”… và câu kết là – ‘Triều Châu bán nón, Mậu Tài bán kim’ – * thét là ngủ, Mậu Tài nghĩa là gì tôi tìm không ra, nhưng vì nghề của người làng là “làm kim” – may quần áo – và ở Sài Gòn mình, khu Chợ Lớn, sau Nhà Dây Thép Chợ lớn, có khu Chợ Thiết, có các nghệ sĩ làm nghề sắt và nghề thiết kẽm. Người dân ở đây ngày xưa gọi họ là dân mậu tài. Vậy thì mậu tài có thể là do tiếng “tiều châu ???” nói về dân làm nghề thiết kẽm sắt không? – ai biết chỉ giáo dùm, xin tạ ơn. Thời Bắc thuộc cũng có chức quan cho người bản xứ Việt là quan hiếu liêm và quan mậu tài). Còn Mậu tài theo nghĩa của phe ta, là mậu lúi, là hổng có tiền. Vì vậy mà tôi lúc nào cũng “mậu tài”.
Ông nội tôi làm quan Nam triều, quan võ, phó lãnh binh, cụ Lãnh Phan Văn Tiêu. Ông Phan Văn Sướng sanh năm 1917, thoạt đầu học ở trường Lasan Pellerin, sau đó học ở Trường Phú Xuân đến bằng Thành Chung. Thuở nhỏ chơi thể thao hay, đá banh giỏi nên vào năm 1940, lúc 23 tuổi, được tuyển vào Sàigòn đá cho Hội Ngôi Sao Gia định, cùng thời với trung phong Phan Văn Mỹ và tả vệ Waico. Ông cũng đá tả vệ. Mà Waico quá nổi tiếng, nên ông không được vào hội tuyển Nam kỳ. Nhờ đá banh hay mà ông được nhận làm việc cho Công ty thương xá Charner (nằm cạnh bùng binh trước tòa Đô chánh Sài gòn ngày xưa). Cuối năm 1941, ông trở về Huế cưới vợ. Mẹ tôi là em gái của một người bạn thân của ổng, cùng học trường Phú Xuân cùng chơi thể thao và đá banh chung trong đội tuyển Huế, con của Cụ Nghè Khải, nhà ở đường Hàng Bè. Hai vợ chồng trở laị Sài gòn và tôi ra đời vào cuối năm 1942 tại Tân Định Ông là Đảng viên Đảng Đại Việt Quốc Dân Đảng, được Đảng chỉ đạo mượn cơ hội ông vào Nam để lập cơ sở thành ở Sài gòn, làm đầu cầu ủng hộ các chiến khu Đại Việt trong Nam, thoạt đầu chống Nhựt, khi Pháp trở lại năm 1946 chống Pháp, về sau chống Việt Minh ( các chiến khu An Điền, An Thành, Tân Trụ,… ). Cơ sở, tên gọi là chi bộ Tùng Linh, toàn người gốc Huế, do bí danh hai người lãnh đạo tạo thành (Tùng tự Phương là đồng chí Trần Thưởng, giáo sư Pháp văn, mất năm 1963 vì bị chế độ Ngô Đình Diệm sát hại, là người đã hướng dẫn phái đoàn ping-pong Mai Văn Hòa đi dự thi đấu bóng bàn tại Paris, giải Vô địch Paris 1950. Mai Văn Hòa giựt cúp Paris bóng bàn năm ấy. Linh là bí danh ông cụ mình). Cơ sở đặt trong một dãy ba căn phố nằm ở cuối một con hẻm, sau đình Thành Công (hát bộ) dựa vào con Rạch Thị Nghè, xóm Vạn Chài, số 148/8 đường Paul Bert. Khu ấy nằm cạnh Chợ Tân Định, trên con đường Paul Bert, tức là Trần Quang Khải thời Việt Nam Cộng Hòa mình.
