2011-08-16
Mới đây Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam gọi tắt là VUSTA có một bản kiến nghị với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về hoạt động của hội này.
Mặc Lâm phỏng vấn GSTS-KH Nguyễn Đăng Hưng về quan điểm của ông trước mối tương quan giữa trí thức và nhà nước cũng như tình hình trí thức trước thời cuộc hôm nay.
Đội ngũ trí thức
Mặc Lâm : Thưa Giáo Sư, trong bản kiến nghị đọc trước ông Tổng bí thư thì GS Đặng Vũ Minh xác định rằng VUSTA là một tổ chức chính trị xã hội và nó có chức năng tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của trực tiếp Đảng, liệu sự lãnh đạo này có hạn chế sự đóng góp của trí thức hay không, nhất là trí thức từ nước ngoài về?GS Nguyễn Đăng Hưng: Dĩ nhiên nếu mà Đảng CSVN có đủ tầm cỡ, có đủ tri thức, có đủ bản lĩnh, làm việc theo quyền lợi của dân tộc và đất nước, có trình độ khoa học nắm bắt được hướng đi lên của xã hội, của tình thế đặc biệt, nhứt là trong những lãnh vực chuyên môn, những lãnh vực cần thiết, thì tại sao không!
Vấn đề ở đây là đã rất nhiều năm qua chúng ta thấy là Đảng chưa đủ hội tụ chung quanh mình những tinh hoa của dân tộc. Chung quanh Đảng chưa có những người trí thức có tinh thần phản biện đạt trình độ có thể góp ý được, phản biện được, hay là ngăn chặn được những sai lầm. Tại sao trong thời thực dân mà lại đào tạo được những người như Hoàng Xuân Hãn, ngay cả những người như Võ Nguyên Giáp, thời gian về sau này đã không còn thấy những bộ mặt trí thức như vậy nữa. Nhìn như thế thì ta mới thấy được rằng có một sự hạn hẹp, có một giới hạn, có một cái gì đó mà nó không được ổn lắm về vấn đề xuất hiện và hình thành đợt trí thức đủ bản lĩnh, đủ điều kiện để có thể đưa đất nước tiến lên, nhứt là về văn hóa, về khoa học và về công nghệ.
Mặc Lâm : Theo nhận xét của Giáo Sư thì tổ chức VUSTA đã hoàn thành được những gì mà đất nước cần hôm nay, chẳng hạn như vấn đề chủ quyền biển đảo họ đã làm tốt chưa ạ?
GS Nguyễn Đăng Hưng : Tôi chưa thấy VUSTA có phản ứng gì về những hành động rất là phi lịch sử, vi phạm luật lệ quốc tế của Trung Quốc, khi họ áp đặt "đường lưỡi bò" hay "đường chín khúc" chiếm 80% Biển Đông mà dân Việt Nam đã khai thác đánh cá từ hàng ngàn năm nay.
VUSTA về mặt khoa học, về mặt lịch sử đáng lẽ ra phải có thái độ, phải có ý kiến, và VUSTA đúng ra dù sao cũng phải có một ủy ban đứng ra nghiên cứu về Biển Đông mà bây giờ tôi xin gọi là Biển Đông Nam Á vì tiếng đó định danh rất đúng vùng biển này, thì ta phải làm cái gì đó để mà đối trọng lại với cái tuyên truyền không có cơ sở pháp lý, không có cơ sở lịch sử của Trung Quốc.
Ngay cả bây giờ những bài báo khoa học về địa lý mà Trung Quốc đã ép các nhà khoa học của họ đưa ra cái bản đổ hình lưỡi bò để đặt thế giới khoa học trước chuyện đã rồi, thì chính là nhờ những trí thức Việt kiều trẻ, những nghiên cứu sinh du học phát hiện ra và can thiệp để mà bắt báo chí quốc tế phải tôn trọng sự thật khoa học, tôn trọng cái khách quan, và có chỗ đã thành công.
Đáng lẽ ra một tổ chức như VUSTA phải làm chứ không phải để riêng rẽ những anh em trí thức trẻ hay các Việt kiều ở xa xôi phải hành động, thì nội cái chuyện này thôi tôi vẫn thấy rằng VUSTA nó có rất nhiều vấn đề và phải cải tiến.
Hỗ trợ từ nhà nước
Mặc Lâm : Cũng có ý kiến cho rằng lý do mà trí thức chưa tham gia vào các sinh hoạt nghiên cứu chủ quyền, như Giáo Sư nói, vì chính quyền không thực sự muốn trí thức làm do nghi kỵ hay do những nhạy cảm chính trị nào đó trong cách hành xử. Giáo Sư nghĩ sao về ý kiến này?GS Nguyễn Đăng Hưng : Tôi nghĩ đấy là chuyện sinh hoạt của trí thức. Sinh hoạt khoa học kỹ thuật không thể nào đơn thuần lãnh đạo theo kiểu chính trị được. Không gian của trí thức phải là không gian tự do. Không gian khoa học phải là không gian khách quan, vô tư, tôn trọng sự thực, tôn trọng cái khách quan, vô tư của nó.
