vendredi 12 août 2011

Lưới Trời Lồng Lộng

Ngày 08/08/2011 @ 8:00 Sáng,


Hình ảnh cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ra tòa ngày 3/8/2011, nguồn: guardian.co.uk

Hình ảnh cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ra tòa ngày 3/8/2011 là một thông điệp mạnh mẽ cho những nhà độc tài trên thế giới và cho các viên chức an ninh của các chế độ độc tài.
Những nhà độc tài và bộ máy công an của họ ít khi ngoãnh lại nhìn sau lưng để thấy chiếc lưới trời giăng bủa chỉ chờ giờ chụp xuống đầu họ.
Ông Hosni Mubarak nhậm chức tổng thống Ai Cập năm 1981 sau khi tổng thống Anwar Sadat bị ám sát. Ông Mubarak áp dụng một chế độ nửa dân chủ, nửa độc tài, nhưng bản chất là độc tài, với luật “khẩn cấp” (emergency law) và một đội ngũ cảnh sát 150.000 người sẵn sàng mạnh tay với cá nhân và tổ chức chính trị nào công khai cạnh tranh quyền lực với ông. Ông hợp tác với Hoa Kỳ trong một chính sách ngoại giao chung nhắm tạo ổn định tại Trung đông trong khung cảnh tranh chấp đẫm máu giữa Do Thái và thế giới A Rập . Ông đặt Brotherhood – một phong trào Hồi giáo đối lập – ra ngoài vòng pháp luật.
Ngày 25/1/2011, dân chúngAi Cập theo gương cuộc cách mạng ôn hòa tại Tunisia xuống đưòng tố cáo 30 năm lạm dụng quyền lực và tham nhũng của tổng thống Mubarak và đòi ông từ chức.
Tổng thống Mubarak bắt đầu đàn áp với bài bản. Sau khi ra lệnh cho lực lượng cảnh sát dùng sức mạnh, ông cắt mọi phương tiện thông tin ra nước ngoài, cắt hệ thống điện thoại cầm tay, rồi ra lệnh cho cảnh sát rút khỏi đường phố, thả tù trong các nhà lao ra, cho một số cảnh sát mặc thường phục và du đảng (do cảnh sát tổ chức) tự xưng là phong trào nhân dân ủng hộ chính quyền dùng ngựa, lạc đà và vũ khi bén nhọn đánh nhau với người biểu tình và dùng vũ lực hành hung phóng viên các hãng làm tin quốc tế. Số khác chia nhau đi cướp bóc tạo hỗn lọan, mục đích thuyết phục thành phần yên phận rằng các cuộc biểu tình chống ông là nguyên nhân của sự mất ổn định trong thành phố.
Trong khi đó mật vụ của ông kín đáo lùng bắt các thành phần tổ chức biểu tình, đặc biệt là các thành viên của nhóm Hồi giáo Brotherhood. Và lấy cớ vãn hồi trật tự, ông huy động quân đội cùng các đơn vị xe tăng ra đường phố để uy hiếp dân biểu tình.
Nhưng  trước áp lực quốc tế, ngày 11/2/20100 ông Mubarak và gia đình chạy ra thành phố nghỉ mát Sharm el-Sheikh bên bờ Hồng Hải. Phó tổng thống  Omar Suleiman thông báo cho thế giới biết ông Mubarak  rời chức vụ tổng thống giao quyền xử lý công việc quốc gia cho Hội Đồng Tối Cao Quân Lực (Supreme Council of the Armed Forces) gồm 19 tướng lãnh.
Do vị thế và quan hệ đặc biệt của ông Mubarak với Hoa Kỳ, thủ tục pháp lý dùng dằng, gia đình ông Mubarak vẫn ở yên tại cảng Sharm el-Sheikh với mọi tiện nghi cần thiết. Hạn chế duy nhất là không được rời Ai Cập.
Trong khi đó trong quần chúng bộc phát nhiều khuynh hướng: khuynh hướng cấp tiến đòi cải tổ dân chủ nhanh chóng, nhóm bảo thủ quân nhân muốn cải tổ chừng mực và nhóm Hồi giáo thận trọng quan sát tình hình không muốn để cho thế giới Tây phương, nhất là Hoa Kỳ nghi ngờ kế hoạch ngắm nghé quyền lực của họ. Nhóm Brotherhood  từng bị Mubarak cấm hoạt động tỏ ra ôn hòa thận trọng chuẩn bị tham gia tiến trình dân chủ. Và nhóm Hồi giáo Salafist năng động hơn muốn biến Ai Cập thành một  quốc gia Hồi giáo.
Các nhóm này hoạt động chung quanh một phong trào thanh niên được khai sinh trong cuộc nổi dậy chống Mubarak gọi là Phong trào 6 Tháng 4 (April  6th Mouvement, tạm gọi là Khối 6411 – theo lối gọi Khối 8406 tại Việt Nam).
Đầu tháng 7, Khối 6411 kêu gọi dân chúng kéo ra công trường Tahrir Square, nơi từng diễn ra các cuộc biểu tình lật đổ Hosni Mubarak, áp lực Hội đồng Quân nhân nhanh chóng có chương trình dân chủ hoá đất nước. Các cuộc biểu dương này có sự tham dự của hai lực lượng Hồi gíáo Brotherhood và Salafist đã làm cho các tướng lãnh lo ngại.
