samedi 16 juin 2012

Thủ tướng: ‘Vinalines cần rút kinh nghiệm’

Cập nhật: 19:15 GMT - thứ sáu, 15 tháng 6, 2012


Thủ tướng Dũng giao Bộ Tài chính đánh giá chính xác tình hình tài chính Vinalines. 

Thông báo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên web văn phòng chính phủ ra ngày 14/06 đánh giá Vinalines đang gặp rất nhiều khó khăn và cần ‘rút kinh nghiệm’ từ tiêu cực và sai phạm.
Tuy nhiên phần mở đầu của kết luận của Thủ tướng dẫn lời ông Dũng khẳng định “việc tiếp tục củng cố và phát triển Vinalines trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết”.
Điểm đáng chú ý là nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm là do điều mà thông báo này gọi là việc “nội bộ mất đoàn kết và sai phạm, tiêu cực trong quản lý sản xuất kinh doanh”.
"Đặc biệt trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Vinalines không thực hiện đúng pháp luật về đầu tư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ" Thông báo Văn phòng Chính phủ
“Đặc biệt trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Vinalines không thực hiện đúng pháp luật về đầu tư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, gây thiệt hại về kinh tế, mất lòng tin của xã hội”, thông báo nói thêm.
Trong thông báo này, Thủ tướng Dũng giao Bộ Tài chính phân tích và báo cáo cho điều ông gọi là việc “đánh giá đầy đủ, chính xác thực trạng tình hình tài chính của Vinalines”.
Thông báo được đăng tải trong bối cảnh báo chí trong nước đang đi tìm bức tranh thật về thực trạng “nhảy múa số liệu” trong báo cáo tài chính của tập đoàn này.
“Số liệu Tổng thanh tra Chính phủ công bố trước Quốc hội cũng không khớp với kết luận của chính cơ quan này phát đi cuối tháng 4 cũng như những thông tin Văn phòng Chính phủ công bố cuối tháng 5”, Vnexpress đưa tin ngày 15/06.
Báo này dẫn một nguồn từ văn phòng chính phủ muốn ẩn danh nói “nếu áp dụng đầy đủ các quy tắc kế toán trong điều kiện thông thường, việc Vinalines lỗ lớn là có thật”.
Nguồn ẩn danh này cũng nói về khả năng có “những phương pháp hạch toán khác nhau mà số liệu giữa các báo cáo có thể không khớp”.

‘Cần minh bạch’

Công an Việt Nam nói đang truy nã ông Dương Chí Dũng
Trong diễn biến khác vào ngày 15/06, nhu cầu về độ minh bạch tài chính của doanh nghiệp nhà nước nói chung được đưa ra trong ngày cuối cùng chất vấn tại quốc hội.
Đại biểu Trần Du Lịch từ Tp HCM nói rằng “Muốn tăng tính công khai, minh bạch thì phương thức là Thủ tướng sẽ buộc một số tập đoàn, tổng công ty công bố thông tin giống như các công ty niêm yết thị trường chứng khoán vì phù hợp với sở hữu toàn dân, với xã hội, mọi người dễ giám sát”.
“Tôi nhớ rằng, Thủ tướng trong một số lần đã đề cập và đồng tình. Nhưng xin hỏi Phó Thủ tướng, sao cho đến nay không làm”, ông Dân biểu Trần Du Lịch chất vấn.
"Muốn tăng tính công khai, minh bạch thì phương thức là Thủ tướng sẽ buộc một số tập đoàn, tổng công ty công bố thông tin giống như các công ty niêm yết thị trường chứng khoán." Trần Du Lịch, Đại biểu đoàn Tp HCM
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phản hồi rằng đã yêu cầu các tổng công ty và tập đoàn công khai minh bạch “trong thời gian tới” và rằng việc “chậm trễ vừa qua có nguyên nhân khách quan phải chuẩn bị những điều kiện tốt hơn nữa”.
Ông Phúc khẳng định rằng “vấn đề nợ xấu hiện nay có một phần của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặc biệt là một số tập đoàn làm ăn thua lỗ, thất thoát trong thời gian qua”.
Tuy nhiên Phó Thủ tướng này nói rằng “tôi vừa hỏi đồng chí Bình [Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình] thì tỷ lệ không phải là cao nên nguyên nhân chính của nợ xấu ngân hàng không phải là từ những tập đoàn thua lỗ này.
Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Bộ Tài chính công bố gần đầy cho biết số nợ của các DNNN lên tới hơn 415.000 tỷ đồng (khoảng 20 tỷ đôla) và trong số nợ của các DNNN, nợ xấu chiếm khoảng 20% - 30%.
Giới quan sát nhận định số tài sản ghi trên sổ sách của DNNN ảo rất lớn và muốn đánh giá đúng phải cần thanh tra.