Tại sao VUSTA không làm được, bởi vì chính VUSTA chờ sự lãnh đạo này, mà sự lãnh đạo này lại không đưa ra những hướng cho nó đúng với yêu cầu của tình hình, mà nó bị bó buộc bởi những cái mà người ta gọi là "nhạy cảm". Chính vì vậy mà nó làm cho teo lại cái tổ chức VUSTA. Cũng vì thế mà công trình giúp Việt Nam để phát triển, công trình phản biện, những việc này tôi nói là có chớ không phải không, vì vấn đề tàu cao tốc như thế thì VUSTA có phản biện cũng rất là chí lý, nhưng mà nó quá ít ỏi đối với nhu cầu của một đất nước phát triển với 85 triệu dân.
Tôi nghĩ rằng hình thức Đảng lãnh đạo về khoa học kỹ thuật phải đổi mới, nó phải lãnh đạo trong sự chấp nhận không gian tự do của sinh hoạt trí thức, nên khuyến khích nhiều hơn nữa những tổ chức dân sự. Những tổ chức dân sự này bao gồm những người trí thức có bản lĩnh, có tâm huyết với đất nước, họ có thể đưa ra những quan điểm, những bức xúc có thể là chữa cháy hay là sửa đổi những sai lầm, mà hiện nay không có.
Hiện nay tôi thấy rằng thay vì khuyến khích thì người ta làm ngược lại, bằng cớ là có một tổ chức trí thức mới ra đời là IDS thì cũng bị bức tử.Hiện nay tôi thấy rằng thay vì khuyến khích thì người ta làm ngược lại, bằng cớ là có một tổ chức trí thức mới ra đời là IDS thì cũng bị bức tử. Đây là những sai lầm đối với người trí thức và tôi thấy như vậy là không phù hợp với quyền lợi của dân tộc.
GS Nguyễn Đăng Hưng
Tôi nghĩ là nên để cho VUSTA không uốn cong suy nghĩ, không quanh quẩn chung quanh ao nhà của mình mà phải để cho VUSTA bay lên. Những người trí thức Việt Nam trong tổ chức VUSTA hay là các tổ chức khác có thể có được cái không gian tự do để mà làm việc, để mà suy nghĩ, để mà đóng góp cho đất nước.
Tài sản quốc gia
Mặc Lâm : Giáo Sư có nhận định gì về vai trò của trí thức bên ngoài VUSTA? Liệu thiếu vắng sự trợ giúp của chính phủ thì công tác khoa học của họ có hiệu quả hay không?GS Nguyễn Đăng Hưng : Thì đây là một thiệt thòi, một thiệt thòi mà những người trách nhiệm tương lai đất nước và nhà cầm quyền, tôi muốn nói rõ như thế, phải ý thức được trách nhiệm này.
Cái khuôn khổ của tổ chức VUSTA hiện nay, nói như thế là không phù hợp. VUSTA lẽ ra phải tập hợp được đông đảo hơn nữa. Trên nguyên tắc thì phải như thế đấy, nhưng trên thực tế thì lại không như thế. Các trí thức tinh hoa gần như là không có cái cơ chế để có thể sinh hoạt, để hoạt động. Họ phải đứng ngoài lề. Như vậy đó là một thiệt thòi cho chính nhà cầm quyền.
Người bị thiệt thòi đầu tiên chính là nhà cầm quyền, bởi vì khi nhà cầm quyền không có chung quanh mình những bậc trí thức tinh hoa, những trí thức thực, những người tài ba, những bộ óc có những suy nghĩ, những phát minh, thì là cái chính thể đó bị thiệt thòi hơn ai cả. Bởi vậy tôi mong mỏi rằng ông Tổng bí thư mới là ông Nguyễn Phú Trọng vừa rồi cũng có đi gặp VUSTA và có những thiện ý đối với sinh hoạt của trí thức thì ổng có nói rằng "người trí thức là vàng ròng", tôi mong mỏi rằng câu nói đó biến thành hiện thực có nghĩa là phải thực hiện bằng hành động.
Cải tiến chỗ đứng của trí thức trong xã hội, làm thế nào để những tổ chức như IDS của GS Hoàng Tụy, của ông Nguyễn Quang A, v.v. có thể trở lại hoạt động để đóng góp thường xuyên ý kiến cho chính phủ. Khi mà tổ chức đó bị giải thể thì không có những "think tank" bên cạnh chính phủ thì đây là một thiêt thòi cho chính phủ.
Ngoài ra là phải ra nhanh một bộ luật dân sự để hình thành các tổ chức dân sự, bởi vì một đất nước mà tổ chức dân sự không có, không được khuyến khích, mà ngay cả bị gò bó hay là không cho hoạt động thì đó là một thiệt thòi cho cả xã hội, cho cả dân tộc. Xã hội nó phải có những hoạt động dân sự bằng các tổ chức dân sự.