Năm 1949, Pháp trả Độc lập lại cho Việt Nam với Hiệp ước Elysée ngày 9/3/1949. Đại Việt Quốc Dân Đảng với các ông Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Văn Kiểu, Phan Huy Quát vì đã có mặt tại Hong Kong năm 1948 để mời ông Bảo Đại về Việt Nam thành lập Quốc Gia Việt Nam và làm Quốc Trưởng, nên nay, chánh thức xuất hiện và tham chánh với năm người vào Chánh phủ đầu tiên của Quốc Gia Việt Nam do Quốc trưởng Bảo Đại vừa là Quốc trưởng vừa là Thủ tướng, đó là các ông Lê Thăng, Phan Huy Quát, Nguyễn Hữu Trí,… và đặc biệt Nguyễn Tôn Hoàn – người Miền Nam có mặt ngay từ thuở thành lập Đảng Đại Việt Quốc Dân Đảng, năm 1939, cạnh Đảng trưởng Trương Tử Anh – giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thanh Niên.
Đại Việt Quốc Dân Đảng lúc bấy giờ đặt trọng tâm vào tổ chức Thanh Niên nên lập một Trường Thanh Niên ở Nha Trang. Và đặc biệt là tổ chức Thanh niên Bảo quốc đoàn do ông Đỗ Văn Năng làm thủ lãnh. Ông cụ mình lãnh trách nhiệm làm Thanh tra của Bộ Thanh niên. Thời ấy là thời huy hoàng của Đảng bộ Miền Nam. Trụ sở, anh em gọi là Chùa, là Rạp Chiếu bóng (Cinéma) Tân Định, của ông Đội Có cho mượn, nằm trên đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng sau nầy). Có nhiều anh em đồng chí sanh hoạt và sống luôn ở đấy, như vợ chồng chú Dương Quang Tiếp, và các chú còn độc thân như Đỗ Kiến Nhiễu, Nguyễn Ngọc Huy, Phan Quang Phúc… Chú thím Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa thì ở trong một đường hẻm gần ngã Tư Phú nhuận, trong một xóm người Huế, toàn thợ dệt, cạnh nhà Bác Nguyễn Thiện Hạp, người bạn thân của ông cụ đã cùng nhau xuôi Nam cầu thực.
Cuối năm 50 hay đầu năm 51, tôi không nhớ rõ, Bác Hai Năng (Đỗ Văn Năng, thủ lãnh Bảo Quốc Đoàn) bị Việt Cộng sát hại trên góc đường d’Arfeuille (tên Việt Nam sau nầy có lẽ là Nguyễn Đình Chiểu) với đường Mayer – Hiền Vương, trên đường đến Bộ Thanh Niên (Bộ Thanh Niên nằm trên đường Mayer).
Vài tháng sau, tại Cai Lậy trong một cuộc duyệt binh, một cảm tử quân, với quân phục Bảo Quốc Đoàn, ôm lựu đạn tự sát cho nổ trước phái đoàn, giết Tướng Chanson – Tham mưu trưởng quân đội viễn chinh Pháp và Thủ Hiến Thái Lập Thành – về sau biết được là do quân của tướng Nguyễn Thành Phương thuộc lực lượng Cao Đài chủ mưu. Bảo Quốc Đoàn vì vậy phải bị giải tán, các lãnh đạo phải rút vào bí mật. Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn phải từ chức, nhưng nhờ quốc Trưởng can thiệp, gia đình phải tạm sống bằng cách mở một tiệm bán gạo ở trên đường Galiéni – Trần Hưng Đạo, sanh sống qua ngày.
Ông Phan Văn Sướng, vì sanh hoạt trong Nam, nên anh em thường gọi là Anh Ba Xướng. Anh Ba Xướng đang bị mật vụ Pháp lùng bắt vì là cán bộ chỉ huy Bảo Quốc Đoàn. Sẵn có chiến dịch Quốc gia Việt Nam kêu gọi nhập ngũ, Đảng ra lệnh các đảng viên nhập ngũ, ông cụ nhập ngũ khóa 5, năm 1951, trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt (khóa Hoàng Diệu – thủ khoa là chú Sáu Dương Hiếu Nghĩa) cùng với rất nhiều đồng chí như các chú Tư Nguyễn Văn Hữu, chú Bảy Hồ Văn Phàng, Nguyễn Văn Tồn… Và ông cũng đổi tên, nay là Phan Văn Sương (bỏ dấu sắc) để tránh mật vụ Pháp, khi ra trường tốt nghiệp sĩ quan ông cũng tránh Miền Nam nên xin phục vụ ở vùng sơn cước. Về sau ông bị thương nặng, mù mắt, anh em lại gọi ông là “Sương mù”. Âu cũng là cái điềm vì đổi tên không làm chè xôi cúng ông bà!
Tôi xin thuật lại trận đánh đã làm mù đôi mắt của cha tôi.
Ngày giáp Tết năm Ất Mùi (1955), tại Rạch Cái, Đồng Tháp Mười (cạnh Hồng Ngự). Trung Đoàn 40 đã vây được quân của quân đội Hòa Hảo do Tướng Ba Cụt cầm đầu. Tiểu Đoàn 1 do Đại Úy Phan Văn Sương chỉ huy đi mở đường, gặp một bãi mìn trước một cái cầu. Trời đã về chiều, phải dọn bãi để đóng quân. Bãi mìn trước mặt là một nguy hiểm và là một mối lo. Trung Đoàn 40 là một Ttung đoàn rất kém tài, vì rất ô hợp và thiếu kinh nghiệm tác chiến: Trung Đoàn Khinh Quân 40 và 41 được tạo thành bởi hai Tiểu Đoàn Ngự Lâm Quân của Quốc Trưởng Bảo Đại đầu hàng vị Tổng Thống mới Ngô Đình Diệm sát nhập chung với hai Tiểu đoàn Sơn cước (các đơn vị Thượng vẫn còn dùng các khẩu lệnh bằng tiếng Pháp) vừa về nhập với quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 40 là Thiếu tá Giá, một Thiếu tá Ngự Lâm Quân. Đại úy Sương, gốc Sơn cước chỉ huy Tiểu đoàn 1/40. Gốc Sơn cước! Phải những dân tộc Rha đê hay Gia Rai, thiện chiến ở rừng, đi rừng rất giỏi, nhìn một vết trên lá biết là do súc vật hay người để lại, hoàn toàn bối rối khi phải lội ruộng ở Đồng Tháp Mười. Còn các binh sĩ Ngự Lâm Quân to con, lớn xác, đẹp người, lập giàn chào rất đẹp, đi ordre serré rất nhuyễn, hoàn toàn vô dụng khi phải đụng trận, nằm phục kích hay dọn bãi mìn. Nhóm lính công binh gỡ mìn và những binh sĩ có tí tài tác chiến nay đã, hoặc bị thương, hoặc bị sốt rét (các binh sĩ Thượng không bị rét rừng do vắt cắn, nay lại bị ngã nước vì muỗi ở đồng bằng).
Tổng Thống Diệm, vì nghi kỵ nhóm Bảo hoàng hay nhóm người Thượng vì cho rằng thân Pháp (vì các quân lệnh thường được sử dụng bằng tiếng Pháp), nên đưa các sĩ quan binh sĩ và đơn vị Hoàng triều cương thổ và Sơn cước về Đồng Tháp Mười tham dự Chiến dịch Nguyễn Huệ để đem hổ ra khỏi rừng, cắt vuốt con cọp. Vì sợ phản loạn, ông đem lính rừng về hành quân ở đồng bằng! Chỉ vì nghi kỵ, ông Tổng thống thí quân, bất kể kết quả.
Ông Cụ nóng lòng, bèn gọi tất cả sĩ quan, vì các sĩ quan biết thế nào là xoi mìn, dùng lưỡi lê hoặc dao găm xoi mìn và dọn đường. Bỗng một Thiếu úy, đưa cho ông một tạc đạn nội hóa: “Đại úy xem thử”. Ông không quay người lại, chỉ đưa tay trái ra phía sau để nhận quả lựu đạn trên tay người đồng đội. Ông cụ la lên khi vừa cầm quả tạc đạn trong tay “Chết cha rồi!” và ông nhấn sâu bàn tay ấy xuống bùn. Lựu đạn nổ, giết anh thiếu úy trẻ, Đại Úy Sương rách nát bàn tay trái (vì ông thuận tay trái), gãy hàm, mù mắt, bể bụng… nhờ thân thể ông che chở nên hai đồng đội phía mặt của ông không bị gì cả. Nói tóm lại, ông lãnh cả, chỉ vì anh thiếu úy đứng cùng phía trái với ông nên cũng lãnh đủ. Hai thầy trò, bật ngửa, anh thiếu úy vì bị thương ở hạ bộ, chết ngay, ông cụ nhờ quỳ gối nên bị thương phần trên. Đại Úy Bác Sĩ Thanh – năm 1975 là thiếu tướng Quân Y, giám đốc bệnh viện Cộng Hòa – săn sóc nhanh và nói cùng với bạn bè:
“Mình ráng lo cho Anh Ba sạch sẽ để đem xác ảnh đàng hoàng về cho chị Ba”
Chị Ba là mẹ tôi. Ông cụ vì cảm thấy tiểu đoàn mình kém nên đã kéo các bạn bè và đồng chí mà ông nghĩ đủ tài đủ nghệ để về tiếp sức cho tiểu đoàn của ông. Chú Vương Từ Mỹ, nay ở San José, lúc ấy là một đại đội trưởng của ông Cụ. Đại Úy Bác Sĩ Thanh một đồng chí, vì thế cũng có mặt. Đó cũng là cái may mắn.
Lúc bấy giờ Thiếu Tá Huỳnh Văn Tồn, cũng là một đồng chí, là tỉnh trưởng tỉnh Châu Đốc. Nên bằng mọi giá, anh em đồng chí quyết đưa ông về Châu Đốc.
Vào thời điểm ấy, năm 1955, làm gì có trực thăng tải thương, ruộng nước mênh mông chung quanh Đồng Tháp Mười nên ba anh lính được lịnh đem ông về hậu cứ. Họ tải ông bằng xuồng. Nhờ xuồng nên ông không bị xốc. Tới Bệnh Viện Châu Đốc ông mê man, phải đưa về Sài gòn. Giờ chót, vì ông sắp chết nên người ta đưa ông lên xe chở xác, một cái Dodge 6. Còn xe Hồng Thập Tự dành cho thương binh nhẹ về phép. Xui quá! Xe Hồng Thập Tự bị một phát SKZ thổi bay xuống ruộng chết cả. Ông cụ nhờ đi với các xác chết nên được đưa về Nhà Xác Bệnh Viện Cộng Hòa. Đó là cái may thứ hai.
Tối mùng 2 Tết Năm Ất Mùi, ông cụ bị vôi rãi lên người để khử trùng đốt nóng quá làm cho ông thức dậy, vừa chưởi thề vừa la ó om sòm. Anh Hiếu cận vệ, tội nghiệp anh Hiếu vì quá thương ông cụ nên đi theo canh ông để ông không ở một mình, chết một mình, tủi thân. Anh Hiếu nghe được báo động nhà thương và ông cụ nhờ vậy thoát chết và nhập Viện. Thế là ông sống lại! Theo cách tính của Việt Nam, ông già đã chết hai năm: Chết ngày 29 tháng Chạp nên kể một năm. Qua mồng hai năm sau, kể thêm một năm nữa.
Ông nhập viện Cộng Hòa chữa bệnh. Các vết thương lần lần lành hẳn. Chỉ bị mù, và mất ba ngón tay ở bàn tay trái thôi.
Và một ngày đẹp trời cuối năm 1955, ông xuất viện. Ông vẫn đinh ninh con mắt bên phải của ông còn sống và chữa được. Ông đi gặp tất cả các vị chỉ huy theo hệ thống quân giai, cuối cùng lên đến Đại Tướng Lê Văn Tỵ. Ông cũng xin gặp Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Với tất cả, ông xin đi Pháp chữa bệnh. Vì tin rằng con mắt phải chỉ bị hư giác mạc thôi, nên mẹ tôi mới làm đơn tình nguyện xin cùng đi và xin hiến một con mắt của bà cho chồng. Và hai ông bà xin đi Pháp. Ông cũng viết thư cho quân đội Pháp xin vào chữa bệnh ở Quân Y Viện Pháp. Không biết ông nói thế nào mà Pháp chấp thuận. Pháp chỉ yêu cầu ông làm sao đến Paris là Pháp cho nhập viện Quân Y Val de Grâce – Paris ngay.
Hôm sau, ông xin gặp Đại Tướng Lê Văn Tỵ. Đưa bức thư trả lời của Quân Y Viện Val de Grâce – tương đương với Tổng Y Viện Cộng Hòa. Ông nói với Đại Tướng Tỵ:
- Đại tướng. Em đến chào đại tướng. Em đi Pháp chữa bệnh.
- ĐM, mầy ngon dzậy, tiền đâu mầy đi?
- Dễ mà đại tướng. Em bận bộ đồ số 1 (tức bộ đại lễ, mang médailles pendantes, mề đay nguyên cả cái lòng thòng ở ngực) dẫn vợ và bốn con đứng giữa đường Catinat, xin ông đi qua bà đi lại là đủ tiền máy bay cho hai vợ chồng tụi em đi.
- Đừng giỡn mầy. ĐM, mầy dám làm lắm! Tao bắn mầy bây giờ. Về đi, để tao démerde lo cho mầy đi. Mà tao cũng không giải ngũ mầy. Mầy đi với grade đại úy và lương bổng đàng hoàng. Chứ ở bển, giãi ngũ lấy gì sống.
Thế là Đại Tướng Tỵ giữ Đại Úy Sương ở quân ngũ và cho phép đi chữa bệnh ở Pháp với cấp bậc đại úy và lương bổng đàng hoàng. Đó là cái may mắn nữa!
Chữa bệnh và học ngành mù
Năm 1956 đến Paris, nhập Viện Quân Y Viện Val de Grâce. Ở đấy ông được săn sóc như một sĩ quan thương binh Pháp. Mẹ tôi được Hội các mẹ nuôi thương binh Pháp tìm cho được một nhà trọ gần nhà thương. Ông bà lúc ấy chưa đầy 40 tuổi. Ông 39 tuổi, bà 38. Nhờ sắc diện Á Đông, bà trông như còn trẻ nên được các bà mẹ nuôi rất thương. Họ gởi bà đi học nghề thư ký và tốc ký, nhưng học lực bà chỉ ở tiểu học, nên bà học rất khó khăn và không tốt nghiệp được. May nhờ hồi nhỏ học trường Sainte Enfant là một trường bà phước ở Huế nên bà cũng ba-xí ba-tú tiếng Pháp, nhờ vậy mà bà giao thiệp được với những người bạn mới.
Sau một thời gian săn sóc, họ cho ông biết chắc chắn là ông mù hẳn, vô phương cứu chữa. Nhưng mù không phải là hết.
Họ khuyên ông đừng tuyệt vọng và chuyển ông sang Trường Mù của quân đội (École des Aveugles de Guerre) nằm ở Rue Blanche – nếu ai biết Paris, Rue Blanche nằm ngay khu Pigalle, là khu ăn chơi, với những hí viện nỗi tiếng như Moulin Rouge, chuyên vũ french can-can. Ông được huấn luyện thành một giáo sư ngành mù. Nhờ quyết tâm, ông ráng học. Và chẳng mấy chốc, ông trở thành một giáo sư ngành mù khá lão luyện. Trường mù và Hội người mù Pháp thương ông đến nỗi đài thọ cho ông được đi dự các Hội nghị chuyên ngành. Dĩ nhiên ông đại diện cho Việt nam. Nhờ vậy ông đi dự nhiều hội nghị, hội thảo. Bà vừa dắt ông đi, vừa đi du lịch: Nào là Bruxelles (Vương quốc Bỉ), nào là Stuggart (Tây Đức) nào là Genève (Thụy sĩ), và Roma (Ý). Nhân ở đây, ông bà xin gặp Đức Giáo Hoàng Jean XXIII. Trong thời gian ở Pháp, ông xin phép ông cụ của ông là Phó Lãnh binh Phan Văn Tiêu cho ông vào Thiên Chúa Giáo La Mã. Thuở nhỏ, ông được cha cho đi học trường Lasan Pellerin ở Huế. Học lực tuy chỉ ngang đến bằng Thành Chung nhưng ông cũng biết kinh kệ và đạo lý Thiên Chúa Giáo La mã. Khi bị thương gần chết, ông cầu nguyện rất nhiều, vì chỉ thuộc kinh Thiên Chúa, nên ông cầu Chúa. Nay ông sống lại và lập lại cuộc sống mới nên ông xin cha ông cho ông vào Đạo Thiên Chúa (ông là con trai trưởng và như vậy, không thể thờ phượng ông bà theo văn hóa truyền thống Việt Nam). Cụ Phó Lãnh chấp nhận và ông bà làm lễ rửa tội tại Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris), năm 1957. Ông có đỡ đầu (Parrain – Godfather) là một trung tướng thương binh Đệ Nhị Thế Chiến, phía Việt Nam có Thiếu Tá Trần Văn Trung, lúc bấy giờ là tùy viên quân sự Việt Nam Cộng hòa tại Paris (nay là cựu Trung Tướng Trần Văn Trung, hiện ngụ tại Paris – khi gặp tôi trung tướng vẫn nhắc đến ông cụ). Có lẽ nhờ được giới Thương Phế Binh và cựu chiến binh Pháp đỡ đầu, có lẽ nhờ những sự quen biết ở các hội nghị quốc tế, nên khi thành lập Trường Nam Sinh Mù ở Sài Gòn, ông đã được nhiều sự giúp đỡ quốc tế. Năm 1970, ông được mời tham dự một Hội Nghị quốc tế ở Genève và nhân đó, ông qua Toulouse (Pháp) thăm vợ chồng chúng tôi.
Những năm tháng cuối cùng
Cha tôi, cấp bậc cuối cùng khi mất nước là trung tá. Trung Tá Phan Văn Sương ngày 15 tháng 6 năm 1975, đi trình diện cải tạo đã xác nhận với cán bộ Cộng Sản ông là sĩ quan hiện dịch cấp tá. Nhưng khi họ đuổi ông về vì bảo ông Mù là Phế Binh thì ông trả lời: “Tôi là sĩ quan Hiện dịch và còn tại ngũ”. Khi cán bộ bực mình nói với ông “Ông tại ngũ là cái quái gì, ở đây chỉ nhận các thủ trưởng”, thì ông trả lời: “Tôi là thủ trưởng, tôi thủ trưởng Trường Mù” Thế là ông đi tù cải tạo theo diện sĩ quan cấp Tá thủ trưởng, chứ không cải tạo tại chỗ như một giáo chức.
Những việc trên do em tôi Phan Văn Diệu khi dắt ông đi, về kể lại. Diệu, Thiếu úy Cảnh Sát Công Lộ, cũng đi trình diện cải tạo và đi tù ba năm. Trung Úy Phan Văn Toàn trung đội trưởng trung đội Quân Vận, em kế tôi, đã là tù binh trước ngày 30/4, và chết tại Sài gòn sau 9 năm tù cải tạo.
Ba tôi bị giam ở Long Thành. Sau này, các bạn gặp ông, kể chuyện lại với tôi là khi ở Long Thành, thường gặp ông cõng hoặc dắt ông Đại tá Thành cụt một giò đi vệ sinh. Hình ảnh Anh Mù cõng Anh Què được Anh em Quân Cán Chánh học tập ở Long Thành về kể lại. Đó là những hình ảnh thật cảm động và khó quên.
Tôi làm sao quên được ông cụ “phổi bò”, ba của chúng tôi. “Phổi bò” đó là định nghĩa của mẹ tôi nói về cha tôi. Nói tới đây nhớ mẹ tôi, bà mất cũng vào tháng mười hai, cùng tháng mất của ông chồng mình, vào năm 1990, cũng tại Sài Gòn “Ba tụi bây lúc nào cũng phổi bò, để rồi tao khổ!”.
Bà già thốt ra câu nầy lần cuối cùng, sau khi cả nhà họp lại “tổ chức” cho ông và Diệu khăn gói lên đường “trình diện học tập” – đây cách chơi chữ của Cộng Sản để gom quân nhơn phe địch tình nguyện trình diện đi tù cải tạo-. Toàn em kế tôi không có mặt, vì đã là tù binh rồi. Sau một hồi thảo luận, ông già quyết định đi cải tạo, như những anh em khác. Ông từ chối đi cải tạo tại chỗ.
Trung Tá Phan Văn Sương mất ngày 15 tháng 12 năm 1983 tại Sài Gòn. Các em tôi đã mạnh dạn tiễn cha chúng tôi với nút đỏ Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân chương của Việt Nam Cộng Hòa trên cổ áo veste.
Câu ông dạy chúng tôi, chúng tôi cũng chuyển đến các cháu:
“Khi ta được hưởng trách nhiệm, chúng ta phải làm tròn bổn phận”.
Làm tròn bổn phận, làm hết trách nhiệm. Thắng hay bại không cần, trong mọi tình huống. Ông Phan Văn Sương hai lần trong đời được nhận lãnh trách nhiệm. Khi làm tiểu đoàn trưởng, cũng như khi làm hiệu trưởng Trường Mù, ông luôn luôn làm tròn bổn phận của mình, để trả ơn cho đất nước đã cho mình làm người trách nhiệm.