Ngày 23/7 một cuộc xô xát đã diễn ra tại Cairo giữa những người được các tướng lãnh ủng hộ và các nhóm cấp tiến làm 300 người bị thương.
Nhóm biểu tình tố cáo chính quyền quân nhân từ ngày nắm quyền đã bắt giữ và đưa ra tòa 10,000 người lấy lý do làm mất trật tự xã hội, trong khi đó chưa làm một thủ tục pháp lý nào đối với Mubarak và những viên chức chính quyền cũ từng phạm tội tham nhũng. Họ tố cáo Mubarak đã ra lệnh đàn áp biểu tình làm thiệt mạng 800 (không kể những nhà đối lập chính trị chết dưới tay ông trong 30 năm cầm quyền).
Đòi hỏi này buộc Hội đồng Quân nhân đưa Mubarak ra tòa hôm 3/8. Tòa án thiết lập tại Viện đào tạo sĩ quan cảnh sát ở ngoại ô Cairo được 3000  cảnh sát và 30 thiết giáp xa bảo vệ.Trước đó luật sư của Mubarak yêu cầu đình hoãn phiên tòa vì sức khỏe của bị cáo, nhưng các tướng lãnh bác bỏ yêu cầu này sau khi khám bệnh cho ông. Ông được trực thăng chở đến tòa. Giường ông  nằm được đặt trong một chiếc phòng bọc lưới sắt.
Trước tòa án thân nhân nạn nhân bị giết chết trong các cuộc biểu tình đòi chính quyền quân nhân triệt để thi hành công lý.
Phiên tòa được trực tiếp truyền hình bởi chính đài truyền hình quốc gia từng là phương tiện thông tin của ông Mubarak khi ông và gia đình còn ở đỉnh cao quyền lực là một kích thích hiếm có làm thỏa lòng tự ái của quần chúng .
Trước tòa công tố viện đọc cáo trạng buộc ông Mubarak tội lạm dụng quyền lực và ông Chánh án Ahmed Refaat hỏi ông Mubarak: “Ông trả lời thế nào về lời buộc tội?” Ông Mubarak cầm máy vi âm quả quyết trả lời: “Tôi bác bỏ các tội danh ghi trong cáo trạng”. Tòa hoãn xử cho đến ngày 15/8.
Sự trình diễn phiên tòa là mục tiêu của Hội đồng Quân nhân. Do quan hệ đặc biệt của Mubarak đối với thế giới Tây phương nhất là Hoa Kỳ, ngưòi ta sẽ tránh một bản án nặng nề và sự thi hành bản  án như sự treo cổ công khai ông Saddam Hussein. Ông Mubarak thi hành chính sách độc tài, đàn áp đối lập, nhưng ông đã hợp tác với Hoa Kỳ trong việc duy trì một quan hệ không bùng nổ giữa thế  giới Tây phương và khối Hồi giáo. Ông Mubarak đã 83 tuổi, và áp lực của sự buồn phiền tinh thần có thể làm ông chết trước khi vụ án ông kết thúc. Và đó có thể là sự chờ đợi của mọi người, kể cả quần chúng hận thù ông. Công lý đã được thi hành phần nào khi dân chúng và thế giới chứng kiến ông Mubarak nằm trong cũi sắt trước tòa.
Tiếng vang và hình ảnh phiên tòa của Mubarak có tác động vượt ra khỏi biên giới Ai Cập, sẽ có tác dụng mạnh mẽ đến tình hình Lybia, Syria, Yemen và các nước A Rập trong vùng. Kadafi của Libya, Bashar al-Assad của Syria và Ali Abdullah Saleh của Yemen thấy có áp lực phải quyết định nhanh chóng giải quyết sự đòi hỏi của các lực lượng dân chủ dùng dằng kéo dài nửa năm qua gây ra nhiều thương vong vẫn chưa có giải pháp.
Hình ảnh Mubarak trong cũi sắt trước tòa án công lý còn có ảnh hưởng xa hơn thế giới A Rập. Nó dội đến các quốc gia độc tài như Bắc Hàn, Miến Điện, Việt Nam … mà hình ảnh đàn áp những người  đòi dân chủ từng làm thế giới kinh ngạc .
Tại Việt Nam năm 1991 sau khi khối cộng sản Đông Âu và Liên bang Xô viết sụp đổ các sĩ quan trong lực lượng đàn áp chính yếu là công an đã có dấu hiệu nhẹ tay và o bế quần chúng nghĩ rằng chế độ sẽ sụp đổ và họ phải đối diện với công lý. Nhưng cơn lốc thổi qua, chế độ cộng sản tại Việt Nam vẫn còn trụ được.
Yên tâm, các đảng viên cao cấp của đảng lợi dụng chức vụ và tròng tréo hành chánh cướp ruộng cướp đất của dân, gian nhân hợp đảng, kéo bè kéo cánh, lớn ăn lớn nhỏ ăn nhỏ, tham nhũng hàng trăm triệu mỹ kim công qũy, và các lực lượng công an trở lại thái độ hung hãn như trước.
Ảnh nguồn OntheNet

