VIDEO - Cán bộ Phường Giáp Bát: không có văn bản vẫn đi vận động cấm biểu tình của UBND TP Hà Nội?
Trưa nay, khi anh em bạn bè đang đến đầy nhà chúc mừng con gái thứ 4 của tôi ra đời, thì bên ngoài có những gương mặt “lạ” nhòm ngó. Chuyện có những người lạ nhòm ngó vào nhà hoặc đặt camera từ nhà Tổ trưởng dân phố chĩa vào nhà tôi là chuyện thường, chẳng có gì phải đáng quan tâm, mình làm việc đúng theo pháp luật chẳng có gì phải sợ, còn những người đạp lên pháp luật thì đành chịu thua luật rừng thôi.
Tôi đi ra ngoài xem người đó là ai thì gặp một đoàn gồm Tổ trưởng dân phố Mai Xuân Kỳ, ông này ở đối diện nhà mình, người gốc công giáo ở Thanh Hóa, do chuyện kiện tụng nhà đất nào đó với Bưu điện Thanh Hóa rồi cả nhà chuyển ra đây. Được “cơ cấu” làm tổ trưởng dân phố, nghe đâu mỗi tháng được mấy trăm bạc tiền trách nhiệm. Kể ra tuổi đó mà kiếm được tháng mấy trăm cũng là khá rồi nên ông khá nhiệt tình. Đi cùng có Trưởng ban Mặt Trận Tổ Quốc Phường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, một cô làm văn phòng, một người phụ trách văn hóa…
Về ông Tổ trưởng dân phố này cũng có cái lạ. Những ngày ông mới ra lo đi kiện cáo về đất cát của ở trong Thanh Hóa, ông là nạn nhân. Nhưng khi được Phường cơ cấu làm Tổ trưởng dân phố, ông bỗng nhiên thấy mình quan trọng. Một lần đứa hàng xóm nhà mình đánh nhau, ông ra xưng xưng là: “Ông là chính quyền đây”, tôi bảo “Nó đang điên lên và đang cầm dao, ông tránh ra không nó đâm bỏ mẹ ông bây giờ”.
Trận lụt 2008, mấy ngày liền không thấy cán bộ nào đến thăm dân đang ngâm da ngâm xương, sáng hôm đó, thấy ông tí tởn vác một thùng mì tôm về, hỏi thì ông nói là mì tôm cứu trợ theo tiêu chuẩn cán bộ, mình viết bài “Hà Nội lụt ngày thứ 5: TGM Giuse Ngô Quang Kiệt thăm hỏi đồng bào bị nạn lụt” có nói đến vấn đề này.
Từ đó ông có vẻ khó chịu khi gặp mình, nhà mình không được bình bầu là gia đình văn hóa, mỗi lần có họp tổ dân phố, ông chỉ bảo vợ mình là tối nay họp có báo cáo nếu anh Vinh không đi được thì chị đi được thì đi mà không thì thôi cũng được.
Thấy tôi, Tổ trưởng dân phố bảo: “À, ông Vinh đây rồi, đoàn đang muốn đến nhà ông”. Tôi hỏi ngay: “Đến nhà tôi có việc gì? tôi đang bận”. Chú cảnh sát khu vực: “Thôi anh cứ về nhà rồi nói nội dung”.
Tôi về nhà, rót nước mời cả đoàn, mấy anh em đến thăm cháu nhỏ thấy đông người cũng ngồi cùng nói chuyện. Mở đầu, công an khu vực giới thiệu ông Trưởng ban Mặt trận Tổ Quốc Phường, ông Chủ tịch hội Cựu chiến binh, ông Tổ trưởng dân phố, anh phụ trách văn hóa, chị văn phòng ủy ban và cảnh sát khu vực. Tôi có ý kiến ngay: “Thứ nhất, tôi không là hội viên hội Cựu chiến binh, không nằm trong đoàn thể đảng phái nào thuộc MTTQ, nên tôi không có trách nhiệm tiếp Cựu chiến binh và Mặt trận Tổ Quốc, nếu có tôi chỉ làm việc với người thay mặt UBND Phường”. CSKV bảo rằng đây là đoàn do UBND cử xuống.
Mở đầu, ông Chủ tịch cựu chiến binh nói rằng: “Hiện nay, có chỉ thị của Ủy ban Nhân dân Thành phố cấm biểu tình chống Trung Quốc nên chúng tôi đến đây vận động gia đình không tham gia”.
