UNCLOS: CÔNG CỤ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG
Lê Viết Đỉnh, theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Tình hình tranh chấp Biển Đông hai
tuần lễ qua trở nên căng thẳng hơn khi hàng trăm tàu đánh cá của Trung
Quốc, được sự hỗ trợ của các tàu hải giám tập trung ở bãi cạn
Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, như một sự thách thức
nhằm khẳng định chủ quyền vùng biển này. Phản ứng của Philippines là kêu
gọi đồng minh chiến lược Hoa Kỳ hỗ trợ thêm về vũ khí, tàu chiến để đối
phó.
Gần đây Trung Quốc cũng đã cho trực thăng
bay sát các tàu đánh cá Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của
chúng ta như một sự đe dọa. Các vụ bắt ngư dân Việt Nam đánh cá tại một
số ngư trường truyền thống ngày càng nghiêm trọng đang làm nóng lên các
vùng biển đang tranh chấp chủ quyền.
Cũng vào thời điểm này, Ủy ban Đối ngoại
Thượng viện Mỹ đã tổ chức buổi điều trần về Công ước Liên Hiệp Quốc về
Luật Biển. Phát biểu tại cuộc điều trần, ba quan chức cao cấp gồm Ngoại
trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta và Chủ tịch Hội
đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Dempsey, đã trình bày những lợi
ích kinh tế và an ninh của việc phê chuẩn công ước này cũng như những
thiệt hại của việc chậm phê chuẩn gây ra.
Ngay sau đó, báo chí Trung Quốc cho rằng
một trong những lý do khiến Mỹ có thể tham gia công ước của Liên Hiệp
Quốc về Luật Biển sau một thời gian đứng bên lề là nhằm “tìm chỗ dựa về
pháp lý để can thiệp vào tình hình Biển Đông, tranh quyền chủ đạo ở châu
Á – Thái Bình Dương”.
Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
(United Nations Convention on Law of the Sea – UNCLOS) được ký kết ngày
10-12-1982, nên còn gọi UNCLOS 1982, và có hiệu lực từ ngày 16-11-1994,
đến nay đã có 157 quốc gia và Cộng đồng châu Âu (EC) tham gia UNCLOS.
UNCLOS gồm 17 phần với 320 điều khoản, 9
phụ lục với hơn 100 điều khoản và 4 nghị quyết kèm theo. Đây là một bộ
các quy định về sử dụng biển và đại dương trên thế giới. Sau Hiến chương
Liên Hiệp Quốc, UNCLOS là văn kiện pháp lý đa phương quan trọng nhất
trong lịch sử của Liên Hiệp Quốc, với việc thiết lập một cách cụ thể và
rõ ràng khái niệm, quy chế cũng như phạm vi các vùng biển thuộc chủ
quyền quốc gia của các nước.
Những nội dung quan trọng
Những điều khoản quan trọng nhất của
UNCLOS quy định về việc thiết lập các giới hạn, giao thông đường biển,
trạng thái biển đảo, và các chế độ quá cảnh, các vùng đặc quyền kinh
tế, quyền tài phán thềm lục địa, khai khoáng lòng biển sâu, chính sách
khai thác, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, và dàn xếp các
tranh chấp.
Công ước đặt ra giới hạn cho nhiều khu
vực, tính từ một đường cơ sở được định nghĩa kỹ càng (thông thường, một
đường biển cơ sở chạy theo đường bờ biển khi thủy triều xuống, nhưng khi
đường bờ biển bị thụt sâu, có đảo ven bờ, hoặc đường bờ biển rất không
ổn định, có thể sử dụng các đường thẳng làm đường cơ sở), bao gồm các
khu vực dưới đây:
Nội thủy
Bao phủ tất cả vùng biển và đường thủy ở
bên trong đường cơ sở (phía đất liền). Tại đây, quốc gia ven biển được
tự do áp đặt luật, kiểm soát việc sử dụng, và sử dụng mọi tài nguyên.
Các tàu thuyền nước ngoài không có quyền đi lại tự do trong các vùng nội
thủy.
Lãnh hải
Vùng nằm ngoài đường cơ sở có chiều ngang
12 hải lý. Tại đây, quốc gia ven biển được quyền tự do đặt luật, kiểm
soát việc sử dụng, và sử dụng mọi tài nguyên. Các tàu thuyền nước ngoài
được quyền qua lại không gây hại” mà không cần xin phép nước chủ. Đánh
cá, làm ô nhiễm, dùng vũ khí, và do thám không được xếp vào dạng “không
gây hại”. Nước chủ cũng có thể tạm thời cấm việc “qua lại không gây hại”
này tại một số vùng trong lãnh hải của mình khi cần bảo vệ an ninh.
Vùng đặc quyền kinh tế
Rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Trong vùng này, quốc gia ven biển được hưởng độc quyền trong việc khai
thác đối với tất cả các tài nguyên thiên nhiên. Khái niệm vùng đặc quyền
kinh tế được đưa ra để ngừng các cuộc xung đột về quyền dầu mỏ cũng đã
trở nên một vấn đề quan trọng. Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ngoài
có quyền tự do đi lại bằng đường thủy và đường không, tuân theo sự kiểm
soát của quốc gia ven biển. Nước ngoài cũng có thể đặt các đường ống
ngầm và cáp ngầm.
Thềm lục địa
Được định nghĩa là vành đai mở rộng của
lãnh thổ đất cho tới mép lục địa (continental margin), hoặc 200 hải lý
tính từ đường cơ sở. Thềm lục địa của một quốc gia có thể kéo ra ngoài
200 hải lý cho đến mép tự nhiên của lục địa, nhưng không được vượt quá
350 hải lý, không được vượt ra ngoài đường đẳng sâu 2.500m một khoảng
cách quá 100 hải lý. Tại đây, nước chủ có độc quyền khai thác khoáng sản
và các nguyên liệu không phải sinh vật sống.
Bên cạnh các điều khoản định nghĩa các
ranh giới trên biển, công ước còn thiết lập các nghĩa vụ tổng quát cho
việc bảo vệ môi trường biển và bảo vệ quyền tự do nghiên cứu khoa học
trên biển.
Công ước cũng tạo ra một cơ chế pháp lý
mới cho việc kiểm soát khai thác tài nguyên khoáng sản tại các lòng biển
sâu nằm ngoài thẩm quyền quốc gia, được thực hiện qua Ủy ban Đáy biển
Quốc tế (International Seabed Authority).
Các nước không có biển được quyền có
đường ra biển mà không bị đánh thuế giao thông bởi các nước trên tuyến
đường nối với biển đó.
Việt Nam và UNCLOS
Việt Nam là một trong 130 nước bỏ phiếu
thông qua và sau đó cùng 118 nước khác ký UNCLOS năm 1982 tại Vịnh
Montego (Jamaica). Ngày 23-6-1994, Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê
chuẩn và trở thành thành viên thứ 63 của UNCLOS.
Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển
là công cụ pháp lý quan trọng để Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
Nằm ven Biển Đông và là một trong những quốc gia có bờ biển dài trong
khu vực (khoảng 3.260km), theo các quy định của UNCLOS, Việt Nam được mở
rộng chủ quyền, các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của mình ra
các vùng biển và thềm lục địa rộng khoảng 1 triệu km².
Là thành viên UNCLOS, Việt Nam có nghĩa
vụ phải giải quyết các tranh chấp theo các quy định của UNCLOS. Cụ thể,
Việt Nam có quyền xác định các vùng biển và thềm lục địa theo UNCLOS
nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ tiến hành phân định các vùng biển và
thềm lục địa ở những khu vực chồng lấn với các nước láng giềng.
Để thực hiện quyền này của UNCLOS, Việt
Nam xây dựng Báo cáo Quốc gia trình Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa
của Liên Hiệp Quốc để bảo đảm quyền lợi của quốc gia, bảo vệ quyền của
Việt Nam đối với thềm lục địa vượt quá 200 hải lý; đồng thời có cơ sở
khoa học để đưa ra các quy định về ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh
tế và thềm lục địa Việt Nam.
Đầu tháng 5-2009, Việt Nam nộp báo cáo
chung với Malaysia về khu vực thềm lục địa mở rộng ở phía Nam và báo cáo
riêng của Việt Nam về khu vực thềm lục địa ở khu vực phía Bắc. Quan
điểm pháp lý cơ bản trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam là khẳng định
chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng
định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với
các vùng biển và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS…
Thời gian qua, đặc biệt sau khi UNCLOS có
hiệu lực, Việt Nam đã giải quyết được một loạt vấn đề về phân định biển
với các quốc gia láng giềng. Việt Nam đã phân định ranh giới biển với
Thái Lan năm 1997; phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm
lục địa trong Vịnh Bắc bộ với Trung Quốc năm 2000; phân định ranh giới
thềm lục địa với Indonesia năm 2003. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thỏa
thuận tiến hành hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với
Malaysia năm 1992; vùng nước lịch sử với Campuchia năm 1982.
Trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN 17
diễn ra tại Hà Nội năm 2010, chúng ta đã kêu gọi các bên giải quyết
tranh chấp qua các văn bản ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc trên cơ sở
của UNCLOS và DOC, hướng tới xây dựng một văn bản có tính ràng buộc pháp
lý là COC (Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông) cũng dựa trên cơ sở
của UNCLOS.
Trong phiên họp toàn thể tại Diễn đàn
Kinh tế Thế giới về Đông Á họp tại Bangkok hôm 1-6-2012, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng cho rằng các bên liên quan trong tranh chấp Biển Đông
phải tìm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là phải
tuân thủ DOC và công ước quốc tế về Luật Biển UNCLOS.
Hiện nay COC đang trong thời kỳ đối thoại
và tranh luận để đi đến một sự đồng thuận. Mục tiêu mà ASEAN nhắm đến
là sẽ có COC vào năm 2012 này nhân kỷ niệm 10 năm ra đời DOC.
Nhưng điều này xem ra không dễ dàng khi
thái độ của Trung Quốc chưa cho thấy họ mặn mà với một văn kiện ràng
buộc pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.