Cập nhật: 08:08 GMT - thứ tư, 3 tháng 8, 2011
Học giả Trung Quốc nói từ 1954 -1975 Chính phủ Việt Nam đã 'nhiều lần' công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong bài viết tựa đề 'Vẫn còn tranh cãi' (Still Arguing) đăng trên Bắc Kinh Tuần báo số mới nhất, tác giả Lý Kim Minh, giáo sư Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, nêu ra ba tài liệu chứng thực cho điều này.Khi phản biện lại tuyên bố của Chính phủ Việt Nam về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giáo sư Lý viết: "Từ 1954 tới 1975, Chính phủ Việt Nam đã công nhận hai quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) là lãnh thổ Trung Quốc trong nhiều trường hợp".
"Thí dụ, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng trong công hàm ngoại giao gửi tới Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ngày 14/09/1958 đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo nói trên."
Ông Lý nói sự công nhận này được khẳng định thêm trong tấm bản đồ thế giới mà Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất bản năm 1960.
"Trên bản đồ này, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) được đánh dấu là lãnh thổ Trung Quốc."
"Sau đó vào năm 1972, Cục Bản đồ của Việt Nam cũng xuất bản tấm bản đồ, trong đó quần đảo Nam Sa được chú thích bằng tiếng Hoa, chứ không phải bằng tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng Pháp."
Dư luận Việt Nam lâu nay đã ít nhiều biết tới Công hàm ngoại giao 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, với một số nguồn chính thống chỉ trích Trung Quốc xuyên tạc nội dung bức điện mà ông Đồng gửi cho người tương nhiệm Trung Quốc lúc đó.
Tuy nhiên, các chi tiết về hai tấm bản đồ năm 1960 và 1972 dường như xưa nay chưa thấy ai nói tới.
Chủ quyền lịch sử
Hôm 20/07, lần đầu tiên một tờ báo của Việt Nam là tờ Đại Đoàn Kết đã đưa ra giải thích về nội dung bức công hàm gây tranh cãi của ông Phạm Văn Đồng.Tờ báo này nói rằng việc Trung Quốc diễn giải nội dung Công hàm ngày 14/09/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là "hết sức phiến diện và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của bản Công hàm đó".
"Về thực chất, công hàm 1958 chỉ là sự thể hiện một thái độ chính trị, một cử chỉ hữu nghị với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc mà thôi."
Nhóm phóng viên viết bài cũng nhận định: "Trong suốt quá trình thực hiện mưu đồ bá chủ trên Biển Đông, Trung Quốc đã không ít lần đưa ra các tài liệu xuyên tạc lịch sử, biến có thành không, biến không thành có, tung hỏa mù để cố tình làm sai lệch nhận thức của chính nhân dân Trung Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế về vấn đề này theo hướng có lợi cho mưu đồ của Trung Quốc".
Ngược lại, bài viết của tác giả Lý Kim Minh trên Bắc Kinh tuần báo thì đả kích lý luận chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo ở Biển Đông.
Giáo sư Lý viết: "Nghiên cứu tài liệu lịch sử của Việt Nam cũng như chứng cứ lịch sử của Trung Quốc cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa là tên hai quần đảo ngay ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Chúng hoàn toàn khác với hai quần đảo Nam Sa và Tây Sa".
Học giả này cũng nói lý lẽ của Việt Nam rằng Hà Nội được quyền tiếp quản quần đảo Trường Sa từ tay người Pháp là không có cơ sở vì "sau Thế chiến II, Pháp không kiểm soát quần đảo này".
"Thêm vào đó, không có giấy tờ nào chứng thực có sự chuyển giao giữa Pháp và Việt Nam."
Ông Lý Kim Minh nói vì trong quá khứ Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo nói trên, "thể theo quy tắc estoppel của luật pháp quốc tế, Chính phủ Việt Nam hiện nay cần tuân thủ sự công nhận từ trước đó".
Không chỉ đưa ra các phản biện đối với tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, bài viết còn nói tới các tuyên bố chủ quyền của Philippines, Malaysia và Brunei.