Hình ảnh làm thế giới xúc động và toàn dân bất mãn nhất là hình ảnh một sĩ quan công an mặt thường phục dùng chân đạp lên mặt một thanh niên biểu tình chống Trung quốc lấn biển lấn đảo của Việt Nam trong tháng 7/2011 tại Hà Nội. Và còn biết bao nhiêu sự việc đau lòng khác như công an đánh đập sinh viên Nguyễn Tiến Nam tại chợ Đồng Xuân năm 2008 khi anh biểu tình chống Trung quốc sát nhập Hoàng Sa và Trường Sa thành quận huyện của Trung quốc. Và các hành động dã man của chính quyền dùng bọn xã hội đen hành hung và bỏ tù cô gái trẻ tuổi Phạm Thanh Nghiên chân yếu tay mềm. Tệ hại hơn là dựng án tưởng tượng để bịt miệng Blogger Điều Cày Nguyễn Văn Hải và giam giữ anh trong những điều kiện tồi tệ đến nổi anh mất một cánh tay … Đó là chỉ kể vài trường hợp điển hình.
Các nhà lãnh đạo Hà Nội cần nhìn vào hình ảnh cựu tổng thống Hosni Mubarak bị nhốt trong cũi sắt trước tòa án tại Cairo để nhớ rằng: “Thiên bất dung gian. Lưới trời lồng lộng, sưa  mà chẳng lọt”.
 
Trần Bình Nam
August  6, 2011