Tôi hỏi ngay: “Đề nghị anh cho tôi xem cái chỉ thị đó. Ai dám cấm biểu tình đã được Hiến pháp quy định? Trong đất nước này Hiến pháp đã quy định quyền biểu tình là quyền của người dân, Ủy ban nào đã ban hành cấm biểu tình là ủy ban đó đã đi ngược lại Hiến pháp, đang dẫm đạp lên Hiến pháp ở điều 69. Vậy anh Viêm đã nói có chỉ thị của UBNDTPHN, đề nghị anh cho tôi xem cái chỉ thị đó xem ai ký, đúng pháp luật hay không, vi hiến hay hợp hiến?”.
Ông Tổ trưởng dân phố chen vào: “Đây là cái thông báo ở trên Tivi”.
Ông cựu chiến binh trả lời: “Tôi không có chỉ thị đó, không mang ở đây nhưng trên Tivi và Báo Hà Nội mới có đăng”. Tôi nói ngay: “Nếu anh không có chỉ thị đó, mà đi vận động thì anh vận động cái gì? Muốn làm việc phải căn cứ trên văn bản pháp luật chứ không thể qua Tivi hoặc báo Hà Nội mới. Tôi không tin Tivi và Báo Hà Nội mới, vì tôi đã có kinh nghiệm về các báo đài này dựng những chuyện không có thật. Đây là buổi làm việc, vậy tất cả phải căn cứ trên Hiến Pháp và Pháp luật chứ không thể qua những thông tin mơ hồ như thế. Nếu Đài TH và Báo HNM có đăng chỉ thị về chống mại dâm, ma túy các ông cũng đến nhà tôi à?”.
Ông Cựu chiến binh nói: “Lẽ dĩ nhiên anh đòi hỏi văn bản đó là đúng nguyên tắc, nhưng chúng tôi đến trao đổi với anh vì đây là ý kiến cấp trên. Chúng tôi trong khu dân cư, nhưng mỗi người có một nhận thức riêng của mình”.
Tôi hỏi: “Hôm nay các bác đi tất cả các gia đình trong Tổ dân phố hay chỉ mỗi nhà tôi?”.
Ông tổ trưởng dân phố cho biết cả cụm chỉ có đến nhà tôi, tôi phản đối: “Tôi phản đối sự phân biệt đối xử với công dân như thế này”. Ông ấy giải thích là cả phường chỉ có anh tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Tôi bảo: “Nếu như cả một Phường mà chỉ có một người đi biểu thị lòng yêu nước, thì đấy chính là sự đau lòng, là nỗi đau của dân tộc, của đất nước chúng ta khi mọi người đều vô cảm với vận mệnh dân tộc, đất nước với chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc đang có nguy cơ bị xâm lược. Nhưng, nếu chỉ có tôi đi biểu tình biểu thị lòng yêu nước, thì Phường nên coi đó là điều vinh hạnh, vì ít nhất trong Phường cũng có một người yêu nước”.
Một người được giới thiệu là cán bộ phường mặc chiếc quần ngủ và áo phông được giới thiệu là phụ trách văn hóa mang máy ảnh chụp trộm, bạn tôi và tôi phản ứng ngay: “Anh vào nhà để nói chuyện mà tự động chụp ảnh là không được, ở đây chỉ có tôi là chủ nhà có quyền đó thôi”. Anh ta phải cất máy ảnh.
Bạn tôi và tôi góp ý: Anh xưng là cán bộ Văn hóa phường, đến nhà dân đi làm nhiệm vụ mà mang quần ngủ áo phông như thế này là không được. Văn hóa ở đâu khi cán bộ như thế này? Anh ta xin lỗi và giải thích là vừa đi tham gia chạy giải về và được huy động đi nên đi thôi chưa kịp thay quần áo.
Tiếp đến, ông cựu chiến binh, ông Mặt trận Phường giải thích: “Chúng tôi cũng bức xúc vì chuyện biên giới, hải đảo, nhưng mỗi người có một cách hành động khác nhau, chúng tôi chỉ vận động anh không đi biểu tình vì có chỉ thị cấm biểu tình, còn nghe hay không là việc của anh. Còn việc làm của anh là đúng thực chất của vấn đề”.
Tôi đáp: “Vâng, các bác xác định việc làm của tôi đúng là được thôi, không có vấn đề gì. Còn việc tôi nghe hay không là việc của tôi, tôi là một công dân, tôi có quyền lợi và nghĩa vụ theo Hiến Pháp quy định ở điều 69 là quyền được biểu tình theo Pháp luật quy định, qua 19 năm nay mới chỉ có Hiến Pháp quy định mà chưa có văn bản pháp luật nào cấm, nghĩa là người dân cứ căn cứ vào Hiến pháp mà thi hành đến khi có văn bản Pháp luật có quy định khác và các ông không thể nói chuyện cấm biểu tình vì thể hiện lòng yêu nước. Còn hiện nay ông cũng không có văn bản chỉ thị cấm như ông đã nói đó, thì ông vận động cái gì? Còn tôi, tôi đã đọc, đó là văn bản Thông báo không có cơ sở Pháp luật vì không có người ký, không có đối tượng được thông báo chỉ là văn bản đóng dấu treo, vì vậy nó không có giá trị mà Phường phải tổ chức một đoàn thế này à? Tôi phản đối việc sử dụng tiền của sức lực xã hội và của nhân dân vào những việc làm vô ích như thế này”.