Hãy xem một nước ít dân như nước Thụy Sĩ, chỉ 4-5 triệu dân mà nó có Hội Chữ Thập Đỏ có ảnh hưởng rất lớn trên thế giới. Bây giờ hội chữ thập đỏ là cái hội ở nước nào mà không có! Ta mới thấy như thế là gì? Là vì người ta tôn trọng những sinh hoạt hợp lý, những sinh hoạt có ích cho xã hội, người ta khuyến khích nó để nó có thể giúp cho xã hội phát triển.
Mặc Lâm : Xin mời Giáo Sư nghe ý kiến của nhà giáo Phạm Toàn về vấn đề trí thức như sau :"Tôi muốn rằng những người có bằng cấp hãy trở nên là những người trí thức là bởi vì những người trí thức phải là những người tư duy cho thời đại, tư duy cùng với thời đại, đồng hành với thời đại và chịu trách nhiệm với thời đại. Thế thì anh có bằng cấp chưa đủ, anh phải là cái người chịu trách nhiệm cùng với thời đại, anh phải là cái người ra tay với thời đại thì anh mới thành trí thức. Nếu mà anh đã có bằng cấp rồi, anh đã giỏi rồi, tôi hy vọng anh sẽ trở thành nhà trí thức." Vâng, thưa Giáo Sư, đó là lời của nhà giáo Phạm Toàn. Ông nghĩ sao về nhận định này ạ?
GS Nguyễn Đăng Hưng : Tôi rất đồng ý với ý kiến của nhà giáo Phạm Toàn. Đây cũng là người bạn mà tôi rất là ngưỡng mộ.
Một khi mà suy nghĩ của Mao Trạch Đông rằng "trí thức là cục phân", thí dụ như thế - rất khiếm nhã - ăn nói như thế mà được tôn vinh thì làm sao trí thức dám có một cái hoạt động sáng tạo hay là có những cái hoạt động mà có thể nói là có thể phát triển được.
Sắp tới đây phải tạo được một môi trường, một cái khung pháp lý và được xã hội công nhận, được chính quyền công nhận. Trước tiên là một hệ thống luật pháp độc lập với chính quyền, một hệ thống luật pháp xuất phát trực tiếp từ hiến pháp, có tinh thần tôn trọng luật pháp, tôn trọng người làm luật, để cho người trí thức có thể hoạt động trong một khung pháp lý. Chớ hiện nay thì chính bản thân tôi, tôi cũng đâu có dám hoạt động cho có vẻ rầm rộ.
Khi nhà cầm quyền không có chung quanh mình những bậc trí thức tinh hoa, những trí thức thực, những người tài ba, những bộ óc có những suy nghĩ, những phát minh, thì là cái chính thể đó bị thiệt thòi hơn ai cả.Thí dụ tôi tôi muốn tổ chức giáo dục đào tạo về Cao Học để giúp Việt Nam đào tạo Tiến Sĩ. Việt Nam muốn có hai chục ngàn tiến sĩ nhưng mà không có được cái tổ chức đào tạo Thạc Sĩ (Master) trong nước cho nó ra hồn, cho nó có đủ chất lượng, thì đây là những cái mà tôi rất bức xúc. Tôi cũng có nói cái này ra nhưng mà nói thiệt là tiếng nói đó cũng rất là đơn độc, không có đủ sức mạnh để mà gây ảnh hưởng lên quyết định của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo. Cái chuyện mà nó phi lý như vậy, tôi nói thiệt với anh Mặc Lâm là tôi cũng thấy "bó tay" .
GS Nguyễn Đăng Hưng
Mặc Lâm : Xin cảm ơn GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng đã cho phép chúng tôi thực hiện buổi phỏng vấn ngày hôm nay.
GS Nguyễn Đăng Hưng : Xin chào anh và xin gửi đến anh và thính giả lời chào tâm tình của tôi.
Mặc Lâm : GS.TSKH. Nguyễn Đăng Hưng trong hơn 40 năm qua đã giảng dạy và nghiên cứu tại Đại Học Liège (Vương Quốc Bỉ) về Toán và Cơ Học, trở thành một trong những nhà cơ học xuất sắc nhất của Châu Âu và thế giới. Ông đã nhận được nhận danh hiệu Giáo sư Ưu tú và Huân chương cao quí của Vương Quốc Bỉ dành cho các nhà khoa học cùng với nhiều giải thưởng quốc tế khác.
GS Nguyễn Đăng Hưng đã vận động và trực tiếp tham gia dự án của EU-Bỉ hỗ trợ đào tạo trên đại học về Cơ Học tại một số trường đại học trong nước. Hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ...của Việt Nam đã được đào tạo thành công qua những dự án đó.