vendredi 19 août 2011

Vì sao LS Huỳnh Văn Đông bị xóa tên?

Gia Minh, biên tập viên RFA
2011-08-18

Luật sư Huỳnh Văn Đông thuộc đoàn luật sư tỉnh Dak Lak tham gia bào chữa cho một số vụ án chính trị và đòi hỏi quyền lợi của dân oan vừa bị kỷ luật xóa tên với lý do không thuyết phục.

Bản chất sự việc

arton11136-9e81a-250.jpg
LS Huỳnh Văn Đông tham gia bào chữa vụ án bảy nhà dân chủ bị kết tội "âm mưu lật đổ chính quyền" tại TAND tỉnh Bến Tre hôm 30/5/2011. Photo courtesy of Viettan

Vụ xét xử tại tỉnh Bến Tre đối với nhóm bảy người bị cho là có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 Bộ luật Hình sự Việt Nam không chỉ ra án tù đối với những bị cáo, mà một vị luật sư trẻ tham gia bào chữa cho hai trong số bảy người đó là luật sư Huỳnh Văn Đông cũng phải chịu hình thức kỷ luật, bị xóa tên khỏi đoàn luật sư gần ba tháng kết thúc phiên sơ thẩm và chỉ mấy ngày trước khi phiên xử phúc thẩm diễn ra.

Lý do mà Ban Khen thưởng-Kỷ luật của đoàn luật sư tỉnh Dak Lak nơi luật sư Huỳnh Văn Đông đăng ký, nêu ra gồm những vấn đề như không đóng đoàn phí, không tham gia một phiên bào chữa được phân công, cũng như bị tòa án Bến Tre cho là vi phạm đạo đức luật sư cũng như có những phát biểu làm phương hại đến an ninh quốc gia.
Bản thân luật sư Huỳnh Văn Đông cho biết ông hiểu được nguyên nhân sâu xa không phải vì chuyện không đóng đoàn phí hay vấn đề không tham gia bào chữa theo phân công mà có lý do khác nữa. Ông nói:
Tôi phát biểu, đưa ra công luận những điều mà Nhà Nước không muốn; chỉ giới luật sư có thể lên tiếng, người ta muốn hạn chế chừng nào hay chừng đó, mà tôi không phải là ngoại lệ.
LS Huỳnh Văn Đông
"Chúng ta đều biết việc Ban Khen thưởng- Kỷ luật Đoàn Luật sư tỉnh Dak Lak ra quyết định xóa tên tôi không nằm ở những vi phạm như đoàn luật sư Dak Lak đưa ra mà bản chất của nó nằm sau việc đó. Nguyên nhân sâu xa là những vụ án mà Nhà nước không muốn tôi làm.
Tôi phát biểu, đưa ra công luận những điều mà Nhà Nước không muốn; đặc biệt như phiên xử phúc thẩm ở Bến Tre hôm nay, họ không muốn tôi tham gia. Nếu như còn tồn tại tôi theo vụ án anh Điếu Cày. Những khuất tất mà nay chỉ giới luật sư có thể lên tiếng, người ta muốn hạn chế chừng nào hay chừng đó, mà tôi không phải là ngoại lệ." 

danlambao-250.jpg
LS Lê Quốc Quân, người thứ hai từ bên phải, cũng từng bị kỷ luật tương tự. Photo courtesy of nuvuongcongly

Lý do này cũng được một luật sư từng bị kỷ luật tương tự là luật sư Lê Quốc Quân trình bày sau đây:

"Những lý do đó không hề thuyết phục chút nào. Bản chất của sự việc đó trong trường hợp của tôi, của anh Định và mới đây của luật sư Đông, và của luật sư Luật trước nay nữa… lý do của việc khai trừ đầu tiên phải do bên an ninh có ý kiến. Sau đó phía bên đoàn luật sư tìm cách, tìm cớ để khai trừ thôi.
Có điểm mâu thuẫn như thế này: theo điều lệ đoàn luật sư Hà Nội, chỉ cần bị khởi tố là khai trừ như trường hợp của tôi; theo điều lệ đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, khi thời hiệu kết án bắt đầu có hiệu lực mới khai trừ. Nhưng một luật sư cùng bị khởi tố với tôi là luật sư Trang thì họ giữ lại, mà luật sư Định mới bị khởi tố họ cũng khai trừ. Những trường hợp nào cũng có ý kiến bên an ninh dù công khai hay không công khai, gián tiếp hay trực tiếp…."
Một luật sư từng tham gia bào chữa cho các vụ án chính trị tại Việt Nam, và gần đây nhất là những vụ án phúc thẩm tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ hồi ngày 2 tháng 8 vừa qua và vụ án giảng viên Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, Phạm Minh Hoàng hồi ngày 10 tháng 8 vừa qua, có một số nhận định chung quanh biện pháp kỷ luật đối với luật sư Huỳnh Văn Đông, mà đoàn luật sư tỉnh Dak Lak đưa ra:
"Có nhiều trường hợp có nhiều luật sư tự nguyện ra khỏi đoàn luật sư và họ không đóng tiền nữa. Còn xóa tên vì chuyện đóng tiền thì hầu như chưa có; trong trường hợp đó người ta sẽ làm thông báo trước khi xóa tên. Trong trường hợp này là xóa tên tự động, coi như không tự nguyện tham gia đoàn nữa thì thôi."
Luật sư Trần Vũ Hải cũng cho biết những bước tiếp theo mà một luật sư bị kỷ luật như trường hợp luật sư Huỳnh Văn Đông có thể thực hiện để bảo vệ quyền lợi của bản thân:
"Theo qui định của Luật luật sư, theo tôi tốt nhất anh Đông nên khiếu nại lên Liên đoàn Luật sư để họ xem xét xem các căn cứ ở dưới có chính xác hay không. Thực ra theo luật, luật sư cũng có thể nhờ luật sư khác trình bày về kỷ luật của mình. Tôi nghĩ luật sư Đông bằng cách nào đó có thể mời luật sư có kinh nghiệm, có danh tiếng, thậm chí trong Ban chấp hành liên đoàn luật sư để bảo vệ mình. Theo tôi thì liên đoàn luật sư có một ủy ban riêng giải quyết vấn đề này. Nếu qua liên đoàn luật sư rồi mà không hài lòng thì có quyền ra tòa."
Tuy nhiên, một người từng bị áp dụng biện pháp kỷ luật tại Việt Nam như luật sư Huỳnh Văn Đông là luật sư Lê Quốc Quân cho biết cụ thể về diễn biến không thuận lợi đối với bản thân như sau:
"Bản thân tôi khiếu nại nhiều… họ chuyển lên Bộ Tư Pháp, và bộ này chuyển sang liên đoàn luật sư. Mà Liên đoàn luật sư thành lập sau đoàn luật sư Hà Nội, liên đoàn lại áp dụng cơ chế theo Luật Luật sư, mà thời điểm vụ việc của tôi mới chỉ Pháp lệnh Luật sư. Tôi đi cũng khá vòng vèo và cuối cùng là trận đấu quyết liệt với Bộ Tư Pháp.
Hai bên ‘chống tay xuống bàn, nhìn thẳng vào mặt nhau’. Tôi bảo ‘ông có xấu hổ không’. Ông đó tầm cỡ thứ trưởng bảo đuổi tôi ra khỏi phòng, tôi nói nếu đuổi tôi ra thì tôi gọi công an, ông ta nói sẽ gọi bảo vệ cơ quan Bộ.  Nói thẳng với nhau những họ cũng có lương tâm nên khi hỏi có thấy như thế là vô lý, sai trái không thì họ chững một tí và nhìn vào mắt tôi bảo ‘cậu phải thông cảm cho tôi’…."

Khiếu nại chỉ mất thời gian

LsHVDong.jpg
Luật sư Huỳnh Văn Đông.

Chính bản thân luật sư Huỳnh Văn Đông khi được hỏi về những công việc tiếp theo nhằm phản đối quyết định kỷ luật mà ông vừa mới nhận, cho rằng ông không mấy tin tưởng vào sự công minh của hệ thống thi hành luật ở Việt Nam.

"Tôi sẽ không khiếu nại quyết định của Đoàn luật sư Dak Lak vì nó được đưa ra đối với tôi bởi một quá trình, một kế hoạch, mưu đồ đã có từ trước. Và nếu tôi có khiếu nại, đó chỉ là việc làm mất thời gian của tôi; kết quả vẫn y như thế.
Người giải oan cho tôi chính là những người tôn trọng sự thật, tôn trọng công lý và những người làm việc theo đúng lương tâm của họ nên tôi không cần văn bản giải oan, mà là công luận sẽ giải oan."
Tôi sẽ không khiếu nại quyết định của Đoàn luật sư Dak Lak vì nó được đưa ra đối với tôi bởi một quá trình, một kế hoạch, mưu đồ đã có từ trước.
LS Huỳnh Văn Đông
Lâu nay, trong nước từng có một số luật sư khác như các ông Nguyễn Văn Đài, Lê Trần Luật… bị kỷ luật không được tiếp tục hành nghề chỉ vì họ đã công khai tham gia vào các vụ tranh tụng bào chữa cho những người dân oan bất đồng với những hành xử của chính quyền các cấp về trường hợp của họ.
Luật sư Huỳnh Văn Đông là người từng phụ tá cho luật sư Lê Trần Luật trong vụ án tám giáo dân Xứ Thái Hà đòi hỏi đất đai của giáo xứ, tham gia vụ xử những người dân oan Bến Tre và gần đây ông cho biết có kế họach tham gia bào chữa cho ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày Nguyễn Hoàng Hải, người bị bắt vì từ năm 2007 đã công khai chống đối Trung Quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.