Để giảm không khí căng thẳng, bạn tôi nói đùa: “Góp ý với các bác, là nhà anh Vinh đang có việc sinh cháu và chúng tôi đến chúc mừng, lẽ ra để thể hiện sự quan tâm đến người dân, thì các bác nên chuẩn bị một cái phong bì để thể hiện sự quan tâm”. Ông cựu chiến binh nghe nhầm và đáp: “Tôi sẽ không nhận” mọi người cười ồ.
Trong khi đó, cô văn phòng UBND Phường ngồi ghi Biên Bản.
Ghi xong cô văn phòng phường đưa tôi xem để ký.
Tôi ý kiến ngay: “Đây không phải là vụ việc hình sự, vụ án hoặc hành chính, mà chỉ là như các ông nói là đoàn đến vận động, vận động thì lập biên bản là không đúng. Trong văn bản này cũng ghi rõ là “Chỉ thị của UBNDTP chống biểu tình” nhưng không có văn bản đó. Thứ hai, trong biên bản ở đây ghi là đồng chí nọ đồng chí kia… Tôi không phải là đảng viên, không phải nằm trong mặt trận, không phải công an, do vậy tôi đồng chí với các anh chỗ nào khi tôi biểu thị lòng yêu nước còn các anh đi vận động không biểu tình yêu nước”?
Đến đây, đoàn cán bộ đề nghị lập lại văn bản khác vì là Bản Ghi nhớ vì văn bản kia sửa chữa quá nhiều để về có cơ sở báo cáo cấp trên. Cô văn phòng Ủy ban nhân dân ngồi lập lại văn bản.
Văn bản được lập lại, tôi ghi rõ: Chưa có văn bản có giá trị pháp luật nào cấm biểu tình. Tôi chỉ làm những việc mà Hiến pháp và pháp luật không cấm.
Văn bản ký xong, tôi đề nghị có một bản, ông Cựu chiến binh, chú cảnh sát khu vực hứa thứ 2 sẽ chuyển đến cho tôi.
Tôi có ý kiến cuối cùng: “Việc đi biểu tình thể hiện lòng yêu nước của công dân là việc làm chính đáng, tôi có thể đi được hoặc có thể bận không đi được, nếu có điều kiện, tôi vẫn sẽ đi đến khi nào có văn bản của nhà nước ghi rằng Biểu tình yêu nước là vi phạm pháp luật, tôi sẽ thôi. Nhưng theo quan điểm của tôi đó là việc làm rất tốt. Về phương diện pháp luật chưa có văn bản nào có giá trị pháp luật cấm biểu tình. Nếu muốn người dân không đi biểu tình, Phường nên làm một quyết định đúng pháp luật “Cấm đi biểu tình chống Trung Quốc” đưa tôi, tôi chấp hành ngay khỏi phải tốn thì giờ và tiền bạc của nhân dân như thế này”.
Mọi người ra về, tôi mời mọi người uống chén rượu mừng cháu nhỏ mới ra đời, ông Cựu chiến binh lớn tiếng: “Tôi về, mời thì phải tự do chứ không thể ép buộc được”. Tôi đáp: “Bác chưa gặp thôi, chứ công an thường xuyên mời kiểu ép buộc như vậy đấy, không tin thì cứ hỏi Công an xem, tôi đã gặp trường hợp mời ngoài ý muốn như vậy quá nhiều lần rồi đấy”
Hôm nay, cả TP Hà Nội sẽ có bao nhiêu đoàn của bao nhiêu phường như đã đến nhà tôi và nhân dân lại phải chi bao nhiêu tiền để cho những việc làm vô bổ này, thậm chí không phải là vô bổ mà theo tôi là có hại, vi phạm pháp luật nghiêm trọng?.
Một bản thông báo không có giá trị pháp lý mà làm cả Thành phố sôi động và mất công ăn việc làm biết bao nhiêu người, ảnh hưởng đời sống nhân dân và tiêu tốn tiền của nhan dân như thế này, ai chịu trách nhiệm?
Video cuộc làm việc hôm nay: